Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Newstateman) |
Dư luận thế giới dường như không mấy bất ngờ với động thái của ông Trump khi rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran dù các đồng minh và những người ủng hộ ông trong thời gian qua liên tục vận động Tổng thống Mỹ giữ nguyên hiện trạng. Từ trước tới nay, ông Trump không ủng hộ thỏa thuận này, cho rằng đây là “một thiếu sót”.
Tuy vậy, trong một bài phát biểu trước đó, ông Trump từng để ngỏ khả năng có thể tái thương lượng, động thái cho thấy ông chủ Nhà Trắng rất tin tưởng rằng khả năng đàm phán của bản thân có thể mang tới một thỏa thuận tốt hơn. Đây cũng có thể là cơ hội để chứng minh ông có thể làm tốt hơn người tiền nhiệm Barack Obama.
Loại bỏ di sản của người tiền nhiệm?
Tuy nhiên, ông Trump vẫn lựa chọn rút lui. Các chuyên gia đã có những lý giải khác nhau về nguyên nhân khiến ông Trump đưa ra quyết định này.
Đầu tiên, thỏa thuận hạt nhân Iran,ký vào năm 2015, được coi là một trong những thành tựu của chính quyền ông Obama. Từ khi nhậm chức tổng thống vào năm ngoái, giới quan sát cho rằng ông Trump dường như có xu hướng muốn phá bỏ đi những di sản từ trước đó do sự bất đồng về mặt quan điểm cá nhân.
Trong tuần đầu tiên chính thức trở thành ông chủ Nhà Trắng, ông Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tháng 6/2017, ông đưa Mỹ ra khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Thêm vào đó, ông cũng can thiệp vào chương trình “Tạm hoãn trục xuất các trẻ em đến Mỹ bất hợp pháp” (DACA) do ông Obama đặt bút ký. Ông Trump cùng với đảng Cộng Hòa cũng đã có những tác động vào chương trình chăm sóc sức khỏe Obamacare khi ký một sắc lệnh dừng ngay lập tức những khoản trợ cấp có ý nghĩa quan trọng đối với chương trình hồi tháng 10 năm ngoái, động thái có thể gián tiếp buộc nhiều công ty bảo hiểm rút khỏi chương trình.
Cùng với hàng loạt các thay đổi trong lĩnh vực tài chính, quan hệ ngoại giao với Cuba, môi trường, cây viết Sean Davis của The Federalist nhận định, ông Trump dường như đã loại bỏ đi gần hết những di sản quan trọng từ người đi trước.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (Ảnh: Getty) |
Quan điểm ủng hộ Israel, cứng rắn hơn với Iran
Trở lại thời điểm năm 2015, khi ông Trump bắt đầu tham gia vận động tranh cử, quan điểm của ông về thỏa thuận hạt nhân với Iran dường như không quá gay gắt như hiện tại. Khi đó, ông cho rằng thỏa thuận này là sai lầm nhưng vẫn cho rằng ông có thể sẽ giúp đàm phán lại để có được sự đồng thuận tốt hơn theo quan điểm của ông.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng ông Trump đã có quan điểm cứng rắn hơn với thỏa thuận hạt nhân Iran vì ông vốn là một người ủng hộ Israel, quốc gia coi Iran là "đối thủ không đội trời chung" trong khu vực. Ông cũng không giấu diếm điều này khi trong một bài phỏng vấn tháng 2/2016, ông nói rằng ông nghiêng về phía Israel tại Trung Đông. Thực tế, tháng 12 năm ngoái, ông Trump đã đưa ra quyết định chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem và công nhận thánh địa này là thủ đô của Israel. Bên cạnh đó, Mỹ cũng ban hành lệnh trừng phạt với Palestine, liên tục lên án chính phủ Iran.
Một trong những nguyên nhân mà giới chuyên gia nhận định đã có tác động đến những tính toán của ông Trump là những gương mặt trợ lý mới gia nhập chính quyền của ông. Vào thời điểm năm ngoái, bộ 3 cựu Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia HR McMaster và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis dường như tham vấn và khuyên ông Trump không nên rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.
Tuy nhiên, tình hình hiện tại đã khác khi những gương mặt mới đã xuất hiện. Tân Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, tân Ngoại trưởng Mike Pompeo đều được cho là những người có quan điểm chống Iran. Trước khi trở thành trợ lý của ông Trump, ông Bolton từng kêu gọi Tổng thống Trump trong một bài viết trên New York Post rằng Washington nên ngừng tái ký Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Hay vào năm 2015, trên New York Times, ông Bolton khuyến chính quyền cựu Tổng thống Obama cân nhắc việc ném bom các cơ sở hạt nhân Iran nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Tehran.
Sự xuất hiện của ông Bolton và ông Pompeo dường như đã khiến ý kiến của ông Mattis bị suy yếu hơn và có lẽ đây cũng có thể được coi là nguyên nhân khiến ông Trump đưa ra quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân.