| Hotline: 0983.970.780

Tu sửa cao tốc Nội Bài - Lào Cai có đảm bảo chất lượng?

Thứ Năm 27/05/2021 , 11:04 (GMT+7)

Dấu hiệu cắt xén khối lượng, thi công không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của đơn vị sửa chữa tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn từ Km150 - 237.

Đơn vị thi công cào bóc mặt đường cũ không đảm bảo độ sâu. Ảnh cắt từ clip

Đơn vị thi công cào bóc mặt đường cũ không đảm bảo độ sâu. Ảnh cắt từ clip

Có dấu hiệu cắt xén, không đảm bảo chất lượng

Từ tháng 12/2020 - 4/2021, Công ty Cổ phần đường cao tốc Việt Nam (VECS) nhận một số quyết định về việc phê duyệt phương án và dự toán sửa chữa hư hỏng mặt đường của Tổng công ty đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Trong đó, quyết định số 282/QĐ-VEC ngày 28/12/2020 phê duyệt phương án và dự toán sửa chữa hư hỏng mặt đường nhiều vị trí từ Km162+924 đến Km237+254; Quyết định số 131/QĐ-VEC ngày 14/04/2021 quyết định phương án và dự toán sửa chữa khẩn cấp hư hỏng mặt đường nhiều đoạn từ Km150+200 đến Km150+800 thuộc cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Tại những quyết định này nêu rõ những yêu cầu cụ thể về mặt kỹ thuật như: Cào bóc mặt đường bê tông nhựa chiều dày trung bình 5cm; tiến hành vệ sinh, làm sạch bề mặt vị trí hư hỏng sau khi cào bóc. Thi công hoàn trả mặt đường mới: Tưới nhựa dính bám với định lượng 0,5kg/m2; rải nhựa mịn bê tông mịn C12.5 với độ dày 5cm…

Giá trị dự toán để thực hiện sửa chữa những đoạn đường bị hỏng, xuống cấp trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai nêu trong mỗi quyết định là gần nửa tỷ đồng. Giám đốc VECS chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện, quản lý, sử dụng chi phí và bảo hành công trình theo quy định. Còn Giám đốc Trung tâm giám sát khai thác vận hành đường cao tốc Việt Nam (VECM) chịu trách nhiệm quản lý giám sát đơn vị thực hiện theo phương án, dự toán được phê duyệt và nghiệm thu khối lượng theo khối lượng thực tế thi công.

Tuy nhiên, quá trình thi công, sửa chữa khẩn cấp mặt đường hư hỏng trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai có những dấu hiệu cho thấy việc duy tu, sửa chữa không đảm bảo chất lượng.

Một số đoạn, đơn vị thi công chỉ cào bóc mặt đường bê tông nhựa sơ sài, với độ sâu chỉ 2,5cm đến 3,0cm, không đảm bảo độ sâu cào bóc như yêu cầu kỹ thuật đã nêu rõ trong các quyết định cào bóc với chiều dày trung bình 5cm.

Việc vệ sinh, làm sạch bề mặt vị trí hư hỏng sau khi cào bóc cũng chưa được đảm bảo. Đặc biệt, đơn vị thi công tổ chức thực hiện hoàn trả mặt đường trong điều kiện thời tiết không được phép triển khai sửa chữa. Quá trình rải bê tông nhựa được đơn vị này thực hiện ngay cả khi trời đang mưa. Thi công trong điều kiện thời tiết như vậy sẽ khiến phần tiếp giáp giữa bê tông nhựa và lớp kế tiếp ẩm ướt, bụi bẩn dẫn tới không dính bám làm giảm chất lượng, dễ bong tróc.

Việc hoàn trả lượng bê tông nhựa sau hoàn trả chỉ đạt khoảng 2,5 cm đến 3,0 cm, có hiện tượng hao hụt 2,5 cm đến 2 cm so với yêu cầu khi độ dày phải đủ 5cm.

Đơn vị thi công rải nhựa mặt đường không đảm bảo kỹ thuật, bất chấp thời tiết khi trời đang đổ mưa.

Ai chịu trách nhiệm?

Từ những dấu hiệu nêu trên cho thấy đơn vị thi công có dấu hiệu cắt xén khối lượng bê tông nhựa cần hoàn trả mặt đường. Chưa kể, khi vận chuyển bê tông nhựa nóng C12.5 từ xa di chuyển đến điểm xử lý, gặp thời tiết mưa bất lợi, nhiệt độ cần thiết để đảm bảo kết dính đã bị giảm.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi duy tu, sửa chữa, cao tốc Nội Bài – Lào Cai lại xuất hiện điểm lồi, lõm, sóng mặt đường… ở chính điểm sửa chữa. Hệ lụy sau này chính người tham gia giao thông sẽ phải gánh chịu khi di chuyển trên những cung đường mất an toàn giao thông như vậy.

Với những dấu hiệu bất thường nêu trên, dư luận đặt câu hỏi phải chăng lãnh đạo của VECS đã buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm giám sát quá trình triển khai sửa chữa những đoạn đường hư hỏng trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai?

Đơn vị thi công sửa chữa đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai cào bóc mặt đường cũ không đạt yêu cầu. Ảnh cắt từ clip

Đơn vị thi công sửa chữa đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai cào bóc mặt đường cũ không đạt yêu cầu. Ảnh cắt từ clip

Từ những sai sót kỹ thuật cơ bản của đơn vị thi công cũng cho thấy VECS đã lựa chọn đơn vị không đủ năng lực để thực hiện sửa chữa tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Đặc biệt là  thi công ẩu, có dấu hiệu cắt xén khối lượng thi công, nguyên vật liệu. Vậy nguồn lợi bất chính thu được từ chênh lệch này sẽ rơi vào túi ai?

Lo ngại nhất là chất lượng đường xấu, không đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông, nếu xảy ra tai nạn, ai sẽ chịu trách nhiệm về những thiệt hại về tài sản, thậm chí về con người. Trong khi đó, mỗi ngày trên những đoạn đường sửa chữa này, hàng nghìn phương tiện lưu thông đi qua.

Cao tốc Nội Bài – Lào Cai từng được mệnh danh là cao tốc dài nhất Việt Nam, đi qua 5 tỉnh, thành với tổng vốn đầu tư lên đến gần 1,5 tỷ USD được đưa vào khai thác từ tháng 09/2014.

Tuy nhiên, từ khi khai thác đến nay, con đường này xuất hiện vô số vệt hằn lún, hư hỏng mặt đường. Mặc dù được sửa chữa, vá lại nhưng với những dấu hiệu thi công cẩu thả nói trên, không rõ chất lượng công trình vừa mới sửa chữa sẽ trụ được đến khi nào.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.