| Hotline: 0983.970.780

Tuyên Quang: Phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa

Thứ Sáu 05/06/2020 , 10:30 (GMT+7)

Phát triển chăn nuôi trang trại đang giúp nền nông nghiệp của Tuyên Quang có bước tiến mới. Nhiều nông dân có của ăn của để, thu lãi cả trăm triệu đồng mỗi năm.

Chăn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh là mục tiêu mà tỉnh Tuyên Quang luôn hướng tới. Ảnh: Đào Thanh.

Chăn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh là mục tiêu mà tỉnh Tuyên Quang luôn hướng tới. Ảnh: Đào Thanh.

Đồng hành cùng nông dân

Hiện nay tỉnh Tuyên Quang có 22 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi, 275 trang trại chăn nuôi, 22 Hợp tác xã chăn nuôi, 1 Hội trang trại. Hoạt động của các doanh nghiệp, Hợp tác xã chăn nuôi, Hội trang trại đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nông nghiệp của tỉnh, tạo việc làm cho người lao động.

Khuyến khích chăn nuôi trang trại phát triển, tỉnh Tuyên Quang đã triển khai nhiều chính sách đồng hành cùng người chăn nuôi. Nổi bật là chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi theo Nghị quyết số 12/2014/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Đến nay tỉnh đã giải ngân cho vay hơn 186 tỷ đồng mua 7.917 con trâu giống/3.738 hộ. Về chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại theo Nghị quyết 10/2014/NQ-HĐND, hỗ trợ tín dụng hơn 171,8 tỷ đồng cho 499 trang trại, trong đó có 142 trang trại chăn nuôi.

Tỉnh cũng triển khai các chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ như, đào tạo đội ngũ dẫn tinh viên, hỗ trợ thụ tinh nhân tạo cho trâu, bò, lợn; hỗ trợ người dân mua con giống có năng suất, chất lượng cao phục vụ sản xuất; mua vắc xin và tiền công tiêm phòng bệnh lở mồm long móng, hỗ trợ xử lý chất thải trong chăn nuôi như bể biogas, đệm lót sinh học...

Chúng tôi đến thăm trang trại chăn nuôi gà sinh sản của anh Trần Văn Phúc ở thôn Hưng Thịnh, xã Tú Thịnh, huyện Sơn Dương có quy mô 6.000 con.

Anh Phúc cho biết, trước đây quy mô nhỏ đàn gia cầm của gia đình anh chỉ dao động từ 1.500 - 2.000 con. Khi đầu ra được thị trường chấp nhận, anh đã tính đến việc tăng đàn, nhưng khó khăn bởi nguồn vốn hạn hẹp.

Qua Nghị quyết số 10 của HĐND tỉnh Tuyên Quang, năm 2015, anh Phúc được tiếp cận 300 triệu đồng vốn tín dụng. Có vốn, anh tăng số lượng đàn lên 6.000 con. Hiện nay, trung bình mỗi năm, trang trại của anh Phúc cung cấp cho thị trường trên 60.000 con giống, trừ chi phí anh thu lãi trên 800 triệu đồng. 

Các chính sách hỗ trợ đồng hành cùng người chăn nuôi của tỉnh Tuyên Quang là nguồn sinh kế cho nông dân ở nhiều huyện vùng cao như Na Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa.

Tại huyện Lâm Bình, sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh đã có 512 hộ gia đình được vay 25 tỷ đồng, mua 843 con trâu sinh sản, 92 con trâu đực giống...

Với nhiều chính sách đồng hành của chính quyền, đã là điểm tựa để người nông dân có vốn đầu tư phát triển chăn nuôi. Ảnh: Đào Thanh.

Với nhiều chính sách đồng hành của chính quyền, đã là điểm tựa để người nông dân có vốn đầu tư phát triển chăn nuôi. Ảnh: Đào Thanh.

Từ nguồn vốn vay 400 triệu đồng Ngân hàng Chính sách xã hội huyện theo Nghị quyết số 12, gia đình anh Đặng Văn Lâm, thôn Nà Cọn, xã Thổ Bình đã mở rộng mô hình nuôi trâu vỗ béo.

Anh đã mở rộng diện tích chuồng trại chăn nuôi trên 1.000 m2, mỗi lứa từ 20 đến 25 con, trung bình mỗi năm anh xuất bán 5 đến 6 lứa, tổng thu trên 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, anh ký hợp đồng liên kết với Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành thực hiện chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm.

Hướng tới chăn nuôi an toàn dịch bệnh

Chăn nuôi theo hướng hàng hóa tập trung, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh có kiểm soát, bảo vệ môi trường, gia tăng giá trị được tỉnh Tuyên Quang quan tâm chỉ đạo. Việc thực hiện liên kết trong chăn nuôi và phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại đã dần hình thành và phát triển rộng khắp.

Ông Nguyễn Đại Thành, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang cho biết, tỉnh xác định, thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực chăn nuôi theo hướng hàng hóa thì việc đảm bảo an toàn dịch bệnh là then chốt.

Bởi vậy, các cơ sở chăn nuôi an toàn theo hướng VietGAHP... đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho người và động vật, bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng nhiều hơn.

Nhiều doanh nghiệp mạnh trong nước và có vốn đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, như Công ty cổ phần tập đoàn DABACO Việt Nam (quy mô 3.200 lợn nái, 40.000 – 60.000 con lợn thịt); Công ty cổ phần MAVIN (quy mô 2.600 lợn nái), Công ty TNHH CJ VINA AGRI (quy mô 1.800 nái, 3.000 lợn thịt), Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (VINAMILK), Công ty cổ phần Hồ Toản... 

Liên kết giữa doanh nghiệp với người dân đã thúc đẩy chăn nuôi của tỉnh Tuyên Quang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, an toàn dịch bệnh. Ảnh: Đào Thanh.

Liên kết giữa doanh nghiệp với người dân đã thúc đẩy chăn nuôi của tỉnh Tuyên Quang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, an toàn dịch bệnh. Ảnh: Đào Thanh.

Nếu như năm 2016, toàn tỉnh Tuyên Quang chỉ có 2 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận an toàn, thì đến nay tỉnh có 1 trang trại đạt chuẩn quốc tế GlobalGAP và Công nhận doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 4 cơ sở chăn nuôi lợn VietGAHP, 14 cơ sở chăn nuôi được cấp chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh, 11 cơ sở chăn nuôi thực hiện công bố tiêu chuẩn giống theo quy định...  

Trong năm 2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng mô hình chăn nuôi gà lông màu tại xã Thái Bình, huyện Yên Sơn và mô hình chăn nuôi lợn sinh sản giống bản địa (lợn Mán) theo hướng an toàn sinh học có giá trị kinh tế cao tại các xã Phú Thịnh, Trung Sơn, huyện Yên Sơn.

Hầu hết các hộ tham gia mô hình đều tuân thủ thực hiện theo các quy trình kỹ thuật và yêu cầu mô hình đề ra, có sổ ghi chép theo dõi quá trình thực hiện mô hình. Tuy nhiên một số hộ chưa triệt để vệ sinh chuồng trại và vệ sinh thú y.

Ông Tống Văn Bình, thôn 5, xã Thái Bình, huyện Yên Sơn cho biết, tham gia mô hình, ông nuôi 400 con gà giống lai mía. Do áp dụng tốt quy trình kỹ thuật của cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn nên đàn gà lớn nhanh.

Sau 75 ngày nuôi, gà trung bình đạt 1,5 kg/con. Gà nuôi theo hướng an toàn sinh học nên việc tiêu thụ thuận lợi, với giá 65.000 - 70.000 đồng/kg, trừ chi phí gia đình thu lãi khoảng 20 triệu đồng.

Phát triển liên kết chăn nuôi theo quy trình khép kín, dần hình thành liên kết vùng chăn nuôi sản xuất hàng hóa lớn, gắn với chỉ dẫn địa lý đã giúp tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh Tuyên Quang phát triển cả về số lượng và chất lượng. Trong đó, nổi bật là chuỗi liên kết chăn nuôi trâu bò vỗ béo, chuỗi liên kết chăn nuôi bò sữa được thực hiện khá thành công.

Ông Hoàng Văn Oanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành cho biết, HTX đang tiếp tục mở rộng mô hình liên kết sản xuất nuôi trâu, bò vỗ béo an toàn sinh học có hiệu quả gắn với tiêu thụ sản phẩm tại huyện Yên Sơn, Sơn Dương, Hàm Yên, Chiêm Hóa và thành phố Tuyên Quang.

Năm 2019, HTX đã cung ứng 1.236 con trâu và 584 con bò để các hộ nuôi vỗ béo và tiêu thụ được 840 con trâu, bò. Sau thời gian nuôi vỗ béo từ 2,5 đến 3 tháng, trừ chi phí lãi bình quân mỗi hộ nuôi lãi 4 đến 5 triệu đồng/con trâu và 2,5 đến 3 triệu đồng/con bò.

So với mặt bằng chung của cả nước, ngành chăn nuôi của tỉnh Tuyên Quang còn khiêm tốn. Thế nhưng sự tăng trưởng về tổng đàn, về số lượng trang trại, gia trại, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh là đáng ghi nhận. Giai đoạn 2015-2020, giá trị sản xuất chăn nuôi của tỉnh Quyên Quang tăng bình quân 6,4%/năm.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.