| Hotline: 0983.970.780

Vải không hạt gây ấn tượng mạnh

Chủ Nhật 11/06/2023 , 08:34 (GMT+7)

Giống vải không hạt được trồng thử nghiệm trên địa bàn huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) với diện tích khoảng 30ha. Khi vải chín có màu đỏ rực, cùi mọng, giòn, vị ngọt đậm đà. Hiện vải không hạt đã có mặt tại nhiều thị trường lớn trong nước như Hà Nội, TP.HCM…

Giá bán 170 nghìn đồng/kg

Ngày 10/6, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn đã đến thăm mô hình trồng vải không hạt tại đội 4, xã Nguyệt Ấn, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa.

Đây là giống vải nhập khẩu từ nước ngoài, được Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp chọn tạo, trồng thử nghiệm trên địa bàn huyện Ngọc Lặc với diện tích khoảng 30ha.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến (ngoài cùng bên trái) thăm vườn vải không hạt tại Ngọc Lặc, Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến (ngoài cùng bên trái) thăm vườn vải không hạt tại Ngọc Lặc, Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản.

Vải không hạt được doanh nghiệp sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Khi vải chín có màu đỏ rực, cùi mọng, giòn, vị ngọt đậm đà. Vỏ vải không bị cháy rám quả khi gặp nắng và dễ bảo quản. Ưu điểm của giống vải này là tốn ít công chăm sóc, không sâu cuống và đem lại giá trị kinh tế cao. Vải có thời gian thu hoạch 1 lần/năm đối với các cây từ 4 năm tuổi trở lên. 

Năm 2023 là năm đầu tiên Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm thu hoạch vải để bán ra thị trường. Ước tính sản lượng thu hoạch khoảng 20 tấn, với giá bán buôn khoảng 170 nghìn đồng/kg. Hiện nay vải không hạt của Công ty đã có mặt tại nhiều thị trường lớn trong nước (Hà Nội, TP.HCM…).

Theo đại diện Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm, hiện nay đơn vị đang phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp tiếp tục chọn tạo, khảo nghiệm, đánh giá hiệu quả của giống vải này để nhân rộng mô hình sản xuất.

“Việc phát triển cây vải không hạt góp phần mở ra hướng đi mới trong việc đa dạng hóa các loại cây trồng, tăng tính cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị kinh tế trên diện tích đất sản xuất”, ông Nguyễn Văn Huệ, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm cho biết.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cùng các đại biểu thử vải không hạt tại vườn. Ảnh: Quốc Toản.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cùng các đại biểu thử vải không hạt tại vườn. Ảnh: Quốc Toản.

Thăm mô hình, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cùng các đại biểu tham quan đã được thưởng thức vải không hạt tại gốc. Qua khảo nghiệm, Thứ trưởng Tiến kỳ vọng giống vải này sẽ được nhân rộng tại nhiều địa phương trong tỉnh Thanh Hóa và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

“Đây là giống vải rất đặc trưng, khác hẳn các giống vải khác về chất lượng quả, khối lượng quả, độ đường, đặc biệt là khả năng kháng sâu bệnh cao. Với những ưu điểm trên, vải không hạt của Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm có thể chinh phục được các thị trường khó tính trong và ngoài nước”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.

Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Thanh Hóa là địa phương có tiềm năng phát triển giống vải không hạt. Do đó, Thanh Hóa cần cơ cấu vùng trồng phù hợp, tạo ra vùng chuyên canh vải không hạt trên quy mô lớn.

Tiếp tục nhân rộng

Tại buổi làm việc với Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, để nâng cao năng suất, chất lượng vải không hạt, doanh nghiệp cần liên kết chuỗi trong sản xuất nông sản từ khâu canh tác, thu hoạch, chế biến đến xuất khẩu.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, ngoài vấn đề quy hoạch vùng trồng, doanh nghiệp cần đầu tư nhà máy chế biến.

“Vải không hạt là nhân tố mới trong trồng trọt, tạo tính đột phá về giá trị quả vải. Do đó, chúng ta phải chủ động quy hoạch vùng trồng gắn với công nghiệp chế biến để phát triển giống vải này. Bên cạnh đó, cần áp dụng biện pháp canh tác trồng rải vụ để tránh tình trạng thu hoạch tập trung trong một thời gian ngắn. Đa dạng hóa các sản phẩm từ quả vải không hạt, mở ra cơ hội thúc đẩy lợi nhuận, tăng doanh thu”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa phát biểu tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa phát biểu tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến. Ảnh: Quốc Toản.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa cam kết đồng hành, phối hợp với doanh nghiệp để mở rộng diện tích cây vải không hạt tại các địa phương trong tỉnh.

“Tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt đề án phát triển cây ăn quả đến năm 2030, trong đó tập trung vào các cây trồng chủ lực phù hợp với thế mạnh của từng địa phương. Hiện nay, vải không hạt là nhân tố điển hình trong sản xuất nông nghiệp nói chung, lĩnh vực trồng trọt nói riêng. Do đó, trong thời gian tới, đây sẽ là cây trồng chủ lực của Thanh Hóa.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đẩy mạnh việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, có sự tham gia của người dân địa phương, hợp tác xã nhằm mở rộng vùng trồng, nâng cao giá trị gia tăng để phát triển nông nghiệp một cách bền vững trước những biến động của thị trường", ông Cường cho biết.

Một số ý kiến khác tại buổi làm việc đề nghị doanh nghiệp sớm hoàn thiện bảo hộ nhãn hiệu giống vải không hạt; tiếp tục chọn lọc, nhân giống, đánh giá, khảo nghiệm để tạo tính ổn định cho giống vải chất lượng này.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu Viện Di truyền Nông nghiệp, Vụ Khoa học và Công nghệ, Cục Trồng trọt phối hợp với Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm nhằm chọn tạo, duy trì và nhân rộng giống vải này phù hợp với thổ nhưỡng của từng địa phương.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.