| Hotline: 0983.970.780

Tuyên Quang: Điểm sáng trồng rừng

Thứ Sáu 26/10/2018 , 15:01 (GMT+7)

5 năm trở lại đây, tỉnh Tuyên Quang đều đạt và vượt kế hoạch mỗi năm trồng mới hơn 10.000 ha rừng. Rừng được phủ xanh, không chỉ giúp hạn chế được sạt lở, lũ lụt, điều tiết nguồn nước, bảo vệ môi trường sinh thái mà còn giúp cho nhiều hộ dân làm giàu chính đáng.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang, năm 2018, tỉnh trồng được 11.949 ha rừng, đạt 103% kế hoạch năm, trong đó trồng hơn 11.568 ha rừng tập trung và 381 ha cây phân tán.

20-20-35_1
Sau 5 tháng trồng, nhiều diện tích rừng ở Tuyên Quang đã cao từ 1,5 - 2m

Đạt được kết quả này, ngay từ đầu vụ trồng rừng, các cấp ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với các địa phương chỉ đạo, vận động người dân thực hiện tốt công tác trồng rừng. Nhiều địa phương hoàn thành vượt kế hoạch trồng rừng, như huyện Sơn Dương trồng mới được 2.154 ha rừng, đạt 104% kế hoạch, huyện Yên Sơn trồng được 3.398 ha, đạt 105% kế hoạch, huyện Chiêm Hóa trồng được 2.100 ha, đạt 104% kế hoạch…

Ông Tạ Văn Tình, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Yên Sơn cho biết, từ năm 2016 đến nay, huyện thực hiện trồng mới được hơn 9.900 ha rừng. Riêng năm 2018 trồng được gần 3.400 ha. Thực hiện tốt công tác này, từ đầu vụ trồng rừng, UBND huyện chỉ đạo Phòng NN-PTNT cùng UBND các xã, thị trấn rà soát thực địa, sau đó giao kế hoạch cụ thể đến từng địa phương, từng hộ gia đình còn quỹ đất trồng. Nhiều hộ dân thu lãi cả trăm triệu đồng từ rừng. Từ nay đến năm 2020, huyện đề ra mục tiêu trồng mới thêm khoảng 5.600 ha. Với tiến độ như hiện nay, chắc chắn huyện sẽ đạt và vượt mục tiêu đề ra.

Làm nên thành công trong công tác trồng rừng ở Tuyên Quang là do tỉnh thực hiện tốt các chính sách đồng hành cùng người trồng rừng. Chính quyền tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ cây giống chất lượng cao theo Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh.

Theo Nghị quyết này, những hộ có diện tích trồng từ 0,5 ha trở lên chưa tham gia chính sách hỗ trợ nào, diện tích đất trồng là đất trống đã được giao hoặc đủ điều kiện giao thì sẽ được hỗ trợ 100% cây giống; được tư vấn kỹ thuật trồng, chăm sóc.

Từ năm 2016, Công ty cổ phần Nguyên liệu giấy An Hòa đã thực hiện chương trình hỗ trợ cây giống để người dân trồng rừng và cam kết thu mua trực tiếp gỗ nguyên liệu. Sau 2 năm triển khai thực hiện, đã có 1.300 hộ tham gia trồng rừng với tổng diện tích rừng được trồng mới lên tới 3.250 ha...

Gia đình anh Trần Khắc Bảy, thôn Đồng Đài, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương là một trong những hộ trồng rừng lớn nhất xã. Năm 2016, sau khi thu hoạch hơn 10 ha rừng, trừ chi phí gia đình anh thu lãi hơn 400 triệu đồng. Trước đây do chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật nên trồng hơn 10 ha nhưng sản lượng gỗ chỉ bằng 5 ha. Khi Công ty cổ phần Nguyên liệu giấy An Hòa có chính sách hỗ trợ cây giống, anh đăng ký tham gia và được hỗ trợ trồng trên 14,3 ha.

20-20-35_2
Đến ngày 30/9, tỉnh Tuyên Quang đã hoàn thành 103% kế hoạch trồng rừng năm 2018

Được cán bộ kỹ thuật của công ty tư vấn kỹ thuật trồng rừng đảm bảo năng suất, anh bỏ vốn đầu tư làm đường, san ủi đồi, tạo mặt bằng để mở rộng diện tích trồng rừng. Sau 2 năm trồng và chăm sóc, toàn bộ 14,3 ha rừng của gia đình phát triển tốt.

Vụ trồng rừng năm nay, gia đình ông Lương Hải Tuyên, thôn Nặm Kép, xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa đã huy động nhân lực tập trung trồng hơn 1,5 ha keo. Đây là diện tích rừng gia đình ông khai thác xong.

Ông Tuyên cho biết, sau gần 5 tháng trồng, đến nay diện tích keo của gia đình sinh trưởng, phát triển tốt, với chiều cao trung bình đạt hơn 1,5m. Cùng với trồng thay thế, bổ sung kịp thời diện tích rừng đã khai thác, gia đình ông Tuyên đang chăm sóc 2 ha keo 3 năm tuổi, dự tính 4 năm nữa sẽ cho khai thác.

Cùng với cây mía, chè, cam thì cây nguyên liệu giấy đang dần khẳng định được vai trò và thế mạnh trong đời sống của người dân Tuyên Quang. Hiện độ che phủ rừng của tỉnh đạt 64,9%. Việc trồng rừng hiệu quả, giúp tỉnh tiếp tục duy trì thành công vị trí top đầu cả nước.

 

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Những công nghệ 'chia lửa' cho lực lượng giữ rừng

Rừng đầu nguồn đóng vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai. Việc ứng dụng công nghệ trong bảo vệ rừng đầu nguồn giúp nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.