| Hotline: 0983.970.780

Ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi tôm công nghiệp

Thứ Năm 21/12/2023 , 18:32 (GMT+7)

Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đã và đang áp dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm công nghiệp, giúp tăng năng suất và chất lượng.

Người dân huyện Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh) thu hoạch tôm. Ảnh: Nguyễn Thành.

Người dân huyện Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh) thu hoạch tôm. Ảnh: Nguyễn Thành.

Tỉnh Quảng Ninh hiện đang phát triển 2 đối tượng nuôi chủ lực cấp quốc gia là tôm thẻ chân trắng và tôm sú, tập trung chủ yếu ở các địa phương như TP Móng Cái, huyện Tiên Yên, Đầm Hà, TX Quảng Yên.

Đây là những địa phương có diện tích nuôi lớn, với các mô hình nuôi tôm công nghiệp theo hướng quảng canh cải tiến, thâm canh, siêu thâm canh, áp dụng công nghệ tiên tiến cho năng suất cao.

Trong đó, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính, mô hình nuôi tôm trong bể nổi tròn có diện tích khoảng 100ha (chiếm 1,3% diện tích nuôi tôm); mô hình nuôi tôm 2, 3 giai đoạn ít thay nước, mô hình nuôi tôm trong ao đất bền vững khoảng 150ha (chiếm 2% diện tích nuôi tôm); mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong quản lý môi trường và dịch bệnh được áp dụng ở hầu hết cơ sở nuôi tôm.

Những mô hình này đang cho năng suất 70-80 tấn/ha/vụ (cá biệt có mô hình đạt trên 100 tấn/ha/vụ), lãi suất đạt 1-2 tỷ đồng/ha/vụ. Đặc biệt hiện nay một số cơ sở nuôi tôm tại TP Móng Cái đã áp dụng mô hình CPF-COMBINE, quy trình sản xuất được triển khai hoàn toàn trong nhà bạt nhằm hạn chế các tác động của thời tiết, được chia thành 4 giai đoạn giúp người nuôi kiểm soát được con giống, chất lượng nước đầu vào, các yếu tố môi trường trong ao, hệ thống xử lý chất thải biogas.

Từ đó, giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm do chất thải từ ao tôm, đồng thời khí gas sau khi xử lý có thể được sử dụng để phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất, năng suất nuôi đạt được 10-12kg/m3.

Việc chuyển dịch từ phương thức quảng canh sang thâm canh đã giúp diện tích tôm công nghiệp toàn tỉnh đạt 4.700/7.500ha (chiếm trên 62% diện tích nuôi). Nhờ điều chỉnh cơ cấu nuôi hợp lý, phát triển các vùng nuôi tôm tập trung ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, sản lượng tôm đã tăng mạnh qua các năm.

Riêng 6 tháng đầu năm 2023 đạt gần 19.000 tấn (tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2022). Có thể nói, con tôm tiếp tục là một trong những đối tượng mang lại thu nhập cao, tương đối ổn định cho các hộ nuôi và doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn tỉnh.

Cùng với sự chủ động của doanh nghiệp và người dân, nhằm tiếp tục phát triển nghề nuôi tôm quản lý theo chuỗi, đầu tháng 6 vừa qua, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã tiến hành triển khai mô hình nuôi tôm công nghiệp quy mô nhỏ theo chuỗi giá trị tại xã Cộng Hòa (TP Cẩm Phả). Đây là mô hình liên kết 5 nhà (nhà quản lý; nhà khoa học; nhà cung ứng giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, cơ sở thu gom, tiêu thụ sản phẩm, người nuôi tôm và tổ chức chứng nhận chất lượng sản phẩm) với sự tham gia của 20 hộ nuôi tôm trên địa bàn xã.

Công ty TNHH Việt - Úc Quảng Ninh mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 1,5 tỉ tôm giống. Ảnh: Nguyễn Thành.

Công ty TNHH Việt - Úc Quảng Ninh mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 1,5 tỉ tôm giống. Ảnh: Nguyễn Thành.

Song song với việc ứng dụng các mô hình nuôi tôm công nghệ cao, để người dân, doanh nghiệp chủ động nguồn tôm giống chất lượng cao ngay tại chỗ, Công ty TNHH Việt - Úc Quảng Ninh cũng đã nỗ lực không ngừng để giữ vững vị thế là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong sản xuất tôm giống phạm vi cả nước.

6 tháng đầu năm, Công ty đã sản xuất, cung ứng cho thị trường gần 500 triệu con giống tôm thẻ chân trắng, trong đó số lượng cung ứng riêng cho thị trường Quảng Ninh là 284 triệu con. Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp đảm bảo sự phát triển ổn định cho ngành, mang lại sự yên tâm cho người nuôi tôm cả về sản lượng và chất lượng.

Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 1038/QĐ-UBND ngày 22/4/2022 về Phê duyệt Đề án phát triển chuỗi các sản phẩm nông sản chủ lực cấp tỉnh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, đã xác định phát triển chuỗi tôm thẻ chân trắng tại các địa phương tại Móng Cái, Hải Hà, Tiên Yên, Quảng Yên, Đầm Hà. Mục tiêu đến năm 2025 diện tích liên kết chuỗi đạt 500ha, sản lượng ước đạt 2.100 tấn và đến năm 2030, diện tích 4.800ha, sản lượng liên kết chuỗi đạt 25.650 tấn.

Ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện nay, Sở NN-PTNT đang xây dựng kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể đã đặt ra trong đề án, rà soát, đánh giá hiện trạng để chuyển đổi hoặc xây dựng mới các vùng nuôi tôm nước lợ thâm canh tập trung tại các địa phương đáp ứng đủ điều kiện sản xuất.

Bên cạnh đó, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các vùng có khả năng và được quy hoạch chuyển đổi sang nuôi tôm nước lợ theo hình thức nuôi thâm canh. Tuy nhiên để nghề nuôi tôm phát triển theo chuỗi đạt hiệu quả cao, về phía các địa phương cũng cần rà soát và tổ chức lại mô hình sản xuất đơn lẻ theo hộ cá thể thành các mô hình sản xuất liên kết hợp tác, tổ chức cộng đồng hoặc hợp tác xã... nhằm tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, cung ứng dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm tôm nuôi.

Xem thêm
Đầm Hà hướng đến phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững

QUẢNG NINH Hiện huyện Đầm Hà có 5.656ha đất bãi triều và mặt nước biển đã được cập nhật, tích hợp vào quy hoạch tỉnh phê duyệt.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.