| Hotline: 0983.970.780

Ươm cây giống lâm nghiệp và trồng rừng, thu tiền tỷ mỗi năm

Thứ Tư 20/12/2023 , 08:00 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Vườn ươm cây giống lâm nghiệp gần 1,5ha và 24ha rừng trồng mỗi năm cho ông Trần Duy Thủy ở TP Quy Nhơn (Bình Định) thu nhập hàng tỷ đồng.

Bén duyên với nghề rừng

Tính đến nay đã 15 năm ông Trần Duy Thủy (56 tuổi) ở khu phố 7, phường Bùi Thị Xuân (TP Quy Nhơn, Bình Định) gắn đời với nghề rừng.

Từ năm 2000, lớp tập huấn sản xuất cây giống lâm nghiệp mà ông được tham gia đã “se duyên” ông Thủy với nghề rừng. Nhận thấy đây là mô hình phát triển kinh tế phù hợp nên ông đã mạnh dạn khai hoang 4ha đất đồi tại địa phương để chăn nuôi, trồng trọt tổng hợp. Khi ấy ông Thủy nuôi bò, gà và trồng các loại cây mía, mì, đậu phụng, đậu xanh và giống cây lâm nghiệp. Để chủ động thức ăn phục vụ chăn nuôi bò, ông Thủy bố trí đất để trồng cỏ, vào thời điểm đó việc làm này được xem là sáng tạo có tính đột phá.

Vườn ươm giống cây lâm nghiệp của ông Trần Duy Thủy ở khu phố 7, phường Bùi Thị Xuân (TP Quy Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Vườn ươm giống cây lâm nghiệp của ông Trần Duy Thủy ở khu phố 7, phường Bùi Thị Xuân (TP Quy Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Sau đó, nhận thấy trên địa bàn Bình Định đang phát triển mạnh phong trào trồng rừng nguyên liệu, ông Thủy dành ra gần 1,5ha đất để làm vườn ươm giống cây lâm nghiệp. Vừa làm vừa học tập kinh nghiệm, đến năm 2010, việc sản xuất và tiêu thụ cây giống lâm nghiệp đi vào ổn định, hàng năm gia đình ông Thủy xuất bán khoảng 1,5 triệu cây giống, chủ yếu là cây keo lai cho người trồng rừng trong và ngoài tỉnh. Doanh thu từ bán giống cây lâm nghiệp đã cho ông Thủy hơn 600 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, ông còn lãi ròng không dưới 200 triệu đồng.

“Thừa thắng xông lên”, ngoài sản xuất cây giống lâm nghiệp, gia đình ông Thủy còn đầu tư trồng hàng chục ha keo lai. Đến nay, vườn ươm giống cây lâm nghiệp rộng gần 1,5ha và 24ha rừng trồng mỗi năm cho gia đình ông Thủy khoản lãi ròng gần 1,5 tỷ đồng.

Ông Thủy cho biết, đất trồng rừng của ông không chỉ có ở Bình Định mà có cả trên đất Phú Yên. Rừng được ông Thủy trồng nhiều lứa để thu hoạch xen kẽ, chứ trồng 1 lượt thu hoạch cùng lúc không nhân công nào làm cho xuể.

“Để có được giống keo lai chất lượng cao, đầu tiên phải biết chọn những hom giống tốt, không mang mầm bệnh, lấy từ những cây mẹ đã được tuyển chọn trong vườn giống. Đặc biệt, phải biết “bắt bệnh” khi cây giống có biểu hiện nhiễm bệnh và biết cách điều trị. Hiện bình quân mỗi năm tôi sản xuất được 2,1 triệu cây giống lâm nghiệp tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, mỗi năm tôi thu hoạch từ 3,5 - 4ha rừng keo nguyên liệu, cả 2 khoản trên cho lợi nhuận bình quân 1,5 tỷ đồng/năm”, ông Trần Duy Thủy chia sẻ.

Mỗi năm vườn ươm giống cây lâm nghiệp của ông Trần Duy Thủy cung ứng ra thị trường 2,1 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao. Ảnh: V.Đ.T.

Mỗi năm vườn ươm giống cây lâm nghiệp của ông Trần Duy Thủy cung ứng ra thị trường 2,1 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao. Ảnh: V.Đ.T.

Lãi ròng tăng dần từng năm

Vừa đưa chúng tôi đi tham quan vườn ươm giống cây lâm nghiệp, ông Thuỷ vừa tâm sự: Để sản xuất được 2,1 triệu cây giống/năm như hiện nay, ông phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm từ sản xuất thực tế, trong quá trình chăm sóc, bón phân. Đồng thời, ông sử dụng công nghệ tưới nước tự động cho vườn ươm và thường xuyên tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật cấy, chiết, chăm sóc cây keo hom giống... để áp dung vào thực tế tại vườn ươm của mình, cho ra cây giống lâm nghiệp có chất lượng cao.

Nhờ được nhiều khách hàng tin tưởng, đồng thời tích cực quảng bá và mở rộng thị trường nên cây giống lâm nghiệp sản xuất từ vườn ươm của ông Thủy được tiêu thụ mạnh tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước với số lượng lớn.

“Năm 2019, vườn ươm của tôi chỉ mới sản xuất được 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp và thu hoạch 3,5ha rừng keo nguyên liệu, cộng với thu nhập từ các loại cây ngắn ngày, sau khi trừ chi phí, tôi còn lãi ròng 1,3 tỷ đồng. Đến năm 2020, vườn ươm của tôi sản xuất được 2,1 triệu cây giống, cùng với thu hoạch rừng trồng và các loại cây ngắn ngày, khoản lãi ròng của tôi đã tăng lên 1,6 tỷ đồng. Trong 2 năm 2021 và 2022, khoản lãi ròng của tôi vẫn duy trì ở mức đó”, ông Thủy phấn khởi cho biết.

Với mô hình trồng cây giống lâm nghiệp và trồng rừng, ngoài 5 lao động chính trong gia đình, ông Thủy còn thuê thêm 7 lao động thường xuyên với mức lương từ 3,5 - 5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, khi đến thời vụ thu hoạch rừng trồng, ông Thủy còn tạo việc làm cho khoảng 10 - 15 lao động.

Cây giống lâm nghiệp của ông Trần Duy Thủy có chất lượng cao nên được người trồng rừng trong và ngoài tỉnh tin dùng. Ảnh: V.Đ.T.

Cây giống lâm nghiệp của ông Trần Duy Thủy có chất lượng cao nên được người trồng rừng trong và ngoài tỉnh tin dùng. Ảnh: V.Đ.T.

Ngoài làm giàu cho gia đình, ông Thủy còn hướng dẫn cho trên 50 hộ nông dân ở địa phương biết cách trồng và chăm sóc cây lâm nghiệp, tổ chức cho nông dân tham quan vườn ươm của mình để học tập kinh nghiệm từ thực tế, làm ăn thoát nghèo.

“Những nông dân có nhu cầu tìm hiểu về mô hình trồng giống cây lâm nghiệp tôi luôn sẵn lòng hướng dẫn. Hàng năm, tại vườn của tôi đều có sinh viên thực tập về tham quan để làm đề tài tốt nghiệp”, ông Thuỷ chia sẻ.  

Với kết quả đạt được trong sản xuất và những đóng góp về mặt xã hội, những năm qua, ông Trần Duy Thủy đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Bình Định và Hội Nông dân tỉnh Bình Định tặng bằng khen. Năm 2023, ông Thủy còn vinh dự được Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023”.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.