| Hotline: 0983.970.780

Venezuela 'mất mùa luyện hoa hậu' vì khủng hoảng kinh tế

Thứ Tư 14/11/2018 , 14:01 (GMT+7)

Lớp học ở học viện hoa hậu Gisselle Reyes chiều hôm đó có đúng 5 học viên với độ tuổi từ 13-19, 4 học viên nữa đã không đến. Duy nhất có cô bé Nathaly Codero 15 tuổi-đang học trung học là biết nói tiếng Anh do được gia đình gửi đến trung tâm học để học thêm.

Lớp học chỉ có 5 học viên

Đôi dòng dông dài về tiếng Anh, gặp được người biết nói tiếng Anh giữa Thủ đô Caracas khó ngang với gặp người biết nói tiếng…Mông giữa lòng Hà Nội. Tất cả những kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ mà đoàn tiếp xúc đều không thể nói nổi đôi ba câu tiếng Anh cho thật chuẩn. Dù sát nách Mỹ nhưng Venezuela là nước rất kỳ thị tiếng Anh. Nguyên nhân thì nhiều người cắt nghĩa, do cả Châu Mỹ toàn nói tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha trừ Mỹ ra nên không cần biết thêm một thứ tiếng khác, do tiếng Anh hiện nay là môn học tự chọn trong trường nên chẳng ai đăng ký.

14-07-57_dsc_2882
Tác giả chụp ảnh cùng các cô gái ở học viện Gisselle Reyes


[clip] Học viện Hoa hậu dạy cả cách vỗ tay...

Học viên phần lớn thuộc tầng lớp từ khá đến giàu bởi mức phí nhập học là 10 USD và phí hàng tháng là 10 USD trong khi lương bình quân của người Venezuela hiện chỉ khoảng 15 USD. Nathaly Codero đã học ở đây 4 tháng cho khóa cơ bản và đang theo khóa nâng cao 2 tháng với lịch học mỗi tuần 2 buổi, từ 3h-6h chiều, sau khi tan trường và được bố mẹ đưa đến bằng xe ô tô riêng.

“Tôi muốn trở thành người mẫu nổi tiếng và xa hơn nữa là thi các cuộc thi sắc đẹp như hoa hậu Venezuela, hoa hậu hoàn vũ”. Họ hàng, người thân của Nathaly Codero không có ai làm người mẫu, hoa hậu cả nhưng cô vẫn nuôi cho mình giấc mơ kỳ ảo này và được bố mẹ ủng hộ.

14-07-57_dsc_2768
Nathaly Codero đang viết mấy dòng liên lạc vào sổ của tác giả

Tại học viện, cô được học cách đi catwalk (đi kiểu người mẫu), cách trang điểm, nói chuyện, diễn xuất, xử sự trong những bữa tiệc sao cho thật lịch thiệp, đúng kiểu…Cô có chịu sức ép nào khi ở đây không? Tôi hỏi nhưng cô chỉ lắc đầu và cười thật tươi.

Ngoài tập luyện ở học viện, về nhà cô còn tập thêm và tận hưởng cuộc sống khá dễ chịu: “Tôi ăn sáng bằng bánh a đê ba, sandwich, trưa, tối thì ăn cơm, gà, salad, uống sữa, uống nước cam... Nói chung cũng không kiêng khem lắm vì thỉnh thoảng vẫn ăn đồ ăn nhanh như Mc Donald nhưng tôi tự biết rằng không nên ăn nhiều. Ngoài học tiếng Anh tôi còn học cả tiếng Pháp, tiếng Ý để hoàn thiện các kỹ năng sau này của nghề”.

Nathaly Codero tạo dáng để chụp ảnh

Victoria Raminez, học viên mới 13 tuổi nhưng thân hình đã đẫy đà như một cô gái ngoài 20 tuổi, Cô ghi tên vào học viện này không chỉ bởi ước mơ được theo đuổi sự nghiệp người mẫu chuyên nghiệp mà còn muốn hoàn thiện phong cách của bản thân. “Đơn giản đó là một sở thích”. Rất nhiều cô gái đến đây với tâm thế hoàn thiện các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống như vậy.

Victoria Raminez đang viết mấy dòng liên lạc vào sổ của tác giả

Ana Camila Perone-học viên kiêm trợ giảng về catwal của lớp năm nay 18 tuổi và đang học năm thứ nhất đại học ngành quan hệ quốc tế trường UCV. Dù mới chỉ theo học ở đây 6 tháng nhưng do có năng khiếu nên cô được làm trợ giảng, làm việc 6 buổi chiều/tuần, nhận lương khoảng 10 USD/tháng: “Tôi muốn hoàn thiện kiến thức về nghề người mẫu để sau này có thể theo đuổi ngành công nghiệp thời trang”. Cô tâm sự. Thế còn giấc mơ hoa hậu? Tôi hỏi, cô cười ỏn ẽn đáp: “Tôi đã từng tham gia một số cuộc thi người đẹp, không lớn đến mức như hoa hậu của Venezuela mà chỉ loanh quanh khu vực thủ đô Caracas thôi”.

Cả đầu vào lẫn đầu ra của nghề người mẫu, không có tiêu chuẩn nào quy định về chiều cao, cứ dáng đẹp, cao ráo là được nhưng tiêu chuẩn của hoa hậu lại bắt buộc phải cao từ 1m75 trở lên. Dù có khuôn mặt rất đẹp, dáng người rất chuẩn nhưng đáng tiếc Ana hơi thiếu chiều cao một chút vì chỉ có 1m73.
 

Khủng hoảng nhìn từ hộp trang điểm đến chất lượng các học viên

Alejandra, 22 tuổi, tốt nghiệp khoa dinh dưỡng và đã làm việc ở đây 2 năm trong vai trò “phù thủy trang điểm” bảo với tôi rằng: “Phụ nữ Venezuela rất khác nhau từ gái da trắng, gái da đen đến gái lai. Chúng tôi phải trang điểm sao cho hợp với màu da, hợp với cảnh ngày hay đêm, hợp với đi dự tiệc hay tham gia vào các buổi biểu diễn”.

14-07-57_dsc_2759
Bài trí trong phòng tập kỹ năng ứng xử
Do kinh tế khó khăn, các cuộc biểu diễn thời trang ở Venezuela hiện tại thường không được trả phí, người mẫu, hoa hậu tham gia chỉ vì sở thích, vì để tích lũy thêm kinh nghiệm.

Các học viên ở đây dù có mong muốn làm người mẫu hay hoa hậu cũng không được ỉ lại vào người trang điểm mà phải tự học cách make up. Họ thấm nhuần quan điểm xuyên suốt rằng trang điểm làm thay đổi phụ nữ nên mỗi buổi học đều tự mang hộp đồ trang điểm đến. Một hộp như thế trước đây 700-1000 USD thậm chí vài ngàn USD vì là hàng ngoại, thương hiệu nổi tiếng thế giới. Giờ đây kinh tế khủng hoảng, dù hàng ngoại vẫn có nhiều nhưng giáo viên vẫn khuyên học viên nên dùng hàng nội, giá chừng 100-400 USD một bộ tùy vào chất lượng. Đó cũng là số tiền rất lớn với điều kiện chung của đa số dân Venezuela hiện nay.

Wendy Guillen-34 tuổi từng học nghề thuốc và nghề báo giờ đang là quản lý ở học viện nói với tôi bằng giọng vô cùng tự hào rằng đây là một trong những lò đào tạo nổi tiếng nhất cả nước khi có tới 2 học viên trở thành hoa hậu hoàn vũ, 1 học viên trở thành hoa hậu quốc gia. Làm sao có thể quên được Dayana Mendoza-người đẹp Venezuela từng đoạt vương miện tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ năm 2008 tổ chức tại Việt Nam? Nhan sắc hiếm có của cô được giới chuyên môn đánh giá là 1 trong 3 hoa hậu hoàn vũ đẹp nhất trong lịch sử.

14-07-57_dsc_2832
Wendy Guillen - người quản lý đang thị phạm cho các học viên

Làm sao có thể quên chiến thắng "back-to-back" của Stefania-người đẹp Venezuela đăng quang tại cuộc thi hoa hậu hoàn vũ năm 2009? Trong hơn 60 kỳ thi hoa hậu hoàn cũ, chỉ có Venezuela là quốc gia duy nhất hai năm liền (2008, 2009) giành ngôi vị cao nhất. Làm sao có thể quên được Vanessa Goncalves với thân hình nóng bỏng đậm chất Mỹ La Tinh, với đôi mắt xanh bieeng biếc như một cái hồ nước mùa thu đã đăng quang hoa hậu Venezuela năm 2010? Cả ba đều từng là học viên của học viện Gisselle Reyes này.

Thời huy hoàng, học viên không chỉ của Venezuela mà còn nhiều nước trong vùng đổ về đây ùn ùn như trẩy hội. Giáo viên không chỉ dạy ở học viện mà còn được các nước khác mời đi thỉnh giảng tại các học viện mới mở ở Panama, Peru, Colombia…Con số lớp, số giáo viên bây giờ so với thời kỳ thịnh vượng vẫn thế, vẫn chỉ có 4 lớp, 4 giáo viên nhưng số học viên thì sụt giảm ghê gớm, từ 150 người giờ chỉ còn 50.

14-07-57_dsc_2842
Alejandra - giáo viên trang điểm đang trả lời phỏng vấn

Những cô gái có tiềm năng đã đi các nước như Mỹ, Tây Ba Nha, Mexico…phát triển nghề bởi ở Venezuela trong hoàn cảnh hiện tại người mẫu, hoa hậu gần như không có đất diễn. Nạn “chảy máu người đẹp” khiến cho chất lượng của các học viên đi xuống, tất nhiên là vẫn còn một số ít có tiềm năng. Để cầm cự, học viện Gisselle Reyes không chỉ đào tạo người mẫu nữ, học viên hoa hậu mà còn nhận cả mẫu nam, dù danh tiếng của lĩnh vực này không bằng của nữ.

Với mức học phí thấp chỉ 10 USD/tháng, với lượng học viên sụt giảm mạnh như vậy, làm sao chi trả các hoạt động của học viện? Tôi hỏi. Người quản lý bảo giờ đây đơn vị hoạt động gần như không có lợi nhuận mà bà chủ chỉ muốn truyền đạt kinh nghiệm của mình giúp cho các cô gái hiện thực hóa giấc mơ người mẫu, hoa hậu. Còn các hợp đồng quảng cáo, chụp hình? Tôi hỏi tiếp và được trả lời rằng: “Trước có hàng trăm hợp đồng quảng cáo mỗi năm nhưng giờ đây khủng hoảng kinh tế nên không có nhiều sự kiện thời trang, hợp đồng quảng cáo cũng chẳng có mấy”. Tất cả giáo viên, quản lý ở đây đều làm công việc bán thời gian, vì tình yêu nghề thời trang, yêu cái đẹp chứ không vì mức lương đang rất thấp.

14-07-57_dsc_2896
Lớp học trang điểm

Trò chuyện quên thời gian, dù quy định của học viện 6 h đã đóng cửa nhưng các giáo viên ở đây vẫn vui vẻ tiếp tôi mặc cho bên ngoài trời đã sập tối. Trước khi ra về, tôi hỏi câu cuối, ở Việt Nam thường có mối quan hệ đặc biệt giữa các triệu phú, tỉ phú với các người mẫu, hoa hậu, vậy ở Venezuela có chuyện đó hay không? “Chưa bao giờ có một đại gia nào đến đây, hỏi chúng tôi về chuyện mai mối, giới thiệu gái đẹp cả. Còn nếu có một học viên nào đó có quan hệ với đại gia thì đơn giản đó là vì họ thích thế, kể cả có nhận tiền từ đại gia thì đó là cuộc sống cá nhân của họ, chúng tôi thấy không có gì sai trái ở đây!”.

“Việt Nam nên mở những học viện làm đẹp như thế này cho các cô gái có thể học những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống”. Anh bạn luật sư Voth khuyên.

 

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khơi thông 'huyết mạch' những cánh đồng đất Cảng: Kênh mương 'cấp xã' chắp vá

HẢI PHÒNG Hệ thống công trình thủy lợi do các xã quản lý ở Hải Phòng được đầu tư từ lâu, đã xuống cấp do thiếu kinh phí tu sửa, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.