| Hotline: 0983.970.780

Truy trách nhiệm Chính phủ về đổ bể "con tàu" Vinashin

Thứ Ba 02/11/2010 , 08:58 (GMT+7)

Tại phiên thảo luận về tình hình KT-XH, nhiều ĐBQH rốt ráo đề nghị phải làm rõ trách nhiệm cụ thể trước những hạn chế, yếu kém trong chỉ đạo, điều hành; đặc biệt là sự đổ bể của Vinashin.

* Vinashin là giọt nước làm tràn ly, bộc lộ rõ sự quan liêu, yếu kém, thiếu trách nhiệm.

* Đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm các thành viên Chính phủ liên quan

Tại phiên thảo luận về tình hình KT-XH hôm qua (1/11), nhiều ĐBQH rốt ráo đề nghị phải làm rõ trách nhiệm cụ thể trước những hạn chế, yếu kém trong chỉ đạo, điều hành; đặc biệt là sự đổ bể của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin).

ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đã dành trọn cả 7 phút “trút giận” Vinashin. Ông cho rằng Vinashin sụp đổ đã trút lên vai đồng bào món nợ khổng lồ không dưới 100.000 tỷ đồng. “Món nợ mà một tỉnh thu nhập cỡ 1.000 tỷ đồng/năm phải làm quần quật không mua sắm, ăn uống, may mặc gì suốt một thế kỷ mới trả nổi (?!) Đối với đồng bào nhiều nơi nhất là nông thôn, miền núi thì trả món nợ khổng lồ này có nghĩa là chậm làm đường, làm cầu, xây trường, xây bệnh viện… Sai phạm trong chỉ đạo điều hành thì đã rõ, nhưng có một câu hỏi đến nay vẫn chưa có câu trả lời là, ngoài lãnh đạo Vinashin còn những ai phải chịu trách nhiệm về những sai phạm này?”-ĐB Thuyết truy vấn. 

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết phát biểu tại hội trường Quốc hội

Ông Thuyết nêu: “Báo cáo của Chính phủ cho biết Chính phủ có trách nhiệm và đã nghiêm túc kiểm điểm, nhưng cụ thể kiểm điểm thế nào? Theo tôi hiểu trong trường hợp này các thành viên Chính phủ có liên quan phải kiểm điểm và nhận kỷ luật trước Quốc hội - cơ quan đại diện nhân dân cả nước bầu ra mình. Không thể chỉ nhận khuyết điểm một cách chung chung và tuyên bố đã kiểm điểm nội bộ là rũ xong trách nhiệm”.

Nhân vụ việc này, ĐB Nguyễn Minh Thuyết nhớ đến vụ án Lã Thị Kim Oanh ở Bộ NN-PTNT cách đây hơn 6 năm. “Vì áp dụng những siêu cơ chế cho công ty của Lã Thị Kim Oanh dẫn đến thất thoát trên 100 tỷ đồng mà một vị Bộ trưởng đang rất được lòng dân, được lòng đại biểu Quốc hội đã phải từ chức và 2 vị Thứ trưởng đã phải ra trước vành móng ngựa. Vinashin là một kiểu Lã Thị Kim Oanh “phóng đại” cỡ 1.000 lần”-ông Thuyết phê phán.

Cũng theo ĐB này thì thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm nay, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã nhận định có dấu hiệu bao che cho những sai trái, vi phạm pháp luật của Vinashin, làm thiệt hại lớn đến tiền và tài sản Nhà nước. Nhưng ai bao che? Bao che thế nào? Vì nguyên nhân gì? Nhằm mục đích gì và phải chịu trách nhiệm ra sao thì Ủy ban Tư pháp chưa có điều kiện kết luận.

"Tôi đề nghị Quốc hội biểu quyết thành lập Ủy ban lâm thời điều tra trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong vụ việc này. Trên cơ sở đó vào thời gian cuối kỳ họp bỏ phiếu tín nhiệm Thủ tướng và một số thành viên Chính phủ có liên quan. Để tạo điều kiện cho công tác điều tra của Ủy ban lâm thời, tôi đề nghị Quốc hội tạm đình chỉ chức vụ của các vị cần phải điều tra" - ông Thuyết nói kiên quyết. Cũng theo ông Thuyết, khi đề cập đến Vinashin, ông cảm thấy "rất đau xót nhưng chúng ta xử lý nghiêm vụ việc này thì mới thể hiện được sự công minh của pháp luật, đảm bảo cho kinh tế phát triển bền vững và lấy lại được niềm tin của nhân dân".

Khẳng định Vinashin là hậu quả “sản phẩm” của việc thí điểm tập đoàn kinh tế Nhà nước, ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội)  đã đặt hàng loạt câu hỏi xung quanh trách nhiệm của Chính phủ: “Ai đã cho phép Vinashin phát hành trái phiếu với lượng tiền lớn như vậy? Ai cho phép Vinashin vay vượt hạn mức quy định của một khách hàng theo quy định của luật là 15% vốn điều lệ của ngân hàng. Và ai đã để Vinashin đầu tư tràn lan như vậy?”. Bà Loan nhấn mạnh: “Tại sao đã có 11 đoàn vào kiểm tra, giám sát nhưng vẫn không phát hiện ra sai phạm? Quốc hội đã có quyết định đưa Vinashin vào danh sách giám sát từ năm 2009 nhưng Chính phủ vẫn đề nghị để hoãn lại, cho Thanh tra Chính phủ làm việc trước và cho đến bây giờ kiểm toán Nhà nước của Quốc hội vẫn chưa vào kiểm toán được. Vấn đề là ai sẽ là người chịu trách nhiệm cuối cùng?”.

Phân tích nguyên nhân, ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hoá) cho rằng, sự cố Vinashin đã được cảnh báo sớm về kết quả quản lý yếu kém, tiêu cực. Nhưng vì có biểu hiện bao che, ưu ái, nuông chiều nên cái “u nhọt” lâu ngày đã vỡ tung để lại hậu quả hết sức nặng nề. “Tổng vay nợ có thể lên đến con số 120 nghìn tỷ đồng, bình quân mỗi công dân Việt Nam từ lớn đến bé, từ người giàu đến người nghèo phải gánh nợ cho Vinashin khoảng 1,5 triệu đồng”.

Ông Cuông nhấn mạnh: “Vinashin là giọt nước làm tràn ly, bộc lộ rõ trình độ quan liêu, yếu kém, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý vốn, tài sản Nhà nước của Chính phủ. Chính phủ đã đứng ra bảo lãnh cho tập đoàn này được vay hàng tỷ đôla trái phiếu quốc tế, tạo điều kiện cho họ mang tiền Nhà nước đi “tung hoành” khắp đó đây, “thu gom” nhiều xí nghiệp làm ăn thua lỗ về, thành lập đến 200 công ty con, công ty cháu. Thật khó hiểu. Đặc biệt hai lần Thanh tra Chính phủ đề nghị được vào cuộc, nhưng đã bị chặn lại. Kể từ năm 2006 đến năm 2009, có tới 11 đoàn đến làm việc nhưng vẫn không phát hiện ra được “căn bệnh hiểm nghèo” của Vinashin”.

Trước không khí nghị trường càng “nóng” vì Vinashin, cả Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng và Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền đều lên tiếng trần tình. Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng nói: “Là Bộ chủ quản của Vinashin, chúng tôi nhận trách nhiệm chưa giám sát chặt chẽ việc đầu tư của Tập đoàn này”.

Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho là chưa có cuộc thanh tra toàn diện Vinashin nên mới chưa phát hiện được đầy đủ, kịp thời, sai phạm của Vinashin và “lỗi này là do cơ chế chứ không phải có sự đùn đẩy, nhùng nhằng về trách nhiệm ở đây. Dưới góc độ là của chúng tôi, thì chúng tôi chưa thấy Chính phủ có dấu hiệu bao che gì ở Vinashin. Vậy tôi xin báo cáo để QH xem xét”(!).

Chốt lời phát biểu, ĐB Lê Văn Cuông tán thành ý kiến ĐB Nguyễn Minh Thuyết đề nghị Quốc hội tại kỳ họp này cần thành lập Ủy ban lâm thời theo quy định của pháp luật, để điều tra xác làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan đến vụ tiêu cực ở Vinashin, nhằm ngăn chặn kịp thời các tập đoàn kinh tế lũng đoạn Nhà nước.

Bên cạnh việc chỉ ra những tồn tại, yếu kém của Chính phủ, các ĐB cũng bày tỏ sự lo ngại  về việc tái cấu trúc Vinashin. ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) cho biết: “Nhiều cử tri hiện nay đang quan tâm nhiều hơn về các vấn đề của “hậu” Vinashin. Tái cấu trúc Vinashin không chỉ là bán bớt tài sản của Vinashin để trả nợ, thu hẹp ngành nghề và thay đổi nhân sự lãnh đạo tập đoàn. Sau Vinashin này liệu còn những Vinashin nào khác? Về vụ việc này đề nghị Chính phủ cần nghiêm túc có lời đáp thỏa đáng với cử tri cả nước".

ĐB Nguyễn Văn Sỹ (Quảng Nam) cũng bày tỏ ý kiến đồng tình. Theo ông Sỹ, từ Vinashin, chúng ta cần nghiêm túc chấn chỉnh, nhanh chóng xây dựng cơ chế kiểm soát và giám sát chặt chẽ các tập đoàn kinh tế Nhà nước để tránh vấn đề tương tự. 

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Xuất khẩu nông sản 4 tháng đạt hơn 19 tỷ USD

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, do có sự chuẩn bị, dự báo chính xác nên 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt hơn 19 tỷ USD (tăng hơn 23%).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Đội Bình nghĩa sĩ Hà thành muôn thuở chẳng phai mờ

Ông Đặng Đình Tân - nguyên Phó Bí thư thường trực Huyện uỷ cho biết, để ghi công cụ Đội Bình, tổng Đại Bối đổi tên thành tổng Đội Bình, nay là xã Đội Bình.