| Hotline: 0983.970.780

Đất của người chết bao vây đất của người sống

IV. Nghĩa trang lan rộng ra tận đường cái, vây quanh làng

Thứ Năm 23/03/2023 , 06:35 (GMT+7)

Khách đến thôn Nội Tạ đều thấy lạ trước cảnh mồ mả lô nhô sát tận đường cái, nhà dân. Đêm ngủ lại lắm người còn không dám ra ngoài một mình vì… sợ ma.

A xây được thì B xây được

Bài liên quan

Thôn Nội Tạ, xã An Hòa, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng có 407 hộ, 1.350 khẩu nhưng sở hữu tới 6 điểm chôn cất từ xa xưa mà dân làng quen gọi là đống. Tất cả chúng đều hình thành trên đất nông nghiệp. Khi tôi hỏi về quy hoạch nghĩa trang, chỉ mấy phút sau ông Nguyễn Văn Đại - trưởng thôn đã huy động khá đầy đủ đại diện các ngành, hội của Nội Tạ đến nhà mình. Nghe chừng câu chuyện đã đến hồi gay cấn.

Ông giải thích, việc lộn xộn hiện nay là do cơ chế bởi cách đây 20 năm thôn cũng đã quy hoạch một nghĩa trang với diện tích 3 sào (mỗi sào 360m2) ở đống Miễu. Quá trình chôn cất nhiều năm sau, diện tích của nó đã hết, không còn chỗ nữa, khiến cho nhà nào có ruộng ở gần các đống thì tự chôn, nhà không có thì mua ruộng để chôn.

Empty

Trưởng thôn (phải) và Chi hội trưởng Chi hội người cao tuổi thôn Nội Tạ (trái) trước một khu mộ lớn của thôn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bài liên quan

Khởi xướng lên phong trào xây các nghĩa trang gia đình to, rộng bắt nguồn từ những người làng đi làm ăn xa về, có điều kiện kinh tế. 10 năm về trước, khu mộ gia đình nào to cũng chỉ cỡ 2 - 3 thước (mỗi thước 24m2), sau đó vì “con gà tức nhau tiếng gáy” mà mở rộng ra cỡ 3 - 4 thước, trong đó cỡ 20 ngôi hơn 100m2 (lớn nhất khoảng 200m2), còn 60 - 70m2 phải cỡ hàng trăm.

Nghị quyết của Đảng ủy xã, của Chi bộ thôn đều tuyên truyền thu hẹp mồ mả lại để dành diện tích đất cho canh tác nhưng cấm xây ngày thì họ xây đêm, nhiều khi phát hiện ra đã không thể làm gì được nữa. Ông A xây được thì ông B xây được. Ông B xây được thì ông C xây được. Cứ thế tạo thành một tiền lệ xấu cho cả làng, chẳng ai còn bảo được ai nữa.

Ông Nguyễn Xuân Lãi - chi hội trưởng Hội người cao tuổi của thôn thì thủng thẳng: “Người dân cứ nhìn những cán bộ, từ cấp to đến cấp nhỏ, nhiều người về hưu có tiền đã xây mộ sẵn cho mình lớn lắm nên họ tị, cứ thế mà học theo. Cán bộ phải đi tiên phong trong việc hỏa táng, xây mộ nhỏ thì dân mới nghe theo, chứ giữa lời nói và việc làm khác nhau thì họ chẳng nghe đâu. Ngay như chuyện mở đường nông thôn mới, dân cũng xem cán bộ có dám hy sinh, hiến đất của nhà mình không hay chỉ là cứ hô suông thôi. Dân bây giờ thông minh lắm rồi!

Empty

Trưởng thôn (trái) và Chi hội trưởng Chi hội người cao tuổi thôn Nội Tạ (phải) trong một khu mộ lớn của thôn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nhà này đua nhà kia, giờ nghĩa trang đã lan rộng ra đến đường cái, đến tận mép làng. Xưa, người ta kiêng đất của người sống chạm vào đất của người chết, nay cứ xây ào ào. Nếu không ngăn chặn tình trạng này đất của người sống mỗi ngày sẽ bị thu hẹp lại một cách nhanh chóng bởi giờ thôn mới có trên 100 hộ xây nghĩa trang gia đình, vẫn còn khoảng 200 hộ nữa chưa làm đâu.

Một số gia đình, ông anh có điều kiện kinh tế hô xây nghĩa trang gia đình thật to, thật rộng, các em nghèo nhưng cứ phải nghe theo. Thôn là cánh tay nối dài của chính quyền, khi phát hiện vi phạm chúng tôi cũng báo lên nhưng trên lại bất lực trước cách đánh “du kích” của dân. Họ đưa tiểu xuống trước, xây mộ xong mới xây quây tường bao, biến thành chuyện đã rồi”.

Tôi được trưởng thôn và chi hội trưởng Hội người cao tuổi thôn dẫn đi thực tế tình hình ngoài nghĩa trang. Nào phải đâu xa, nó ở ngay đầu cổng làng. Chiếc flycam nhấp nháy đèn nhưng tôi không thể ra lệnh cho nó cất cánh, bay lên được. Hỏi ra thì mới hay, chỉ cách Nội Tạ hơn km tính theo đường chim bay có một đơn vị quân đội. Bởi thế tôi phải từ bỏ ý định chụp không ảnh từ trên cao để xem mồ mả đang bao vây làng như thế nào.

Empty

Một mảnh ruộng đã bị xây quây lại để sẵn sàng đặt mộ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khá nhiều khu nghĩa trang gia đình ở đây được xây quây lại, kín cổng, cao tường, bên trong không có mộ hoặc chỉ có một hai ngôi rất nhỏ. Một số thì mới chỉ làm xong móng bằng gạch đỏ hay bằng ba banh. Chúng như những lưỡi dao lam khổng lồ, xén ngọt xớt qua cánh đồng, qua những thửa ruộng rau màu tốt tươi, lẹm sát vào các nhà dân, để lại trên thân thể của làng những vết thương vẫn ngày đêm rỉ máu.

“Chúng tôi là người cũng có tuổi rồi, nghĩa là cần “đất” nhất rồi nhưng nhìn thấy cảnh tượng này vẫn rất buồn. Chắc chắn rằng mai sau đất nông nghiệp sẽ bị thu hẹp, rồi đất ở của người sống cũng bị ảnh hưởng theo. Muốn giải quyết vấn đề này phải có kỷ cương, phải cắm mốc giới cho nghĩa trang, khoanh vùng nó lại. Chứ đằng này, nhiều khi chúng tôi phát hiện sai phạm, báo lên xã nhưng họ không xuống ngay, để người ta xây tường bao, chôn cát táng rồi mới tới, mà bới lên thì đánh nhau to”, ông Lãi buồn rầu bảo.

Empty

Chi hội trưởng Hội người cao tuổi của thôn Nội Tạ trước cổng một khu mộ. Ảnh:

Không xuất khẩu nông sản được vì đất có nhiều mồ mả

Tối hôm đó, tôi ngủ tại nhà ông Vũ Mạnh Kha - nguyên Chủ tịch UBND xã An Hòa để sáng hôm sau cùng đi tập thể dục. Mới dạo quanh sân vận động ngay sát làng thôi, đập vào mắt là cảnh mồ mả san sát, cả “xác ướt” (hung táng) lẫn “xác khô” (cát táng, hỏa táng). Khi tôi kể lại cảm giác đó, ông Kha trầm ngâm rồi trải lòng mình:

“Đã ba đời chủ tịch xã trong đó có tôi, gần 20 năm rồi mà An Hòa quy hoạch nghĩa trang nhưng không thực hiện được chú ạ. Không có quản trang nên nhà ai thích hướng nào, miếng đất nào thì tự chôn người thân xuống mảnh mình đã mua hay đã đổi. Có những trường hợp không chôn ở trong đất nghĩa trang đã quy hoạch mà cứ nghe lời thầy cúng, chôn ở ngay ruộng của nhà vì lý do “đất đẹp”.

Thời tôi còn làm chủ tịch xã, cách đây 5 năm đã nảy sinh chuyện người ta tranh đua nhau xây nghĩa trang gia đình rất lớn, dồn tất cả ông bà, bố mẹ vào một chỗ để khi tảo mộ, thắp hương không phải đi linh tinh nữa. Phần diện tích còn trống họ để dành chỗ chờ con, cháu vài thế hệ. Một suất đinh đóng góp xây nghĩa trang gia đình nếu to mà bằng bê tông trung bình phải 20 - 30 triệu, có điều kiện hơn thì 30 - 40 triệu, còn xây đá thường phải có người tài trợ vì rất tốn kém.

DSC_0793

Ông Vũ Mạnh Kha - nguyên Chủ tịch UBND xã An Hòa: "Đã ba đời chủ tịch xã mà quy hoạch nghĩa trang nhưng không thực hiện được". Ảnh: Dương Đình Tường.

Nhiều khi bố mẹ lúc đang còn sống đối xử không ra sao, nhà cửa để lụp xụp, ăn uống không chăm lo. Đến khi chết, nào bia đá, lăng đá, mộ đá tiền tỉ, cúng bái rầm rộ tốn từ vài chục triệu đến cả trăm triệu, voi giấy, ngựa giấy, máy bay giấy, ô tô giấy, giúp việc giấy… đốt đầy đồng. Quá lãng phí mà có khi ngay cả anh em khó khăn, vay mượn một vài đồng họ cũng chẳng cho, hay chuyện học hành của chính con cháu mình cũng chẳng thèm để ý tới.

Trong huyện Vĩnh Bảo này, hầu như địa phương nào tình hình cũng vậy, nó còn lan cả sang tỉnh bạn là Hải Dương. Chỉ một số xã nông thôn nâng cao, kiểu mẫu, đang “vào quy lát” thì đỡ hơn một chút, có quy hoạch nghĩa trang nhân dân nhưng việc quản lý, hướng dẫn vẫn còn lỏng lẻo.

Nếu có quy hoạch nghĩa trang mà không quản lý, không có quản trang thì mãi mãi tình hình vẫn vậy. Tôi nói với chú, nông thôn mình là dòng họ, là anh em, là ruột thịt. Khi có người ra khoanh một mảnh đất rồi chôn xuống đó một ngôi mộ là không thể đào lên, không thể đập đi được. Bởi hễ động vào là động tới cả bốn dòng họ gồm nội ngoại của vợ, nội ngoại của chồng. Bởi thế mà các ông trưởng thôn thường trốn tránh vì còn sống ở làng, các ông chủ tịch xã cũng thường hay ngại chuyện họ hàng, không đập. Mà không đập thì nó như thế thôi”.

Empty

Mồ mả đã tiến sát nhà dân ở thôn Nội Tạ. Ảnh: Dương Đình Tường. 

"Tỷ lệ nhà có nghĩa trang gia đình của xã An Hòa ước khoảng trên 70% nhưng đã làm cán bộ thì không dám xây quây ra ruộng như dân đâu. Bản thân tôi hề không có nghĩa trang gia đình, không xây quây lại thành một khu riêng dù đang có 4 ngôi của các cụ", ông Vũ Mạnh Kha - nguyên Chủ tịch UBND xã An Hòa.

Cũng theo ông Kha, việc để nghĩa trang phát triển một cách tự phát, để người dân xây mồ mả, chôn bừa bãi trên đất nông nghiệp hậu quả đã nhãn tiền, chứ không còn là điều xa xôi nữa. Cách đây 5 - 7 năm, khi biết có 2 dự án rau sạch muốn làm mấy chục ha nhà lưới để xuất khẩu, xã có giới thiệu cho Sở NN-PTNT Hải Phòng và các doanh nghiệp về cánh đồng An Lãng.

Nhưng sau khi khảo sát thực tế, đoàn đã từ chối thẳng thừng việc lập dự án ở đây vì có quá nhiều mộ. Ngay khu công nghiệp An Hòa trên địa bàn diện tích rộng 200ha, hình thành đã 15 năm nay nhưng không mấy doanh nghiệp nào dám vào một phần cũng bởi có vài trăm ngôi mộ vẫn còn nằm rải rác ở trong đó, không giải tỏa được.

Empty

Mồ mả ngay gần đường chính vào thôn Nội Tạ. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Đó là ảnh hưởng về kinh tế, còn về dân sinh cũng rất đáng lo. Theo quy định của nhà nước về nghĩa trang hung táng phải cách khu dân cư ít nhất 2.000m, nghĩa trang chôn cất một lần phải cách khu dân cư ít nhất 500m, nghĩa trang cát táng phải cách khu dân cư ít nhất 100m nhưng thực tế không thể thực hiện được. Mồ mả đã tiến sát đến nhà dân, trường học và các công trình công cộng. Mồ mả có thể đã ảnh hưởng đến cả nguồn nước ngầm hay nước mặt mà người dân đang sử dụng hàng ngày...

Trong khi hỏi đường tới xã Hiệp Hòa kế bên, người ta kể rằng ở đó chính quyền tổ chức các cuộc họp với hàng trăm chủ hộ, mời cả luật sư giảng về chuyên đề đất nghĩa trang mà không "dẹp loạn" được, khiến tôi tò mò muốn biết tình hình cụ thể.

Xem thêm
Ông Nguyễn Đình Việt giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La

SƠN LA Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nước, nguồn sống và nỗi lo: Khi ngập úng 'kéo lên' đô thị vùng cao

Sơn La Tình trạng ngập úng kéo dài không chỉ gây xáo trộn cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của người dân tại TP Sơn La.