| Hotline: 0983.970.780

Ứng dụng nhiều biện pháp cấy tiên tiến trong vụ đông xuân

Thứ Sáu 11/02/2022 , 18:59 (GMT+7)

Trong chuyến công tác kiểm tra sản xuất vụ đông xuân tại các tỉnh ĐBSH, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đề nghị địa phương tập trung xuống giống trước 28/2.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh kiểm tra chất lượng mạ khay trước khi gieo cấy tại huyện Đông Hưng, Thái Bình. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh kiểm tra chất lượng mạ khay trước khi gieo cấy tại huyện Đông Hưng, Thái Bình. Ảnh: Bảo Thắng.

Vụ đông xuân năm 2022, toàn tỉnh Thái Bình dự kiến gieo cấy khoảng 75.500 ha lúa, trong đó lúa chất lượng cao đạt 40 - 45% diện tích, năng suất phấn đấu đạt 71 tạ/ha trở lên; diện tích có liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm đạt từ 15% trở lên; phục hồi 1 - 2 giống lúa truyền thống có chất lượng cao ở địa phương để xây dựng nhãn hiệu gạo.

Trong chuyến công tác kiểm tra tình hình sản xuất vụ đông xuân tại các tỉnh ĐBSH ngày 11/2, bao gồm Thái Bình, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh ghi nhận việc nông dân trên địa bàn tích cực chuyển đổi sang sử dụng máy móc, cơ giới hoá, cũng như chủ động lấy nước qua hai đợt vừa qua.

Thứ trưởng đánh giá, thời tiết năm nay thuận lợi cho lúa và hoa màu; nguồn nước dồi dào cho làm đất, gieo cấy. Các địa phương cần tập trung tiêu nước đệm trong hệ thống, giải tỏa vật cản trên sông trục, mương máng đề phòng mưa lớn gây ngập úng cho lúa và cây màu; đồng thời đề nghị địa phương chỉ đạo nông dân tập trung nhân lực, phương tiện để tận dụng những ngày nắng ấm.

"Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy người dân đã ứng dụng nhiều biện pháp cấy tiên tiến. Thời gian tới, đề nghị bà con sử dụng hiệu quả, hợp lý phân bón, vật tư đầu vào, đồng thời xuống giống dứt điểm toàn bộ diện tích gieo cấy trước ngày 28/2/2022", Thứ trưởng Doanh nói.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh hỏi thăm, động viên bà con nông dân tại Thái Bình ngày 11/2. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh hỏi thăm, động viên bà con nông dân tại Thái Bình ngày 11/2. Ảnh: Bảo Thắng.

Trò chuyện với một số hộ nông dân trong quá trình kiểm tra tại quê lúa, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh được biết, chi phí cấy lúa bằng máy của bà con khoảng từ 250.000 - 270.000 đ/sào (Bắc bộ). So với thuê người cấy, người dân tiết kiệm trung bình 50.000 - 70.000 đ/sào.

Tuy nhiên, thực tế ở các vùng trồng lúa chính của Thái Bình, nguồn nhân lực tại chỗ khá nhiều. Đó là lý do tâm lý "lấy công làm lãi" và gieo sạ (gieo vãi, gieo thẳng) vẫn còn.

Theo Thứ trưởng, canh tác bằng hình thức gieo sạ để lại nhiều hệ lụy. Ông giải thích, gieo sạ từng được cho là không mất công làm mạ, giảm công cấy nhưng vẫn bảo đảm năng suất, lại không chịu áp lực về thời vụ so với cấy lúa truyền thống. Nhưng gieo sạ khiến nông dân dễ tăng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là thuốc trừ cỏ.

Nguyên nhân bởi trước khi gieo, mặt ruộng được tháo cạn nước trong nhiều ngày, việc phun thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm trước khi vãi là việc làm bắt buộc để cỏ dại không mọc trong giai đoạn đầu sau vãi. Ngoài ra, gieo sạ dễ tăng chi phí về giống, nhất là trong thời tiết giá rét, dẫn tới giảm lợi nhuận cho bà con. 

Không chỉ ảnh hưởng sức khỏe, môi trường, gieo sạ khiến người dân khó tham gia vào các liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo với doanh nghiệp. Tồn dư thuốc bảo vệ thực vật có thể giảm khả năng cạnh tranh của lúa gạo trong bối cảnh yêu cầu ngày càng cao của thị trường. 

"Trước đây không ai nghĩ có thể gặt được bằng máy, nhưng giờ chúng ta đã làm tại nhiều địa phương. Diện tích ĐBSH không quá lớn, nên người dân hoàn toàn có thể gieo cấy, giúp cây mạ chắc, khỏe, đảm bảo năng suất, chất lượng", Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chia sẻ.

Người dân sử dụng máy cấy tại xã Đông Tân, huyện Đông Hưng, Thái Bình. Ảnh: Bảo Thắng.

Người dân sử dụng máy cấy tại xã Đông Tân, huyện Đông Hưng, Thái Bình. Ảnh: Bảo Thắng.

Ngay trong những ngày vui Tết, đón xuân, nhiều bà con nông dân Thái Bình đã xuống đồng, tranh thủ thời tiết thuận lợi để ra ruộng cày, cấy vụ đông xuân. Theo Sở NN-PTNT tỉnh, năm nay, các HTX tại Thái Bình chủ động hướng dẫn bà con cấy các giống lúa như BC15, TBR25, J02, Thiên ưu... Đây đều là những giống lúa cho năng suất cao, cây khỏe, chống chọi sâu bệnh tốt.

Bên cạnh các biện pháp tuyên truyền cho người dân về việc tránh gieo cấy nhiều giống lúa có thời gian sinh trưởng khác nhau trong một vụ, gây khó khăn trong việc chỉ đạo thời vụ, chăm sóc, thu hoạch, ngành nông nghiệp Thái Bình cũng sớm triển khai các biện pháp phòng chống sâu bệnh. 

Các biện pháp diệt chuột, phòng trừ ốc bươu vàng cũng được nhiều nơi triển khai, đặc biệt là hỗ trợ một phần phân bón cho những cánh đồng mẫu lớn, giúp bà con yên tâm sản xuất.

Hiện diện tích gieo trồng cây màu vụ xuân của Thái Bình khoảng hơn 15.000 ha. Tỉnh đã xây dựng 3 - 4 vùng nguyên liệu để tăng giá trị sản phẩm đỗ xanh, lạc đỏ, khoai lang; đồng thời tận dụng mọi quỹ đất để mở rộng cây màu hè, phấn đấu diện tích đạt 11.000 ha trở lên. 

Hòa chung niềm vui của nông dân Thái Bình trong vụ đông xuân, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh lưu ý địa phương nghiên cứu mở rộng diện tích trồng hoa màu. Ông cũng gợi mở về dự án nông nghiệp thông minh do Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phối hợp Quỹ Thương mại và Chuyển giao công nghệ nông nghiệp Hàn Quốc trị giá hơn 2 triệu USD, đang triển khai tại xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội

Xem thêm
Người dân Vĩnh Phúc viết đơn xin dừng chăn nuôi trong khu dân cư

Tính đến cuối năm 2024 đã có 332 hộ chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn đề nghị hỗ trợ dừng chăn nuôi ở khu vực không được phép chăn nuôi.

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.