| Hotline: 0983.970.780

Đất của người chết bao vây đất của người sống

V. Nhiều hội nghị chuyên đề về nghĩa trang nhưng đất ngoài đồng vẫn mất

Thứ Sáu 24/03/2023 , 06:30 (GMT+7)

Anh cán bộ địa chính xã Hiệp Hòa, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng đưa tôi xem một tập thông báo xử lý vi phạm về việc xây nghĩa trang gia đình trên đất ruộng.

Chỉ hạn chế được phần nào

Bài liên quan

Trong đó ghi rõ: “Kể từ 14h ngày 29/3/2022 hộ ông N phải dừng và chấm dứt ngay việc đã tự ý xây quây mồ mả tại thửa đất số 715, tờ bản đồ số 15, diện tích 220m2 tại xứ đồng Miếu Gà thôn An Bảo, nguồn gốc là đất trồng lúa 95%. Hộ ông N buộc phải khắc phục ngay hậu quả do đã tự ý sử dụng đất sai mục đích và phải tự nguyện tháo dỡ toàn bộ công trình xây quây mồ mả trên thửa đất nêu trên, trả lại nguyên hiện trạng ban đầu.

Thời gian khắc phục, UBND xã giao cho Tổ công tác quản lý đất đai của xã phối hợp với Ban lãnh đạo thôn An Bảo tiếp tục quan tâm, theo dõi diến biến, nắm bắt tình hình, phát hiện nếu hộ ông N vẫn có hành vi cố tình xây dựng sẽ chỉ đạo xử lý theo pháp luật”.

Đã có 5 - 6 trường hợp bị xử lý như thế nhưng ông Nguyễn Quốc Thùy - Chủ tịch UBND xã Hiệp Hòa vẫn than: “Chỉ hạn chế được phần nào, chứ ngăn chặn tuyệt đối là khó vì có khi đêm người ta đã kịp đưa mộ xuống rồi, sáng ra đành chịu”.

Empty

Tập thông báo xử lý vi phạm về việc xây nghĩa trang gia đình trên đất ruộng do cán bộ địa chính xã Hiệp Hòa lưu giữ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bài liên quan

Cũng theo ông Thùy, xã có hơn 6.000 dân với 7 thôn, xóm và 5 nghĩa trang. Năm 2012 địa phương bắt đầu chương trình nông thôn mới, có quy hoạch một nghĩa trang chung rộng 4ha nhưng khi đưa ra ý kiến người dân không nhận được sự chấp thuận vì truyền thống đã an táng ở các nghĩa trang cũ ở gần, nay phải di rời mồ mả về một điểm xa sẽ khó thăm nom.

Trong khi đó, các nghĩa trang cũ hiện hữu nằm rải khắp đồng không giải phóng được để tập trung cho đất sản xuất đã đành, mà quy hoạch vào đấy để mở rộng ra cũng không xong bởi quy định về khoảng cách với khu dân cư không đảm bảo. Chúng thường ở ngay ven làng. Phần diện tích còn trống, xen kẹt ở các nghĩa trang này đang bị người dân xây bao chiếm khiến cho xã rất khó quản lý:

“Hiện tượng xây quây lại một khu đất để làm nghĩa trang gia đình là điều không thể tránh khỏi, kể cả xây trên đất nông nghiệp 95% đã giao cho hộ sử dụng lâu dài. Nhưng diện tích vi phạm ở đây cũng không quá rộng, trung bình chỉ khoảng vài chục m2 và chúng tôi cũng có nhiều động thái để ngăn chặn.

Empty

Mồ mả lấn vào đất ruộng, tiến đến sát nhà dân ở thôn An Bảo. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bài liên quan

Thứ nhất là trong các hội nghị của đảng, chính quyền, đoàn thể của xã, thôn đều quán triệt vấn đề này. Thứ hai là xã mời đơn vị tư vấn pháp lý đến hội trường mỗi năm ít nhất một lần để nói chuyện về chuyên đề quản lý đất đai, trong đó nhấn mạnh những vi phạm liên quan đất nghĩa trang. Mỗi cuộc như thế chúng tôi thường mời trên 100 đại diện hộ, năm nay cũng đã cho đăng ký rồi. Nhiều người dân rất quan tâm dù hội nghị không hề có chi kinh phí.

Thứ ba là xã đã ban hành các thông báo, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện quản lý đất đai; thành lập tổ công tác chuyên về quản lý đất đai với thành phần có cả công an tham gia để ngăn chặn, cưỡng chế, tháo dỡ, xử phạt các vi phạm. Thôn An Bảo tình hình đang phức tạp nhất, có những khu mộ rộng tới 200m2.

Theo thống kê xã đang có 4,94ha đất nghĩa trang nhưng thực tế lớn hơn thế. Quy định của Nhà nước (Nghị định 23 năm 2016 về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang trong đó mộ hung táng và chôn cất một lần tối đa không quá 5m2, mộ cát táng tối đa không quá 3m2), hung táng thì thực hiện được vì công tác quản trang của các thôn khá tốt, còn cát táng trong khu nghĩa trang có quy hoạch đã dần vào nề nếp, nhưng khu ngoài đang rất vướng. Cán bộ xã chúng tôi gương mẫu, không có trường hợp nào xây nghĩa trang gia đình quá lớn nhưng đảng viên thì cũng có người thấy bà con làm thì làm theo”.

Empty

Ông Nguyễn Quốc Thùy - Chủ tịch UBND xã Hiệp Hòa đang chỉ vào vị trí những nghĩa trang trên bản đồ. Ảnh: Dương Đình Tường.

"Trong các hội nghị cũng như trong các văn bản chỉ đạo tôi luôn nói, nếu cứ tự ý mở rộng nghĩa trang ra thế này thì người sống ở ít mà người chết ở nhiều, rất lãng phí", ông Nguyễn Quốc Thùy - Chủ tịch UBND xã Hiệp Hòa.

Điều băn khoăn của xã nông thôn mới kiểu mẫu

Vợ chồng anh Nguyễn Đức Vương người thôn An Bảo đang cặm cụi trồng dưa trên khoảnh đất nửa sào của đứa cháu bỏ lại, thấy tôi lúi húi cạnh nghĩa trang gia đình mình liền tiến lại. Anh giới thiệu, đây là ruộng của nhà, xưa đã có 4 ngôi mộ, giờ thêm 4 ngôi nữa nên mới xây quây  với diện tích khoảng 80 - 90m2. Không như những nghĩa trang gia đình gần đó, trước đây gần như là không có mộ.

“Nói gì thì nói xây như thế này vẫn mất đi một phần đất nông nghiệp nhưng thực tế hiện nay phần đất bỏ hoang còn nhiều hơn thế nhiều. Khu này còn ít, chứ khu trên đống Cao đất hoang mênh mông, cây mọc lên rậm như rừng, rất lắm chuột bọ. Làm nông nghiệp giờ không đảm bảo thu nhập nhưng cũng chẳng lo thiếu lương thực đâu. Mỗi ngày khoa học càng phát triển, năng suất ngày càng cao, nhà tôi cấy 3 sào đủ ăn cả năm chứ trước kia cấy hàng mẫu vẫn còn đói”.

Các khu nghĩa trang gia đình xây rất lớn trên đất ruộng và nghĩa trang thôn An Bảo đang mở rộng ra cánh đồng. Clip: Dương Đình Tường.

Bài liên quan

Từ khu mộ gia đình của ông Vương, tôi cho chiếc flycam cất cánh. Loang loáng trên màn hình hiển thị là những ruộng rau màu xanh mát mắt bị xen kẽ với những khu nghĩa trang gia đình màu xám xịt của bê tông hay gạch, đá ốp. Cái được xây kiên cố với tường bao cao ngang ngực, cái thì chỉ vài hàng gạch vôi thấp lè tè, tạm bợ. Có khoảng hơn 10 khu xây quây như thế trên đất nông nghiệp của làng, nhiều cái đã vào sát nhà dân, độ vài chục bước chân là chạm.

Chỉ cách đó vài trăm mét là nghĩa trang của thôn cũng đang mở rộng ra đồng một cách nhanh chóng. Tôi thấy thấp thoáng bóng những nông dân đang còng lưng làm cỏ lúa hay cỏ rau dưới bóng đổ từ những khu mộ cao to chẳng kém gì một ngôi nhà. Lắm cái trong khuôn viên còn trồng thêm vô số cây xanh, thảm cỏ, tiểu cảnh, trải đá làm lối đi giống như khu resort. Nhiều khu rộng tới 100 - 200m2 nhưng chỉ có 1 - 2 ngôi mộ, còn lại diện tích đất trống là dành để chờ cho nhiều thế hệ.

DSC_0832

Bà Nguyễn Thị Hồng - trưởng thôn An Bảo luồn lách trên những lối đi trong nghĩa trang làng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bà Nguyễn Thị Hồng - trưởng thôn An Bảo luồn lách một cách khó khăn trên những lối đi ngoằn nghèo tựa như mê cung trong nghĩa trang làng rồi giải thích rằng: Thực ra người dân cũng không muốn để xảy ra tình trạng này đâu. Ngặt nỗi ngày xưa đất đã chia hết cho dân mà lại chẳng thèm bớt lại một phần để quy hoạch nghĩa trang.

Chỗ cát táng không cụ thể, do đó người dân cứ ruộng của nhà ai thì nhà đó chôn cất, xây mộ, có khu xây quây tới 1 sào (360m2). Nếu không làm quyết liệt, chỉ một thời gian nữa tất cả các ruộng tốt cũng sẽ dần hết. Lắm gia đình, lúc bố mẹ ốm đau thì anh em còn tị nhau chăm sóc đến nỗi xảy cãi vã nhưng khi bố mẹ chết rồi thì xây mồ rõ to, rõ đẹp.

Hiện UBND xã cũng đang quyết liệt trong việc “dẹp loạn” tình trạng mồ mả chôn linh tinh trên đất nông nghiệp. Mùa sang cát hay xây mồ xã vẫn cử đoàn cán bộ ủy ban cùng địa chính xuống kết hợp với thôn, thấy những khu xây quây mới với mộ giả bên trong hay đang dự kiến chôn là giải tỏa.

Empty

Một khu nghĩa trang gia đình xây quây rất lớn ở nghĩa trang thôn An Bảo. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Người ta mua được mảnh ruộng thường xây quây vào, đắp đất hình ngôi mộ, đặt bát hương rồi thắp hương lên. Làm sao chúng tôi biết được mộ giả? Là bởi nhà ai có cha chú đưa về, dù đêm hôm đi chăng nữa cũng phải mời xóm làng, anh em, họ hàng. Người này nói, người kia nói là cả làng đều biết. Không có những việc như thế thì xác định luôn mộ giả, không cần phải xăm đất để thăm dò làm gì. Năm ngoái dịch Covid 19 nên người ta không sang cát được mấy, năm nay làm rất nhiều. Riêng thôn tôi đã giải tỏa 6 - 7 trường hợp xây quây trái phép như thế”, bà Hồng nói.

Cũng theo bà trưởng thôn, khu mộ đắt nhất của An Bảo vào khoảng 500 - 600 triệu, còn khu mộ rộng nhất vào khoảng 200m2, thực sự vẫn còn khiêm tốn so với bên thôn Hạ Đồng, Thượng Đồng của xã An Hòa kề bên: “Ngày xưa mồ mả ở rất xa, giờ đã tiến vào sát làng, vừa ảnh hưởng đến môi trường, mỹ quan vừa tốn đất. Tôi sợ cứ tình trạng này con cháu sau này muốn làm nông nghiệp cũng không còn ruộng nữa mà làm. Không chỉ có thế, các công ty, xí nghiệp về đây khảo sát để mở nhà máy, tạo công ăn việc làm tại chỗ cho dân làng nhưng họ thấy mồ mả linh tinh thế này đều đã bỏ đi hết.

Empty

Một khu mộ rất lớn ở nghĩa trang thôn An Bảo. Ảnh: Dương Đình Tường.

Những nhà đã chôn cất, xây mộ trên ruộng là chuyện lịch sử đã qua rồi, không thể làm lại được nữa nhưng tôi mong muốn Nhà nước, thành phố và huyện quan tâm đến việc quy hoạch nghĩa trang nhân dân và quản lý thật chặt. Xã tôi xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu thì càng phải có chỗ hung táng, cát táng sao cho đảm bảo vệ sinh và đẹp đẽ, gọn gàng. Ở trong đó, mộ hung táng không được quá 5m2, mộ cát táng không quá 3m2 theo đúng quy định của Nhà nước. Nếu quy hoạch được nghĩa trang chung như thế thì tôi tin rằng người dân sẽ dần chấp hành tốt thôi”…

Cách Vĩnh Bảo một con sông, qua cây cầu Nghìn là tỉnh Thái Bình, quê lúa. Tôi nghe nói ở đó, mươi năm trở lại đây, kể từ khi có chương trình nông thôn mới, việc quản lý nghĩa trang nhân dân thuộc vào loại tốt nhất nhì miền Bắc nên mới tò mò vượt sông.

“Chúng tôi hay được người dân báo rằng, mới đây ông A mua miếng đất của ông B, đã đắp lên hai cái mộ giả để chuẩn bị sang năm sang cát cho bố mẹ là đưa về đấy. Thế là thôn báo xã rồi cùng tổ chức ngăn chặn”, bà Nguyễn Thị Hồng - trưởng thôn An Bảo.

Xem thêm
Đại tướng Nguyễn Quyết qua đời ở tuổi 102

Đại tướng Nguyễn Quyết từ trần vào hồi 21 giờ 09 phút ngày 23/12 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 sau một thời gian lâm bệnh.

Nông nghiệp dẫn lối, tương lai rộng mở trên vùng đất Si Ma Cai

LÀO CAI Si Ma Cai đổi thay từng ngày từ nông nghiệp, nơi những mùa quả ngọt không chỉ mang lại thu nhập mà còn thắp sáng hy vọng về một tương lai no đủ, bền vững.

Học sinh Khánh Hòa được nghỉ Tết Nguyên đán 10 ngày

Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa đã thông tin cụ thể về lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 của học sinh trên địa bàn tỉnh.