| Hotline: 0983.970.780

'Viên ngọc quý' Tà Đùng vẫn mãi ngát xanh

Thứ Ba 08/12/2020 , 08:50 (GMT+7)

Sau trận mưa đầu mùa, Tà Đùng như tấm thảm xanh khổng lồ được tô điểm bởi những đám bằng lăng tím biếc...

Cảnh đẹp của Vườn quốc gia Tà Đùng.

Cảnh đẹp của Vườn quốc gia Tà Đùng.

Nghe bạn bè kể rất nhiều về Vườn quốc gia Tà Đùng – một “Vịnh Hạ Long trên cạn”, “viên ngọc quý” của mảnh đất cực nam Tây Nguyên, nên vừa qua, tôi quyết định đưa cả gia đình từ Đà Nẵng lên đây đổi gió.

Mất trọn một đêm trên xe khách giường nằm, khi trời vừa hửng sáng, chúng tôi đã có mặt tại thành phố Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông). Tiếp tục tăng bo bằng Taxi, vượt qua hơn 50 cây số đường đèo quanh co, uốn lượn, cuối cùng chúng tôi cũng đến được Tà Đùng.

Sau trận mưa đầu mùa, Tà Đùng như tấm thảm xanh khổng lồ được tô điểm bởi những đám bằng lăng tím biếc, trên mặt hồ nhấp nhô đảo nhỏ mây trắng lững lờ bay. Không khí trong lành, mát mẻ khiến bao nhiêu mệt mỏi sau chặng đường dài như tan biến cả.

Đưa chúng tôi đến thăm cây cầu kính đặc biệt, nơi du khách có thể phóng tầm mắt tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp núi non, sông nước hùng vĩ nên thơ của danh thắng Tà Đùng, đồng chí Phan Đình Mạo – Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Som (huyện Đắk Glong) phấn khởi cho biết: “Giao thông đi lại thuận tiện, cảnh sắc hoang sơ, tự nhiên, đẹp như tranh vẽ nên thời gian qua, Tà Đùng luôn là điểm đến thu hút rất đông du khách tham quan, thưởng ngoạn và khám phá.

Đến Tà Đùng, mọi người có thể thỏa sức tham gia các đoàn leo núi, bơi thuyền, cắm trại, ngủ ngoài trời, vừa nhâm nhi các món đặc sản bản địa vừa thư thái thả mình vào các bản trường ca Tây Nguyên.

Để bảo vệ “Vịnh Hạ Long trên cạn” lá phổi xanh, niềm tự hào của Đắk Som, Đảng ủy, UBND xã thường xuyên chỉ đạo các lực lượng công an, quân sự phối hợp chặt chẽ với các trạm kiểm lâm, nòng cốt là Tiểu đội Tự vệ Vườn quốc gia Tà Đùng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tuần tra, canh gác bảo vệ tài nguyên rừng và giữ gìn an ninh trật tự địa phương. Sự hài lòng, thoải mái của du khách khi đến với Tà Đùng là mục tiêu của chúng tôi”.

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, thời gian qua, các cán bộ, chiến sĩ Tiểu đội Tự vệ Vườn quốc gia Tà Đùng đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và giữ gìn mẫu chuẩn nguyên sinh hiếm có của vùng cao nguyên với kiểu rừng kín thường xanh, bảo vệ đa dạng sinh học, nguồn gen các loài động, thực vật hoang dã, quý hiếm và đặc hữu, phục hồi sinh thái rừng cảnh quan, tạo điều kiện cho các loài động, thực vật sinh sống, phát triển; nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường, phát triển du lịch, góp phần ổn định và phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Vừa trở về sau chuyến tuần tra đêm, đồng chí Phạm Văn Thắng – Cán bộ Thanh tra, pháp chế kiêm Tiểu đội trưởng Tiểu đội Tự vệ xin phép mọi người ăn vội bát mỳ tôm “không người lái”, rồi lại hăng hái dẫn chúng tôi ngược lên đỉnh núi Tà Đùng cao 1.982m, đưa tầm mắt thưởng ngoạn vẻ đẹp non xanh, hùng vĩ của “Vịnh Hạ Long trên cạn”.

Theo lời anh Thắng, Vườn quốc gia Tà Đùng có diện tích gần 21 nghìn ha, nằm giữa tỉnh Đắk Nông và Cao nguyên Di Linh (Lâm Đồng). Nơi đây có hệ động, thực vật đa dạng và phong phú, đây cũng là cửa ngõ phía Đông của Công viên địa chất Đắk Nông, án ngữ là dãy Tà Đùng và dưới chân là hồ Tà Đùng – thượng nguồn của hệ thống sông Đồng Nai, có diện tích mặt nước hơn 3.500 ha, bao quanh 37 hòn đảo lớn, nhỏ. Hồ Tà Đùng đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp nước sạch cho vùng hạ lưu.

Gần trưa, tuy trời đang có nắng to nhưng vừa lên cao, chúng tôi đã cảm nhận rõ cái lạnh thấu xương của Tà Đùng.

Bên gốc sao đen to mấy người ôm, véo von tiếng chim khướu, bồ chao, chào mào, cu gáy, anh Thắng say sưa: “Tà Đùng hiện là nơi cư trú của 574 loài động vật, 1.406 loài thực vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm thuộc nhóm nguy cấp cần được bảo vệ như cầy bay, khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi dài, gấu chó, gấu ngựa, báo hoa mai, hổ, gà tiền mặt đỏ, khướu đầu đen, sao đen, xoài vàng, trầm hương…

Trên đường tuần tra, chúng tôi thường xuyên bắt gặp những đàn khỉ, đàn hươu, lợn rừng rủ nhau đi kiếm ăn, tắm nắng. Hồ Tà Đùng đẹp nhất vào mùa tích nước (từ tháng 8 đến tháng 12 hằng năm), những hòn đảo đủ các hình dáng, kích cỡ in mình dưới dòng nước trong xanh, mây mờ lãng đãng, rất trong lành, mát mẻ. Các dòng suối Đắc N’teng, Đắc P’lao… chảy qua, tạo thành những ngọn thác Đắc P’lao, thác 7 tầng, thác mặt trời... với nguồn nước chảy quanh năm”.

Đứng trên cao nhìn xuống những sườn dốc là bon làng của đồng bào các xã Đắc P’lao, Đắc R’măng, Đắc Som…

Những năm gần đây, tình trạng di dân tự do từ các tỉnh phía Bắc vào khu vực giáp ranh với Vườn quốc gia diễn khá biến phức. Một số hộ dân cụm thôn 1 và thôn 3 xã Đắk P’lao (huyện Đắk Glong) cũ không chịu di dời ra khu tái định cư. Các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản, khai thác khoáng sản và săn bắt động vật rừng trái phép đã bắt đầu xuất hiện.

Bên cạnh đó, việc chăn thả gia súc trong khu vực Vườn quốc gia cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch trồng và chăm sóc rừng.

Quân số vẻn vẹn chỉ có 10 người, lại phân tán tại 4 trạm kiểm lâm, trạm xa nhất cách trung tâm chỉ huy hơn 300 cây số, thế nên để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, quanh năm, suốt tháng lực lượng Tự vệ phải ăn rừng, ngủ núi, phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên tuyền giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về công tác bảo vệ tài nguyên rừng.

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đội Tự vệ Vườn quốc gia Tà Đùng tuần tra bảo vệ rừng.

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đội Tự vệ Vườn quốc gia Tà Đùng tuần tra bảo vệ rừng.

Giai đoạn cao điểm, Tiểu đội Tự vệ phải căng mình túc trực 24/24 để ngăn chặn người dân xâm nhập, săn bắn, đặt bẫy thú rừng, đào bới,  chặt phá cây cảnh. Người leo trên núi, người lội dưới hồ, người ngồi ca nô, vỏ lãi, người đứng tháp canh… khắp dãy Tà Đùng đâu đâu cũng in đậm dấu chân các chiến sĩ Tự vệ can trường.

Chiến sĩ Tự vệ Hoàn Văn Hùng – Trạm trưởng trạm kiểm lâm số 4 Phi Liêng nói vui: “Tuy cùng Tiểu đội nhưng chỉ vào mùa huấn luyện hằng năm chúng tôi mới được ở bên nhau đông đủ. Mùa khô, nguy cơ cháy rừng cao, vài tháng không được về thăm vợ con là chuyện bình thường.

Kẻ xấu thường lợi dụng khi mưa gió hay các dịp lễ tết, cán bộ kiểm lâm xao nhãng để làm bậy, thế nên chuyện nghỉ lễ trong rừng đã quá quen với chúng tôi. Mỗi khi mỏi chân, rụng gối, chúng tôi thường tìm những sườm dốc thoai thoải để dừng chân, vừa nhâm nhi miếng mứt gừng cay nóng vừa tận hưởng cảnh sắc non xanh, nước biếc vào xuân đâu phải ai cũng có. Tự hứa với lòng mình phải cố gắng nhiều hơn nữa để giữ lấy màu xanh Tà Đùng”.

Mỗi lần tuần tra, truy quét, lực lượng Tự vệ phải đối mặt với muôn vàn hiểm nguy bởi vách núi trơn trượt, rắn rết, thú dữ, bẫy sập, bẫy dây, đá lở, thợ săn, lâm tặc... Nhận thức rõ điều đó, công tác huấn luyện, rèn luyện nâng cao ý chí, bản lĩnh, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, khả năng làm chủ vũ khí trang bị, khí tài cho các chiến sĩ luôn được Tiểu đội trưởng Phạm Văn Thắng quan tâm đúng mực.

Như những người lính ra trận, hành trang trước mỗi chuyến đi của các anh luôn có đầy đủ súng ống, đạn dược, đèn pin, bộ đàm, bi đông, dao găm, dao quắm, quân trang, lương thực thực phẩm, thuốc men, tăng võng, xoong nồi, “gậy Trường Sơn”…

Các bài thuốc quý từ hoa lá, cỏ cây có sẵn trong rừng các anh đều biết cả. Nhờ phối hợp chặt chẽ với Ban lâm nghiệp, công an, quân sự các xã nên việc trao đổi, cung cấp thông tin phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng được tiến hành đều đặn và hiệu quả.

Ngày tuần tra, mật phục, đêm xuống trong những cánh rừng già, các cán bộ, chiến sĩ kiểm lâm, tự vệ, công an, quân sự xã lại quây quần hàn huyên, tâm sự, chia sẻ kinh nghiệm giữ rừng.

Từ đầu năm đến nay, Tiểu đội Tự vệ cùng lực lượng chức năng của Hạt Kiểm lâm và chính quyền các địa phương đã tổ chức 18 đợt tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho 1.027 lượt người dân ở các thôn, bon.

Qua đó, giúp bà con nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ rừng, chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không tự ý vào Vườn quốc gia phá rừng. Tiến hành giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho 209 hộ dân, ký cam kết với 103 hộ dân khác có nương rẫy giáp rừng trên địa bàn các xã cùng đệm Đắk Som (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông), Phi Liêng, Đạ K’ Nàng (huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng).

Thực hiện 573 đợt tuần tra, kiểm tra tại 23 tiểu khu, phát hiện, xử lý 2 vụ vi phạm pháp luật bảo vệ rừng, tháo gỡ 21 bẫy thú các loại. Tham gia trồng mới hàng chục rừng các loại.

Nếu không có chuyến đi này, có lẽ tôi đã chẳng thể biết được rằng, trong miền xanh thẳm của “Viên ngọc quý Tà Đùng” hôm nay, ngoài thanh xuân, tình yêu, còn có cả máu, mồ hôi và nước mắt của các cán bộ, chiến sĩ Tiểu đội Tự vệ nơi đây.

Hoàng hôn Tà Đùng thuần khiết, thanh cao như nàng thiếu nữ tuổi trăng rằm, chia tay rồi lòng cứ mãi vấn vương, xao xuyến.

Xem thêm
Lợi ích của trồng rừng đạt chứng chỉ FSC

Chứng chỉ rừng FSC giúp tăng giá trị của sản phẩm và mặt hàng từ 20 - 30% so với những sản phẩm cùng loại, góp phần khai mở kiến thức người trồng rừng...

Nghệ An thực hiện tốt Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững

Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tạo chuyển biến căn cơ trên địa bàn Nghệ An, tỉnh này triển khai thực sự hiệu quả thông qua tỷ lệ giải ngân 100%.

Quảng Bình phạt 2,8 tỷ đồng từ các vụ vi phạm hành chính lĩnh vực lâm nghiệp

Trong quý I/2024, lực lượng kiểm lâm Quảng Bình dự kiến nộp 2,8 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước từ 272 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm