| Hotline: 0983.970.780

Vào mùa hái lá dong rừng, thu tiền triệu/ngày

Thứ Hai 02/01/2023 , 20:00 (GMT+7)

YÊN BÁI Những ngày này, người dân vùng núi lại tất bật lên rừng hái lá dong chuẩn bị phục vụ thị trường Tết. Lá dong rừng là "lộc trời", cho bà con thu nhập tiền triệu/ngày.

Người dân lên rừng hái lá dong chuẩn bị phục vụ thị trường Tết Quý Mão. Ảnh: Tuấn Anh.

Người dân lên rừng hái lá dong chuẩn bị phục vụ thị trường Tết Quý Mão. Ảnh: Tuấn Anh.

Từ thời Lang Liêu, dân ta đã biết làm bánh chưng, bánh giày để tưởng nhớ cội nguồn, trời, đất. Để làm được bánh chưng thì nguyên liệu không thể thiếu là gạo nếp, thịt lợn, đỗ xanh và vật liệu dùng để làm vỏ bọc bên ngoài đó là lá dong.

Cây lá dong là thực vật thân cỏ, sống nhiều ở những nơi đất ẩm, ven khe nước. Lá dong có hình trứng thuôn dài, chủ yếu mọc trên rừng, cũng có gia đình trồng vài khóm ở quanh nhà để dùng mỗi khi có việc cần.

Gần Tết, lá dong được bày bán ở các chợ quê. Để có được những bó lá dong đẹp phục vụ mọi người trong mỗi dịp Tết đến, xuân về thì từ khoảng đầu tháng 12 âm lịch, người dân vùng cao đã lên rừng hái lá dong nhập cho thương lái, mọi người vẫn nói vui với nhau đây là “lộc trời” mang lại mỗi khi mùa xuân về nên đến hẹn lại lên rừng hái lá bán, có thêm thu nhập để sắm sửa đón Tết.

Lá dong được bày bán tại các khu chợ quê. Ảnh: Tuấn Anh.

Lá dong được bày bán tại các khu chợ quê. Ảnh: Tuấn Anh.

Đã hẹn trước, tôi theo chân anh Nguyễn Anh Tuấn, một người có kinh nghiệm đi hái lá dong rừng nhiều năm ở huyện Trấn Yên (Yên Bái). Sau chừng hơn 1 giờ đồng hồ ngồi trên xe máy, vượt qua những con đường mòn, chúng tôi cũng đến được nơi. Anh Tuấn bảo mọi năm đi hái ở khu này nên quen đường rồi, khu nào có lá dong, khu nào không anh đều biết cả. Giờ đến mùa, chỉ cần đi đến để hái thôi, không phải đi tìm nữa.

Anh cho biết, trước đây lá dong nhiều lắm, không phải đi xa thế này. Chỉ tay về phía xa nơi đoạn đường chúng tôi vừa đi qua, anh bảo: Ngày trước chỉ cần vào khu vực rừng keo đó là thoải mái hái lá dong rồi. Bây giờ rừng có giá trị kinh tế cao, người dân chú trọng vào chăm sóc, phát dọn nên phải đi vào khu rừng tự nhiên mới có lá dong để hái.

Lá dong thì nhiều nhưng để tìm được lá to, đẹp phục vụ nhu cầu làm bánh Tết của mọi người thì phải lựa chọn cẩn thận. Hôm nào đi may mắn, vào khu vực chưa bị người đi trước hái sẽ tìm được nhiều, đi hái lại sẽ ít, khó hái hơn.

Người dân chọn mua lá dong. Ảnh: Tuấn Anh.

Người dân chọn mua lá dong. Ảnh: Tuấn Anh.

"Trước đây lá dong nhiều, dễ hái, chỉ khoảng 20.000 đồng là có thể mua được 100 lá, giờ lá ít, đi hái vất vả nên giá bán cũng đẩy lên cao. Bây giờ đi hái đem lá về đến nhà là đã có thương lái chờ mua, với mức giá 60.000 – 70.000 đồng/100 lá dong. Giờ tôi đi hái lá dong về là bán luôn cho thương lái, gần đến Tết thì để lại mang bán lẻ cho mọi người để được giá cao hơn", anh Tuấn cho biết.

Bà Dương Thị Tịnh, thôn Đồng Song, xã Kiên Thành cho biết: "Gia đình tôi thuần nông, quanh năm chỉ quẩn quanh với ruộng lúa, nương quế. Mỗi năm cứ đến gần Tết là tôi lại đi hái lá dong bán, hiện tại gia đình tôi có 3 người thường xuyên lên rừng hái lá về bán cho thương lái. Mỗi ngày thu hái được khoảng 1.500 - 2.000 lá dong, với giá bán 60.000 đồng/100 lá, mỗi ngày cả gia đình cũng có thu nhập khoảng 1- 1,2 triệu đồng. Hái lá dong chỉ tập trung vào dịp gần Tết, không phải ngày mùa nên không ảnh hưởng đến công việc mà lại có một khoản thu nhập cao cho gia đình...".

Những bó lá dong được buộc cẩn thận để chuyển cho thương lái. Ảnh: Tuấn Anh.

Những bó lá dong được buộc cẩn thận để chuyển cho thương lái. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Nguyễn Văn Thương đang thu mua lá dong của người dân cho hay: Tôi là một thương lái quanh năm tiếp xúc với người dân nơi đây. Mùa nào tôi buôn thứ đó, mùa măng buôn măng, mùa chít buôn chít, gần Tết tôi thu mua lá dong cho người dân. Cả thôn này tôi thu mua cho khoảng 14 hộ gia đình, có những nhà tôi mua một vụ mấy vạn lá.

Tò mò vì mới chỉ một thôn anh đã thu mua nhiều như vậy, rồi các thương lái khác thu mua nữa thì lá dong được chuyển đi những đâu, anh Thương cho biết: "Tôi mua chủ yếu chuyển đi Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội… Lá dong dễ bảo quản, khi hái về chỉ cần quấn mỗi bó 25 lá rồi buộc chặt, ngâm phần cuống vào nước sạch là để được cả tháng mà không bị héo úa. Tôi cứ gom để đủ chuyến xe là cho chuyển đi".

Cây lá dong có hai loại, lá dong lông hay còn gọi là dong tẻ, loại thứ 2 có hai mặt nhẵn người ta gọi là dong nếp thường dùng để gói các loại bánh chưng, bánh tẻ… Lá dong rừng có màu xanh óng, lá dai nên được ưa chuộng.

Là loài cây mọc dưới tán rừng, dọc theo các khe suối, mỗi năm chỉ lấy một lần vào dịp Tết nên khi khai thác lá dong không gây ảnh hưởng đến rừng và không bị chính quyền ngăn cấm. Lá dong rừng vì thế là “lộc trời” cho người dân vùng cao. Để nguồn lộc này tồn tại lâu bền, mọi người cần nêu cao trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng, cùng chung tay để những cánh rừng còn xanh mãi.

Xem thêm
Gần 6.400 hộ dân huyện Trạm Tấu ký cam kết bảo vệ rừng

YÊN BÁI Các vụ cháy rừng ở Trạm Tấu chủ yếu do bất cẩn của người dân khi xử lý thực bì bằng lửa, vì vậy việc đốt nương làm rẫy đang được quản lý chặt chẽ.

Trồng 33.000 cây xanh tại Vườn quốc gia Xuân Sơn

Các đơn vị trồng mới 33.000 cây, trong đó 3.000 cây bản địa (cây mỡ) và 30.000 cây keo tại vùng đệm của Vườn quốc gia Xuân Sơn.

Cứu hộ thành công cá thể gấu ngựa bị cụt chi trước

HÀ NỘI Từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội đã bàn giao 5 cá thể gấu cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm