| Hotline: 0983.970.780

Ứng phó với thiên tai của Tuyên Quang, một năm nhìn lại

Thứ Hai 26/12/2022 , 17:41 (GMT+7)

Hàng trăm hộ dân những nơi có nguy cơ cao sạt lở, lũ ống, lũ quét đã được tỉnh Tuyên Quang kiên quyết di dời trong năm 2022, nhưng vẫn còn thiệt mạng đáng tiếc...

Đau lòng những cái chết đã được cảnh báo

Người dân thôn Bản Khản, xã Bình Phú, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) vẫn ám ảnh về trận mưa lớn liên tiếp kéo dài trong nhiều ngày gây lũ quét và sạt lở đất diễn ra cuối tháng 5/2022. Cơn mưa dông đã khiến đất đá từ trên đồi ồ ạt xả xuống làm cho nhiều hoa màu của người dân thôn Bản Khản bị thiệt hại, đặc biệt là cướp đi sinh mạng của bà Ma Thị Mạnh.

Ông Đỗ Văn Cường, Trưởng thôn Bản Khản, xã Bình Phú, huyện Chiêm Hóa nhớ lại: Là Trưởng thôn Bản Khản, ông luôn vận động các hộ dân có taluy cao, những hộ có nguy cơ sạt lở đất lúc có mưa to gió lớn thì di rời đi sang hộ khác, hoặc trú ẩn ở những khu an toàn chứ không ở trong nhà mình nữa.

z3959027762939_7e2ae574c85286324456f7fab270cce6

Đã có 4 người tại tỉnh Tuyên Quang bị chết do thiên tai gây ra trong năm 2022. Ảnh: Đào Thanh.

"Vụ sạt lở tại nhà bà Mạnh, sáng hôm ấy chính tôi đã đến tận nhà khuyên bà tốt nhất di chuyển đi chỗ khác hoặc đóng cửa không bán hàng nữa. Thế mà đến trưa thì taluy đã tụt xuống đập và tường. Bà ấy vừa vào bếp để nấu cơm, bức tường đổ xuống, đập vào đầu bà khiến bà tử vong...", ông Cường xót xa nhớ lại.

Cái chết của bà Ma Thị Mạnh như lời cảnh tỉnh cho chính quyền và người dân xã Bình Phú, huyện Chiêm Hóa về việc không được chủ quan, lơ là trước việc ứng phó phòng chống thiên tai và di dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Bởi các đợt mưa lớn bất chợt có thể ập đến bất cứ lúc nào, sẽ khiến hàng nghìn ha ruộng, hoa màu của người dân bị ngập úng, thiệt hại; làm hàng trăm ngôi nhà sẽ bị tốc mái, hư hỏng; đường giao thông bị sạt lở, chia cắt…

Ông Nguyễn Chí Tuyến, Chủ tịch UBND xã Bình Phú, huyện Chiêm Hóa cho biết, hằng năm xã đều tiến hành rà soát tại 7/7 thôn để nắm bắt tình hình các hộ có nguy cơ trong vùng không an toàn. Qua rà soát lại của xã và báo cáo UBND huyện thì trên địa bàn xã có 2 hộ trong vùng nguy hiểm, vừa rồi huyện cũng đã vào khảo sát, lập biên bản và di rời 2 hộ, 1 hộ ở thôn Bản Man và 1 hộ ở thôn Phú Lâm. Chính quyền địa phương đã có những biện pháp hỗ trợ để di dời những hộ dân này ra khỏi vùng nguy hiểm.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tuyên Quang, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Tuyên Quang đã xảy ra các đợt thiên tai khiến 4 người chết, 5 người bị thương; 1.064 nhà ở của các hộ dân bị đổ sập hoàn toàn, tốc mái và hư hỏng.

Để giảm thiểu thiệt hại về người, nhất là những nơi có nguy cơ cao về sạt lở, lũ ống, lũ quét, trong năm 2022, toàn tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện di chuyển 166 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm, trong đó nhiều nhất là huyện Chiêm Hóa với hơn 60 hộ, huyện Lâm Bình 40 hộ, huyện Na Hang 26 hộ… Đây là kế hoạch rà soát của các huyện, thành phố đưa ra từ đầu năm nhằm giúp các hộ có nguy cơ cao di chuyển đến nơi an toàn.

Được sự chung tay của cộng đồng, anh em họ hàng của các hộ di chuyển trong việc sang nhượng, đổi đất, hỗ trợ ngày công..., đã giúp các hộ dân nằm trong diện nguy hiểm vơi bớt khó khăn, yên tâm di dời, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản. Đến nay, các địa phương đã hoàn thiện 100% kế hoạch di dân khỏi vùng nguy hiểm, giúp các hộ dân sớm ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất...

Sản xuất thiệt hại, hạ tầng bị tàn phá

Trong năm 2022, thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang cũng làm 12 trường học và điểm trường, 4 công trình giao thông, công trình công cộng bị thiệt hại, hư hỏng, xuống cấp; hơn 2.000ha lúa, 1.000ha cây ăn quả, 1.000 ngô và cây rau màu… bị đổ gãy, vùi lấp thiệt hại; 92 con trâu, bò, 1.100 con gia cầm bị chết…

z3959028434354_16ad91ce54ece1d0d7f4b25021daa383

Thiên tai, sạt lở đất khiến nhiều tuyến đường giao thông bị ảnh hưởng, hư hỏng tại Tuyên Quang trong năm qua. Ảnh: Đào Thanh.

Ông Bùi Chí Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tuyên Quang cho biết, thiên tai, sạt lở đất và lũ quét xảy ra là điều không ai mong muốn, nhất là giai đoạn hiện nay khí hậu biến đổi ngày càng cực đoan, phức tạp, những trận mưa bão, gió lốc đã tác động nặng đến đời sống người dân trên địa bàn tỉnh. Để hạn chế thấp nhất rủi ro do thiên tai gây ra, ngành chức năng của tỉnh Tuyên Quang luôn chú trọng công tác vận động, di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm; kịp thời hỗ trợ ứng phó nhanh với những địa bàn có thiên tai xảy ra.

Đối với hệ thống các công trình thủy lợi, những năm qua bên cạnh việc các công trình được đầu tư xây dựng từ lâu thì thiên tai cũng góp phần ảnh hưởng đến 72/374 công trình đập, hồ chứa thủy lợi bị hư hỏng và có nguy cơ sự cố mất an toàn. Trong đó có 42 công trình bị hư hỏng, xuống cấp phải tích nước hạn chế; 30 công trình đập, hồ chứa vừa và nhỏ bị hư hỏng, xuống cấp nhưng vẫn đủ điều kiện tích nước bình thường do chưa có nguồn vốn sửa chữa, nâng cấp.

Riêng trong năm 2022, thiên tai đã làm hư hỏng 835m kè tại huyện Lâm Bình và Thành phố Tuyên Quang; hơn 1.400m kênh mương bị trôi, sạt lở, hư hỏng; 1.700m bờ sông, bờ suối bị sạt lở. Với các hồ đập, tại huyện Sơn Dương, công trình hồ Đồng Trại, thôn Phú Nhiêu, xã Phú Lương đất đắp mái hạ lưu đập bị xói lở, hư hỏng đống đá tiêu nước mái hạ lưu, đất đắp mang bể tiêu năng tràn xả lũ, đường quản lý vận hành bị xói lở. Tại huyện Hàm Yên, công trình đập Thuôn Đén, xã Minh Hương bị sạt lở sân tiêu năng. Tại Thành phố Tuyên Quang bị vỡ mái sau cánh đập công ích thôn Hòa Mục, xã Thái Long…

ttxvn_sat_lo_dat

Sạt lở đất luôn là mối hiểm nguy rình rập mỗi mùa mưa lũ tới ở miền núi, trong đó có Tuyên Quang.

Ông Vi Ngọc Quý, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Na Hang cho biết, là địa phương thường xuyên có lũ quét, sạt lở đất nên công tác chủ động phòng chống thiên luôn được huyện chú trọng thực hiện. Riêng công tác di dân khỏi vùng nguy hiểm, từ đầu năm đến nay huyện đã thực hiện di chuyển 26 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm đến nơi ở mới. Được chính quyền địa phương cùng anh em hàng xóm giúp đỡ, vận động, các hộ dân đều đồng tình hưởng ứng và dần ổn định cuộc sống tại nơi ở mới.

Với các công trình thủy lợi, hiện nay trên địa bàn huyện Na Hang có 28 công trình thủy lợi bị hư hỏng, trong đó có 9 công trình bị hư hỏng nặng và 19 công trình bị hư hỏng nhẹ; 2 công trình kè chống lũ bị hư hỏng. Các công trình thủy lợi bị hư hỏng đã ảnh hưởng đến hoạt động canh tác sản xuất của người dân tại các địa phương.  

Nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, hằng năm, UBND tỉnh Tuyên Quang đều chỉ đạo các địa phương, các ngành liên quan chủ động rà soát, cập nhật phương án ứng phó, bảo đảm phù hợp, hiệu quả với các tình hình và tình huống cụ thể có thể xảy ra theo từng cấp độ; xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể chi tiết, đảm bảo ứng phó hiệu quả với các tình huống mưa, bão, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; kịp thời chỉ đạo, khắc phục những thiệt hại, đảm bảo ổn định đời sống và các điều kiện phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhân dân.

Xem thêm
Sắp xếp, tinh gọn bộ máy: Cấp tỉnh không quá 14 Sở

Ban chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 yêu cầu tổng số Sở thuộc UBND cấp tỉnh không quá 14 Sở, riêng Hà Nội và TP.HCM không quá 15 Sở.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là cuộc cách mạng lớn

An Giang có trên 300 nghìn nông dân trực tiếp sản xuất lúa và 229 hợp tác xã đang đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.