Chất lượng nổi trội nhờ quy trình VietGAP
Nằm ở phía tây huyện Võ Nhai (Thái Nguyên), xã La Hiên có diện tích đồi núi lớn, chính là điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển cây ăn quả, đặc biệt là quả na. Na La Hiên có mùi thơm đặc trưng, vị ngọt đậm, thịt quả trắng và được người tiêu dùng ưa chuộng. Những tinh hoa của quả na đặc sản ấy cũng tỉ lệ thuận với công sức, tâm huyết của người dân La Hiên.
Cách đây hơn 20 năm, người dân xã La Hiên thường trồng mía, chè và nhiều cây ăn quả khác nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Từ những năm 2000, bà con nơi đây bắt đầu bén duyên với cây na. Chuyển sang trồng na, kinh tế và đời sống của bà con đã có sự cải thiện rõ rệt. Chính cây na đã giúp bà con xóa đói, giảm nghèo. Cũng từ những vườn na, bà con đã có thể xây lên những ngôi nhà 2, 3 tầng kiên cố.
Nhằm nâng cao chất lượng và thương hiệu na La Hiên, từ năm 2018, dưới sự hướng dẫn của chính quyền địa phương, người dân bắt đầu áp dụng quy trình VietGAP vào sản xuất na.
Trên khu vườn 5 sào tại xóm Hiên Bình, xã La Hiên, ông Chu Thế Đồng đã trồng na theo quy trình VietGAP được khoảng 5 năm. Theo ông Đồng, nhờ áp dụng quy trình VietGAP một cách nghiêm ngặt từ cách thụ phấn, chăm bón, tỉa cành… nên quả na có nhiều ưu điểm như mẫu mã đẹp, vỏ mỏng, vị ngọt hơn na được trồng ở những vùng khác.
Chia sẻ về quy trình chăm sóc cây na, ông Đồng cho biết cây na cần được tỉa cành vào tháng 1. Sau đó ông thu gom cành và lá cây để đốt tiêu hủy, tránh để mầm sâu bệnh phát sinh. Tiếp đến là công đoạn làm cỏ xung quanh gốc cây. Việc bón phân cho cây cần được thực hiện vào đúng thời điểm. Ví dụ sau khi tỉa cành cần phải bón lót. Sau khi cây na ra hoa, cần bón thêm một lớp phân để cây nuôi mầm. Bên cạnh đó cũng cần phun thuốc BVTV sinh học để phòng trừ sâu bệnh hại hoa và mầm cây.
“Ưu điểm của việc sử dụng thuốc BVTV sinh học là có hiệu quả cao, hiệu lực kéo dài. Trước kia sử dụng thuốc BVTV hóa học, cứ 10 ngày tôi sẽ phải phun một lần. Giờ đây sử dụng thuốc BVTV sinh học, 15 ngày tôi mới phải phun. Qua đó tiết kiệm được chi phí sản xuất. Đặc biệt thuốc BVTV sinh học không bị nặng mùi hóa chất như thuốc BVTV hóa học. Khi sử dụng chúng tôi không bị mệt mỏi và ảnh hưởng đến sức khỏe”, ông Đồng cho biết.
Áp dụng quy trình VietGAP trong trồng na, ông Đồng cho biết bà con cần lưu ý 2 vấn đề. Thứ nhất, là hệ thống tưới tiêu, thoát nước. “Cây na tuy không cần quá nhiều nước như các loại cây trồng khác nhưng vào khoảng thời gian nắng nóng kéo dài cần thường xuyên tưới nước cho cây, khi tưới cần tưới vào buổi chiều, khi trời đã mát mẻ”, ông Đồng chia sẻ.
Vấn đề thứ hai bà con cần phải quan tâm là để phòng trừ bệnh nấm, cần pha thuốc BVTV với nước để tưới vào gốc hoặc phun lên thân cây.
Theo ông Nguyễn Đình Thông, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên, đặc thù của vùng trồng na La Hiên là cây na được trồng trên núi đá vôi, việc vận chuyển phân bón gặp khó khăn.
Theo đó, trước đây bà con chủ yếu sử dụng phân bón hóa học. Tuy nhiên, thông qua mô hình “Ứng dụng khoa học kỹ thuật thâm canh cây na rải vụ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”, Trung tâm đã tuyên truyền, hỗ trợ bà con chuyển đổi sang sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh để đảm bảo chất lượng sản phẩm và an toàn trong sản xuất.
“Việc sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh sẽ có hiệu quả bền vững nhưng không mang lại hiệu quả ngay lập tức như phân bón hóa học. Vì vậy bà con cần lưu ý cần cuốc hố bón gốc để việc bón phân hữu cơ vi sinh đạt hiệu quả cao”, ông Nguyễn Đình Thông lưu ý.
“Tuy điều kiện đất đai, thổ nhưỡng ở La Hiên rất phù hợp cho việc trồng na nhưng cũng có những vùng chỉ trồng khoảng 2 - 3 năm là cây na bị chết. Một trong những yếu tố tiên quyết để giữ cây na khỏe mạnh là phải bảo vệ, chăm sóc cho bộ rễ. Vì vậy bà con rất mong muốn các nhà khoa học, các đơn vị nghiên cứu hỗ trợ những quy trình sản xuất mới, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật để cải tiến quy trình chăm sóc bộ rễ cây na”, ông Chu Thế Đồng, người trồng na ở xóm Hiên Bình, xã La Hiên bày tỏ.
Vựa na rải vụ
Hiện nay, xã La Hiên có khoảng 320ha na (chiếm hơn 60% diện tích trồng na của huyện Võ Nhai), trong đó 105ha đã được cấp chứng nhận VietGAP, sản lượng mỗi năm đạt trên 3.000 tấn.
Được thành lập từ năm 2020, HTX Na La Hiên hiện có 7 thành viên, với tổng diện tích sản xuất 13ha. Từ năm 2021, HTX đã tham gia mô hình “Ứng dụng khoa học kỹ thuật thâm canh cây na rải vụ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên” do Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên triển khai với quy mô 1,5ha và 5 hộ tham gia.
Mô hình được triển khai với mục tiêu tạo ra sản phẩm chất lượng cao, kéo dài thời gian thu hoạch na trong năm nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Bên cạnh đó, mô hình cũng hướng đến nâng cao chất lượng sản phẩm, đem lại giá trị thu nhập cao hơn trên đơn vị diện tích, tạo việc làm, nâng cao đời sống người dân, tạo hướng đi mới thông qua việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất kết hợp với liên kết và tiêu thụ sản phẩm.
Theo ông Lê Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND xã La Hiên, các cơ quan chuyên môn đã nghiên cứu và khẳng định đặc tính đất ở La Hiên là vùng núi đá vôi, rất phù hợp để trồng na. Cây na trồng ở vùng đất La Hiên cho quả có giá trị dinh dưỡng cao, vị ngọt hơn so với những vùng trồng khác.
Để xây dựng thương hiệu cho na La Hiên, dựa trên nền tảng quả na La Hiên đã được công nhận là sản phẩm OCOP, thời gian qua, chính quyền địa phương đã chú trọng tuyển chọn những quả na chất lượng cao và triển khai dán tem mác để đưa vào tiêu thụ tại một số chuỗi siêu thị, các hội chợ và các kênh thương mại điện tử.
“Tính theo lịch âm, năm nay là năm nhuận nên thời tiết lạnh kéo dài, sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến công đoạn cắt tỉa cành của người dân cũng như quá trình sinh trưởng và phát triển của cây na. Theo đó, chính quyền địa phương đã có những hướng dẫn để bà con chăm sóc cây na hiệu quả trong điều kiện thời tiết bất thuận”, ông Lê Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND xã La Hiên cho biết.