| Hotline: 0983.970.780

Viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo

Thứ Tư 18/12/2019 , 08:44 (GMT+7)

“Sự kiện” nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc ở các xã biên giới của huyện miền núi Minh Hóa làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo đã tạo sự lan tỏa lớn.

17-09-26__1-_bn_ong_tu
Bản Ông Tú (xã Trọng Hóa) nơi có hộ đồng bào dân tộc làm đơn xin thoát nghèo.

Khi tiếng con gà rừng đầu bản gáy te te, ông Hồ Đăm ở bản Ông Tú, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình), khoác gùi lên vai bảo vợ: “Miềng lên rừng kiểm tra cây đây, rồi chặt vác ná (nứa) để về làm lại cái chuồng gà thả vườn”. Đứng ở bìa rừng ông cất tiếng hú để gọi báo tin cho mấy người trong bản cùng đi.
 

Thoát nghèo để làm giàu

Ngược đường 12A lên biên giới Việt Nam - Lào vào những ngày cuối năm 2019 là lúc bông lau nở trắng xóa, rập rờn uốn lượn theo chiều gió. Buổi trưa, nắng đong vàng rải đều trên từng mái nhà, bản Ông Tú như sáng hơn lên, rộn tiếng người nói cười.

Nhà ông Hồ Đăm ở gần cuối bản. Ông vừa đi rừng về, bó nứa tươi đang được dựng ở đầu hồi nhà, gần cầu thang dẫn lối đi lên. Hồ Đăm hồ hởi đón khách ở chân cầu thang với cái bắt tay thật chặt, chân tình.

Ngồi trong ngôi nhà sàn, Hồ Đăm mời khách uống ly nước lá rừng nóng thơm ngọt rồi kể chuyện. Trước đây, gia đình có 5 người con, vợ hay đau ốm nên ông là lao động chính, kinh tế gia đình rất khó khăn. Mấy năm liền, gia đình Hồ Đăm được xếp vào diện hộ nghèo của bản. “Bây giờ thì khác rồi”, ông mở đầu câu chuyện.

Chị Hồ Xăn chưa đến 40 tuổi, nhưng đã gánh trọng trách là Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, chị đã trực tiếp vận động bà con đồng bào dân tộc thay đổi cách nghĩ, tự lực vươn lên chớ không ỷ lại trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

“Bây giờ nhiều gia đình biết trồng rừng sản xuất, biết làm chuồng trại để nuôi bò, lợn, dê, gà… phát triển kinh tế gia đình. Gia đình ông Hồ Đăm cũng từ đó mà khấm khá lên”. Nghe vậy, Hồ Đăm cười, góp thêm lời: “Bữa nay, gia đình có hơn 1 ha rừng keo, mới bán một phần đã thu về hơn 20 triệu đồng đó”.

Cũng theo Hồ Đăm, gia đình còn nuôi đàn bò được 6 con, nuôi mấy chục con gà thịt. Riêng đàn lợn do huyện Minh Hóa bị dịch tả lợn Châu Phi nên không nuôi tiếp nữa mà đợi khi cán bộ thông báo mới tiếp tục tái đần. Không nuôi lợn, gia đình mua cặp dê về thả. “Từ đầu năm đến nay, tăng thêm được 2 con rồi. Nó được chăn thả trên rừng nên cũng lớn nhanh lắm”, ông lại khoe.

Bữa trong năm, gia đình bán 2 con bò, thu về gần 50 triệu đồng. Ông hào hứng: “Nhiều năm miềng nhờ Nhà nước trợ cấp hộ nghèo. Nay kinh tế  khá lên nhiều. Rứa thì miềng tự túc được rồi. Nhà đã có cái ăn, cái mặc. Suy nghĩ như vầy nên miềng chủ động làm đơn gửi lên xã xin được ra khỏi hộ nghèo thôi. Miềng làm vậy để nhường cái hỗ trợ cho những gia đình còn khó khăn hơn mà”.

17-09-26__2-_chi_ho_xn
Chị Hồ Xăn trao đổi với ông Hồ Đăm về phát triển kinh tế rừng trồng.
Giữa bản, hơn chục người đàn ông đang đục đẽo, cặp dựng căn nhà mới cho Hồ Thùy. Thấy có khách, Hồ Thùy dừng tay chạy ra chào đón. Đứng ở sân, Hồ Thùy bảo nhờ trồng rừng, chăn nuôi bò, gà theo hướng dẫn của cán bộ nên cũng làm ra tiền. Tích cóp mấy năm, Hồ Thùy làm được căn nhà mới vững chãi.

“Còn nợ một ít, mấy tháng nữa bán bò là trả xong. Nếu cứ đi vào rừng kiếm cái ăn thì còn nghèo mãi thôi”, Hồ Thùy chân thật. Chị Hồ Xăn cũng giới thiệu: “Gia đình Hồ Thùy cũng tự nguyện làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo dịp vừa rồi”. Nghe vậy, Hồ Thùy cũng mạnh dạn: “Ra khỏi hộ nghèo rồi, nhưng miềng cũng sẽ làm đơn xin vay vốn để trồng rừng, nuôi thêm đàn dê nữa đó”.
 

Rủ nhau lên xã nộp đơn thoát nghèo

Anh Phạm Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa chia sẻ rằng, bà con ở Trọng Hóa đã biết chọn trồng rừng để phát triển kinh tế. Mùa trồng rừng năm nay, bà con đăng ký trồng mới 500 ha rừng. Nhiều hộ người Sách, Khùa, Mày ở các bản xa xôi đã chủ động đăng ký cây giống với xã để trồng rừng.

“Rõ ràng, trong tư duy, bà con đã biết phát triển đa dạng mô hình chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Như vậy, bước thoát nghèo của bà con dân tộc sẽ được rút ngắn lại rất nhiều”, anh Phạm Văn Bắc nói trong niềm vui.

Với người Rục ở xã Thượng Hóa (huyện Minh Hóa), sau hơn 50 năm rời hang đá về định cư, cuộc sống còn bộn bề gian khó. Chính vì vậy, bà con vẫn sống nhờ vào trợ cấp Nhà nước. Vậy nhưng, những ngày đầu tháng 11, chính quyền xã bất ngờ nhận được đơn xin… hết nghèo của vợ chồng anh Cao Xuân Lực và chị Cao Thị Liên (ở bản Ón). Mấy ngày sau, thấy anh Trần Xuân Vinh cùng ở bản Ón xuất hiện ở trụ sở UBND xã với tờ đơn xin ra khỏi diện… hộ nghèo.

Hỏi chuyện, anh Cao Xuân Lực cho biết, gia đình trước đây cũng chỉ biết sống nhờ vào gạo trợ cấp. Nhà có nuôi con trâu nhưng thả rong trong rừng rồi mất lúc nào không hay. Sau này, nghe cán bộ, bộ đội biên phòng hướng dẫn cho cách trồng keo lai, cách nuôi trâu, bò chăn thả nên nghe theo.

Hiện gia đình có 5 con trâu, bò và trồng được 3 ha rừng keo lai. Mới đây, thu hoạch rừng trồng, bán 1 con trâu đực đã thu về hơn 60 triệu đồng. “Tạm thời tiền chưa làm gì đến nên đưa đi gửi tiết kiệm rồi. Đến mùa trồng rừng lại lấy ra để mua giống”, anh Lục bảo vậy.

Gia đình anh Trần Xuân Vình cũng chọn hướng phát triển kinh tế là chăn nuôi kết hợp trồng rừng. Bây giờ thu nhập mỗi năm cũng đủ trang trải đời sống và có tiền dư nên vợ chồng bàn bạc nhau đi đến thống nhất, lên xã nộp đơn xin thoát nghèo.

Hỏi tiếp theo sẽ làm gì, anh Vinh nói mộc mạc: “Bây giờ cũng ổn định rồi thì phải đi tới khá giả chớ. Cứ áp dụng khoa học kỹ thuật để phát triển đàn trâu bò và mở rộng diện tích trồng rừng thì bốn, năm năm sau là giàu mà. Nếu không thoát nghèo thì làm sao mong được giàu có. Còn phần chế độ hỗ trợ của Nhà nước dành cho hộ già cả khó khăn hơn”.
 

Lan tỏa tinh thần tự lực ở huyện miền núi

Tại xã Trọng Hóa, khi chính quyền nhận được gần chục lá đơn của bà con gửi lên đã phải họp khẩn để xử lý. Bà Hồ Thị Thoi, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Chúng tôi tổ chức họp với trưởng các đoàn thể, bộ phận và trưởng các bản có hộ dân làm đơn để xem xét. Sau khi lắng nghe và thành lập các đoàn đi kiểm tra thực tế tình hình các hộ gia đình thì chúng tôi mới đi đến quyết định gửi hồ sơ lên huyện làm thủ tục đưa 7 hộ gia đình ra khỏi danh sách hộ nghèo năm 2020”.

Từ các xã Trọng Hóa, Thượng Hóa. tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo ở huyện Minh Hóa đã trở thành phong trào như ngọn gió lành. Đến giữa tháng 11/2019, tại huyện nằm trong diện 30a này đã có có 25 hộ ra khỏi hộ nghèo.

17-09-26__3-_nh_co_xub_lic
Anh Cao Xuân Lục và nhiều hộ đồng bào dân tộc ở Minh Hóa chọn chăn nuôi trâu, bò để thoát nghèo.

Ông Đinh Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: “Trong đó, phần lớn là bà con đồng bào dân tộc viết đơn xin rút khỏi hộ nghèo. Đây là tín hiệu tích cực trong hành trình xóa đói, giảm nghèo ở vùng cao. Điều đáng quý ở chỗ, tuy cuộc sống các hộ này vẫn chưa hết khó khăn nhưng với ý thức vươn lên, họ không còn trông chờ vào sự hỗ trợ của trên mà tự tạo lập đời sống bằng các mô hình kinh tế phù hợp. Họ tự nguyện ra khỏi hộ nghèo là chấp nhận từ bỏ các chế độ hỗ trợ từ đau ốm, đến học hành”.

Tuy nhiên, để phong trào này đích thực, huyện chỉ đạo chính quyền các địa phương kiển tra tình hình cụ thể của hộ gia đình để có quyết định đúng. “Chúng tôi vẫn tiếp tục theo sát các hộ này để tạo điều kiện cho bà con trong việc thực hiện các mô hình sản xuất, tạo sinh kế lâu dài để bà con nâng cao đời sống, vươn lên làm giàu bền vững”, ông Đinh Anh Tuấn nhấn mạnh.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Trồng rừng giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu

Kiên Giang Trong giai đoạn 1, J&T Express tổ chức trồng mới 15.000 cây tràm, giúp mở rộng thêm 1ha rừng tràm ngập phèn tại Vườn quốc gia U Minh Thượng – Kiên Giang.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.