| Hotline: 0983.970.780

Tỷ lệ cấy máy vụ xuân 2024 của Hà Nội đạt 10%

Thứ Tư 28/02/2024 , 13:19 (GMT+7)

Không chỉ hoàn thành gieo cấy trước khung thời vụ 4 - 5 ngày so với các năm trước, vụ lúa xuân năm nay, Hà Nội còn nâng tỷ lệ cấy máy lên 10%.

Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cùng cán bộ chuyên môn kiểm tra chất lượng gieo cấy tại cánh đồng huyện Thanh Oai. Ảnh: Phương Thảo.

Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cùng cán bộ chuyên môn kiểm tra chất lượng gieo cấy tại cánh đồng huyện Thanh Oai. Ảnh: Phương Thảo.

Sáng 28/2, ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội cùng các Chi cục, phòng chuyên môn của Sở kiểm tra tình hình gieo cấy vụ xuân tại một số địa phương thuộc huyện Thanh Oai.

Kiểm tra thực tế tình hình gieo cấy, ông Nguyễn Xuân Đại nhìn nhận, tổng quan sản xuất năm nay tương đối tốt so với các năm trước. Cây lúa đang ở giai đoạn mới cấy, bén rễ, hồi xanh, diện tích cấy sớm đang giai đoạn đẻ nhánh.

Về nước tưới, trong nhiều năm nay, Hà Nội có 5 địa phương thường xuyên thiếu nước do mực nước sông Hồng ngày càng tụt sâu. Các năm trước phải có đến 3 đợt lấy nước. Tuy nhiên, năm 2024 có sự chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu của lãnh đạo thành phố, sự vào cuộc của các địa phương cũng như sự sát sao của ngành NN-PTNT nên giảm xuống chỉ còn 2 đợt lấy nước.

Hiện, toàn bộ 100% diện tích gieo cấy vụ xuân đã đầy đủ nước tưới trước và sau khi cấy. Việc giảm số đợt lấy nước đã giúp tiết kiệm chi phí và nhân công lao động. Năm nay, tình hình gieo cấy của ngành nông nghiệp Hà Nội đã có kết quả đạt gần 100% đúng thời vụ. Tính đến ngày 28/2, gần 100% địa phương đã hoàn thành việc gieo cấy. So với các năm trước, việc gieo cấy hoàn thành sớm hơn khung thời vụ 4 - 5 ngày.

Theo khuyến cáo, nhiều kỹ thuật mới đã được đưa áp dụng như cấy 1 rảnh, 3 giảm, 3 tăng,... đã tạo nên lợi thế riêng biệt. Tỷ lệ giống lúa chất lượng cao được sử dụng nhiều hơn năm trước rất nhiều. Nếu trước kia, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất chỉ đạt gần 4% diện tích cấy máy, năm nay với sự quan tâm của thành phố khi ban hành Nghị quyết 08 về cơ giới hóa, tỷ lệ này đã tăng lên thành 10% chỉ riêng đầu năm 2024.

Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại khuyến cáo, bà con nông dân cần sớm bắt tay vào việc bảo vệ chăm sóc sau gieo cấy. Ảnh: Phương Thảo.

Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại khuyến cáo, bà con nông dân cần sớm bắt tay vào việc bảo vệ chăm sóc sau gieo cấy. Ảnh: Phương Thảo.

“Tổng quy mô diện tích sản xuất vụ đông xuân 2023 - 2024 đạt 101.000ha. Trong đó, đất lúa tuy giảm so với năm ngoái nhưng diện tích rau màu, cây ăn quả lại tăng. Sự dịch chuyển này đúng với định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi của UBND TP. Hà Nội trong sản xuất nông nghiệp”, ông Đại đánh giá.

Diện tích cấy vụ xuân năm 2024 cơ bản đã hoàn thành, song ông Nguyễn Xuân Đại khuyến cáo bà con nông dân cần sớm bắt tay vào việc bảo vệ chăm sóc. Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội lưu ý, với thời tiết âm u dai dẳng, Sở đã giao các phòng, ban chuyên môn trực tiếp xuống các địa phương khuyến cáo giảm phân đạm để tránh bệnh đạo ôn.

Bên cạnh đó, hiện tượng chuột phá đang xảy ra đòi hỏi tăng cường công tác phòng, chống, diệt chuột. Ông Đại cũng cho rằng, cần có thêm các biện pháp sục bùn, làm cỏ, kết hợp bón cây chuẩn bị đẻ nhánh.

“Ở thời điểm này, bà con sẽ dùng nhiều thuốc diệt cỏ, do đó, cần tăng cường hơn công tác quản lý Nhà nước để nắm bắt tình hình, kịp thời khuyến cáo bà con không dùng thuốc độc hại ngoài danh mục ban hành cho phép sử dụng. Ngành NN-PTNT Hà Nội sẽ kết hợp, phối hợp và có những chỉ đạo tới các địa phương để thực hiện tốt trong thời gian tới hướng tới một vụ mùa bội thu”, Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại lưu ý.

Qua kiểm tra vỏ thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng trên cánh đồng, bà Lưu Thị Hằng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội nhận định, bà con đã tuân thủ sử dụng các loại thuốc theo đúng khuyến cáo, không có hiện tượng dùng thuốc ngoài danh mục. Từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các địa phương đã tuyên truyền, vận động bà con tích cực xuống đồng. Tiến độ gieo cấy lúa xuân trên địa bàn thành phố đảm bảo theo kế hoạch.

Tính đến ngày 27/2, diện tích mạ đã gieo trên địa bàn Hà Nội đạt hơn 4.000ha, trong đó diện tích mạ được che phủ đạt 4.038ha (chiếm 99,9%). Số lượng mạ khay đạt trên 479.000 khay. Diện tích cấy hơn 75.000ha, đạt gần 98% so với kế hoạch. Tổng diện tích gieo trồng cây rau, màu trên 15.000ha (69%). Trong đó, cây ngô 2.326ha (68%); cây lạc 844ha (65%); đậu tương 79ha (47%); rau hơn 7.700ha (78%); cây hoa xấp xỉ 2.000ha (78%); cây khác 2.111ha. Diện tích thu hoạch 2.129ha.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Kinh nghiệm phòng bệnh ở xã có diện tích thủy sản lớn nhất Hà Nội

Xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội có tới 475ha thủy sản, trong đó riêng HTX Thủy sản Trầm Lộng đã có trên 170ha với hơn 70 thành viên.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.