| Hotline: 0983.970.780

Thu hút doanh nghiệp, đánh thức tiềm năng cây dược liệu

Thứ Tư 16/02/2022 , 10:45 (GMT+7)

QUẢNG TRỊ Quảng Trị đang thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, chế biến, hướng tới xuất khẩu nhiều hơn các sản phẩm chế biến sâu từ cây dược liệu.

Liên doanh, liên kết sản xuất cây dược liệu

Địa hình được chia thành nhiều tiểu vùng với điều kiện tự nhiên phù hợp với các loại cây dược liệu có dược tính cao, thời gian qua, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị đã tập trung chỉ đạo các địa phương rà soát, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đồng thời chủ động mời gọi các doanh nghiệp liên doanh, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm.

Mô hình trồng cây chè vằng tập trung theo hướng hữu cơ tại huyện Cam Lộ. Ảnh: CĐ.

Mô hình trồng cây chè vằng tập trung theo hướng hữu cơ tại huyện Cam Lộ. Ảnh: CĐ.

Theo đó, đã hình thành vùng trồng cây chè vằng, cây cà gai leo theo hướng hữu cơ gắn với chuỗi sản phẩm OCOP của địa phương với diện tích gần 80 ha. Năng suất thu hoạch đạt 60 tạ/ha đối với cây chè vằng và 40 tạ/ha đối với cây cà gai leo. Phát triển vùng trồng cây an xoa với diện tích 3,5ha, tiếp tục mở rộng thêm 12ha nhằm đảm bảo nguyên liệu cho việc chế biến, xuất khẩu.

Huyện Cam Lộ cũng đã triển khai trồng mới tập trung 20 ha cây tràm năm gân tại vùng công nghệ cao xã Cam Thủy theo hướng liên kết, cung cấp nguyên liệu cho Hợp tác xã Trường Sơn chế biến tinh dầu. Đặc biệt, huyện đang triển khai kế hoạch trồng mới tập trung khoảng 100 ha quế, tiến tới từng bước hình thành vùng nguyên liệu hữu cơ theo liên kết với Công ty Cổ phần Sản xuất và Xuất khẩu quế hồi Việt Nam (Vinasamex).

Cùng với việc mở rộng diện tích, chất lượng sản phẩm dược liệu cũng được nâng lên đáng kể, nhiều sản phẩm đã được “gắn sao” OCOP cấp tỉnh. Có thể kể đến như cà gai leo, cao cà gai leo giải độc gan của Công ty TNHH Cà gai leo An Xuân; cao chè vằng, cao cà gai leo, cao thìa canh, cao lạc tiên của Công ty TNHH Định Sơn Mai Thị Thủy; tinh chất dược liệu dưỡng da mẹ và bé của HTX Dược liệu Trường Sơn…

Trồng cây cà gai leo theo hướng hữu cơ. Ảnh: CĐ.

Trồng cây cà gai leo theo hướng hữu cơ. Ảnh: CĐ.

Ông Trần Hoài Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ thông tin, cùng với việc phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, người dân còn tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên các loại cây dược liệu trên địa bàn huyện đều phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như cây chè vằng, cà gai leo cho thu nhập khoảng từ 150 - 200 triệu đồng/ha/năm.

Đối với cây an xoa, hiện đã xuất khẩu được hơn 2 tấn cao an xoa sang thị trường Mỹ với giá 1,7 triệu đồng/kg thông qua hợp tác với Công ty Cổ phần Agridynamics Việt Nam, trừ chi phí cho lợi nhuận gần 300 triệu đồng/ha. Đặc biệt đối với cây quế, hiện đang trồng thử nghiệm theo liên kết với Công ty Vinasamex dự kiến sau 4 - 5 năm sẽ cho thu hoạch và ước tính một chu kỳ thu hoạch có thể cho thu nhập lên đến 1 tỉ đồng/ha.

Theo bà Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị, kết quả khảo sát, điều tra trên địa bàn tỉnh bước đầu đã thống kê được hơn 230 loài cây dược liệu. Phân bố trên diện tích hơn 3.555ha, tập trung phần lớn ở các huyện Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh. Trong đó, có khoảng 40 loài dược liệu đã được nghiên cứu ứng dụng, mở rộng quy mô sản xuất, khai thác trong tự nhiên để chế biến và tiêu thụ cùng với hàng trăm loài dược liệu được người dân thu hái để làm thuốc như cây ba kích tím, sa nhân tím, sâm ngọc linh, quế, đẳng sâm, lan kim tuyến, chè vằng, sả, nghệ, đinh lăng, cà gai leo, sâm bố chính…

Sản xuất cao chè vằng tại Công ty TNHH Định Sơn Mai Thị Thủy, huyện Cam Lộ. Ảnh: CĐ.

Sản xuất cao chè vằng tại Công ty TNHH Định Sơn Mai Thị Thủy, huyện Cam Lộ. Ảnh: CĐ.

Một số loài có trữ lượng lớn như nghệ hơn 1.234 tấn/năm, đinh lăng hơn 175 tấn/năm, gừng 413 tấn/năm, sả 2.464 tấn/năm, sắn dây 350 tấn/năm, tinh dầu tràm 2.500 tấn lá/năm (tương đương 4.600 lít dầu tràm/năm). Các doanh nghiệp, cơ sở chế biến hiện đã tạo ra các sản phẩm dược liệu với số lượng lớn như tinh bột nghệ, tinh dầu sả, tinh dầu tràm, cao an xoa, cao lá vằng, chè vằng hòa tan, cao cà gai leo, trà cà gai leo... được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin dùng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hướng đến thị trường xuất khẩu

Ông Trần Hoài Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ cho biết, ngoài sản phẩm cao an xoa đã được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, hiện tại Công ty cổ phần Agridynamics Việt Nam đang tích cực kết nối với phía đối tác để đưa thêm một số sản phẩm dược liệu của huyện Cam Lộ như cao cà gai leo, cao chè vằng, tinh bột nghệ sang Mỹ để giới thiệu và kiểm tra thành phần dược chất.

Khảo sát vùng thí điểm trồng quế tại huyện Cam Lộ. Ảnh: CĐ.

Khảo sát vùng thí điểm trồng quế tại huyện Cam Lộ. Ảnh: CĐ.

Bên cạnh đó, theo biên bản ghi nhớ với Công ty Vinasamex, huyện Cam Lộ cam kết sẽ vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang phát triển vùng trồng quế nguyên liệu hữu cơ có giá trị kinh tế cao. Phấn đấu từ nay đến năm 2025, trồng từ 9.000 - 10.000 ha quế hữu cơ; nghệ, gừng, tiêu hữu cơ với diện tích 30 ha/năm mỗi loại.

Theo ông Linh, huyện Cam Lộ có trên 22.000 ha đất quy hoạch lâm nghiệp, hàng năm diện tích rừng khai thác và cao su đến thời hạn thay thế khoảng 1.500 ha. Do vậy, định hướng của huyện là sẽ dần chuyển đổi diện tích rừng trồng đã khai thác và cao su hết thời hạn khai thác sang trồng quế hữu cơ tập trung.

Trước mắt, huyện Cam Lộ đang triển khai kế hoạch thí điểm phát triển cây quế với diện tích khoảng 100ha trong năm 2022. Trong đó, UBND huyện hỗ trợ 50% chi phí cây giống và phân bón. Về phía Công ty Vinasamex chịu trách nhiệm cử chuyên gia đào tạo kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch theo tiêu chuẩn hữu cơ cho các hộ nông dân trồng quế trên địa bàn huyện Cam Lộ. Đồng thời, cam kết bao tiêu nguyên liệu quế hữu cơ.

Để phát triển vùng nguyên liệu, ngoài diện tích dược liệu trồng tập trung, toàn tỉnh hiện có hơn 126.000ha diện tích rừng tự nhiên và 119.000ha rừng trồng, phân bố ở nhiều vùng địa hình với khí hậu, độ cao phong phú, nhiều diện tích thích hợp để phát triển dược liệu dưới tán rừng. Do vậy, ngoài cây dược liệu hiện có phân bố tự nhiên trong rừng, có thể mở rộng trồng dược liệu dưới tán rừng tự nhiên phòng hộ hiện có 50.000ha, rừng sản xuất 22.000ha và trồng xen trong rừng trồng phòng hộ 14.000ha.

“Từ kết quả sản xuất thử nghiệm năm 2021 nếu cho kết quả tốt sẽ chuyển đổi diện tích đất trồng cây lâm nghiệp, cây cao su sang trồng quế với diện tích tăng hàng năm từ 300 – 500 ha”, ông Linh cho hay.

Mới đây, tại chuyến khảo sát tiềm năng cây dược liệu cùng Sở NN-PTNT Quảng Trị, PGS.TS Trần Văn Ơn, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực dược liệu đã đề nghị tỉnh Quảng Trị cần tập trung vào một số cây dược liệu bản địa như cây chè vằng, cây tràm gió và cây quế.

Theo kế hoạch, năm 2022 huyện Cam Lộ dự kiến trồng thí điểm cây quế với diện tích khoảng 100 ha. Ảnh: CĐ.

Theo kế hoạch, năm 2022 huyện Cam Lộ dự kiến trồng thí điểm cây quế với diện tích khoảng 100 ha. Ảnh: CĐ.

Cụ thể, đối với cây chè vằng, PGS.TS Trần Văn Ơn đề xuất cần nghiên cứu thêm các tác dụng đối với sức khỏe người sử dụng, nâng cao các tiêu chuẩn kỹ thuật, hình thành chuỗi liên kết sản phẩm. Đây dựng các câu chuyện sản phẩm xoay quanh huyền thoại Đức mẹ La Vang để không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn vươn ra thế giới.

Đối với cây tràm gió, cần phát huy những ưu điểm của tinh dầu tràm được chiết xuất từ cây tràm gió bản địa. Đồng thời, đề xuất trồng thử nghiệm thêm các giống quế Trà My, quế Thanh Hóa để đánh giá sự phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và hàm lượng tinh dầu.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị Nguyễn Hồng Phương thông tin, hiện tại ngành nông nghiệp tỉnh đang xây dựng đề án khuyến khích phát triển cây dược liệu gắn với sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, căn cứ kết quả điều tra, đánh giá và bộ tiêu chí lựa chọn, bước đầu đề xuất 14 loài cây dược liệu có tiềm năng phát triển cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển theo trục sản phẩm trên địa bàn tỉnh gồm tràm các loại (tràm gió, tràm năm gân), nghệ, chè vằng, an xoa, bảy lá một hoa, giảo cổ lam, sâm cau, sả, dây thìa canh, sâm bố chính, cà gai leo, khôi tía, đẳng sâm, quế.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị Nguyễn Hồng Phương cho biết, theo kết quả phân tích các cây dược liệu trên địa bàn tỉnh, các chỉ tiêu chất lượng đều tương đương hoặc cao hơn so với các tỉnh khác và bình quân toàn quốc, cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn nguyên liệu cho sản xuất dược liệu.

Trước mắt, đã xác định được 13 loài dược liệu có các hoạt chất nổi trội, hàm lượng các chất tương đương và cao hơn trung bình của các tỉnh thành, gồm tràm gió, sả, nghệ, dây thìa canh, chè vằng, xà gai leo, an xoa, bảy lá một hoa, giảo cổ lam, đẳng sâm, sâm cau, sâm bố chính và lá khôi.

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Cần trợ lực chính sách

Người dân còn e ngại khi lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm bởi chi phí đầu tư cao, trong khi việc bảo quản các trang thiết bị này gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm