| Hotline: 0983.970.780

Vì sao nông dân ít mặn mà bảo hiểm chăn nuôi?

Thứ Tư 25/08/2021 , 08:00 (GMT+7)

Sau hơn 2 năm triển khai bảo hiểm chăn nuôi, thực tế ở Bình Định cho thấy nông dânkhông mấy mặn mà, dù hộ nghèo được hỗ trợ đến 90% phí bảo hiểm, vì sao?

Nông dân không mặn mà

Là địa phương có hoạt động chăn nuôi lớn và sôi động bậc nhất miền Trung, thời gian qua, bảo hiểm nông nghiệp trên địa bàn Bình Định chủ yếu đã được triển khai đối ngành chăn nuôi, cụ thể là con bò.

Hiện tổng đàn trên địa bàn Bình Định có gần 300.000 con, trong đó chiếm đến hơn 80% là bò lai có giá trị kinh tế cao. Trong bối cảnh dịch bệnh trên gia súc ngày càng diễn biến phức tạp, loại hình bảo hiểm chăn nuôi ra đời được xem là cứu cánh cho những hộ chăn nuôi bò trong việc bảo vệ tài sản, nhất là với những hộ nghèo.

Bình Định có gần 300.000 con bò, nhưng mới chỉ có 614 con của 339 hộ nghèo được bảo hiểm chăn nuôi. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Bình Định có gần 300.000 con bò, nhưng mới chỉ có 614 con của 339 hộ nghèo được bảo hiểm chăn nuôi. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo quy định, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có chăn nuôi trâu, bò đều được tham gia bảo hiểm. Riêng hộ nghèo được kinh phí Nhà nước hỗ trợ 90% phí bảo hiểm, hộ cận nghèo được hỗ trợ 80%; các tổ chức, cá nhân khác được hỗ trợ 20%.

Trâu, bò tham gia bảo hiểm chăn nuôi nếu bị thiệt hại do thiên tai như: Bão, lốc, sét, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, nắng nóng… hoặc bị các bệnh lở mồm long móng (LMLM), nhiệt thán có xác nhận của cơ quan chức năng thì sẽ được đơn vị thực hiện bảo hiểm bồi thường thiệt hại.

Chính sách tốt là vậy, thế nhưng trong hơn 2 năm qua, số lượng hộ chăn nuôi trâu, bò ở Bình Định tham gia bảo hiểm chẳng có là mấy. Tính đến nay, Công ty Bảo Minh Bình Định, đơn vị thực hiện bảo hiểm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chỉ mới ký 7 hợp đồng bảo hiểm vật nuôi tại Thị xã Hoài Nhơn và huyện Hoài Ân.

Tổng số trâu, bò được mua bảo hiểm, đủ điều kiện đề nghị hỗ trợ phí bảo hiểm là 614 con, của 339 hộ dân thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng số tiền bảo hiểm là 9,21 tỷ đồng, mức phí bảo hiểm hơn 550.000 đ/con/năm. Trong đó, hộ nghèo chỉ đóng 10% phí, hộ cận nghèo đóng 20%, phần còn lại được Nhà nước hỗ trợ. Tính đến nay, ngân sách Nhà nước đã hỗ trợ gần 304 triệu đồng tiền phí bảo hiểm vật nuôi.

Ngành chức năng Bình Định tiêm phòng cho bò. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ngành chức năng Bình Định tiêm phòng cho bò. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Trung tuần tháng 8 vừa qua, UBND tỉnh Bình Định đã có báo cáo đánh giá kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp trên địa bàn trong thời gian qua. Theo đó, UBND tỉnh đánh giá, chính sách bảo hiểm nông nghiệp thực hiện trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã đạt kết quả bước đầu, góp phần giúp người dân mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi.

Nếu người chăn nuôi rủi ro bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh thì sẽ được hỗ trợ, đền bù để tái đầu tư. Tuy vậy, đối tượng thuộc diện được bảo hiểm còn hẹp, phí hỗ trợ bảo hiểm thấp, nên chưa đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của người dân.

Đó chính là nguyên nhân khiến người chăn nuôi gia súc ở Bình Định chưa mặn mà lắm với loại hình bảo hiểm chăn nuôi.

Bảo hiểm “né” những bệnh ngặt nghèo

Theo ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, trong thời gian qua, bảo hiểm nông nghiệp trên địa bàn chủ yếu chỉ thực hiện trên 1 đối tượng là con bò và chỉ với 2 loại bệnh là LMLM và bệnh nhiệt thán. Đây là hạn chế của loại hình bảo hiểm vật nuôi, dẫn tới người chăn nuôi  không mặn mà tham gia.

Cũng theo ông Hùng, ngoài thiệt hại do thiên tai, về dịch bệnh trên bò, đơn vị bảo hiểm chỉ bán bảo hiểm 2 bệnh là LMLM và bệnh nhiệt thán. Trong khi đó, bệnh nhiệt thán đã được Việt Nam khống chế từ lâu, hiện có rất ít bò lâm phải bệnh này.

Nông dân cho rằng cần bảo hiểm rộng hơn cho các loại bệnh nguy hiểm trên trâu bò. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nông dân cho rằng cần bảo hiểm rộng hơn cho các loại bệnh nguy hiểm trên trâu bò. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Còn bò thịt bị bệnh LMLM thì không bị chết, bởi bệnh này ngành thú y chữa khỏi, thậm chí cả nông dân cũng có thể chữa được bệnh LMLM cho bò. Nếu bệnh LMLM có giết được bò thì chỉ giết được những con bò còn nhỏ, chủ yếu là bê nghé. Thế nhưng bò còn độ tuổi bê nghé thì không được đơn vị bảo hiểm cho tham gia bảo hiểm vật nuôi.

“Hoặc như hiện nay, bệnh viêm da nổi cục đang gây hại nghiêm trọng đàn bò trên địa bàn, thế nhưng bệnh này không được bảo hiểm. Bệnh nông dân cần được bảo hiểm thì đơn vị bảo hiểm không cho tham gia. Thêm vào đó, phí hỗ trợ bảo hiểm quá thấp nên không thu hút được nông dân tham gia”, ông Đào Văn Hùng chia sẻ.

Để thuận lợi việc triển khai bảo hiểm vật nuôi trên địa bàn trong thời gian tới, Sở NN-PTNT Bình Định đã đề nghị Công ty Bảo Minh Bình Định mở rộng đối tượng thuộc diện được bảo hiểm, đặc biệt đề nghị con bò phải được bảo hiểm bệnh viêm da nổi cục.

“UBND tỉnh cũng đã kiến nghị Bộ Tài chính và Bộ NN-PTNT tiếp tục duy trì thực hiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp đến hết năm 2025. Đồng thời bổ sung cho tỉnh Bình Định được tham gia đầy đủ các đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ phí bảo hiểm theo Điều 3 Quyết định số 22/2019 của Thủ tướng Chính phủ đối với cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Bên cạnh đó, tăng mức hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp cho cá nhân sản xuất nông nghiệp không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo để tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi được tham gia đầy đủ”, (Ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định)

Xem thêm
Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Hành vụ đông bội thu

HẢI DƯƠNG Mỗi sào hành vụ đông thu lãi từ 4 - 6 triệu đồng, bằng 8 - 10 sào lúa.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.