Trước đó, vào cuối tháng 6/2020, Báo NNVN có tuyến bài “Người dân trước miệng hà bá vì những tuyến đê bị băm nát”.
Nội dung tuyến bài phản ánh có những tuyến đê như đê tả sông Chu, đê hữu sông Chu (Thanh Hóa) được đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhưng trong tình trạng “sáng bàn giao, chiều xuống cấp”.
Trong khi người dân nghi ngờ chất lượng các tuyến đê không đảm bảo, có dấu hiệu rút ruột công trình thì chủ đầu tư, đơn vị thi công cho rằng tình trạng xe quá tải thường xuyên lưu hành trên các tuyến đê này là nguyên nhân khiến mặt đê bị băm nát.
Sau khi báo đăng, ngày 14/7/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT ) ra văn bản đề nghị các tỉnh, TP có đê ngăn chặn, xử lý dứt điểm tình trạng xe quá tải đi trên đê.
Tại văn bản này, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, nhất là lực lượng công an tăng cường công tác kiểm tra trên các tuyến đê, kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm.
Bộ NN&PTNT cũng đề nghị UBND các tỉnh, TP bố trí ngân sách địa phương để xử lý, khắc phục những hư hỏng của đê do tình trạng xe quá tải đi trên đê gây ra, đảm bảo an toàn đê điều và giao thông trên đê phục vụ công tác ứng cứu, hộ đê trong mùa mưa lũ năm 2020 và các năm tiếp theo.
Thực hiện ý kiến của Bộ NN&PTNT, ngày 16/7, ông Mai Xuân Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký ban hành văn bản số 9473/UBND-CN về việc tăng cường công tác tải trọng phương tiện trên các tuyến đường giao thông.
Văn bản này khẳng định, thời gian qua UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm soát tải trọng trên các tuyến đường. Tuy nhiên, các xe chở quá tải trọng trên các tuyến đê vẫn còn nhiều, gây hư hỏng kết cấu hạn tầng tiền ẩn nguy cơ mất ATGT.
Để chấn chỉnh tình trạng trên UBND tỉnh Thanh Hóa giao công an tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo CSGT công an các huyện thị xã, TP tăng cường công tác kiểm soát, xử lý các xe chở quá tải, quá khổ, nhất là các tuyến đường gần mỏ vật liệu; giao Sở GTVT chỉ đạo lực lượng TTGT tập trung kiểm soát tải trọng ngay tại chân hàng đầu mối bốc xếp hàng hóa sử dụng có hiệu quả hệ thống cân xách tay và trạm kiểm tra lưu động.
Văn bản yêu cầu công an tỉnh, sở GTVT xây dựng kế hoạch phối hợp giữa CSGT và TTGT trong việc xử lý xe quá tải để nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm.
UBND tỉnh Thanh Hóa cũng giao Sở NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị có biện pháp quản lý hoạt động các tuyến đê đảm bảo đúng quy định của Luật đê điều; phối hợp với công an tỉnh, Sở GTVT tăng cường quản lý, xử lý vi phạm tải trọng khi lưu thông trên các tuyến đường; kiểm tra việc thực hiện cam kết việc không vận chuyển quả tải của các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp khai thác mỏ vật liệu...