Ngôi nhà của bà Lê Thị Hương - người đầu tiên làm đơn xin thoát nghèo ở Quảng Bình. |
Các hộ dân này phần lớn là đồng bào dân tộc Chứt, Bru - Vân Kiều, Khùa, Mày... đang sinh sống tại các bản, làng thuộc xã Trọng Hóa như Tờ Vờng, Cha Cáp, Ông Tú, Bản Lé, La Trọng 1…
Đặc biệt, có 2 hộ đồng bào Rục tại bản Ón (xã Thượng Hóa) là Trần Xuân Vinh và Cao Xuân Lực. Theo 2 hộ này ghi trong đơn thì họ không muốn là gánh nặng cho xã hội.
Ông Trần Xuân Tư, Trưởng bản Ón cho biết, các hộ này xem ti vi thấy cụ bà Đỗ Thị Mơ (83 tuổi, trú xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa ) đạp xe lên xã xin thoát nghèo nên họ đã tự nguyện viết đơn thoát nghèo, tự lập làm ăn.
Theo ông Bùi Anh Tuấn, lý do chung của các hộ dân nói trên xin ra khỏi hộ nghèo và cận nghèo là vì họ tự nhận thấy có thể tự chủ được cuộc sống hàng ngày, mặt khác cũng muốn nhường lại những sự hỗ trợ từ Nhà nước cho các hộ còn khó khăn hơn. Theo thống kê của huyện Minh Hóa, từ đầu năm 2019 đến nay, tại địa phương này đã giảm 626 hộ nghèo, 740 hộ cận nghèo.
Trước đó, cũng tại tỉnh Quảng Bình, bà Lê Thị Hương (65 tuổi, trú tại thôn 1 Phúc Đồng, xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch) đã làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Bà Hương là người tàn tật, được hưởng chế độ bảo trợ xã hội và hiện đang sinh sống trong ngôi nhà tình thương có diện tích khoảng 35m2. Bà có 1 người con trai đang đi làm ở xa, từ trước đến nay, bà thuộc diện hộ nghèo, neo đơn.
Theo bà Hương, tuy sức khỏe yếu lại bị tàn tật, nhưng con trai đã lớn và tìm được việc làm, tự lo cho mình; bản thân bà đang có chế độ hỗ trợ người tàn tật 405.000 đồng/tháng.
Ngoài ra bà trồng thêm rau, chăn nuôi gà, vịt... đã tự lo đủ cho bản thân nên tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo để nhường lại cho hộ khác có hoàn cảnh khó khăn hơn. Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Quảng Bình, bà Lê Thị Hương là người đầu tiên tự nguyện nộp đơn xin ra khỏi hộ nghèo của tỉnh.