| Hotline: 0983.970.780

Ước gì con không phải bỏ học

Thứ Sáu 26/09/2014 , 08:15 (GMT+7)

Đặt chân vào bên trong ngôi nhà anh Út, tôi không ngờ rằng cuộc sống gia đình 6 thành viên lại chen chúc nhau trong căn nhà ẩm thấp rộng hơn 3 m và dài khoảng 6 m.

Luôn cần cù lao động, làm đủ mọi nghề từ đào đất, cắt cỏ, phụ hồ đến khuân vác mướn quanh năm vẫn không đủ sống, còn căn thì nhà xiêu vẹo, lại phải chịu đựng bệnh tật, lo sợ mỗi khi mưa giông, đó là hoàn cảnh gia đình anh Nguyễn Văn Út, ngụ ấp Vĩnh Trinh, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang.

Đặt chân vào bên trong ngôi nhà anh Út, tôi không ngờ rằng cuộc sống gia đình 6 thành viên lại chen chúc nhau trong căn nhà ẩm thấp rộng hơn 3 m và dài khoảng 6 m.

Nhìn bên trong căn nhà lá không có một vật gì giá trị ngoài chiếc giường cũ dành cho mẹ già nằm ngủ và chiếc chiếu trải dưới sàn, là nơi để cả nhà ăn cơm, ngủ nghỉ và là nơi học hành của các con.

Cuộc sống quanh năm của vợ chồng anh là ai thuê gì làm nấy, nay đây mai đó, rong ruổi khắp nơi miễn sao có bữa cơm qua ngày. Nhưng với suy nghĩ nếu cứ mãi mưu sinh khắp nơi thì các con sẽ không được học hành đàng hoàng, từ đó vợ chồng anh Út trở về ấp Vĩnh Trinh, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận sinh sống.

Số tiền vợ chồng anh làm lụng vất vả chắt chiu dành dụm và chạy vạy vay mượn người quen, cùng sự giúp đỡ của anh em mỗi người một ít, vợ chồng anh Út mua được miếng đất nho nhỏ cất nhà lá ở tạm. Mới hơn một năm mà căn nhà dột nát, liêu xiêu, có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Một không gian nhỏ xíu, ẩm thấp chỉ phù hợp cho khoảng 3 người đứng.

Chị Kim Hồng Thắm, vợ anh Ut cho biết: Anh chị rất cố gắng làm mọi việc để xoay sở trong gia đình nhưng vẫn không đủ tiền sửa lại căn nhà, mỗi khi mưa xuống là cả nhà chịu cảnh dột và lo sợ nhà sập khi giông gió.

Còn người mẹ già là bà Nguyễn Thị Năm, nay 91 tuổi, đã hơn 10 năm nay sống trong cảnh mù lòa, mọi thứ sinh hoạt đều được con cháu chăm sóc. Đôi mắt bà trước đây chỉ bị mờ, do không tiền chữa trị khiến bà không còn nhìn thấy ánh sáng.

Chị Thắm là con dâu nhưng rất thương mẹ chồng, vừa lo chuyện kiếm sống qua ngày, vừa chăm sóc mẹ chồng từng miếng ăn giấc ngủ. Những lúc vợ chồng chị không có nhà thì các con thay cha mẹ chăm sóc bà.

08-26-05_hinh-2
Góc ăn nghỉ sinh hoạt của gia đình

Con trai lớn Nguyễn Thanh Tâm, 14 tuổi nhưng chỉ mới học lớp 5, Nguyễn Tuấn Vũ, 12 tuổi học lớp 4 và Nguyễn Tuấn Lợi, 10 tuổi học lớp 3. Vì cái nghèo mà các em đều học muộn. Các con của vợ chồng anh Út đều rất ham học nhưng có nguy cơ nghỉ học giữa chừng vì gia đình thiếu trước hụt sau.

Chị Thắm tâm sự: "Cuộc sống quá khó khăn, làm lụng vất vả nhưng không có tiền sửa nhà và lo cho các con ăn học, nên giờ chỉ mong có mái nhà ổn định để có thời gian đi làm kiếm tiền cho con đi học".

Thấu hiểu hoàn cảnh của vợ chồng anh Út nghèo khổ, hàng xóm không khỏi chạnh lòng. Người nào qua lại gia đình đều sẻ chia từng miếng ăn, manh áo, nhưng cuộc sống của họ cũng nghèo làm sao giúp đỡ được mãi. Lâu lâu mấy người hàng xóm giúp cho gia đình chút đỉnh, với tấm lòng "lá lành đùm lá rách, một miếng khi đói bằng một gói khi no". Cuộc sống khó khăn lại càng khó khăn hơn, vì vợ chồng anh Út đều mắc bệnh nhưng không có tiền chạy chữa. 

Bà Nguyễn Thị Hai, hàng xóm gia đình anh Út chia sẻ: "Gia đình thằng Út quá trời nghèo! Thấy nó như vậy mà mình không biết phải làm sao để giúp được. Mong sao các mạnh thường quân giúp đỡ cho gia đình nó có nhà ở ổn định để lo làm ăn nuôi dạy con cái biết chữ và chăm sóc mẹ già".

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Anh Nguyễn Văn Út, ấp Vĩnh Trinh, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang. Hoặc gửi về văn phòng Báo NNVN tại ĐBSCL, số 49 Lý Tự Trọng, TP.Cần Thơ, ĐT: 07103.8345431, chúng tôi sẽ chuyển giúp quý vị.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm