Càng thất bại càng cay, càng cay lại càng say
Theo chân ông Bế Văn Sáu - HTX Nấm lim xanh Sơn Động, tôi luồn dưới tán rừng lim thôn Rộc Nảy xã Cẩm Đàn (Sơn Động, Bắc Giang). Ngoài trời nắng chang chang mà trong mát rượi. Mới đến cửa rừng đã thấy từng dãy đỏ au au xếp ngay hàng thẳng lối. Đó chính là “ngọc” của đại ngàn: nấm lim xanh.
Là một loại linh chi quý nhưng trước đây rừng lim thôn nào cũng có. Sau trận lũ năm 1986, dân ào ào chặt gỗ làm nhà còn gốc cành lim để lại mục trong rừng nấm lại càng nhiều. Năm 1991, nghe tin Trung Quốc thu mua, ông Sáu gom 50kg nấm tươi với giá 500 đồng/kg chuyển lên ô tô đi Lộc Bình (Lạng Sơn) rồi từ đó gánh bộ vượt đèo, băng núi quãng 20 cây số, ngủ đêm trong rừng, sang bên kia biên giới bán được 9.000 đồng/kg. Mua một lãi gần gấp hai mươi lần nhưng đi lại khổ ải, hãi quá nên chỉ sau một chuyên là ông nghỉ hẳn.
Quãng những năm 2000 trở đi Trung Quốc lại thu mua mạnh, nhiều đại lý mọc lên, gom hết từ nấm già to như cái bát, cái cốc giá 3 - 4 triệu đồng/kg đến nấm non nhỏ như ngón tay chưa nhú mũ giá 150.000 - 200.000 đồng/kg.
Ông Lương Văn Trường - Trưởng thôn Rộc Nẩy thú thực rằng trước đây làng mình 108 hộ nhưng không nhà nào biết dùng nấm lim xanh. “Mùi của nó như thuốc sâu Vô Pha Tốc nên hồi Trung Quốc thu mua chúng tôi tưởng họ bào chế… thuốc sâu, cũng đi hái bán nhưng về phải rửa tay thật sạch rồi mới dám ăn cơm. Đến khi đã biết dùng thì trong rừng cũng cạn kiệt”.
Năm 2013, ông Sáu gửi mẫu nấm của quê mình lên Viện Di truyền Nông nghiệp nhờ nhân giống. Lúc đầu ông nuôi bằng bầu trong lán, thử nghiệm đủ các kỹ thuật, gặp thất bại rất nhiều lần. Như bình thường hấp bầu 36 tiếng để khử trùng thì có người mách hấp chỉ 3 tiếng cuối cùng nấm lim xanh chẳng thấy đâu chỉ toàn mọc ra nấm dại, lỗ mất 200 triệu. Như nhúng gỗ làm nguyên liệu đóng bầu vào nước vôi khiến chết cả nấm dại lẫn nấm lim cũng lỗ hàng trăm triệu.
Càng thất bại thì càng cay. Càng cay lại càng say. Say đến nỗi ông bán cả mấy ha keo đi, phần lấy tiền trang trải, phần lấy nguyên liệu làm bầu, thế mà vẫn còn nợ ngân hàng đến 300 triệu. Mỗi lần hỏng là một lần đúc rút kinh nghiệm. Ông cẩn thận đến mức khi xã viên của HTX vào khu cấy giống quần áo bắt buộc phải sạch, khẩu trang đầy đủ, tay xịt cồn đã đành mà phụ nữ “đến tháng” cũng không được phép lai vãng.
Khi đã hoàn thiện kỹ thuật ông mới quyết định cấy thẳng nấm xuống đất dưới tán rừng lim, năm 2019 chở vào rừng 6.000 bịch, năm nay trên 4.000 bịch. Xe chỉ đến được chân đồi, từ đó hai vợ chồng già cùng các xã viên phải gánh nấm lên rừng, gai cào xước xát khắp người, mệt nhọc không kể đâu cho hết.
Lúc 3 tạ nấm khô thu lứa đầu đã được bán hết với giá 800.000 - 900.000 đồng/kg thì 5.000 bầu nấm lứa sau lại chuẩn bị cấy tiếp.
“Nấm lim xanh không phải là thần dược nhưng chữa rất tốt các bệnh như men gan, mỡ máu, tiểu đường, huyết áp, đường ruột…Thậm chí tôi bị cái u mỡ to như cái chén đằng sau gáy thế mà uống cũng đã xẹp đi nhiều, chỉ to bằng cỡ ngón tay út”. Ông Sáu vừa cười hì hì vừa chỉ cho tôi dấu vết cái u của mình.
Xung quanh cây lim gần như không có bất kỳ loại nấm nào tồn tại được ngoài nấm lim. Ngay cả lá của lim cũng có chất đắng, chất độc nên mỗi khi bị ghẻ người ta thường lên rừng hái đun lên tắm vài lần là khỏi.
Nỗi niềm của thợ săn và cửa đã mở ở trong rừng
Nguyễn Văn Lập ở xóm Rộc Nẩy là một thợ săn nấm lim xanh chính hiệu. Từ tháng hai đến tháng tám âm hầu như sáng nào anh cũng lên những cánh rừng lim trong vùng lùng nấm. Lập cười: “Trước đây, em chỉ hái nấm đã có mũ còn nấm nụ thì để lại, lấy lá lấp lên trên giấu nhưng về sau cũng có kẻ bới ra hái cho bằng sạch. Bởi thế mà giờ đây lấy hết cả non lẫn già, có buổi được 6 - 7kg, loại có mũ bán 700 - 800.000 đồng/kg còn chưa có mũ thì chỉ 150.000 - 200.000 đồng/kg”.
Hành trang anh mang theo mỗi buổi đi rừng đơn giản chỉ là một chai nước, một que hương vòng để đuổi muỗi và một cái túi để đựng nấm. Tới cửa rừng Lập rót một chén nước đổ xuống đất mời thần linh để lòng mình không còn sợ hãi. Anh biết rõ rừng gốc lim, khe núi, hòn đá trên rừng, ngoài nấm còn tranh thủ tìm tổ ong, sâm khúc khắc… Buổi nào thu nhập ít nhất cũng 200.000 đồng còn nhiều có thể được tới 1,5 - 2 triệu đồng. Trước cả bản hơn 100 hộ ai cũng đi rừng nhưng phần do nấm lim xanh mỗi lúc một cạn kiệt, phần bởi vất vả quá nên trụ lại với nghề giờ chỉ còn mình Lập.
Năm ngoái thấy hướng phát triển HTX của ông Sáu hay quá nên Chu Thị Thắm và Nguyễn Văn Cương cũng xin tham gia. Họ cấy nấm vào chính khu rừng tái sinh rộng 2ha với chừng 100 cây lim 20 - 30 tuổi của bố chồng của Thắm. Các công đoạn đều phải thực hiện cẩn thận bởi bầu mà bị rách thì dù đã qua khử trùng vẫn mốc như thường. Mưa thì không sao nhưng hễ hanh hao thì phải bơm nước tưới. Rồi còn phải phòng trừ mối xông hết gỗ trong bầu hay chuột, sên, sâu bọ cứ trực cắn ngang thân nấm.
Anh Cương bảo rằng nấm nuôi trên rừng cuống dài, mũ tròn hơn nấm nuôi trong lán. Vừa rồi ngoài tham gia cùng HTX anh còn thử trồng riêng 600 bầu, chăm sóc tối đa, nóng có ni lông che, hạn có đường nước tưới. Lứa đầu loại 1 đạt trên 90%, cắt đi lại tái sinh lứa hai loại 1 đạt 70%, nấm lên to như cái bát, đường kính mũ 9 - 10cm. Đến lứa ba mũ nấm lúc này chỉ còn 6 - 7cm, xếp vào loại 2, loại 3. Tổng kết lại, năng suất hơn chừng 10% so với loại nấm cũng cấy trong rừng nhưng chăm sóc không cầu kỳ bằng của HTX.
TS Nguyễn Duy Trình - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nấm (Viện Di truyền Nông nghiệp) cho hay linh chi có rất nhiều loài, có loài dược tính tốt nhưng cũng có loài chỉ có tính phá gỗ, nếu uống chỉ ngang như… củi. Từ việc phân tích các mẫu nấm lim xanh (linh chi) cả tự nhiên lẫn trồng trong lán, trong rừng ở Sơn Động đơn vị đã tiến hành thực hiện dự án ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất và phát triển nấm lim xanh từ tháng 6/2019 đến tháng/2022.
Với những kết quả thu được ban đầu đã có thể đánh giá: Bảo tồn và phát huy được nguồn gen giống nấm bản địa trong rừng Sơn Động có hàm lượng hoạt chất cao và có thể sản xuất hàng hóa cũng như chế biến thực phẩm chức năng và tiến tới làm thuốc.
Điều này cũng thấy minh chứng rằng chúng ta đang có “ngọc” trong rừng nhờ kiểm soát được độ an toàn một cách cao nhất. Để phát triển sản phẩm này thành hàng hóa bền vững rất cần những chính sách cụ thể thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương gắn với việc bảo vệ rừng.
Theo tài liệu Dược điển Việt Nam thì đối với nấm linh chi nói chung và nấm linh xanh nói riêng, hoạt chất Polysaccharid là một trong hai thành phần cơ bản quyết định chất lượng. Kết quả phân tích do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nấm với nhiều loại mẫu vật gồm:
Riêng với hoạt chất Triterpenoid chưa có kết quả phân tích so sánh vì đang trong quá trình thực hiện dự án. Tuy nhiên, với hoạt chất chính Polysaccharid được tìm thấy tại các mẫu phân tích đã thể hiện rõ yếu tố môi trường sinh trưởng đóng vai trò rất quan trọng tạo nên chất lượng.
10 gia đình làm nấm lim xanh dạng trong nhà lán ở huyện Sơn Động thì ước 8 - 9 hộ đã bỏ, không phải do không năng suất mà làm ra nhưng không bán được vì chất lượng không cao, làm thị trường không tốt.