| Hotline: 0983.970.780

Tương lai nào cho dưa hấu Việt đối với thị trường Trung Quốc

Thứ Năm 24/10/2019 , 10:27 (GMT+7)

Hiện nay, khi Trung Quốc đã “buộc” cho dưa hấu nhiều quy định mới, nếu nông dân không thay đổi tư duy canh tác, thì loại quả này sẽ khó lòng “trụ” vững với thị trường tỷ dân.

Thị trường vẫn rộng mở

Vụ dưa vừa qua, thị trường Trung Quốc “ăn” khá mạnh dưa hấu Việt Nam với giá cả ổn định khiến đầu ra rộng mở, thậm chí có thời điểm giá dưa được thu mua tại ruộng của nông dân “bồng” lên rất cao, đến 11.000đ – 12.000đ/kg.

Nông dân Bình Định đang thu hoạch dưa hấu.

Theo nhiều thương lái, vào cuối tháng 3 âm lịch năm nay, nhu cầu nhập dưa hấu thị trường Trung Quốc tăng mạnh. Hút hàng, nên dưa hấu được thương lái thu mua tại Việt Nam có giá đến 11.000đ – 12.000đ/kg. 1 tháng sau, sức tiêu thụ dưa tại thị trường Trung Quốc “yếu” dần, nhưng giá dưa vẫn còn ở mức 7.000đ – 7.500đ/kg.

Từ cuối tháng 5 âm lịch đến nay, sức mua của Trung Quốc giảm mạnh, nên hiện nay giá dưa chỉ còn 5.000đ/kg. “Dù vậy, với giá 5.000đ/kg, năng suất chỉ cần đạt 35 tấn/ha, thì người trồng dưa đã có lãi khá. Nếu ruộng dưa nào đạt năng suất 40 – 45 tấn/ha thì mức lãi cao hơn”, anh Nguyễn Văn Lê, 1 người chuyên trồng dưa hấu ở huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định), cho biết.

Tuy nhiên, hiện nay phương thức thu mua của thị trường Trung Quốc không còn theo kiểu “hầm bà lằng” như trước đây, mà buộc trước khi đi qua cửa khẩu Lạng Sơn dưa hấu phải được dán tem. Thực ra chuyện này không có gì mới, mà nó đã được chuẩn bị từ giữa năm 2018.

Vào thời điểm ấy Trung Quốc bắt đầu tăng cường công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc đối với trái cây nhập khẩu nói chung, dưa hấu nói riêng, thông qua các quy định yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu của Trung Quốc tiến hành đăng ký mẫu tem nhãn truy xuất nguồn gốc tại cơ quan Hải quan Trung Quốc. Tem nhãn này phải được dán trên các sản phẩm/bao bì trái cây nhập khẩu. Tem nhãn bao gồm thông tin về vườn trồng, cơ sở đóng gói, danh sách vườn trồng, doanh nghiệp đóng gói phải được cơ quan quản lý nước xuất khẩu thông báo chính thức cho Trung Quốc.

“Chở đúng trọng tải thì 1 xe dưa có 25 tấn, bình quân 3kg/trái thì 1 xe dưa có 7.500 quả. Trước khi xe dưa xuất hành tại Việt Nam, chúng tôi liên hệ với người môi giới tại cửa khẩu Lạng Sơn, người này nhận 1 lô tem 9.000 con để dán cho 1 xe dưa gửi về cho mình. Lô tem này có giá 1 triệu đồng, thuê thêm công dán tem lên những quả dưa mất 600.000đ/xe, vị chi 1 xe dưa thương lái tốn thêm chi phí 1,6 triệu đồng nữa.

Khi xe dưa qua đến cửa khẩu, cũng người này lo thủ tục nhập vào thị trường Trung Quốc. Tem bán cho mỗi xe dưa có 1 mã số khác nhau, nên không thể dán cho dưa của xe khác. Nếu xe dưa dán tem 2 mã số khác nhau thì sẽ không được ngành chức năng Trung Quốc chấp nhận.”, ông Lê Đình Chiến, 1 thương lái, chia sẻ.

Nông dân đang dán tem cho dưa hấu trước khi xuất sang thị trường Trung Quốc.

Cũng theo các thương lái, khi dưa hấu được dán nhãn do Trung Quốc cung cấp thuận lợi cho nhân viên hải quan tại hiện trường kiểm tra, cũng như người tiêu dùng lúc mua đều có thể quét mã tìm hiểu nguồn gốc của dưa hấu. Tem mã QR truy xuất nguồn gốc được xem như “chứng minh thư” giúp dưa hấu Việt Nam vào Trung Quốc thong dong.
 

Dư hấu còn “gánh” thêm nhiều quy định mới

Nếu chỉ mỗi quy định buộc dưa hấu phải dán tem trước khi đi vào thị trường Trung Quốc thôi thì thương lái Việt Nam còn “dễ thở”. Đằng này, theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, trong thời gian tới dưa hấu sẽ còn “gánh” thêm nhiều quy định mới còn khắc khe hơn.

Trước đây, dưa hấu của Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc thường được lót rơm để tránh dập, dưa sẽ bị mất chất lượng. Trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ còn yêu cầu dưa hấu Việt Nam phải được đóng thùng khi vận chuyển. Bởi họ nghĩ, dưa hấu nằm lẫn với rơm sẽ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Khi dưa hấu đã buộc phải đóng thùng khi vận chuyển thì sẽ phải tuân theo quy cách là mỗi thùng không nặng quá 10kg và chỉ chứa 3 quả dưa. Như vậy, dưa đúng quy chuẩn xuất khẩu chỉ được quyền nặng hơn 3kg/quả.

“Khi các quy định này được đưa ra thì người trồng dưa đất Việt phải tính tới việc phải SX như thế nào để có được nhưng quả dưa có trọng lượng đúng quy chuẩn, có độ đồng đều cao thì mới đáp ứng được yêu cầu. Nếu không, trong tương lai dưa hấu Việt Nam sẽ bị thị trường thu mua “làm ỏng làm eo”, ông Nguyễn Tiến Lãng, cán bộ Cty TNHH Thương mại Trang Nông, bộc bạch.

Những con tem dán dưa hấu do Trung Quốc phát hành

“Đã đến người trồng dưa hấu ở Việt Nam phải từ bỏ kiểu sản xuất thiên về sản lượng, là “tọng” vào cây dưa muôn thứ thuốc BVTV, thuốc kích thích để cây dưa nhanh to, nhằm đạt năng suất sản lượng cao. Phải nghiên cứu lại quy trình canh tác như thế nào để cho ra những quả dưa có độ đồng đều cao, có trọng lượng đúng quy chuẩn xuất khẩu.

Đặc biệt, người trồng dưa cần tuân thủ là phải dừng dùng thuốc BVTV cho ruộng dưa ít nhất là 10 ngày trước khi thu hoạch, để dưa được đảm bảo tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm, có như vậy dưa hấu của Việt Nam mới “trụ” được với thị trường tiêu thụ lớn là Trung Quốc”, ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, chia sẻ.

  • Tags:
Xem thêm
Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Hỗ trợ doanh nghiệp Việt gia tăng lợi thế cạnh tranh

GEARS@VIETNAM giúp doanh nghiệp tại Việt Nam đo lường và thực hành ESG toàn diện trong quản trị nguồn nhân lực, giúp gia tăng lợi thế cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.