| Hotline: 0983.970.780

UBND huyện Tuy Phước cấp chồng sổ đỏ, đổ lỗi cho tòa?

Thứ Hai 07/09/2020 , 12:50 (GMT+7)

UBND huyện Tuy Phước đã cấp sổ đỏ theo bản đồ vẽ sai, chồng lấn lên các hộ gia đình khác nhau nhưng không nhận trách nhiệm...

Bà Phan Thị Kim Thoa (SN 1959), ông Nguyễn Văn Hải (SN 1964) và bà Huỳnh Thị Quý (SN 1962) cùng ở khu phố Vân Hội 2, thị trấn Diêu Trì (huyện Tuy Phước, Bình Định), đồng ký đơn khiếu nại gửi đến Báo NNVN trình bày nỗi oan ức vì bỗng dung mình mất đất.

Theo đơn, vào năm 1993, UBND xã Phước Long (nay là thị trấn Diêu Trì) bán thanh lý đất của Xí nghiệp Xây dựng huyện Tuy Phước, 3 hộ dân nói trên mua 3 lô liền kề có số thửa 83, 84, 85 thuộc tờ bản đồ số 11 của Sở TN-MT Bình Định.

Mỗi lô đất có chiều dài 20m, rộng 5,3m, tổng diện tích mỗi lô đất là 106m2 được thể hiện rõ ràng trên bản đồ. Sau khi đóng đủ tiền vào ngân sách Nhà nước, 3 hộ dân nói trên xây dựng nhà ở, sử dụng ổn định từ năm 1993 đến nay, không có người tranh chấp. Hàng năm, 3 hộ dân đóng thuế đất đầy đủ theo diện tích đất đã mua.

Đại diện 3 hộ dân bỗng dưng mất đất bức xúc trình bày vụ việc với PV NNVN. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đại diện 3 hộ dân bỗng dưng mất đất bức xúc trình bày vụ việc với PV NNVN. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đến năm 2007, UBND huyện Tuy Phước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho thửa đất số 358 tờ bản đồ số 11 của bà Nguyễn Thị Hằng, người ở cùng địa phương. Sẽ không có gì để nói nếu diện tích đất của bà Hằng trong sổ đỏ này không bị ngành chức năng huyện Tuy Phước cấp chồng lấn lên 3 lô đất của 3 hộ dân nói trên, phần đất chồng lấn có chiều dài 3m, rộng 5,3m trên mỗi lô đất để nhập vào sổ đỏ của bà Hằng.

Bức xúc vì bỗng dưng mất đất, bà Thoa, ông Hải và bà Quý khiếu nại lên UBND huyện Tuy Phước, thế nhưng lãnh đạo huyện này vẫn khăng khăng việc cấp sổ đỏ cho bà Hằng trên phần đất của 3 hộ dân kia là đúng theo bản án số 59/DSPT ngày 21/4/2006 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định, bản án phân xử việc tranh chấp đất thừa kế của gia đình bà Hằng.

Thế nhưng theo bản án phúc thẩm số 59, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định đã tuyên xử phần đất bà Hằng được hưởng thừa kế được tính từ sau vách nhà bếp của nhà bà Hằng rộng 5m, kéo thẳng ra phần đất phía sau dài 68,2m, phần đất này đi ngang qua đuôi nhà của 3 hộ dân bà Thoa, ông Hải và bà Quý, nhưng không xâm phạm đến đất của 3 hộ dân nói trên.

Bản án tuyên là vậy, nhưng sơ đồ kèm theo bản án đã vẽ chồng lấn sang phần đất của 3 hộ dân bà Thoa, ông Hải và bà Quý trong đoạn rộng 8,5m không đúng như bản án, diện tích lấn thêm trong sơ đồ đã khiến 3 hộ dân nói trên mỗi hộ bị mất diện tích đất có chiều dài 3m, rộng 5,3m. Điều đáng nói là sơ đồ này không thể hiện cơ quan nào lập, không có cả chữ ký của người lập sơ đồ. Ấy vậy nhưng UBND huyện Tuy Phước lại cấp sổ đỏ cho thửa đất số 358 của bà Nguyễn Thị Hằng chỉ căn cứ theo sơ đồ mà không theo nội dung bản án đã tuyên.

Bà Phan Thị Kim Thoa chỉ công trình phụ của gia đình xây dựng dưới lòng đất từ năm 1993, trên phần đất mà giờ bị buộc phải giao cho bà Hằng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Bà Phan Thị Kim Thoa chỉ công trình phụ của gia đình xây dựng dưới lòng đất từ năm 1993, trên phần đất mà giờ bị buộc phải giao cho bà Hằng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Tại Thông báo số 250/TB-VKS-DS ngày 9/8/2017 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tại Đà Nẵng đã nêu rõ: “Sơ đồ kèm theo bản án phúc thẩm không đúng với nội dung đã tuyên trong bản án sơ thẩm, Chi cục thi hành án dân sự huyện Tuy Phước thi hành theo nội dung quyết định của bản án sơ thẩm là rộng 5m, kéo thẳng ra hết phẩn đất phía sau dài 68,2m, không thi hành theo sơ đồ kèm theo bản án phúc thẩm, người được thi hành không có khiếu nại”.

Như vậy là đã rõ, sơ đồ kèm theo bản án số 59 không được Chi cục thi hành án dân sự huyện Tuy Phước thi hành, thế nhưng khi cấp sổ đỏ cho thửa đất số 358 của bà Hằng, UBND huyện Tuy Phước đã căn cứ vào sơ đồ ấy để cấp. Đặc biệt là khi làm hồ sơ kỹ thuật thửa đất để xin cấp sổ đỏ, bà Hằng đã khai sai giới cận và giả chữ ký của những hộ liền kề để làm khống hồ sơ xin cấp sổ đỏ. Ông Nguyễn Văn Thiệt, người có ký tên trong hồ sơ kỹ thuật thửa đất của bà Hằng khẳng định bằng văn bản rằng ông đã bị giả mạo chữ ký, và đề nghị UBND huyện Tuy Phước, Phòng TN-MT huyện Tuy Phước làm rõ việc giả mạo chữ ký, lập hồ sơ khống để xin cấp sổ đỏ của bà Hằng.

Ông Nguyễn Văn Hải bức xúc moi đất lên để PV nhìn thấy công trình phụ dưới lòng đất mình xây dựng từ năm 1993. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ông Nguyễn Văn Hải bức xúc moi đất lên để PV nhìn thấy công trình phụ dưới lòng đất mình xây dựng từ năm 1993. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Thế rồi bà Hằng căn cứ vào sổ đỏ của mình đã được UBND huyện Tuy Phước cấp, làm đơn khởi kiện đòi bà Thoa, ông Hải và bà Quý phải giao cho bà phần đất được”vẽ thêm” trên sơ đồ bất minh được kèm vào bản án số 59. Theo đó, Tòa án nhân dân 2 cấp huyện Tuy Phước và tỉnh Bình Định tuyên xử 3 hộ dân nói trên phải tháo dỡ mái tôn, vật xây dựng để giao đất cho bà Hằng. Trong khi trên phần đất nói trên đã được chủ sở hữu 3 lô đất có số thửa 83, 84, 85 đã xây dựng hầm tự hoại cho công trình vệ sinh từ năm 1993.

Biên bản xác minh điều kiện thi hành án bản án số 08/DSPT của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định do Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tuy Phước lập ngày 7/5/2019 đã thể hiện là công trình phụ của 3 hộ dân nói trên đã xây dựng từ năm 1993, ấy vậy mà 3 hộ dân nói trên vẫn đang bị áp lực của cơ quan thi hành án buộc phải tháo dỡ tài sản trên đất của mình để giao diện tích đất thuộc quyền sở hữu của mình từ năm 1993.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.