Thanh Hóa có trên 1 nghìn km đê sông, đê biển. Trong đó có 315 km đê từ cấp III đến cấp I; 693 km đê dưới cấp III. Trên các tuyến đê có 1.118 âu và các cống qua đê.
Tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều và phòng chống thiên tai thời gian qua diễn biến phức tạp. Nhiều công trình, nhà ở, cây trồng, rào dậu nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ đê điều. Các hoạt động khai thác, tập kết kinh doanh cát, sỏi nhiều nơi không đúng quy định. Xe quá tải trọng đi trên đê gây hư hỏng mặt đê...
Nhận thức, kỹ năng phòng chống thiên tai của cộng đồng ở một số nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Một bộ phận ngư dân vẫn chủ quan chưa trang bị đầy đủ các thiết bị đảm bảo an toàn cho người và phương tiện trước khi ra khơi, không bật thiết bị giám sát hành trình. Công tác xử lý vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều ở một số địa phương chưa thực sự quyết liệt, chưa dứt điểm...
Trước thực trạng trên, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa phối hợp với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức trong công tác phòng ngừa, thích ứng, ứng phó với biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai…
Nhận thấy hiệu ứng tích cực từ mạng xã hội, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa xây dựng website đăng tải và phổ biến kiến thức về thiên tai. Thông qua các website này, các văn bản chỉ đạo, điều hành về ứng phó với thiên tai được cập nhật thường xuyên. Các ứng dụng mạng xã hội như facebook, zalo cũng được sử tận dụng triệt để để tuyên truyền pháp luật về phòng chống thiên tai.
Theo thống kê, hiện nay, hầu hết các địa phương đã lập facebook “Phòng chống thiên tai”, kết nối với facebook “Thông tin phòng chống thiên tai” do Tổng cục Phòng chống thiên tai lập. Nhóm “Thông tin phòng chống thiên tai Thanh Hóa” do Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa lập thường xuyên cập nhật, chia sẻ các thông tin, tuyên truyền, phổ biến đến người dân về công tác chỉ đạo phòng ngừa, ứng phó với từng loại hình thiên tai...
Các hạt quản lý đê cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đê điều, phòng chống thiên tai đến cộng đồng, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và hộ gia đình. Nội dung tập trung vào các văn bản chỉ đạo về công tác phòng chống lụt bão; quan điểm chỉ đạo trong công tác phòng chống lụt, bão của tỉnh; tính chất bất thường của mưa, lũ, bão; trách nhiệm của chính quyền cấp huyện, cấp xã trong quản lý và bảo vệ đê điều.
Hàng năm, Chi cục Thủy Lợi Thanh Hóa tăng cường phối hợp kiểm tra, phát hiện và xử lý dứt điểm các vi phạm mới phát sinh theo quy định; ký cam kết không vi phạm hành lang bảo vệ đê điều, không vi phạm quy định pháp luật về đê điều đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến đê điều...
Hiện nay, hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đều thành lập và hoạt động hiệu quả của đội xung kích phòng chống thiên tai. Thông qua các đợt tập huấn, các cấp chính quyền địa phương ở Thanh Hóa lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đê điều và phòng chống thiên tai đến đội ngũ cán bộ, hội viên, tình nguyện viên và cộng đồng dân cư, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong phòng chống thiên tai.
Ông Trịnh Phương Nguyên, Trưởng Phòng Phòng chống thiên tai, Chi cục Thủy lợi tỉnh Thanh Hóa cho hay, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống thiên tai và quản lý đê điều, nhận thức của cán bộ, Nhân dân từng bước được nâng cao. Người dân đã chủ động đối phó với những diễn biến bất thường của thời tiết, thực hiện tốt ba mục tiêu: Bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, hồ đập và các công trình thủy lợi; bảo đảm an toàn về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; khắc phục nhanh hậu quả và hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do mưa, bão, lũ, úng ngập gây ra. Khi được tuyên truyền, vận động hầu hết người dân đã tự giác tháo dỡ các công trình, vật dụng vi phạm hành lang bảo vệ đê.
Tuyên truyền phòng chống thiên tai tạo ra hiệu quả tích cực
Nhờ công tác tuyên truyền, vận động được thực hiện bài bản, số vụ vi phạm pháp luật đê điều giảm rõ rệt, nhiều vụ việc tồn đọng thời gian dài đang từng bước được xử lý thu hẹp. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, trên các tuyến đê trung ương (từ đê cấp III đến đê cấp I) mới chỉ xảy ra 6 vụ vi phạm pháp luật về đê điều, trong đó đã xử lý được 5 vụ, còn 1 vụ đang tiến hành xử lý.