| Hotline: 0983.970.780

Về nơi lũ dữ bao vây

Thứ Sáu 09/10/2020 , 17:30 (GMT+7)

Cả thôn Hữu Tân (xã Tân Ninh) như nằm lọt thỏm giữa bốn bề lũ dữ. Nhà nào cũng đã bị lũ ngập sâu…

Chủ động “sống chung với lũ”

Lũ bao vây thôn Hữu Tân (xã Tân Ninh). Ảnh: B. Châu

Lũ bao vây thôn Hữu Tân (xã Tân Ninh). Ảnh: B. Châu

Xã Tân Ninh (huyện Quảng Ninh - Quảng Bình) được ví như lòng chảo đồng bằng ven sông Kiến Giang. Vì vậy, khi những vùng quê khác nước lũ mấp mé sân thì ở Tân Ninh, nước lũ đã “nhảy” vào nhà. 

Ông Nguyễn Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Tân Ninh trao đổi, toàn xã hiện có 5 thôn thì đều bị ngập lũ. Gần 800 nhà dân bị ngập. Nặng nhất và luôn bị lũ uy hiếp là thôn Hữu Tân.

Từ bến đò Mỹ Trung (xã Gia Ninh), chúng tôi lên thuyền máy hướng thôn Hữu Tân làm đích đến. Con thuyền rồ máy cắt chéo qua từng cơn sóng ngầu đục, nước bắn ngược lên như xối vào người. 

Bác Mai Vượng, lái đò nhắc mọi người: “Chịu khó ngồi yên, bám chắc mạn thuyền kệ sóng dập. Thuyền chém sóng không khéo là bị nó lật như chơi”. Khoảng hơn giờ đồng hồ đội mưa, chẻ sóng, thuyền máy mới chạm vào rặng cây phi lao ở bìa làng.

Đường chính vào thôn  Hữu Tân ngập sâu trong lũ. Ảnh:  B. Châu

Đường chính vào thôn  Hữu Tân ngập sâu trong lũ. Ảnh:  B. Châu

Cả 206 hộ trong thôn, nhà nào nước cũng ngập sâu, sóng cứ đánh oàm oạp vào tường rào hay vách nhà. 

Ông Nguyễn Văn Sự vừa chống đò đi thăm nhà bà con về, trò chuyện: “So với trước thì cơn lũ này cũng chưa phải là lớn mô. Có năm, lũ chạm mái nhà, bà con phải di dời hết đó. Gần như nhà mô cũng có sự chuẩn bị chu đáo nên thiệt hại cũng không nhiều. Mọi tài sản, lúa má đều đã được đưa lên tra (gác cao)  cả rồi mà”- ông Sự nói.

Người dân đi lại bằng đò và sẵn sàng 'sống chung với lũ'. Ảnh: B. Châu

Người dân đi lại bằng đò và sẵn sàng “sống chung với lũ”. Ảnh: B. Châu

Mấy tuyến đường giao thông bị ngập sâu gần 2 m nước. Ai cần việc đi lại thì chống đò, chèo thuyền đi. Còn không thì nhà nào ngồi nhà đó cho an toàn. Ông Sự bảo, bữa nay bà con chủ động lắm chứ không như trước. Ai cũng có gạo, củi đun, thức ăn dự trữ nên cứ đến bữa là nổi lửa cơm nước đàng hoàng. “Chỉ lo là lũ ngâm dài ngày thì lại thiếu thực phẩm, nước sạch. Khi đó mới cần sự hỗ trợ từ bên ngoài vào”- ông Sự bộc bạch thêm.

Nước ngập nóc nhà ở 'rốn lũ' Tân Hóa (huyện Minh Hóa). Ảnh: B. Châu

Nước ngập nóc nhà ở “rốn lũ” Tân Hóa (huyện Minh Hóa). Ảnh: B. Châu

Nếu nói “rốn lũ” ở Quảng Bình là mọi người nhắc đến xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa). Đây là xã nằm trong lòng chảo, bao quanh là núi đá vôi, nơi được xem là “túi đựng nước” nên năm nào hễ mưa to là xã Tân Hóa ngập đầu tiên. 

Ông Trương Thanh Duẫn, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa  cho biết, toàn xã có hơn 550 ngôi nhà bị lũ nhấn chìm. Trong đó có nhiều nhà bị ngập sâu đến 3m.

Toàn bộ xã Tân Hóa đều ngập sâu trong nước lũ. Ảnh: P. P

Toàn bộ xã Tân Hóa đều ngập sâu trong nước lũ. Ảnh: P. P

Có năm, lũ lớn, nước lũ ngập sâu trên 5m. Cả xã chỉ thấy biển nước mênh mông và vài chóp nhà tầng nhô lên trong biển nước. Tuy nhiên, với kinh nghiệm “sống chung với lũ” và nhờ những nhà nổi bằng phao khá vững chải nên bà con và tài sản có giá trị được bảo vệ an toàn.  Lũ dâng đến đâu, nhà phao nổi lên đó và được cố định bằng một chiếc cộc sắt nên cũng không bị lũ cuốn đi.

Người dân Tân Hóa sinh hoạt trên nhà phao bè chống lũ. Ảnh: B. Châu

Người dân Tân Hóa sinh hoạt trên nhà phao bè chống lũ. Ảnh: B. Châu

Nhiều hộ kinh doanh còn chuẩn bị hàng hóa, thực phẩm thiết yếu rồi phục vụ ngay trên nhà nổi cho những người có nhu cầu. Anh Đinh Văn Công (thôn Cổ Liêm, xã Tân Hóa) nói: “Khi mưa to, chúng tôi đã lùa trâu, bò lên tránh lụt trong các lán tạm dựng bên vách núi đá vôi. Ở đó có sẵn rơm khô và chuối dự trữ cho gia súc ăn trong những ngày mưa lũ. Còn lại các vật dụng có giá trị và cần thiết, lương thực, thực phẩm, nước uống được đưa lên nhà phao. Cả nhà sinh hoạt trên đó. Mỗi tội không được đi lại thoải mái mà thôi”.

Gần 13.000 ngôi nhà bị ngập

Đến trưa nay (9/10), nước lũ ở phía nam Quảng Bình vẫn còn lên.

Đến thời điểm này, Quảng Bình có gần 13.000 ngôi nhà bị ngập trong lũ. Trong đó, huyện Lệ Thủy có gần 8.000 nhà bị ngập nước tại 8 xã. Huyện Quảng Ninh với gần  4.400 nhà tại 13 xã, thị trấn. Tại huyện Minh Hóa, ở “rốn lũ” Tân Hóa 550 nhà ngập sâu tới 3m, nhiều nhà chỉ còn nóc. Người dân chuyển sang tránh lũ trên những nhà phao.

Bộ đội biên phòng Đồn Làng Ho hỗ trợ di dời nhân dân ở bản Mít Cát, xã Kim Thủy (huyện Lệ Thủy) ra khỏi vùng có nguy cơ ngập lụt cao đến nơi, bảo đảm an toàn. Ảnh: D.Hợp

Bộ đội biên phòng Đồn Làng Ho hỗ trợ di dời nhân dân ở bản Mít Cát, xã Kim Thủy (huyện Lệ Thủy) ra khỏi vùng có nguy cơ ngập lụt cao đến nơi, bảo đảm an toàn. Ảnh: D.Hợp

Trước tình hình lũ diến biến xấu, tỉnh Quảng Bình chỉ đạo di dời khẩn cấp gần 170 hộ dân với 850 nhân khẩu ở các huyện Lệ Thủy, Tuyên Hóa, Quảng Ninh…Các hộ dân đều được hỗ trợ di dời đến địa điểm cao, an toàn.

Đoạn đường Quốc lộ 1A bị ngập sâu và cơ quan chức năng đã cấm đường. Ảnh: B. Châu

Đoạn đường Quốc lộ 1A bị ngập sâu và cơ quan chức năng đã cấm đường. Ảnh: B. Châu

Trong khi nhiều tuyến đường tỉnh lộ, liên huyện bị lũ chia cắt nhiều nơi thì trên Quốc lộ 1A đoạn qua nhiều xã phía nam tỉnh Quảng Bình bị ngập. 

Điểm ngập nặng nàỳ thuộc địa phận xã Gia Ninh (huyện Quảng Ninh, cách thành phố Đồng Hới khoảng 20 km về phía nam). Nhiều phương tiện không di chuyển được mà phải vòng qua tuyến đường tránh lũ từ phía cầu Quán Hàu. 

Lực lượng chức năng đã cắt cử người cánh gác, phân luồng giao thông cho các phương tiện  cơ giới khi đi qua vùng ngập lụt Quảng Bình.

Xem thêm
Kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Trương Hòa Bình; khiển trách bà Trương Thị Mai

Ông Nguyễn Xuân Phúc, bà Trương Thị Mai, ông Trương Hòa Bình đã có những vi phạm, khuyết điểm bị Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật.

Mời gọi doanh nghiệp ngành lúa gạo Việt Nam đầu tư tại Cuba

Cần Thơ Cuba mong muốn học hỏi kinh nghiệm cũng như mời gọi doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong ngành lúa gạo Việt Nam tham gia đầu tư, thúc đẩy sản xuất lương thực tại Cuba.

Thái Bình phục hồi 'làng muối tâm linh’

Hạt muối sạch phơi cát Tam Đồng sẽ được phục hồi gắn với du lịch tâm linh, với di tích Đền Bà chúa Muối nức danh cả nước và sẽ là 'hạt muối di sản'.