| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam - Hoa Kỳ thúc đẩy hợp tác công nghệ sinh học nông nghiệp

Chủ Nhật 07/08/2022 , 12:08 (GMT+7)

Bộ NN-PTNT cùng với Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ vừa tổ chức Hội thảo quốc tế 'Nâng cao nhận thức cộng đồng và tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp'.

Đây là sự kiện liên quan trong khuôn khổ đối thoại chính sách cấp cao về công nghệ sinh học nông nghiệp (HLPDAB) của APEC 2022 được tổ chức ngày 5/8/2022.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Trung Quân.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Trung Quân.

Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tuyến với sự tham gia của đông đảo các nhà quản lý, nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp từ các nền kinh tế APEC, tổ chức quốc tế. Hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học, quản lý và các bên liên quan cùng nhau trao đổi, thảo luận cách tiếp cận để nâng cao nhận thức của cộng đồng và tăng cường ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) trong nông nghiệp.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe báo cáo về thành tựu mới nhất trong nghiên cứu, ứng dụng CNSH vào sản xuất nông nghiệp trên thế giới; vấn đề chia sẻ thông tin, sự chấp thuận của cộng đồng từ chuyên gia, các nước thành viên APEC; vấn đề liên quan đến hệ thống pháp lý đối với những sản phẩm tạo ra từ các công nghệ mới như công nghệ chỉnh sửa gen…

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT) cho biết: Chính phủ Việt Nam luôn xác định nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Nông dân là chủ thể, trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Phát triển nông nghiệp phải dựa trên nền tảng khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo.

Công nghệ sinh học đã giúp tạo ra nhiều đột phá cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Tư liệu.

Công nghệ sinh học đã giúp tạo ra nhiều đột phá cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Tư liệu.

Chính vì vậy, việc thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp, tăng cường ứng dụng CNSH hiện đại để tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, tăng thu nhập cho nông dân, an toàn với sức khỏe con người, bền vững với môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học là những nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 (Quyết định 150/QĐ-TTg ngày 18/3/2022).

Bên cạnh đó, Thủ trướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp đến năm 2030” (Quyết định 429/QĐ-TTg ngày 24 tháng 3 năm 2021). Đây là chủ trương, chính sách lớn của Việt Nam trong giai đoạn tới về thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng CNSH trong nông nghiệp.

Bà Thủy nhấn mạnh: Việt Nam mong muốn được hợp tác với các nền kinh tế của APEC, tổ chức quốc tế, tập đoàn công nghệ trong việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao CNSH vào sản xuất nông nghiệp; hợp tác chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, thành tựu để hoàn thiện cơ sở khoa học, hệ thống các quy định pháp lý đảm bảo quản lý an toàn đối với sản phẩm CNSH. Đồng thời, khuyến khích áp dụng những thành tựu KHCN mới vào sản xuất nông nghiệp, mang lại lợi nhuận cho nông dân. 

Việc tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi mới mang những đặc tính chống chịu, kháng bệnh hay cải thiện năng suất, giá trị dinh dưỡng có tầm quan trọng rất lớn đối với nền kinh tế có tỷ trọng sản xuất nông nghiệp lớn của Việt Nam.

Hội thảo có sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học trong ngành nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Trung Quân.

Hội thảo có sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học trong ngành nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Trung Quân.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, những năm gần đây, các công trình liên quan đến công nghệ mới - công nghệ chỉnh sửa gen đã được triển khai. Đây là công nghệ giúp tạo ra các giống cây trồng mới năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu với các điều kiện bất thuận, mang lại giá trị dinh dưỡng cao...

Công nghệ này được ứng dụng trong chọn tạo nhiều giống cây trồng mới trên một số đối tượng như ngô, đậu tương, khoai tây, lúa, lúa mỳ, cà chua… Nếu so sánh với công nghệ chọn giống truyền thống, công nghệ chỉnh sửa gen được đánh giá mang lại hiệu quả, độ chính xác cao hơn, tính rủi ro thấp hơn…

“Hiện nay, việc thương mại nhiều sản phẩm ứng dụng công nghệ sinh học đã được áp dụng ở các nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, đối với các sản phẩm tạo ra từ công nghệ mới như công nghệ chỉnh sửa gen, việc nâng cao nhận thức của cộng đồng thông qua việc chia sẻ thông tin về thành tựu khoa học cũng như khung pháp lý về an toàn sinh học là hết sức cần thiết”, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy đánh giá.

Xem thêm
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi góp phần xây dựng NTM ở Phúc Lâm

HÀ NỘI Phúc Lâm là 'thủ phủ' của nghề nuôi gà đẻ của huyện Mỹ Đức nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi.

Tầm nhìn Một sức khỏe là ưu tiên quốc gia

Tiếp cận Một sức khỏe yêu cầu sự đồng thuận giữa các Bộ, hỗ trợ tài trợ liên ngành và xây dựng cơ chế chia sẻ dữ liệu chung.

Mô hình lúa chất lượng cao vụ thu đông đạt 7,3 tấn/ha

Trà Vinh Kết quả sơ kết mô hình lúa chất lượng cao tại huyện Châu Thành cho thấy năng suất đạt 7,3 tấn/ha, lợi nhuận tăng 16% và khí thải giảm 20-30% so với ngoài mô hình.