| Hotline: 0983.970.780

Tuyển sinh đại học - cao đẳng 2014: Rộng cửa đón thí sinh nghèo

Thứ Ba 01/07/2014 , 09:34 (GMT+7)

Hơn 3 năm nay, nhà ông Lê Văn Khắp (số 885/78/20 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 26, quận Bình Thạnh, TPHCM) trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều thí sinh có hoàn cảnh khó khăn. 

* Còn hàng nghìn chỗ trọ miễn phí

Ngoài việc cung cấp chỗ ở miễn phí, gia đình ông Khắp còn lo từng bữa ăn ngon miệng, vệ sinh, đủ chất cho nhiều phụ huynh và thí sinh lên TP.HCM ứng thí.

Sáng 30/6, PV NNVN tìm đến nhà ông Khắp, đúng lúc một tình nguyện viên đang hướng dẫn 3 thí sinh vào đăng ký chỗ ở. Sau khi hướng dẫn các thí sinh mới vào phòng, chưa kịp tiếp chuyện chúng tôi, ông Khắp nhận ngay một cuộc điện thoại từ thí sinh mùa thi năm trước tên Hiền (quê Quảng Trị), mong muốn tiếp tục được giúp đỡ để thi lại năm nay, ông vui vẻ đồng ý.

“Gia đình tôi đã tiếp nhận được 12 thí sinh vào ở, đồng thời lo luôn gần 100 phần ăn của thí sinh tại nhà (2 bữa/ngày) và của đội tình nguyện viên (1 bữa trưa) tại Trường Đại học Giao thông vận tải”. Vừa nói, ông vừa kéo chúng tôi xuống bếp để xem bữa trưa đang được chuẩn bị như thế nào.

Thật bất ngờ, PV phát hiện đầu bếp lại là cậu con trai của ông Khắp tên Minh Kha, nhễ nhại mồ hôi, đang xông xáo nấu ăn dưới bếp. Kha cho biết đang là sinh viên năm 2 Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật. “Thấy việc làm rất có ý nghĩa của bố nên đang hè rảnh rỗi, em phụ bố “tiếp sức mùa thi” bằng những việc làm thiết thực ngay tại nhà mình”.

Ông Khắp cho biết, nhiều người thân, bạn bè và hàng xóm khi biết việc hai bố con đang làm, cũng tự nguyện tham gia đóng góp ít nhiều. Người góp ít tiền, người góp trái cây, người đem cây quạt máy lại để “tụi nhỏ ngủ cho mát”.

Rời nhà ông Khắp, chúng tôi tìm đến một số mạnh thường quân ở nhiều nơi trong thành phố, như nhà chị Nguyệt ở 411/6 Nguyễn Thái Bình, quận Tân Bình; nhà chú Căng ở đường Đặng Dung, quận 1... nhiều năm liền luôn mở rộng cửa đón tiếp hàng trăm phụ huynh, thí sinh nghèo lên TP.HCM ứng thí.

Tại bất cứ nhà nào, PV NNVN đều nhận thấy sự xúc động của phụ huynh, thí sinh và sự chân thành, niềm nở, chu đáo của những tấm lòng gia chủ với những người chưa một lần biết mặt, biết tên.

Trao đổi với PV, ông Dương Trọng Phú - Phó Trưởng ban tổ chức chương trình Tiếp sức mùa thi 2014 tại TP.HCM cho biết, hiện chương trình còn 31.850 chỗ ở giá rẻ và trên 4.600 chỗ ở miễn phí sẵn sàng đón tiếp các phụ huynh, thí sinh các vùng miền về TP.HCM dự thi đại học, cao đẳng trong mấy ngày tới.

Ngoài ra, Ban tổ chức đã vận động được 10.000 suất cơm, 25.000 ổ bánh mỳ, 20.000 phần nước uống, 60.000 vé xe buýt, 380.000 bản đồ tuyến xe buýt và bản đồ thành phố; 100.000 cẩm nang và nhiều vật phẩm khác hỗ trợ miễn phí cho thí sinh.

Ông Phú cũng cho biết, lực lượng tình nguyện viên với gần 16.700 đoàn viên, sinh viên được tập huấn tốt kỹ năng tư vấn đã có mặt tại các điểm đầu mối giao thông quan trọng như: Bến xe Miền Đông, Bến xe Miền Tây, Bến xe An Sương, Bến xe Ngã tư Ga, Bến xe Chợ Lớn, Ga Sài Gòn, Ngã tư Thủ Đức, Trạm 621 – Thủ Đức, Trạm Ngã 3 Đại cương, Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên thành phố, Trạm xe buýt đại học quốc gia, Trạm xe buýt Bến Thành và một số tuyến xe buýt trọng điểm đi qua nhiều trường đại học, cao đẳng.

Thí sinh và phụ huynh sẽ được đón, tư vấn hướng dẫn đường đi, điểm thi và giới thiệu các chỗ trọ miễn phí hoặc giá rẻ, an toàn.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bản văn hóa 4.0 chuyển mình với những 'dự án 0 đồng'

Bản văn hóa Nà Sự, xã Chà Nưa có gần 140 hộ dân người dân tộc Thái cùng sinh sống và có nét đặc trưng văn hóa, phong tục độc đáo.