| Hotline: 0983.970.780

Trưởng thôn - Anh là ai?

Thứ Ba 14/06/2011 , 09:05 (GMT+7)

Xưa, trưởng thôn gắn liền với hình ảnh "người vác tù và hàng tổng". Nay, hình ảnh ấy vẫn đúng nhưng chưa đủ bởi nhiều nơi, để ngồi được vào ghế trưởng thôn thì đó là cả một cuộc chiến. Trưởng thôn - anh là ai? Nhóm phóng viên NNVN đã tìm hiểu và phác họa vài nét về họ.

 Xưa, trưởng thôn gắn liền với hình ảnh "người vác tù và hàng tổng". Nay, hình ảnh ấy vẫn đúng nhưng chưa đủ bởi nhiều nơi, để ngồi được vào ghế trưởng thôn thì đó là cả một cuộc chiến. Trưởng thôn - anh là ai? Nhóm phóng viên NNVN đã tìm hiểu và phác họa vài nét về họ.

Ghế nóng ghế lạnh

Ngồi vào ghế trưởng thôn lợi lộc gì mà người ta tranh nhau ghê thế? Nhiều chứ, được tham gia ký bán đất, được quản lý tiền đóng góp, “ngân sách” thôn. Ý kiến của họ về việc triển khai dự án hay không cũng quan trọng lắm chứ. Thế là có lộc rồi. Lộc nhiều thế nên thủ đoạn là thứ không bao giờ thiếu...  

Trối chết tranh cử trưởng thôn 

Xã Cự Khê, huyện Thanh Oai (Hà Nội) xưa nay là địa phương thuần nông với những đặc thù rõ rệt của đồng bằng Bắc bộ. Đồng ruộng, làng nghề, sản xuất chăn nuôi… nhưng độ vài năm nay làng quê vốn yên bình này quay cuồng trong cơn lốc đô thị hóa. Các dự án ồ ạt tràn về dường như khiến tất cả mọi thứ ở Cự Khê đều nóng lên. Đến như cái chức trưởng thôn xưa nay vốn bị người ta lạnh nhạt cũng bắt đầu có giá. 

Chuyện “nóng” đầu tiên về ghế trưởng thôn ở đây mà tôi nghe, buồn thay lại là chuyện…đánh người. Có người bảo sự việc đấy là cuộc chiến của hai thế lực, người khác lại bảo là sự trù dập những kẻ không chịu làm cánh tay dài của xã… Thôi thì đủ cách lý giải theo kiểu “nhiều chuyện” vốn là đặc sản của các làng quê. Nhưng dù lý do gì đi nữa cũng chỉ để thêm mắm muối vào cuộc đua làm trưởng thôn hết sức nóng bỏng.  

Bà Sang hãi hùng nhớ lại trận đòn khi tranh cử trưởng thôn Khúc Thủy

Thôn Khúc Thủy nằm bên bờ sông Nhuệ đang đen ngòm vì hệ lụy của những dự án công nghiệp. Nhưng sự ô nhiễm của dòng sông chẳng nhằm nhò gì với một vấn đề còn thời sự hơn gấp bội: Ai sẽ ngồi ghế trưởng thôn? Vì sao chức trưởng thôn ở Khúc Thủy lại “nóng” đến thế? Dân ở ngôi làng cổ này giải thích với tôi rằng nguyên nhân chính là bởi làm trưởng thôn ở thời điểm này có giá lắm.  

“Các dự án xây dựng đổ về, tấc đất tấc vàng thì làm chân “vác tù và” ở Khúc Thủy và nhiều thôn khác trong xã Cự Khê thậm chí có thể thành đại gia chứ chẳng chơi. Và dường như đó cũng là sự giải thích những cuộc tranh cử quyết liệt, thậm chí người ta có thể đánh nhau để ngồi vào ghế lý trưởng thời nay”, một người dân cho biết. 

Tôi đến nhà bà Đặng Kim Sang từ địa chỉ ghi trên lá đơn kêu cứu khẩn cấp gửi tới tòa báo. Vẻ mặt thất thần cùng một đống thuốc thang là hậu quả của việc bà Sang vô tình “tham chiến” vào cuộc đua chiếc ghế trưởng thôn năm ngoái. Đó là thời điểm kỷ lục khi Khúc Thủy có tới gần 30 ứng viên tham gia vào cuộc chạy đua làm cán bộ thôn. Thời điểm từ cổng làng đến ngoài đồng ngoài bãi người ta chỉ có một chủ đề xem ai sẽ là “cụ Lý” trong nhiệm kỳ mới.  

Làng cổ Khúc Thủy có lịch sử mấy trăm năm và ghế trưởng thôn quan trọng hơn cả mấy ghế cán bộ xã, huyện. Bà Sang tham dự chạy đua vào ghế trưởng thôn không phải vì giấc mơ có được chiếc xe SH hàng trăm triệu như ở thôn bên cạnh. Bà bảo dù không muốn nhưng vẫn cố là vì lời khẩn cầu của nhiều hộ dân ở Khúc Thủy. Trước thời điểm bầu trưởng thôn năm ngoái, nhiều người đến năn nỉ bà Sang ra ứng cử để “cứu” họ bởi đây là thời điểm trong thôn có nhiều nhập nhèm về đất đai.  

Các dự án gần như lấy hết đất sản xuất, nhiều người dân nhìn nhận thấy bất lợi cố công níu giữ. Kêu xã, kêu huyện chẳng ăn thua cuối cùng họ chỉ trông chờ vào trưởng thôn. Thế nhưng nguyện vọng ấy cũng bị thách thức ghê gớm lắm. “Dân Khúc Thủy họ lo sợ những đồng tiền từ dự án có thể biến “người mình nhưng chẳng bảo vệ quyền lợi cho mình”. Mà sợ cũng phải thôi bởi trước bầu cử nhiều người dân chẳng tín nhiệm nhưng được xã bật đèn xanh cài vào tự ứng cử”, bà Sang phân tích. 

Ngồi vào ghế trưởng thôn lợi lộc gì mà người ta tranh nhau ghê thế? “Nhiều chứ, được tham gia ký bán đất, được quản lý tiền đóng góp, “ngân sách” thôn. Ý kiến của họ về việc triển khai dự án hay không cũng quan trọng lắm chứ. Thế là có lộc rồi”. Lộc nhiều thế nên thủ đoạn là thứ không bao giờ thiếu. Bà Sang tố cáo rằng: Cuối năm 2009 bà được dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn nhưng sau đó không hiểu vì sao kết quả lại bị hủy.  

Tháng 1/2010 bà được mời xuống nhà văn hóa thôn cùng với những ứng viên khác để hiệp thương chuẩn bị bầu lại. Chẳng biết vai trò cuộc hiệp thương đến đâu nhưng phía ngoài nhà văn hóa thôn rất nhiều lời lẽ vô văn hóa liên tục ném vào cuộc họp. Một đám người cứ hò hét đe dọa: Nếu mụ Sang làm trưởng thôn bọn tao sẽ giết. Một số khác lại hô hào: Phải để bà Sang làm trưởng thôn mới cứu được đất.  

Cuộc chiến bằng miệng lên đến cao trào cho đến khi bà Sang trình bày lý do: Dân bầu thì tôi làm. Chỉ chờ có thế, ấm chén, lọ hoa, ghế nhựa… đều trở thành vũ khí cho một cuộc hỗn chiến. Một cuộc hỗn chiến xảy ra trong cuộc họp, ngay trước mặt lãnh đạo xã Cự Khê về tham gia… chỉ đạo. Chỉ đến lúc ứng viên chiếm ưu thế nhất nằm xuống trong vũng máu thì nhóm côn đồ mới hục hặc bỏ đi. Riêng cái chuyện đánh nhau làm trưởng thôn cũng lắm sự lạ. Dân trong thôn khẳng định, lý do ứng viên sáng giá nhất bị đánh là vì nếu trúng cử bà Sang sẽ làm…rất tốt.  

Lời khẳng định có phần ngược đời ấy không phải vô căn cứ bởi mấy năm trước bà Sang đã từng làm trưởng thôn một khóa. Cảm thấy mình phải có trách nhiệm với niềm tin của bà con nên bà đứng ra đấu tranh nhiều vụ tham nhũng tại địa phương. Việc làm đó biến vị trưởng thôn được dân tín nhiệm trở thành cái gai trong mắt của một số người đã bị “phế”. Ứng cử đợt này dù được 60% số phiếu nhưng trước ngày công bố chẳng hiểu sao ông Chủ tịch UBND xã lại tuyên bố số phiếu bầu không hợp lệ. Kể lại chuyện ấy bà Sang cứ than buồn. Không phải buồn vì mình không được làm trưởng thôn mà buồn ở chỗ dân bây giờ họ không tín nhiệm những người ngồi vào ghế trưởng thôn theo kiểu “cánh tay dài” của xã. 

Nghèo không làm được  

Chuyện đánh nhau để ngồi “ghế nóng trưởng thôn” như ở Cự Khê là lạ nhưng cũng có người chép miệng ao ước có được sự “cạnh tranh” như thế bởi ở địa phương họ chức trưởng thôn chẳng ma nào thèm.

Xã Văn Phong (huyện Nho Quan, Ninh Bình) là một trong những nơi chức trưởng thôn bị "hắt hủi" như thế. Hơn 20 năm làm trưởng thôn Chát, ông Bùi Xuân Trịnh đúc kết ngắn gọn: Làm trưởng thôn khổ hơn làm Chủ tịch xã.  

Tôi tin đấy không phải là lời nói lúc cao hứng bởi quãng thời gian gắn với nghiệp trưởng thôn đến mức kỷ lục của ông Trịnh là một sự đảm bảo cho lời tâm sự ấy rồi. Ông Trịnh gọi chức trưởng thôn của mình là nghiệp và công việc hàng ngày là những việc không tên. “Việc làng, việc xã, việc thôn đến việc từng gia đình đều đến tay. Nửa đêm mất trật tự cũng gọi trưởng thôn, vợ chồng, hàng xóm xích mích cũng gọi trưởng thôn… Thậm chí lắm vụ lúa má có vấn đề, trâu bò đổ bệnh cũng gọi trưởng thôn nốt”.  

Có lẽ chính từ những việc không tên kiểu ấy nên ông Trịnh mới dám nói làm trưởng thôn khổ hơn Chủ tịch xã: “Làm cán bộ xã quản lý cả xã thật đấy, nhưng họ còn được nghỉ. Chứ trưởng thôn thì chẳng có giới hạn nào cả. Mình gần dân nhất thì dân họ kêu thôi". Một phần tư cuộc đời làm trưởng thôn, ông Trịnh không thiếu những câu chuyện bi hài để giải thích việc chức lý trưởng thời nay ở mấy vùng quê như Văn Phong bị bạc đãi.  

Khổ nhất là trưởng thôn đi phát giấy mời và…họp. Có nhũng ngày đi họp 6- 7 cuộc liền. Hết họp lại phải đi phổ biến cho bà con. “Tóm lại nếu gia đình kinh tế khó khăn mà làm trưởng thôn nữa thì chết đói”. Cũng may ông Trịnh là bộ đội phục viên, lại là đội trưởng đội sản xuất của xã nên cuộc sống gia đình chẳng đến nỗi nào. Vì thế, dù có đôi lần bà vợ hằn học vì “việc nhà không lo đi lo việc thiên hạ” nhưng cuối cùng đâu lại vào đấy vì cứ đến kỳ bầu cử là dân lại…tín nhiệm. 

“Có hàng trăm lý do để người ta giành nhau ghế trưởng thôn nhưng cũng chừng ấy lý do để người ta chán. Có tiền thì họ đua nhau, giành giật nhau làm. Còn những vùng như quê tôi thì trúng cử trưởng thôn mà trong bụng lo thon thót. Nhưng được cái làm trưởng thôn những nơi như quê tôi thì dân họ quý lắm”, ông Trịnh phân tích.

Năm trước trong thôn có đôi vợ chồng sinh chuyện cãi vã. Người chồng đóng cửa đánh đập vợ không cho ai vào can thiệp. Láng giềng chẳng biết kêu ai bèn gõ cửa nhà trưởng thôn. Nửa đêm lọ mọ chạy đến ông Trịnh xanh mặt khi nghe tuyên bố: Chuyện nhà tao, trưởng thôn mà động vào tao cũng đánh. Miệng hét tay cầm gậy ông chồng cứ nhằm ông Trịnh đòi phang. Hãi hùng đến mức ấy, vậy mà khi kể lại ông trưởng thôn Chát vẫn tỉnh bơ: Chuyện thường ngày thôi. 

Mà đâu chỉ mình ông Trịnh khổ vì cái nghiệp trưởng thôn. Ở Văn Phong cứ 5 ông trưởng thôn thì đã có 4 người phàn nàn làm trưởng thôn vì bất đắc dĩ, vì trách nhiệm với xóm làng chứ thực tâm họ muốn nghỉ lắm rồi. “Bà con tín nhiệm bầu thì phải làm chứ mất công mất việc lắm. Tiếng là trưởng thôn nhưng phải làm quần quật, nếu chỉ trông vào mấy đồng phụ cấp thì chết. Dân tôi đúc kết, nếu nghèo chẳng làm được trưởng thôn đâu”.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ học sinh Khánh Sơn ngộ độc: Phát hiện rong biển cơm cuộn có vi khuẩn

Cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đã kết thúc điều tra, chỉ ra nguyên nhân 29 học sinh ở huyện Khánh Sơn bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm cuộn.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm