2023 là năm khuyến nông đa giá trị. Phát huy vai trò ngành thủy lợi trong an ninh nguồn nước. Công tác khuyến nông TP.HCM có nhiều điểm nhấn khởi sắc. Giá muối cao gấp đôi cùng kỳ nhưng diêm dân không có hàng để bán.
2023 LÀ NĂM KHUYẾN NÔNG ĐA GIÁ TRỊ
Chiều 28/12, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2022. Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, năm 2022, Trung tâm đã triển khai 37 lớp tập huấn cho hơn 1.000 cán bộ khuyến nông, cán bộ hợp tác xã về tư duy kinh tế nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất.Đặc biệt, trong lĩnh vực chăn nuôi, các mô hình nuôi lợn tại Đông Nam bộ, Bắc Trung Bộ và miền núi phía Bắc cho giá bán cao hơn 25 - 30% so với thông thường. Mô hình xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học thành phân bón hữu cơ tại Hà Nội và các tỉnh lân cận cho hiệu quả kinh tế tăng 21,5%, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, năm 2023 sẽ là năm có nhiều khó khăn, do vậy công tác khuyến nông cần đổi mới theo hướng kết hợp giữa nhà nước với doanh nghiệp, phát triển khuyến nông điện tử, khuyến nông cộng đồng, hình thành mô hình khuyến nông đa giá trị, đẩy mạnh chuyển đổi số.
PHÁT HUY VAI TRÒ NGÀNH THUỶ LỢI TRONG AN NINH NGUỒN NƯỚC
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo điều hành năm 2022 và Triển khai kế hoạch năm 2023 của Tổng cục Thủy lợi chiều 28/12, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá cao những thành tích đã đạt được của Tổng cục. Đặc biệt trong việc triển khai xây dựng Đề án “An ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2045”. Năm 2023, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu Tổng cục Thủy lợi chỉ đạo các đơn vị khai thác công trình thủy lợi theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng, thủy văn để tổ chức thực hiện tốt việc lấy nước đổ ải. Đồng thời, rà soát và chủ động dự báo từ sớm, từ xa về tình hình nguồn nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp.Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, thừa uỷ quyền Chủ tịch nước, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đã trao Huân chương lao động hạng 3 cho 1 cá nhân. Tiếp đó, Thứ trưởng trao nhiều bằng khen cho những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong quá trình công tác.
CÔNG TÁC KHUYẾN NÔNG TP.HCM CÓ NHIỀU ĐIỂM NHẤN KHỞI SẮC
Chiều 28/12, Trung tâm Khuyến nông TP.Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị viên chức, người lao động năm 2023.Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM khẳng định, năm 2022, ngành nông nghiệp thành phố cũng như Trung tâm Khuyến nông TP.HCM đã có nhiều điểm nhấn khởi sắc.Trong năm qua, Trung tâm đã hoàn thiện được bộ tiêu chuẩn kỹ thuận phục vụ mô hình trình diễn khuyến nông năm 2022; triển khai xây dựng 29/31 mô hình thuộc các chương trình, đề án, đạt 97% so với kế hoạch. Thực hiện các chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn TP.Tại hội nghị Trung tâm Khuyến nông TP.HCM đã phát động các hoạt động, phong trào thi đua năm 2023 với nhiều nội dung quan trọng, nhằm chủ động hiến kế tạo nguồn thu cho các hoạt động, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong ngành nông nghiệp thời gian tới.
GIÁ MUỐI CAO GẤP ĐÔI CÙNG KỲ NHƯNG DIÊM DÂN KHÔNG CÓ HÀNG ĐỂ BÁN
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, những năm gầy đây, thời tiết diễn biến bất thường khiến diện tích canh tác muối của địa phương ngày càng bị thu hẹp. Năm 2011, Bạc Liêu có hơn 3.000ha đất sản xuất muối, tuy nhiên, đến năm 2021 chỉ còn 1.470ha. Hiện, giá muối dao động từ 3.200-3.400 đồng/kg cao gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái nhưng do ảnh hưởng thời tiết xấu nên không đủ lượng muối cung ứng cho thị trường.Trước thực trạng này, để giữ được nghề làm muối truyền thống của địa phương, UBND tỉnh Bạc Liêu vừa phê duyệt Đề án nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối giai đoạn 2021-2030. Đề án đặt mục tiêu duy trì diện tích sản xuất muối của tỉnh đến năm 2025 là 1.500ha, sản lượng muối đạt 55.000 tấn/năm; tăng năng suất tối thiểu 20%, nâng cao giá trị các sản phẩm muối ít nhất là 20% so với hiện nay.Văn Vũ