Nghệ An hút doanh nghiệp lớn để nâng sức cạnh tranh
Nghệ An có tổng đàn trâu, bò gần 800.000 con, đàn bò sữa gần 80.000 con, đàn lợn 980.000 con cùng đàn gia cầm hàng chục ngàn con. Thời gian qua, ngành chăn nuôi của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, năng suất và chất lượng các loại sản phẩm thịt, trứng, sữa không ngừng được nâng lên.
Ngoài ra, tỉnh đã hình thành một số vùng, cơ sở sản xuất hàng hóa tập trung, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị trường, qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế. Năm 2022, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt hơn 14.000 tỷ đồng, tốc độ tăng giá trị sản xuất ước đạt 6,24%; tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp thuần tăng khá, ước đạt 47,94%.
Trong bức tranh tổng quan chung, nuôi lợn vẫn giữ được thế độc tôn thông qua tổng đàn suýt soát 1 triệu con. Tuy nhiên số lượng và chất lượng chưa song hành, bằng chứng là quy mô vừa và nhỏ, chăn nuôi nông hộ chiếm khoảng 60% tổng đàn, 40% còn lại nằm trong chuỗi của các ông lớn như Masan, Darby, C.P. Việt Nam, Thành Đô...
Toàn tỉnh hiện có 438 trang trại chăn nuôi lợn, qua rà soát chỉ có 18 trang trại quy mô lớn (1.500 con trở lên), 82 trang trại quy mô vừa (150 - 1.500 con), 338 trang trại quy mô nhỏ (50 - 150 con). Ở chiều hướng khác ghi nhận trên dưới 140.000 nông hộ chăn nuôi lợn, con số đáng băn khoăn.
Điều đáng mừng là ngành chăn nuôi Nghệ An đang chuyển dịch đúng hướng, mấu chốt là hình thành theo chuỗi liên kết và ứng dụng công nghệ cao để cải thiện chất lượng sản phẩm.
Điển hình phải kể đến mô hình của Công ty TNHH MML Farm Nghệ An với 2 trang trại chăn nuôi khép kín tại xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp, đáp ứng tổng đàn 125.000 con (11.000 lợn nái sinh sản); Công ty TNHH Thành Đô với 1 trại chăn nuôi lợn nái sinh sản, 11 trại chăn nuôi lợn thịt có tổng đàn 20.000 con, chưa kể một Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi công suất 96.000 tấn/năm; Công ty chăn nuôi lợn Darby quy mô hơn 1.500 lợn nái sinh sản cấp cụ kỵ, ông bà; Công tyCoorp hần Tập đoàn Mavin đang xây dựng trại lợn nái sản xuất giống quy mô 10.000 nái…
Từ năm 2019 đến nay, tỉnh Nghệ An thu hút được 19 dự án chăn nuôi lợn tập trung, công nghiệp của các doanh nghiệp lớn. Dự kiến, đến năm 2025 trên địa bàn có thêm từ 10 - 15 trang trại lợn quy mô, tăng 250.000 - 300.000 con so với tổng đàn hiện có.
Căn cứ Chiến lược phát triển chăn nuôi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngày 09/11/2021, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 4222/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển chăn nuôi gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2021 - 2030.
Nghệ An đặt ra mục tiêu, đảm bảo tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất ngành chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2025 đạt 5 - 5,5%, giai đoạn 2026 - 2030 đạt 4 - 4,5%, tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp đạt 48,5 - 49%, đến năm 2030 đạt 50 - 50,5%. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2025 đạt 334.000 tấn, năm 2030 đạt 412.000 tấn.
Nghệ An xác định thịt lợn là sản phẩm nông nghiệp chủ lực giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030. Dự báo thời gian tới đàn lợn của tỉnh phát triển mạnh theo hướng chăn nuôi tập trung công nghiệp. Đến năm 2025 nâng tổng đàn lên 1,1 triệu con, trong đó đàn lợn ngoại là 750.000 con, chiếm khoảng 70% tổng đàn. Đến năm 2030 tổng đàn lợn đạt 1,3 triệu con, lợn ngoại chiếm khoảng 80% tổng đàn.
Theo lộ trình, đàn lợn sẽ phân bổ tập trung tại các huyện miền núi và núi cao như Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Anh Sơn, Thanh Chương, Con Cuông. Ngược lại, từng bước giảm đàn ở các huyện vùng đồng bằng như Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc, Diễn Châu. Điều này sẽ đáp ứng cùng lúc 2 mục tiêu, vừa đảm bảo quy mô lại giảm thiểu tác động đến môi trường.
Quá trình thực hiện, tiếp tục chuyển dịch chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, hạn chế chăn nuôi nông hộ và các cơ sở không đảm bảo điều kiện theo quy định của Luật Chăn nuôi. Kế hoạch đến năm 2025, đàn lợn trong trang trại của Nghệ An chiếm khoảng 60%, năm 2030 chiếm khoảng 80% tổng đàn.
Trên 17. 000 tỷ đồng đầu tư vào chăn nuôi lợn tại Thanh Hóa
Từ 2020 đến nay, UBND tỉnh Thanh hóa đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 31 dự án chăn nuôi lợn với tổng mức đầu tư trên 17.000 tỷ đồng.
Toàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng 1,3 triệu con lợn, được nuôi theo hình thức trang trại, chiếm 45% tổng đàn lợn, với sản lượng thịt hơi hàng năm khoảng 165.000 tấn. Năm 2022, doanh thu từ lĩnh vực chăn nuôi lợn toàn tỉnh đạt khoảng 7.000 tỷ đồng, góp phần quan trọng vào tăng trưởng sản xuất nông nghiệp của tỉnh, giải quyết việc làm và đem lại nguồn thu nhập cho người dân.
Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn theo quy hoạch vùng gắn với bảo vệ môi trường và có thị trường tiêu thụ ổn định được hình thành tại nhiều địa phương như Nga Sơn, Hà Trung, thị xã Nghi Sơn, Như Thanh, Hậu Lộc, Thọ Xuân, Triệu Sơn, Vĩnh Lộc, Yên Định...; tập trung phát triển các trang trại quy mô lớn tại các huyện miền núi thấp như Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Thạch Thành, Bá Thước, Lang Chánh, Như Xuân.
Theo đánh giá của Sở NN-PTNT Thanh Hóa, nhiều trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi như chuồng lạnh, hệ thống xử lý chất thải, nước thải tuần hoàn, tự động hóa nhiều khâu trong quá trình sản xuất, sử dụng các phần mềm quản lý trong chăn nuôi. Toàn tỉnh có 56 trang trại chăn nuôi lợn được chứng nhận an toàn dịch bệnh.
Bên cạnh đó, do làm tốt công tác phòng chống dịch, vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, từ năm 2021 đến nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa không để xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm đặc biệt là đàn lợn.
Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đã và đang tích cực thực hiện các giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi lợn, trong đó có các dự án của những tập đoàn, doanh nghiệp lớn, như: Khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện của Công ty CP Xuân Thiện Thanh Hóa; khu chăn nuôi lợn giống và thương phẩm ứng dụng công nghệ cao Dabaco Thanh Hóa của Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam; khu trang trại sản xuất, kinh doanh giống lợn và chăn nuôi lợn thương phẩm chất lượng cao New Hope của Công ty TNHH Dịch vụ và Chăn nuôi New Hope Thanh Hóa…
Đáng chú ý, trong số các dự án đã thu hút, khu chăn nuôi lợn theo hướng công nghệ cao của Tập đoàn Xuân Thiện được xem là dự án có quy mô lớn nhất tỉnh Thanh Hóa. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, doanh nghiệp này đã và đang đầu tư 3 dự án chăn nuôi lợn công nghệ cao, với tổng số tiền 36 nghìn tỷ đồng.
Tất cả 3 dự án trên đều được đầu tư xây dựng tại các xã Minh Tiến, Kiên Thọ và Nguyệt Ấn của huyện Ngọc Lặc. Hiện nhà máy chăn nuôi tại xã Minh Tiến đã hoàn thành và đi vào hoạt động, các dự án khác đang đầu tư xây dựng.
Ngoài ra, doanh nghiệp này còn đề xuất mô hình chăn nuôi lợn công nghệ cao trong nhà cao tầng - đây là mô hình khá mới tại Thanh Hóa nói riêng, Việt Nam nói chung. Công ty cho rằng cần áp dụng các tiến bộ, công nghệ hiện đại để chăn nuôi lợn chất lượng cao, do đó phương án chăn nuôi lợn trong nhà cao tầng là một trong những cách chăn nuôi hiện đại hiện nay.
Đánh giá về ý tưởng nuôi lợn trong nhà cao tầng, ông Hoàng Viết Chọn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: “Đây là mô hình chăn nuôi lợn kiểu mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi, rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng, tiết kiệm hạ tầng, tăng hiệu quả sử dụng đất, quản lý dịch bệnh gắn với áp dụng phương pháp tiên tiến về bảo vệ môi trường”.