| Hotline: 0983.970.780

Ùng oàng bãi vàng Khau Âu

Thứ Ba 08/06/2010 , 10:23 (GMT+7)

Đủ các loại máy móc rải từ lưng chừng đến đỉnh các ngọn núi đá dựng ngược. Đại ngàn hoang sơ giờ ầm ầm tiếng máy, tiếng người. Đó là những gì đang diễn ra tại bãi vàng Khau Âu...

Đủ các loại máy móc rải từ lưng chừng đến đỉnh các ngọn núi đá dựng ngược. Đại ngàn hoang sơ giờ ầm ầm tiếng máy, tiếng người. Đó là những gì đang diễn ra tại bãi vàng Khau Âu, nơi giáp ranh giữa 2 huyện Chợ Mới (tỉnh Bắc Kạn) và huyện Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên).

THOẢ THUẬN LÊN NÚI

Thuyết phục sẽ bảo đảm danh tính cho gã “bưởng”, cuối cùng gã đồng ý cho tôi lên mục sở thị bãi vàng Khau Âu với một thoả thuận: Tôi phải chịu sự dẫn dắt và chỉ được viết địa danh Khau Âu, không được nêu tên tuổi, đường đi cũng như vị trí lán. Đúng 6 giờ sáng tôi có mặt tại điểm hẹn. “Bưởng” cho quân đón tôi bằng một chiếc xe cứu thương. Theo yêu cầu, tôi phải nằm im trên xe để không nhận ra đường đi. Sau 2 giờ, xe dừng lại. Tôi nhảy xuống thì gã đã có mặt tại đó, tâm trạng như đang chờ đợi. Gã nói: "Tôi phải làm vậy không anh em nói tôi cõng rắn cắn gà nhà, mà ông viết rõ tôi làm ở đâu tức là phá ục của tôi rồi".

Rồi đích thân gã chở tôi bằng xe máy vượt con đường nhầy nhụa trơn trượt hết 3 giờ đồng hồ mới đến chân núi. Ngước mắt nhìn hàng chục, hàng trăm lán trại che bạt màu xanh nằm chen chúc trên các sườn núi, mỏm núi. Mỗi lán của một “bưởng”. Thêm gần 2 giờ nữa leo dốc dựng ngược, tôi có mặt tại lán của gã bạn. Gã nhắc: "Ông tác nghiệp nhưng nhớ phải kín đáo và đừng đi quá xa, tôi không bảo kê được đâu".

Đội quân làm vàng trên đỉnh Khau Âu hầu hết là những nam thanh niên có tuổi đời trên dưới đôi mươi. Họ được trả thù lao từ 1,6 - 2 triệu đồng/tháng. Theo các bưởng thì bắt lính như vậy vừa dễ quản lý mà tiền thuê cũng vừa tầm. Một đầu cánh (người quản lý thay “bưởng”) nói: "Ở nhà bố nói không nghe nhưng lên đây thì răm rắp tuân lệnh, bằng không thì trừng phạt, dạy bằng đòn roi, bằng treo ngược xà, quỳ trên đá cuội dưới trời nắng. Tuỳ theo tội, có luật hết". Bãi này hầu hết đều là làm vàng nẹp. Quy trình làm vàng nẹp đòi hỏi đầu tư nhiều máy móc. Bước đầu tiên là xác định vỉa rồi đào hang. Sau khi dùng máy nén khí khoan rồi đánh mìn.

ĐÃI ĐÁ TÌM VÀNG

Theo sau một thợ khoan đá, tôi chui vào hang. Đường xuống hang được thắp sáng. Nước trên trần rỏ tòng tõng. Trong tư thế đi lom khom, tôi đến được vị trí cuối đường hầm có độ sâu khoảng 70 mét. Tại đây, người thợ khoan hí hoáy cắm mũi khoan nén khí vào vách hang. Tiếng động phát ra trong không gian chật hẹp đến đinh tai nhức óc. Sau chừng 15 phút, anh ta đã khoan được 3 lỗ sâu để nhồi thuốc nổ. Việc nhồi mìn cũng tự tay anh này thực hiện. Nhồi xong, anh ta lôi tôi vào một ngách hang nói: "Bác cứ bình tĩnh, không sợ đâu, em cho nổ nhé". Uỳnh, uỳnh, uỳnh. Dù đã chuẩn bị tinh thần trước xong tôi vẫn thấy nghẹt thở. Một lát sau, 4 thanh niên khác mò xuống đào bới thủ công. Họ đưa toàn bộ đất đá lên xe cải tiến và dùng tời lôi ra khỏi hang.

Đất đá rút ruột từ núi được đổ vào miệng một máy nghiền thô. Máy này sẽ giã đá thành đá loại 1, 2. Đá loại 1, 2 được đưa vào một máy nghiền khác mà sản phẩm của nó là thứ bột nước nhờ nhờ chảy qua 4 máng lắng. Vàng sẽ lắng lại trên 4 máng nước. Tuy nhiên, để lấy được vàng phải đãi và lọc. Công việc này đơn giản nhưng cần người khéo tay. Thông thường những đầu cánh hoặc “bưởng” trực tiếp đãi lọc. Gã bạn tôi vừa đãi vừa giải thích, làm vậy để đề phòng quân có tính gian, giấu vàng đi. Đưa bột đá lắng vào một dụng cụ như chiếc nón bằng sắt, đảo qua đảo lại dưới nước uyển chuyển, rồi gạt bỏ phần đất đá bên trên. Cứ như thế nhiều lần, tay gã mềm mại sàng tuyển. Khi loại bỏ được gần hết bột đá thì những ánh vàng nhỏ li ti lộ ra dưới đáy chiếc nón sắt.

Gã cho vàng vào chiếc bát nhựa rồi đổ thuỷ ngân lên. Đồ qua đổ lại nhiều lần để tiếp tục loại bỏ bột đá. Cuối cùng, dường như chỉ còn thuỷ ngân thì gã cho vào một túi vải. Gã cẩn thận vắt khô. Theo nguyên lý, thuỷ ngân sẽ hút vàng. Gã đưa tôi xem sản phẩm cuối cùng to bằng hột lạc trong chiếc túi vải và nói, chỗ này được khoảng 3 triệu đồng. Sản phẩm bằng hột lạc gồm cả vàng và thuỷ ngân cô lại được gã bạn cho vào ví. Khi dùng đèn khò thì thuỷ ngân sẽ bay đi hết. Để có 3 triệu đội quân của gã phải mất 2 ngày làm việc. Mỗi ngày họ đào khoảng 4 tấn đá.

KHAU ÂU - LO ÂU

Bãi Khau Âu có 4 khu vực được gọi là 4 giang. Mỗi giang như một hẻm núi. Các “bưởng” ở đây đều phân công lính làm việc theo ca kíp, cả ngày lẫn đêm. Với hàng trăm lán trại, hàng ngàn động cơ, hàng ngàn con người cùng với vật liệu nổ làm vùng núi này không một phút nào yên. Trong vai người đi mua lại lán, tôi tiếp cận vài lán xa hơn. Vợ ông chủ lán tên Thuận (vừa chỉ đạo 4 thanh niên khiêng một chiếc máy nổ lên núi) nói: "Bọn em đang đứng hang, nếu có bán cũng phải đánh nốt mấy tầm nữa". Những lán này nằm bám theo các dòng nước chứa đầy Cyanua và thuỷ ngân chảy từ trên núi xuống. Chủ lán người địa phương làm lại sái của các “bưởng” lớn nên không phải đầu tư nhiều và cũng không cần tranh giành vị trí. Ở những lán như vậy, có cả những đứa trẻ.

Người làm vàng đốn gỗ rừng tại chỗ để dựng lán. Tài nguyên vàng đang bị khai thác thì tài nguyên rừng thì đã kiệt quệ. Những cây gỗ có đường kính rộng tới hàng mét nằm ngổn ngang. Gã "bưởng" của tôi nói chí lý rằng, hãy hình dung những thân cây có đường kính tới 2 mét kia, chúng không đơn thuần là gỗ mà là những di chứng thời gian. Ở Khau Âu có rất nhiều lán bị bỏ không vì đào mãi không có vàng. Tại một số lán, người làm vàng còn để gỗ đầy gầm, chờ cơ hội tuồn về xuôi.

Không chỉ khoan núi, chặt cây, vàng tặc ở Khau Âu đang uy hiếp tất cả hệ sinh thái. Các loại rau rừng bị tận dụng, các loài động vật bị săn bắn. Nguy hại nhất là dòng hoá chất ngầu đục vẫn đang ngày đêm đổ xuống ruộng đồng của người dân sở tại. Trên đường xuống núi, tôi bắt gặp cả những chiếc máy xúc nằm chềnh ềnh trên dòng suối lớn. Khi đặt câu hỏi với gã "bưởng" về vai trò của chính quyền cơ sở, gã đã cho tôi thấy một bộ mặt khác hẳn. Tại nơi rừng cao, núi thẳm này, gã không phải là người bạn thư sinh, hiền lành mà thực sự là một tay “bưởng” uy quyền, sát thủ. Gã dằn giọng: “Chính quyền mò đến tống cho vài đồng là xong, nếu không thì cứ luật rừng mà chơi”.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm