| Hotline: 0983.970.780

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hai hướng về cùng một đích

Thứ Sáu 17/09/2021 , 14:12 (GMT+7)

Bình Định hiện đang truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo hai hướng ‘chuỗi sản phẩm an toàn’ và ‘sản phẩm an toàn theo chuỗi’, cả hai hướng đều cùng đích đến là ATVSTP.

Theo ông Hồ Phước Hoàn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Bình Định, hiện việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) theo chuỗi trên địa bàn theo hai hướng, hướng thứ nhất là đi từ quy trình sản xuất đến chế biến để cho ra sản phẩm an toàn, hướng này gọi là “chuỗi sản xuất an toàn”. Hướng thứ hai là có sản phẩm rồi mới truy xuất ngược lại; từ sản phẩm cụ thể, cơ quan chức năng truy xuất ngược về quy trình sản xuất đến nguồn nguyên liệu, hướng này gọi là “sản phẩm an toàn theo chuỗi”.

Ví như khi truy xuất sản phẩm nem chả theo chuỗi sản xuất an toàn, cơ quan chức năng phải tìm hiểu nguồn thịt nguyên liệu cơ sở sản xuất mua ở đâu, cơ sở giết mổ cung cấp nguồn nguyên liệu ấy có giấy phép hoạt động không, điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm của cơ sở giết mổ ấy như thế nào. Con heo khi mổ thịt có đảm bảo an toàn không hay mua heo chết về làm.

“Cơ sở sản xuất nem chả phải khai báo tất cả những thông tin nói trên trong hồ sơ khi đăng ký để được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đồng thời tự chịu trách nhiệm nội dung trong báo cáo. Mẫu đơn có sẵn trên website của Chi cục, chỉ cần tải xuống, điền vào rồi gửi ngược lại qua hệ thống trực tuyến chứ không cần phải đi đến cơ quan chức năng khai báo bằng giấy viết tay như trước đây”, ông Hồ Phước Hoàn chia sẻ.

Sản phẩm cá ngừ đại dương tại Bình Định. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Sản phẩm cá ngừ đại dương tại Bình Định. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đặc biệt, khi cấp giấy chứng nhận “sản phẩm an toàn theo chuỗi” là việc truy xuất đi ngược với cách làm nêu trên, cơ quan chức năng phải thực hiện quy trình theo trình tự rất chặt chẽ, đầy đủ thủ tục. Ví như chuỗi sản phẩm cá ngừ đại dương, cơ quan chức năng sẽ truy xuất từ  ATVSTP của lát cá ngược về quy trình chế biến và hoạt động đánh bắt, bảo quản sản phẩm trên tàu cá của ngư dân, sau đó mới cấp chứng nhận “sản phẩm an toàn theo chuỗi”.

Khi cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm ấy rồi, cơ quan chức năng sẽ báo cáo ra Bộ NN-PTNT, sau đó, sản phẩm ấy được đưa lên địa chỉ “nông nghiệp xanh” trên website của Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản thuộc Bộ NN-PTNT. Địa chỉ “nông nghiệp xanh” thể hiện đầy đủ các sản phẩm đã được cấp chứng nhận an toàn theo chuỗi trên cả nước.

“Hiện ở Bình Định có 40 sản phẩm đã được Chi Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn theo chuỗi và hiện đã có mặt trên địa chỉ “nông nghiệp xanh” của website của Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản”, ông Hồ Phước Hoàn cho biết.

Theo ông Hoàn, truy xuất nguồn gốc là giải pháp minh bạch thông tin giúp người tiêu dùng hiểu rõ và an tâm về hàng hóa đã chọn; giúp doanh nghiệp quản lý nguồn gốc theo chuỗi giá trị, tăng sức cạnh tranh trên thị trường; ngoài ra, cơ quan quản lý có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác.

Truy xuất nguồn gốc chuẩn phải thể hiện được chuỗi liên kết giá trị sản phẩm, thông tin sản phẩm từ nguyên liệu đầu vào cho tới chế biến và tiêu thụ, gồm các thông tin như đơn vị gia công, sản xuất, đóng gói cho đến khi làm ra sản phẩm đó.

Sản phẩm nem, chả Chợ Huyện, 1 trong những món đặc sản của Bình Định. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Sản phẩm nem, chả Chợ Huyện, 1 trong những món đặc sản của Bình Định. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xây dựng mô hình áp dụng và chứng nhận truy xuất nguồn gốc, đảm bảo yêu cầu xuất khẩu, nâng cao chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa. Qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh”, ông Hồ Phước Hoàn khẳng định.

Lợi ích của việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm là rất thiết thực, thêm vào đó, những thủ tục để tiến hành các thủ tục ngày càng tinh giảm tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Càng thuận lợi hơn khi cơ quan chức năng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện cải cách hành chính, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và kinh doanh các sản phẩm nông lâm và thủy sản trên địa bàn đỡ phải mất thời gian đi làm thủ tục, giảm được nhiều khoản chi phí đi lại.

“Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành, việc đi lại bị hạn chế do nhiều địa phương phải thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ để phòng, chống dịch Covid-19, những thuận lợi do ứng dụng công nghệ thông tin mang lại càng được thể hiện rõ rệt. Tuy nhiên, một hạn chế còn tồn tại là ngoài những doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn đang áp dụng tốt công nghệ thông tin vào thủ tục hành chính thì những cơ sở sản xuất nhỏ vẫn còn quen với cách làm cũ, là làm theo “giấy bút” chứ chưa thông qua hệ thống trực tuyến vì họ không quen sử dụng máy tính nên việc đăng ký trực tuyến còn khó khăn”, ông Hồ Phước Hoàn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Bình Định cho biết.

Xem thêm
Thủ tướng tặng quà, động viên công nhân thi công tuyến đường cao tốc huyết mạch

Thị sát các dự án đường cao tốc, Thủ tướng nhắc nhở các địa phương chú trọng xây dựng các khu tái định cư, bảo đảm người dân có cuộc sống tốt nhất.

Ứng phó khô hạn, Ninh Thuận đề ra nhiều giải pháp đảm bảo nước tưới

Dự báo vụ hè thu 2024 ở Ninh Thuận sẽ gặp khó do nắng nóng dẫn đến nguy cơ thiếu nước tưới, ngành chức đã đề ra nhiều giải pháp linh hoạt.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Người vùng cát trắng…

Vùng cát trắng trên miền đất lửa Quảng Trị hôm nay đã phần nào bớt đi những ám ảnh, thay vào đó là khát vọng lớn lao để vươn lên trên chính quê hương mình.

Bình luận mới nhất