| Hotline: 0983.970.780

Viết dưới ngọn đèn dầu

Thứ Năm 03/12/2020 , 16:10 (GMT+7)

Gặp chúng tôi, nhà báo Ngô Thời Tuyên – nguyên Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, thả trôi ký ức về những ngày làm báo thiếu thốn đủ bề.

Nhà báo Ngô Thời Tuyên (bên phải) trò chuyện với nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Trịnh Bá Ninh. Ảnh: Minh Phúc.

Nhà báo Ngô Thời Tuyên (bên phải) trò chuyện với nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Trịnh Bá Ninh. Ảnh: Minh Phúc.

Quân số ít và không được đào tạo về nghiệp vụ báo chí, nhưng ngòi bút sắc bén của những chuyên gia, kỹ sư nông nghiệp tòa soạn Tạp chí Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp đã góp phần đánh thức một nền nông nghiệp thoát khỏi “cơn mê” của sự trì trệ và lạc hậu, đưa nông nghiệp miền Bắc thoát khỏi đói nghèo.

Chuyên gia nông nghiệp đi làm báo

Tôi được Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Nông nghiệp, phân công về Tạp chí Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp tháng 12/1969, sau khi hoàn thành nhiệm vụ đi thực tế địa phương chỉ đạo sản xuất nông nghiệp tại hợp tác xã Dương Sơn (huyện Từ Sơn, Bắc Ninh).

Lúc đó, cả tòa soạn chỉ có 5 người, tất cả đều là kỹ sư nông nghiệp. Không ai được đào tạo viết báo mà người sau học hỏi kinh nghiệm từ người vào trước. Quân số quá mỏng, nhưng tòa soạn lại phân tách ra hai ban biên tập, gồm ban biên tập Tạp chí Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp và Báo Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp, phát hành nửa tháng một kỳ. Bởi thế, mỗi người phải gánh trên vai rất nhiều phần việc.

Khi ấy, Giáo sư Bùi Huy Đáp vừa là Vụ trưởng Vụ Khoa học (Bộ Nông nghiệp) kiêm Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, vừa là Tổng biên tập tạp chí. Còn phóng viên vừa phải sản xuất tin bài, vừa tổ chức nội dung theo lĩnh vực phụ trách thông qua việc đặt hàng cộng tác viên, sau đó biên tập bài.

Nhiệm vụ của tạp chí là phổ biến, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp. Nhưng, nếu chỉ đăng các bài viết khoa học thì rất khó hấp dẫn độc giả.

Tổng biên tập Bùi Huy Đáp không chịu an phận thủ thường. Ông chỉ đạo anh em trong cơ quan phải tự đổi mới nội dung tờ báo bằng cách gia tăng sản xuất tin bài thông tấn; đi thực tế để phản ánh hơi thở sản xuất từ hợp tác xã và gương điển hình tiên tiến. Lúc đó không có tờ tạp chí nào phản ánh đa chiều cả thông tin thời sự, chính trị, xã hội và văn học nghệ thuật như vậy.

Ngoài Tổng biên tập Bùi Huy Đáp, tôi rất ngưỡng mộ ông Trịnh Văn Thịnh (cũng là cán bộ của Vụ Khoa học - Bộ Nông nghiệp) được phân công phụ trách biên tập nội dung Tạp chí. Ông Thịnh rất giỏi chuyên môn thú y, là kỹ sư Tây học nên nói ngoại ngữ như tiếng mẹ đẻ.

Nhà ông ở phố Hàng Bông, mỗi lần biên tập nội dung của một số báo, ông xuống số 6 Nguyễn Công Trứ thức cả đêm đọc bản thảo dày 80 trang và sửa chữa rất nhiều. Ông Thịnh cũng là tay viết rất cừ khôi, bộ não nhanh nhạy đến nỗi chữ trước chưa viết xong thì mấy chữ sau đã nảy trong đầu rồi.

Để nêu gương, số báo nào Tổng biên tập Bùi Huy Đáp cũng viết ít nhất một bài xã luận làm bài chính ở trang 1 và một bài thời sự nông nghiệp ở trang 2. Có lần, đích thân ông đi vào huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) để viết bài “Lá cờ trên dòng sông giới tuyến” - nơi đất nước bị chia cắt hai miền Nam - Bắc bằng con sông Bến Hải.

Thức tỉnh lúa xuân miền Bắc, tiến tới con đường 3 vụ

Năm 1968 là thời điểm bắt đầu nảy sinh cuộc đấu tranh tư tưởng nảy lửa về việc nên hay không nên làm lúa xuân ở miền Bắc. Lúc đó, bà con thường cấy các giống lúa chiêm như 314, là giống lúa cực kỳ dài ngày, chỉ tính thời gian gieo mạ đã mất 2 tháng, cấy từ tháng 12 năm trước đến tháng 5 - 6 năm sau mới được gặt. Lúa 314 có đặc điểm là rất cao cây nên khi có gió bão là đổ rạp cả cánh đồng. Do năng suất thấp (60 - 70 kg/sào/vụ) nên nhiều diện tích nông dân để hoang hóa.

“Phe bảo thủ” cho rằng lúa chiêm dễ cấy, lại có từ lâu đời, phải giữ lúa chiêm làm vụ chính để lấy rơm lợp mái nhà; lúa xuân thì khó gieo mạ (mạ hay bị chết rét), khó cấy. Còn “phe cấp tiến” do Tổng biên tập Bùi Huy Đáp, Vụ trưởng Vụ Khoa học - Bộ Nông nghiệp, Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, là người đi đầu lại ủng hộ tuyệt đối quan điểm đưa lúa xuân làm vụ chính.

Nhà báo Ngô Thời Tuyên viết sách về Con đường 3 vụ ở Minh Sinh - viết về HTX điển hình trong sản xuất 3 vụ ở miền Bắc. Ảnh: Minh Phúc.

Nhà báo Ngô Thời Tuyên viết sách về Con đường 3 vụ ở Minh Sinh - viết về HTX điển hình trong sản xuất 3 vụ ở miền Bắc. Ảnh: Minh Phúc.

Giáo sư Bùi Huy Đáp cùng cộng sự tại Viện nghiên cứu cây trồng, các trại giống đã dành nhiều tâm huyết khảo sát, nghiên cứu, cấy thí điểm giống Nông nghiệp 8 trên diện tích 100 mẫu Bắc Bộ bị bỏ hóa ở xã Phí Trạch (huyện Ứng Hòa, Hà Tây cũ). Ngay vụ đầu, địa phương đã thu được 100 tấn thóc. Năm sau, ông đề nghị lãnh đạo tỉnh Hà Tây mở rộng việc áp dụng kinh nghiệm này trong toàn tỉnh.

Khẳng định tương lai tươi sáng của lúa xuân trên đồng ruộng miền Bắc Việt Nam tại Hội nghị khoa học quốc tế về cây lúa ở Bắc Kinh (Trung Quốc) năm 1968, Tổng biên tập Bùi Huy Đáp đã trình bày bản báo cáo khoa học nổi tiếng với nhan đề: “Cây lúa xuân và cuộc cách mạng xanh ở miền Bắc Việt Nam”. Bởi vậy, Tổng biên tập của chúng tôi được coi là “người sáng tạo lúa xuân miền Bắc”.

Thú vui của nhà báo Ngô Thời Tuyên sau khi nghỉ hưu là chăm sóc lan cảnh. Ảnh: Minh Phúc.

Thú vui của nhà báo Ngô Thời Tuyên sau khi nghỉ hưu là chăm sóc lan cảnh. Ảnh: Minh Phúc.

Vụ xuân 1970, tôi đạp xe từ Hà Nội về huyện Kiến Xương, đi 8 tiếng mới đến nơi. Hợp tác xã Vũ Thắng cấy chủ yếu bằng giống lúa Nông nghiệp 8 đã đạt bình quân 5 tấn thóc/ha/vụ. Bài viết dài gần 3.000 chữ, phải mất 5 ngày mới lấy đủ tư liệu, được đăng vào số kỷ niệm Quốc khánh 2/9. Đến bây giờ, đã 50 năm, tôi vẫn nhớ như in niềm vui được mùa của bà con xã viên ở một địa danh thuộc tỉnh Thái Bình ấy.

Làm báo thời tem phiếu

Những năm 70 của thế kỷ trước, báo chí được nhà nước “nuôi” toàn bộ. Lúc mới vào nghề báo, tôi được hưởng lương kỹ sư mới ra trường là 60 đồng. Thời ấy 60 đồng tương đương nửa chỉ vàng. Còn nếu quy đổi ra phở (5 hào/tô có thịt) thì được 120 tô.

Ngoài lương thì chúng tôi còn được nhà nước cấp thêm tem để mua gạo, thịt, dầu đốt, vải... Ngày ấy, những nhà báo như chúng tôi rất được quý trọng. Khi đi công tác, địa phương chu cấp thức ăn, chỗ ở. Thường thì ông chủ nhiệm hợp tác xã có trách nhiệm "nuôi" phóng viên.

Ngoài hướng dẫn kỹ thuật và cổ động sản xuất nông nghiệp, Báo cũng có các bài viết lên án tội ác của các bè lũ xâm lược đối với các bản làng, nông trường và nêu gương dân quân tự vệ của người dân. Đặc biệt mục tranh vui, truyện vui thường châm biếm các vấn đề tiêu cực như lãng phí của công; tham ô tham nhũng ở hợp tác xã.

Kết thúc chiến tranh biên giới phía Bắc, khi quân Trung Quốc rút, tòa soạn đã cử nhiều phóng viên đi Lào Cai, Cao Bằng, Quảng Ninh viết bài phản ánh về phục hồi sản xuất ở các vùng bị quân Trung Quốc tàn phá.

Hồi đó, tôi lựa chọn Cao Bằng để phản ánh. Khi bắt xe khách đến bến xe gần Đồng Đăng (Lạng Sơn) thì trời tối, tất cả nhà trọ đều hết phòng, trời lại rét căm căm. May mà mình cẩn thận, chuẩn bị sẵn hai mảnh ni lông trong ba lô, một mảnh trải xuống đất còn một mảnh trùm lên người để tránh gió và muỗi.

Cả người tôi gần như đông cứng, không thể ngủ được, chỉ mong đến sáng để tiếp tục bắt xe đi chặng đường tiếp theo. Thật hạnh phúc vì sau loạt bài của chúng tôi, Báo được Bộ Nông nghiệp, Hội Nhà báo khen thưởng vì những bài báo nêu các điển hình phục vụ sản xuất nhanh.

Mặc dù không có phương tiện thu âm hay ghi hình, viết dưới ngọn đèn dầu, nhưng Báo luôn phản ánh rất chính xác tình hình thực tế và chưa bao giờ xảy ra khiếu nại thông tin. Đó là điều đáng tự hào!

Thời bác Nguyễn Ngọc Trìu làm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, mỗi lần đi công tác địa phương bác đều bảo thư ký đề nghị tòa soạn báo cử tôi tham gia đoàn. Bởi vậy, phóng viên của Báo biết được rất nhiều chuyện “thâm cung bí sử” trong lĩnh vực nông nghiệp ở địa phương, chứ không phải chỉ tập trung vào biên tập bài khoa học và lý luận.

Xem thêm
Nền tảng để ASEAN vững vàng trước mọi biến động

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hơn lúc nào hết, ASEAN cần lấy tự cường làm nền tảng để vươn tầm, lấy kết nối làm trọng tâm để bứt phá.

Cả nước có thêm 7 vườn quốc gia

Định hướng đến năm 2030, Việt Nam có tổng cộng 225 khu rừng đặc dụng, với diện tích tăng thêm gần 200.000ha so với hiện tại, trong đó gần 75.000ha là thành lập mới.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giấc mơ lớn trên lòng hồ sông Đà: [Bài 6] Những toan tính của tỉnh Hòa Bình

Điều thú vị và bất ngờ, khi xây đập chặn sông Đà từ đó hình thành nên vùng lòng hồ, gần 5 thập kỷ trước người ta chưa nghĩ tới mục đích cho thủy sản...

Bình luận mới nhất