Tiện nghi thế ai cũng muốn... chết
Dù đã nhìn trực diện nhưng ở góc quan sát từ trên cao của flycam tôi vẫn cảm thấy ngỡ ngàng đến sửng sốt trước độ hoành tráng của những ngôi mộ hay những nghĩa trang gia đình ở đây. Trong đó có những lăng đồ sộ tạc bằng đá, khuôn viên lát gạch đỏ, dựng chòi nghỉ mát, bày bàn ghế đá, trồng nhiều cổ thụ. Hầu hết chúng đều được xây trên những thửa ruộng mà mới chỉ dăm bảy năm trước dân làng còn cấy lúa hay trồng khoai. Mấy người làng chép miệng chẳng biết thật hay đùa với tôi rằng: “Đầy đủ, tiện nghi như thế này thì ai cũng muốn chết chú nhỉ?”
Ông Trần Văn Giám - trưởng thôn Hạ Đồng ở xã An Hòa, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng nói: "Cánh đồng Trại trước đây có một cái gò lớn, nhiều đời dân làng Hạ Đồng rồi sau là Thượng Đồng dùng để chôn người quá cố".
Ông Giám kể: “Xưa chỉ có mộ nhỏ thôi, nhưng hơn 10 năm gần đây những nhà có điều kiện đã mua gom đất nông nghiệp của dân để làm nghĩa trang riêng. 3 thước rồi 5 thước. 1 sào rồi 2 sào.
Họ chẳng cần biết gì về quy định của Nhà nước (Nghị định 23 năm 2016 về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang trong đó mộ hung táng và chôn cất một lần tối đa không quá 5m2, mộ cát táng tối đa không quá 3m2 - PV) mà cứ đua nhau mở rộng. Nhiều dòng họ cũng đua xây mộ to hơn, cao hơn, rộng hơn, đẹp hơn, đắt tiền hơn, nhất là nếu có con cháu sống ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Nhà chưa có nghĩa trang gia đình thì mua thật to, nhà đã có rồi thì mua mở rộng thêm. Có nhà con mới đẻ ra, còn khóc oe oe đã đóng suất rồi.
Nhu cầu nhiều như thế nên 10 năm trước 1 sào ruộng chỉ bán được 30 triệu, giờ đã 70 - 80 triệu. Toàn mua bán kiểu viết tay, không qua thôn xã, cứ cầm thước đo diện tích rồi về nhà đếm tiền là xong. Khi mảnh ruộng này đã biến thành khu nghĩa trang gia đình, bị xây tường bao quanh thì mảnh ruộng bên cạnh cũng bị ảnh hưởng vì không có lối đi, máy móc không vào được, nước không dẫn đến được. Bởi thế nhà trước bán, nhà sau đành phải bán theo. Thứ nữa là nhiều người cũng cần tiền, muốn bán ruộng để chi tiêu. Nghề nông giờ khó khăn, làng tôi có 70 mẫu ruộng thì đã bỏ hoang hơn 10 mẫu...”.
Nói rồi ông ngồi bần thần, bấm ngón tay tính nhẩm. Khu mộ đã xây quây rộng từ 1 sào (360m2) trở lên có 14 cái, rộng từ 5 - 10 thước (mỗi thước rộng 24m2) có khoảng 40 cái. Người sở hữu khu mộ to nhất không phải ở tại làng mà trước có bố gốc quê, giờ đã bán đất, cắt khẩu đi làm ăn nơi khác. Về sau phát đạt, anh ta bỏ tiền mua gom của mấy hộ được khoảng 5 - 6 sào ruộng.
Để biến nó thành nghĩa trang gia đình, hàng ngàn m3 đất đã đổ xuống, bê tông đổ trùm lên, rồi cuối cùng lát gạch đỏ, dựng lăng đá, xây chòi nghỉ mát, bày bàn ghế đá, trồng cây cổ thụ mà bên trong chỉ có mấy ngôi mộ: “Làng xóm xì xào nhưng xã lặng ngắt thì thôn làm sao dám có ý kiến? Trước đó, anh ta đã hỗ trợ xây đền bà chúa, nhà thờ thần tổ (thành hoàng làng), tổng cộng nghe đâu khoảng tỉ đồng rồi mới làm nghĩa trang gia đình nên xây công khai như công trình của Nhà nước vậy. Công nhân đông tới hơn 10 người, ăn ở tại nhà con cháu anh ta, ngày ra đồng làm, tối về ngủ nghỉ. Xây hàng năm trời mới xong, rất cầu kỳ, tổng giá trị gồm cả tiền đất lẫn tiền công, vật liệu phải cỡ vài tỉ.
Khu mộ to thứ nhì rộng khoảng 1,5 - 2 sào thuộc về một người gốc ở thôn Thượng Đồng nhưng đi làm ăn xa, mua đất, xây tường bao quanh rồi chuyển 6 - 7 ngôi mộ ở đâu về trong đêm tôi cũng không rõ nữa. Điều đáng nói là trong 14 khu mộ to ấy có một số chủ không phải khá giả gì, chỉ là nông dân nhưng vì đua nhau, xây cố cho bằng anh, bằng em nên phải vay nợ.
Họ đi xem bói, nghe thầy phán ông nọ, bà kia nhà mình thiêng lắm, có mảnh đất phát, nếu mà đặt mộ ở đó sẽ mát mẻ, con cháu làm ăn thành đạt nên bày đặt cúng lễ, xây dựng cho thật to. Thậm chí mộ đang ở chỗ này họ cũng bê sang chỗ nọ vì tin lời thầy bảo “động”. Mộ cũ dù đã phá nóc, lấy tiểu chuyển đi rồi nhưng có 7 - 8 nhà vẫn để nguyên khuôn xây như vậy, thực chất là giữ chỗ nhưng ngoài miệng vẫn nói sợ hồn còn lởn vởn ở đó không dám động vào”…
Xây dựng mồ mả to nhưng lộn xộn nên nghĩa trang làng không có hệ thống tiêu thoát nước, hễ trời mưa nước đen dâng lên, xú uế ngập tràn không ai dám lội vào.
Làng của người sống không bằng “làng của người chết”
Ngày nào ông Giám cũng có mặt ở cánh đồng Trại, vừa lấy nước cho ruộng nhà, vừa đề phòng đội rà đồ cổ đến nghĩa trang đào bới, lũ nghiện đến nghĩa trang tiêm chích. Hiện nghĩa trang của làng ông đã mở rộng mênh mông, ước khoảng 20 mẫu trong đó 5 - 7 mẫu vẫn còn đang trống. Chúng được giữ chỗ bằng cách xây tường bao, đổ đất đắp mộ giả, dựng bát hương giả, vờ như bên dưới có cốt, hoặc trồng khoai, trồng rau bên trong giả vờ như đất vẫn còn sản xuất nông nghiệp. Nhưng tất cả làm sao qua mắt được ông?
Ngoài đồng, “làng của người chết” xây dựng sầm uất là thế nhưng trong thôn, làng của người đang sống vẫn còn nhiều thiếu thốn, khó khăn. Ông Giám thống kê Hạ Đồng có 5 hộ nghèo, 7 hộ cận nghèo và hơn 20 người tàn tật, ốm đau cần trợ cấp. Hệ thống điện dây còn lòng thòng, mất an toàn. Hệ thống đường còn 4 đoạn rất xấu. Nhiều gia đình mộ các cụ thì khang trang mà nhà mình đang ở còn tạm bợ, trong đó chừng 40 ngôi đã xuống cấp trầm trọng…
Buổi trưa nắng gắt, tiếng sáo diều u u trên đầu, cái bóng của nó chao liệng bên trên những khu mộ khổng lồ như một con quạ. Tôi gặp bà Phạm Thị Thám đang lúi húi hái rau trong khu nghĩa trang gia đình được hình thành từ 7 thước ruộng. Nó mới được xây quây lại, bên trong đặt 3 ngôi mộ, phần chưa dùng thì tận dụng để trồng rau vì cấy lúa chuột phá quá.
Để tránh cho nghĩa trang “bò lan” ra cánh đồng thêm nữa, người ta đã đổ một con đường bê tông chạy quanh. Tuy nhiên vẫn còn một số hộ bạo gan xây quây nghĩa trang gia đình ra cả những mảnh ruộng đang trồng thuốc lào bên ngoài. Một số cái đã bị chính quyền đập bỏ, nhưng cỏ bên trong còn chưa kịp mọc xanh, những cái khác đã kịp dựng lên vẫn còn nguyên màu vữa mới. Chúng được cánh thợ của làng xây chỉ trong một, hai đêm là xong.
Ông Phạm Văn Đàn - Chủ tịch UBND xã An Hòa phân trần, sở dĩ có tình trạng lộn xộn ở nhiều nghĩa trang, xây mồ mả cả trên đất ruộng hiện nay là do: Thứ nhất, thời kỳ trước khi chia ruộng cho dân lại không quy hoạch nghĩa trang, không quy định diện tích tối đa mỗi ngôi mộ cũng như không cấm mộ chờ. Thứ hai, từ năm 2010 trở lại đây, nhu cầu chôn cất lớn nên dân ngấm ngầm chuyển đổi đất nông nghiệp, không qua chính quyền địa phương, nhất là ở những chỗ gần nghĩa trang. Thứ ba, đội ngũ quản trang thôn có, thôn không.
Xã có tổng diện tích 609ha thì đất ở cho người sống hơn 50ha, còn đất ở cho người chết (đất nghĩa trang) thống kê 2 năm trước là 10,7ha nhưng ước tính hiện phải gấp đôi vì tình trạng bao chiếm, xen kẹt. An Hòa có 8 nghĩa trang to, ngoài ra còn vài chục điểm chôn cất rải rác nên không hiếm những ngôi mộ sát làng, sát đường, sát nhà văn hóa như thôn Nội Tạ có đống Củ, thôn An Lãng có đống Tre, đống Vôi, thôn Kênh Hữu có đống Miễu…
“Dân giờ họ cũng khôn lắm, năm nay để mộ xuống không xây ngay khuôn viên, tường bao đâu vì sợ xã lập biên bản, xử phạt, đợi yên yên năm sau đổ thêm ít cát, xây chân móng, năm sau nữa mới xây tường bao, cổng”, ông Phạm Văn Đàn - Chủ tịch UBND xã An Hòa.
Năm 2020 huyện Vĩnh Bảo ra nghị quyết về tăng cường quản lý đất đai, xã cũng ra nghị quyết để thực hiện. Tuy nhiên, nếu xây bao chiếm mà chưa đặt mộ còn tháo dỡ được, nếu đã đặt mộ xuống rồi thì đành bất lực. Chuyện hình thành nghĩa trang kiểu mẫu vì thế mà trở nên xa vời.
“Những ngôi mộ to, nghĩa trang gia đình lớn thường là của những nhà có con em sống ở Hà Nội, Hải Phòng chứ đa số người dân và cán bộ xã rất nghèo, lấy tiền đâu mà xây lớn? Như khu nghĩa trang của gia đình tôi chỉ rộng 15 - 20m2 để ông bà ở ngay lõi của nghĩa trang cổ, chẳng có tường bao gì cả, xung quanh người ta đã xây kín hết rồi.
Trên thành phố đất chật và đắt nên họ mới chuyển bố mẹ về quê, hình thành những nghĩa trang gia đình. Mùa khô, mỗi thôn sang cát cỡ 30 - 40 trường hợp thì bên ngoài cũng khoảng bằng ấy tiểu đưa tro, xương cốt chuyển về. Giải pháp bây giờ theo tôi thứ nhất phải dồn điền đổi thửa, di hết đất 95% của dân gần nghĩa trang ra ngoài, lấy quỹ đất 5% của xã đổi cho họ rồi giao cho xã, thôn quản lý. Thứ hai phải thành lập đội ngũ quản trang để kiểm soát tình hình. Thứ ba phải quy hoạch mốc giới các nghĩa trang”, ông Đàn nói.
Còn ông Trần Văn Giám - trưởng thôn Hạ Đồng thì khẳng định từ trước đến nay không có cuộc vận động nào về việc không nên xây mộ to cả, bởi thế ai có tiền cứ việc làm. Vừa rồi nghe phong thanh có doanh nghiệp về mở dự án trên cánh đồng làng nên nhiều nhà không có mộ cũng cố xây quây để mà chờ đền bù: “7 thôn trong xã đều chung tình trạng như vậy, có nơi mỗi khẩu phải đóng cả chục triệu để mua chỗ ngoài nghĩa trang. Như bên thôn Nội Tạ, không đủ tiền thì họ cứ mua đất giữ chỗ đã, khi nào có tiền mới xây tường bao quây quanh, có tiền nữa mới xây lăng đá, mộ đá. Chính quyền cấm ngày thì người ta chong đèn xây đêm nên nghĩa trang đã lan ra đến đường cái, vào sát nhà dân rồi”.