Ông Trương Hoàng Phương ở ấp Phú Thuận A, xã Nhơn Phú (huyện Mang Thít, Vĩnh Long) được bà con gọi với cái tên thân quen Sáu Thương là tỷ phú nông dân làm giàu với mô hình trồng 1,5ha nhãn Ido (Edaw). Ngoài ra, ông còn là Phó Trưởng ấp, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp, nhiệt tình giúp đỡ bà con.
Từ chủ lò gạch đến tỷ phú nhãn Ido
Ông Sáu Thương kể, trước khi đến với nghề nông, ông đã từng là chủ lò gạch. Thấy nghề này khá vất vả, chủ yếu khai thác tài nguyên đất sét, không phải là kế lâu dài, sẵn có đất ruộng nên ông đã ra sức học tập, nghiên cứu các mô hình, lập vườn phát triển kinh tế.
Trước khi bắt tay vào công việc, ông liên tục đi tham quan, học hỏi các mô hình hiệu quả trong suốt hơn một năm ròng ở tỉnh Đồng Tháp, ở xã bạn Chánh An (huyện Mang Thít). Đi đến đâu ông cũng chăm chỉ học hỏi, rút tỉa kinh nghiệm thành công của những người đi trước. Ông cho rằng trong sản xuất nông nghiệp không nên chạy theo phong trào, thấy ai làm gì mình làm nấy là vỡ trận.
Theo ông được biết, cây nhãn Ido đã phát triển được gần 30 năm nhưng còn nhiều người chê vì giá thấp, ngược lại ông cho rằng cây trồng này có năng suất cao và ít tốn chi phí đầu tư nên sẽ bù lại được hạn chế về giá. Bởi nhãn Ido nhẹ công chăm sóc, ít phun xịt, chỉ khó ở khâu xử lý ra hoa, tuy nhiên chỉ cần chú tâm học hỏi sẽ nhanh chóng nắm bắt, rất dễ. Hơn hết, cây nhãn có tuổi thọ cao, ăn được bền lâu, thích hợp ở vùng đất này. Thế là năm 2017, ông quyết định chọn cây nhãn Ido để phát triển kinh tế.
Để xây dựng mô hình hiệu quả, ông đến xã Chánh An, huyện Mang Thít tham quan mô hình trồng nhãn Ido của ông Tám Liếp. Nhờ được ông Tám tận tình chia sẻ kinh nghiệm từ cách lên liếp, xuống giống, chăm sóc đến xử lý ra hoa… nên ông đã phần nào tự tin thực hiện.
Ban đầu ông trồng thử nghiệm với diện tích khoảng 5 công (5.000m2). Mô hình trồng 40 cây/công. Thấy hiệu quả, ông bắt đầu nhân rộng lên 10 công nữa. Đến nay, qua 3 vụ thu hoạch, nhãn cho năng suất rất cao, mỗi cây từ 100kg trở lên, bình quân khoảng 40 tấn/ha. Giá bán dao động từ 15.000 – 30.000 đồng/kg, trừ khoảng 10% chi phí, mỗi năm ông thu về gần cả tỷ đồng.
Ông tâm đắc nói: “Mô hình của tôi từ lúc thực hiện đến giờ luôn thành công nhờ mình chịu khó lắng nghe người ta chỉ bảo. Khi chọn mô hình thì phải lượng sức mà làm. Sức ở đây không chỉ là sức lực, kỹ thuật chăm sóc mà còn là khả năng tài chính để đầu tư. Nên không phải thấy ai làm gì mình cũng chạy theo.”
Vườn nhãn Ido của ông Thương được thiết kế rất khoa học, giữ gìn cảnh quan sạch sẽ, cây được tỉa cành tạo tán thường xuyên. Bên cạnh đó, ông còn áp dụng cơ giới hóa khâu tưới bằng hệ thống tưới phun nên rất nhẹ công chăm sóc. Hiện nay, khu vườn của ông đã được UBND xã Nhơn Phú đề cử là vườn kiểu mẫu, được ngành nông nghiệp huyện Mang Thít hỗ trợ phát triển thành vườn cây ăn trái kiểu mẫu của huyện.
Làm khuyến nông cũng giỏi
Ở vùng đất Nhơn Phú, trước đây truyền thống bà con theo nghề gạch gốm. Ai có chút vốn liếng thì xây lò nung, ai không có vốn thì làm thuê. Còn nghề nông, nông dân làm ruộng để có hạt gạo ăn chứ nói gì làm giàu nên không có ai theo.
Thế rồi nghề gạch gốm vùng đất Mang Thít gặp nhiều khó khăn, các lò gạch cũng trở nên vắng làn khói, đìu hiu. Nhân công trước đây sống bằng nghề này phần nhiều chuyển đổi nghề nghiệp đi làm xứ khác hay vô khu công nghiệp trở thành công nhân.
Sáu Thương là cái tên được người dân trong ấp yêu quý bởi không chỉ tính tình hiền lành mà còn bởi sự nhiệt tình, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất, giúp đỡ mọi người xung quanh cùng vươn lên trong cuộc sống.
Xây dựng được mô hình thành công, ông Sáu Thương rất nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật cho bà con nông dân xung quanh. Hơn hết, ở cương vị Chi hội trưởng Chi hội Nông dân, Phó Trưởng ấp, ông đã vận động bà con cùng nhau cải tạo vườn tạp. Trong đó, đã có 5 mô hình trồng nhãn Ido được nhân rộng với diện tích khoảng 5ha nhờ học hỏi kinh nghiệm từ ông.
Điển hình như gia đình ông Dương Văn Phước có 13 công đất vườn trồng nhãn tiêu da bò. Từ khi nhãn tiêu da bò bị chổi rồng, khu vườn không còn hiệu quả. Cách đây 5 năm, nhờ ông Thương chia sẻ kinh nghiệm mà ông đã chuyển đổi sang mô hình trồng 3 công nhãn Ido mang lại hiệu quả. Đến nay, ông Phước đã thu hoạch được 2 vụ, mỗi vụ lãi 15 triệu đồng/công. Cách đây một năm, ông tiếp tục chuyển đổi 10 công còn lại sang trồng hết nhãn Ido.
“Tôi nhớ đợt đầu tiên năng suất đạt hơn 2 tấn/công, giá 12.000 đồng/kg, lãi được 15 triệu đồng/công. Thấy nó đạt vậy cũng mừng. Đến nay được 2 mùa, thấy có hiệu quả mới phát triển thêm. Nhờ anh Thương hỗ trợ kỹ thuật, phân bón, thuốc trị bệnh, chứ lúc trước tôi cũng không rành, đâu có trồng được”, ông Tám Phước nói.
Nhận xét về mô hình và cách làm việc của ông Sáu Thương, ông Nguyễn Tấn Tới, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít cho biết: "Mô hình trồng nhãn Ido của anh Sáu Thương là mô hình đầu tiên của ấp Phú Thuận A. Hiện tại, anh đang hỗ trợ cây giống, kỹ thuật cho nhiều bà con phát triển mô hình này. Nhiều hộ khó khăn được anh tặng giống từ 50 - 100 nhánh tuỳ theo vườn. Sau đó, anh chia sẻ quy trình trồng, chăm sóc, thời điểm xử lý cho ra trái ngon, né vụ".
Tuy chỉ vừa mới tham gia công tác xã hội trong mấy năm gần đây nhưng sự nhiệt tình, chia sẻ không giấu giếm mà ông Sáu Thương được nông dân trong ấp tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Nông dân. Cách đây một năm, ông cũng được tín nhiệm bầu làm Phó Trưởng ấp. Vừa rồi, ông vinh dự được bình chọn là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp quốc gia, trong top 100.
Cũng theo ông Tới, mỗi khi có các lớp học tập kỹ thuật sản xuất thì địa phương luôn tạo điều kiện để ông Sáu Thương được tham gia tập huấn, tham quan học hỏi. Ngoài ra, ông còn tự tìm tòi liên hệ các nhà vườn học hỏi thêm. Đáng chú ý, hiện ông đã áp dụng phương pháp ủ phân cá bón cho cây nhãn rất hiệu quả, đồng thời kỹ thuật này cũng được ông tận tình chỉ dẫn cho bà con, giúp tiết kiệm chi phí trong canh tác.
“Anh Thương luôn là đầu tàu dẫn dắt bà con nông dân địa phương học hỏi kỹ thuật sản xuất. Anh là đầu mối chuyển giao học kỹ thuật, vận động bà con con chuyển đổi vườn tạp hiệu quả. Trước đây khu này đa số vườn tạp, bây giờ không còn vườn tạp nữa, vườn chuyên canh hết. Hộ nào cũng trồng cây ăn trái như sầu riêng, mít, nhãn… giá trị kinh tế cao", ông Nguyễn Tấn Tới, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Phú khẳng định.
Hiện nay, xã Nhơn Phú là một trong những địa phương có làng nghề gạch gốm thuộc Đề án Di sản đương đại Mang Thít. Bên cạnh nhãn ido, ông Thương còn trồng xen thêm nhiều loại nhãn khác như nhãn long tím, nhãn xuồng… Ngoài ra, ông còn trồng hoa thiên lý, thả nhiều loại cá dưới ao (tai tượng, cá chép, cá hường, cá trắm cỏ) và nuôi thêm ốc bươu đen.
Ông Sáu Thương đang ấp ủ kế hoạch biến khu vườn của mình thành điểm du lịch sinh thái với mong muốn tạo nên làn gió mới là nghề làm du lịch sinh thái, tạo thêm nhiều việc làm hơn nữa cho bà nông dân địa phương.
Chia sẻ trong công cuộc cùng bà con nông dân làm giàu, ông Sáu Thương cho biết: "Mình giúp đỡ bà con từ những cái cơ bản trước như lên liếp, đắp mô, thoát nước…, sau đó mới đến vấn đề kỹ thuật chăm sóc. Có những hộ mình phải đem bình xịt vô xử lý, hướng dẫn trực tiếp. Mình thành công rồi mà biết chia sẻ với người khác đó là cái tình!”, ông Sáu Thương tâm sự.