| Hotline: 0983.970.780

Nỗi khổ vùng ‘rốn lũ’ và những nỗ lực khắc phục thiên tai

Thứ Năm 22/12/2022 , 09:41 (GMT+7)

Huyện Tuy Phước được mệnh danh là ‘rốn lũ’ của tỉnh Bình Định, mùa mưa lũ năm nào cũng gây thiệt hại nặng nề cho người dân ở đây.

Thiên tai “rập rình” vùng rốn lũ

Theo ông Phan Văn Khiêm, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước (Bình Định), đặc thù của huyện Tuy Phước là nằm ven đầm Thị Nại, mùa mưa lũ, nước từ trên nguồn đổ xuống cộng với nước thủy triều dâng từ biển lên khiến 4 xã giáp ranh với đầm Thị Nại là Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa và Phước Thắng ngập lút. Riêng xã Phước Thắng có năm suốt 2 tháng ròng bà con phải đi lại bằng xuồng. Bởi, nước lênh láng không chịu rút, ngập hết đường sá không thể đi lại được. Lãnh đạo xã Phước Thắng suốt 2 tháng trời không thể về huyện họp hành gì được, mọi công việc đều liên lạc qua điện thoại.

Từ sau khi quốc lộ 19 mới hình thành, nước lũ từ nguồn về bị con đường này chặn lại thì xã Phước Nghĩa và Phước Thuận ngập càng nặng nề, nặng nhất là xã Phước Thuận. Ông Phan Văn Khiêm lý giải nguyên nhân do nước tập trung về cầu 20 rồi “trút” về xã Phước Thuận gây ngập diện rộng. Đó là nói về lũ chính vụ, năm nào lũ muộn, đến cuối tháng 12, thời điểm con nông dân đã gieo sạ lúa đông xuân mà còn xảy ra thì thiệt hại còn lớn hơn.

Người dân vùng 'rốn lũ' đành 'chung sống' với cảnh ngập ngụa trong mùa mưa lũ. Ảnh: V.Đ.T.

Người dân vùng "rốn lũ" đành "chung sống" với cảnh ngập ngụa trong mùa mưa lũ. Ảnh: V.Đ.T.

Hiện nay, cầu 20 trên quốc lộ 19 mới đã được mở rộng đường tiêu thoát lũ, nên tình trạng ngập sâu của xã Phước Nghĩa đã được giảm thiểu, nhưng nếu năm nào có mưa lũ lớn thì địa phương nói trên vẫn không tránh khỏi nạn ngập ngụa. Riêng ở xã Phước Thuận, hiện nay bà con vẫn phải chấp nhận cảnh “chung sống” với nước lũ dài ngày trong những mùa bão lũ. Về lâu về dài, chính quyền địa phương phải tính tới chuyện mở đường tiêu thoát lũ để giải phóng xã Phước Thuận, nhất là người dân 2 thôn Phổ Trạch và Quảng Vân thoát khỏi nạn “chung sống” với nước lũ.

“Những năm lũ lớn, khu vực cầu Đen ở thôn Quảng Vân, xã Phước Thuận có nhiều diện tích ruộng bị sa bồi thủy phá nghiêm trọng. Những diện tích này thường không khắc phục kịp để sản xuất, vụ đông xuân năm ấy phải bỏ hoang. Sau đó, huyện hỗ trợ 1 phần kinh phí để chính quyền xã khắc tiến hành phục sa bồi bằng cơ giới để vụ sau bà con tiếp tục sản xuất. Những hộ nông dân có đất bị sa bồi không thể sản xuất thì huyện hỗ trợ gạo để ổn định đời sống cho bà con”, ông Phan Văn Khiêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước chia sẻ.

Nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai

Theo thống kê của UBND tỉnh Bình Định, trong 5 năm, từ năm 2015-2019, bão lũ xảy ra trên địa bàn đã làm 94 người chết, 55 người bị thương; 1.219 ngôi nhà bị sập, 2.578 nhà bị hư hỏng; 58 tàu thuyền bị chìm.

Cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, nhà máy nước sạch, trạm y tế, trường học bị phá hủy nặng nề. Thiệt hại vật chất khoảng 4.500 tỷ đồng. Với thiệt hại này, phải 10 năm sau Bình Định mới có thể khôi phục lại nền sản xuất và cơ sở hạ tầng như ban đầu.

Thực tế những năm qua cho thấy, ngay sau khi kết thúc các đợt thiên tai, lãnh đạo tỉnh Bình Định lập tức chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, đánh giá thiệt hại, xác định ưu tiên và khẩn trương xây dựng kế hoạch khôi phục và tái thiết.

Bên cạnh đó, Bình Định huy động nguồn lực tại địa phương, bao gồm ngân sách dự phòng, đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức và của người dân để tổ chức khôi phục sản xuất và tái thiết. Trường hợp nhu cầu vượt quá khả năng nguồn lực của địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin hỗ trợ. Ví như để khắc phục hậu quả thiên tai năm 2021, tỉnh Bình Định được Thủ tướng Chính phủ phân bổ 150 tỉ đồng hỗ trợ khẩn cấp.

Người dân vùng 'rốn lũ' Tuy Phước bị thiệt hại nặng nề trong những mùa mưa lũ. Ảnh: V.Đ.T.

Người dân vùng "rốn lũ" Tuy Phước bị thiệt hại nặng nề trong những mùa mưa lũ. Ảnh: V.Đ.T.

Sau mỗi mùa mưa lũ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định khẩn trương chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương trên địa bàn bắt tay ngay vào công tác phục hồi, tái thiết nhằm sớm ổn định đời sống và sản xuất của người dân.

Các Sở, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp ở Bình Định triển khai ngay công tác khắc phục hậu quả thiên tai. Hàng trăm chiến sĩ các lực lượng vũ trang, Đoàn Thanh niên trên địa bàn tích cực tham gia công tác khắc phục sạt lở đê điều, giao thông, kênh mương; cất nhà tạm cho người dân, cấp phát hàng cứu trợ, sớm ổn định cuộc sống người dân. Mỗi đơn vị được phân công cụ thể nhiệm vụ theo chức năng, trong đó, tham gia chính là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS các cấp.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Định thành lập bộ phận tiếp nhận và phân phối hàng cứu trợ, vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh gửi về hỗ trợ. Tiền, hàng cứu trợ được cấp phát đến người dân kịp thời, đúng đối tượng và công bằng.

“Trong những năm qua, Bình Định đã xây dựng 9 nhà tránh trú bão, lũ cộng đồng tại xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước); xã Nhơn An, Nhơn Hậu, Nhơn Phúc (thị xã An Nhơn); xã Nhơn Phú, Nhơn Bình (thành phố Quy Nhơn); 10 nhà sinh hoạt cộng đồng tại xã Phước Quang và thị trấn Diêu Trì (huyện Tuy Phước) và các xã Nhơn Phong, Nhơn Khánh, Nhơn Thọ (thị xã An Nhơn); đồng thời hỗ trợ 740 hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão lụt. Giai đoạn 2021-2025, theo kế hoạch, Bình Định tiếp tục hỗ trợ 500 hộ nghèo xây dựng, nâng cấp nhà ở theo chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở của Chính phủ. Hỗ trợ xây dựng 2 nhà cộng đồng tránh lũ tại thôn Tân Xuân thuộc xã Ân Hảo Tây và thôn Vạn Hòa  thuộc xã Ân Hảo Đông (huyện Hoài Ân)”, ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định cho hay.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.