| Hotline: 0983.970.780

Tuyên Quang: Thúc đẩy đầu tư nông nghiệp hiện đại nhờ cơ chế thông thoáng

Thứ Năm 12/11/2020 , 08:44 (GMT+7)

Cơ chế thông thoáng của Tuyên Quang đã thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đến đầu tư vào nông nghiệp. Bởi vậy, bức tranh kinh tế nông nghiệp của tỉnh này ngày càng sáng màu.

Công nghiệp chế biến lâm sản đang là thế mạnh nổi bật của Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Công nghiệp chế biến lâm sản đang là thế mạnh nổi bật của Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Lợi thế rừng được phát huy

Thành công nổi bật trong thu hút đầu tư vào nông nghiệp của Tuyên Quang phải kể đến sự phát triển mạnh mẽ của ngành kinh tế lâm nghiệp. Đến nay, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 206 dự án với tổng số vốn đăng ký trên 29.000 tỷ đồng, trong đó có nhiều dự án chế biến nông lâm sản đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp tập đoàn lớn đầu tư vào Tuyên Quang và có những bước tiến vững chắc. Tiêu biểu như sản xuất bột giấy của Công ty cổ phần Giấy An Hòa có công suất tiêu thụ trên 500.000 m3 gỗ và gần 200.000 tấn nguyên liệu sợi/năm; tạo việc làm cho trên 800 lao động và hàng vạn lao động liên quan đến hoạt động trồng rừng. Công ty cổ phần Giấy An Hòa đã hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng thêm nhà máy sản xuất bột giấy công suất 150.000 tấn/năm. Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang có 4 nhà máy chế biến gỗ có nhu cầu tiêu thụ khoảng trên 210.000 tấn nguyên liệu gỗ xẻ/năm, tạo việc làm cho khoảng 2.000 lao động.

Cùng với đó, hiện nay tại tỉnh Tuyên Quang đã có gần 230 nhà máy sản xuất, chế biến lâm sản khác đang hoạt động hiệu quả như Nhà máy đũa Phúc Lâm (Chiêm Hóa) công suất 250 triệu sản phẩm/năm; Nhà máy sản xuất đũa tre, giấy đế và bột giấy Na Hang công suất 7.500 tấn sản phẩm/năm… góp phần tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương.

Chị Đỗ Thị Bạch Tuyết, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang cho biết, đầu tư vào Tuyên Quang cấp ủy, chính quyền tỉnh đã tạo điều kiện tốt nhất về công tác giải phóng mặt bằng và các thủ tục pháp lý khác. Nhờ đó trong khoảng 3 năm, công ty đã hoàn thành xây dựng 4 nhà máy tại cụm công nghiệp Thắng Quân, tại huyện Yên Sơn với trên quy mô gần 30 ha. Công ty thực hiện kế hoạch mở rộng quy mô xây dựng các nhà máy trên 30 ha. Trước mắt, chính quyền huyện Yên Sơn đã phối hợp chặt chẽ với công ty kiểm kê đất đai, tài sản, hoa màu của người dân hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng xây dựng các nhà máy trong thời gian sớm nhất.

Nâng cao chất lượng rừng trồng, tỉnh Tuyên Quang đã triển khai xây dựng và đưa vào sản xuất Trung tâm thực nghiệm thực hành và chuyển giao khoa học công nghệ, thuộc Trường Đại học Tân Trào. Trung tâm có năng lực sản xuất giống cây công nghệ cao (nuôi cấy mô) với năng suất sản xuất đạt 2,5 triệu cây/năm; dự kiến giai đoạn 2021-2025 sẽ sản xuất được trên 10 triệu cây giống lâm nghiệp. Tỉnh cũng đã thực hiện cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn FSC diện tích 25.366. 

Đến nay toàn tỉnh có trên 448.000ha đất lâm nghiệp (chiếm 76% diện tích tự nhiên), diện tích rừng hiện có trên 415.000 ha (trong đó:có trên 233.000 ha rừng tự nhiên; trên 182.000ha rừng trồng); độ che phủ rừng đạt 65%, là một trong những tỉnh có độ che phủ của rừng lớn nhất cả nước. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng của tỉnh Tuyên Quang hàng năm đạt trên 800.000 m3 để đáp ứng đủ cho công nghiệp chế biến gỗ. Gỗ của tỉnh này chiếm trên 25% sản lượng khai thác toàn vùng Trung du miền núi phía Bắc.

Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã đầu tư vào phát triển bò sữa ở Tuyên Quang, khiến ngành bò sữa nơi đây phát triển cả số lượng và chất lượng. Ảnh: Đào Thanh.

Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã đầu tư vào phát triển bò sữa ở Tuyên Quang, khiến ngành bò sữa nơi đây phát triển cả số lượng và chất lượng. Ảnh: Đào Thanh.

Nông dân, doanh nghiệp hưởng lợi

Ông Đỗ Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang cho biết, việc thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp ở Tuyên Quang không chỉ người nông dân trực tiếp lao động tại các trang trại, cơ sở sản xuất hưởng lợi mà nhiều người dân ở địa phương cũng được hưởng lợi gián tiếp. Như khi các doanh nghiệp chăn nuôi đến, người dân trong vùng sẽ được cung cấp nguồn con giống có chất lượng; được cung ứng nguồn thức ăn chăn nuôi tại đại lý cấp 1 nên giá thành sẽ thấp hơn. Quan trọng hơn là người dân còn học được cách chăn nuôi quy mô lớn cần xây dựng hệ thống chuồng trại như thế nào, quy trình chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh ra sao?

Một minh chứng rõ nét cho ý kiến này của ông Kiên đó là tại huyện Sơn Dương nơi có những tập đoàn chăn nuôi lớn vào đầu tư như Tập đoàn Dabaco, Tập doàn Mavin, Công ty cổ phần Bò sữa Việt Nam; Công ty TNHH Sữa Việt Nam future milk… Nhờ học tập những tập đoàn lớn, người chăn nuôi ở Sơn Dương mạnh dạn bỏ vốn đầu tư vào chăn nuôi. Nhiều chủ hộ áp dụng công nghệ tiên tiến như hệ thống quạt phun sương, làm mát; hệ thống máy bơm tự động vệ sinh chuồng trại; thực hiện đệm lót sinh học trong chăn nuôi…

 Đến nay toàn huyện Sơn Dương có 67 trang trại, là địa phương có số lượng trang trại chăn nuôi lớn nhất tỉnh. Trong đợt dịch tả lợn Châu phi vừa qua, hầu hết các trang trại nuôi lợn lớn ở Sơn Dương đều “nói không” với dịch. Nhiều trang trại có doanh thu cả tỷ đồng nhờ không có dịch.

Trang trại chăn nuôi lợn của gia đình ông Nguyễn Ngọc Sáng, xã Đông Thọ, huyện Sơn Dương mỗi năm doanh thu hơn 10 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 12 lao động địa phương.

 Ông Sáng cho biết, cơ chế thông thoáng để các tổ chức, cá nhân đầu tư vào phát triển nông nghiệp là những tiền đề quan trọng giúp những người chăn nuôi như ông phát triển sản xuất, cũng như học tập kinh nghiệm từ những doanh nghiệp lớn. Hiện nay trang trại của gia đình ông đang tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng VietGAP. Để sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, ông hợp đồng với đơn vị tư vấn có đủ tư cách pháp nhân hướng dẫn trang trại về quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Vì vậy, sản phẩm chăn nuôi của trang trại đã có uy tín trên thị trường tiêu thụ, chất lượng sản phẩm thịt lợn của trang trại đã được người tiêu dùng lựa chọn.

Các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư vào Tuyên Quang giúp người dân nơi đây học được cách ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào quy trình chăn nuôi cũng như cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh. Ảnh: Đào Thanh.

Các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư vào Tuyên Quang giúp người dân nơi đây học được cách ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào quy trình chăn nuôi cũng như cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh. Ảnh: Đào Thanh.

Chính sách thu hút đầu tư của Tuyên Quang cũng đã giúp đàn bò sữa của tỉnh này “hồi sinh”, phát triển. Hiện tỉnh Tuyên Quang có 4.300 con bò sữa, sản lượng sữa tươi là 17.135 tấn/năm. Cùng với các trang trại chăn nuôi của Công ty cổ phần Bò sữa Việt Nam; Công ty Chăn nuôi bò sữa kỹ thuật cao Hồ Toản; Công ty TNHH Sữa Việt Nam future milk địa phương này đã có một số doanh nghiệp lớn như Tập đoàn TH Truemilk, Công ty TNHH Đại toàn cầu xanh vào tìm hiểu, có nhu cầu đầu tư phát triển.

Ông Lương Huy Toản, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi bò sữa kỹ thuật cao Hồ Toản cho biết, khi về đầu tư phát triển trang trại tại Tuyên Quang công ty được tạo điều kiện thuận lợi về các thủ tục pháp lý, thủ tục hành chính. Bởi vậy công ty yên tâm đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Tiếp cận với công nghệ tiên tiến, hiện đại cùng với đầu tư cơ sở vật chất tại các khu chuồng chăn nuôi, công ty đã thuê chuyên gia người Israel để tư vấn về sức khỏe, cách chăm sóc để biết con bò ở từng độ tuổi cần gì, ở nhiệt độ như nào để có sức khỏe và cho năng suất, chất lượng sữa tốt nhất. Trung bình mỗi năm công ty cung cấp ra thị trường hơn 4.500 tấn sữa tươi.

Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang cho biết, để ngành nông nghiệp của tỉnh có bước đột phá trong những năm tiếp theo thì việc đổi mới các phương thức sản xuất cũng như cải cách thủ tục hành chính, thông thoáng trong thu hút đầu tư là rất cần thiết.

Trong giai đoạn 2020-2025 tỉnh sẽ tập trung lãnh đạo thực hiện có hiệu quả phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng và phát triển bền vững; thúc đẩy sản xuất hàng hóa gắn với chế biến, mở rộng thị trường tiêu thụ; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; thực hiện có hiệu quả các cơ chế chính sách, giải pháp phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nhằm nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân, góp phần thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.