| Hotline: 0983.970.780

Quảng Ninh thành công với giống vật nuôi bản địa

Việt Nam có những giống vật nuôi thế giới mơ ước

Thứ Sáu 04/08/2023 , 06:40 (GMT+7)

TS Phạm Công Thiếu, Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) chia sẻ về thế mạnh, hạn chế trong bảo tồn, lưu giữ nguồn gen giống vật nuôi bản địa tại Việt Nam.

Sau loạt bài "Thành công với giống vật nuôi bản địa" viết về kinh nghiệm phục dựng, phát triển các giống vật nuôi bản địa của Quảng Ninh, Báo Nông nghiệp Việt Nam có cuộc trò chuyện với Viện trưởng Viện Chăn nuôi Phạm Công Thiếu xoay quanh nội dung này.

Vẫn giữ được cơ bản nguồn gen bản địa phong phú

Ông có thể chia sẻ về thực trạng nguồn gen vật nuôi bản địa của nước ta hiện nay?

Viện Chăn nuôi được giao nhiệm vụ bảo tồn, lưu giữ nguồn gen vật nuôi quốc gia từ năm 1989.

Đảng và Nhà nước đã nhìn nhận được rủi ro của nguồn gen vật nuôi bản địa ở nước ta nên cũng đã có kế hoạch đưa vào chương trình nghiên cứu bảo tồn.

Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, nhưng cho đến nay chúng ta vẫn giữ được cơ bản nguồn gen bản địa phong phú.

Theo TS Phạm Công Thiếu, các giống vật nuôi bản địa là năng suất thấp, nhưng bù lại nó có đặc điểm quý hiếm nên mới phải trân trọng. Ảnh: Hồng Thắm.

Theo TS Phạm Công Thiếu, các giống vật nuôi bản địa là năng suất thấp, nhưng bù lại nó có đặc điểm quý hiếm nên mới phải trân trọng. Ảnh: Hồng Thắm.

Trước đây có khoảng 90 nguồn gen vật nuôi bản địa, bây giờ đã bị mất đi 6 - 7 nguồn gen, còn lại khoảng hơn 80 nguồn gen bản địa.

Công lao lưu giữ nguồn gen bản địa này phải kể đến sự đóng góp lớn từ chính những người nông dân.

Sự hỗ trợ của Nhà nước trong công tác lưu giữ, bảo tồn còn nhiều hạn chế, mới chỉ hỗ trợ được một phần nào đó, chủ yếu vẫn là do các địa phương và người dân. Do vậy, việc phát huy được nguồn gen bản địa trong thời kỳ hiện nay và sau này là một lợi thế của quốc gia.

Đa phần các giống vật nuôi bản địa của Việt Nam năng suất tương đối thấp so với mặt bằng chung của các giống vật nuôi nhập ngoại, liệu đây có phải là một khó khăn lớn trong công tác bảo tồn, lưu giữ cũng như cải tạo và phát triển giống vật nuôi bản địa của nước ta hay không, thưa ông?

Ngày trước đúng là như vậy. Khi dân số nước ta bùng nổ, đạt mốc 100 triệu dân, cùng với việc hàng năm có hàng chục triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, để đảm bảo nguồn thực phẩm bắt buộc phải là các giống vật nuôi có năng suất cao, công nghiệp.  

Suốt một thời gian dài, chúng ta không chú trọng đến các giống bản địa của địa phương nên bị mai một đi nhiều. Đồng thời, cũng không chú trọng công tác giống nên năng suất ngày một thấp đi.

Nếu không có sự quan tâm, đặc biệt là ở các địa phương thì dần dần sẽ suy thoái, mất nguồn gen. Vì vậy, công tác bảo tồn, lưu trữ này không chỉ từ Trung ương mà các địa phương cũng cần có ý thức dành một nguồn kinh phí nhất định cho vấn đề này.

Chúng ta có những giống vật nuôi mà thế giới mơ cũng chẳng có, vì thế cần phải biết trân trọng.

Nhưng đúng là cái khó của các giống vật nuôi bản địa là năng suất thấp, nhưng bù lại nó có đặc điểm quý hiếm nên mới phải trân trọng. Mà đã quý hiếm tất nhiên chỉ có thể phát triển trong một phạm vi hẹp chứ không thể phát triển rộng như những con phổ biến được.

Nhưng rõ ràng, quý hiếm thì giá cũng cao hơn, phù hợp cho những nhóm người tiêu dùng có thu nhập cao hoặc là khách quốc tế đến Việt Nam để thưởng thức.

“Bảo tồn nguồn gen vật nuôi bản địa cũng như cây trồng hay thủy sản còn phải là đam mê và cái tâm của người làm công tác này, có như vậy mới thành công được”, TS Phạm Công Thiếu, Viện trưởng Viện Chăn nuôi nói.

Phân nhóm để bảo tồn hay phát triển

Như ông chia sẻ, Việt Nam có nguồn gen vật nuôi bản địa phong phú, tuy nhiên, trong đó có những nguồn gen năng suất thấp nhưng có những nguồn gen có thể phát triển thành giống hàng hóa, vậy nên chăng chúng ta phải xác định rõ ràng và khoa học ngay từ đầu giống nào là bảo tồn để giữ gen, giống nào là để phát triển hàng hóa?

Trong bảo tồn, lưu giữ nguồn gen giống vật nuôi cần phải phân ra các nhóm. Thứ nhất là nhóm rất nguy hiểm, bắt buộc phải đưa vào nuôi bảo tồn ngay. Nhóm này chỉ cần bảo tồn số lượng theo quy định về khoa học.

Thứ hai là nhóm nguy hiểm vừa phải, có thể bảo tồn 2 - 3 nơi ở trong dân, để nếu có rủi ro về dịch bệnh vẫn giữ được.

Thứ ba là nhóm bình thường, ở các địa phương còn rất nhiều.

Thứ tư là nhóm vừa bảo tồn, vừa khai thác, tức là khai thác chính là để bảo tồn. Đã đưa vào khai thác phát triển nguồn gen những vật nuôi đấy có thể trở thành hàng hóa, phát triển ra thị trường được.

Ví dụ như con Đông Tảo, có nguồn gốc từ xã Đông Tảo, Khoái Châu, Hưng Yên đã được đưa vào Chương trình “Bảo tồn quỹ gen vật nuôi” từ năm 1992 khi chúng được xếp vào danh sách có nguy cơ tuyệt chủng do năng suất thấp.

Tuy nhiên, hiện nay giống gà này đã được phát triển ra một số địa phương khác như Hà Nội, Thái Bình, Hải Phòng và một số tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Long An…

Gà Đông Tảo từ lâu đã được xem là giống gà quý hiếm thuần chủng của Việt Nam. Ảnh: Hồng Thắm.

Gà Đông Tảo từ lâu đã được xem là giống gà quý hiếm thuần chủng của Việt Nam. Ảnh: Hồng Thắm.

Để bảo tồn và phát triển gà Đông Tảo, công tác đầu tiên là phục tráng nguồn gen, phải chọn lọc nhân thuần để mở rộng quần thể lên. Khi quần thể lớn lên rồi mới đề nghị khai thác, phát triển.

Việc khai thác phát triển có hai dạng, dạng thuần và dạng lai (lai với nguồn gen khác để ra thành hàng hóa). Có những giống nếu để thuần không thể ra được hàng hóa, bắt buộc phải lai. Nhưng không phải lai để mất giống mà vẫn giữ ở dạng thuần nhất định.

Hay gà Hồ Bắc Ninh, cực kỳ khó khăn trong việc phục tráng, sau có Dự án phát triển khai thác nguồn gen vật nuôi gốc quốc gia con gà Hồ nên bây giờ yên tâm đã giữ được, cũng phát triển nhưng không phát triển mạnh như con gà Đông Tảo.

Tương tự với gà Ri, đây là loài gà bản địa của Việt Nam mà đến thời điểm hiện nay chưa có con gà nào “đánh đổ” được. Chất lượng thịt thơm ngon, năng suất quá trình chọn lọc đã đạt 130 - 150 trứng/mái/năm.

Đây cũng là loại gà vừa dạng thuần, vừa dạng lai để phát triển. Đấy là giống gà tốt mà chắc chắn không thể mất được…

Khoa học công nghệ đóng vai trò quan trọng

Dù là vật nuôi truyền thống, nhưng để bảo tồn, lưu giữ, phát triển chúng ta không thể sử dụng phương pháp truyền thống được nữa mà phải áp dụng khoa học công nghệ, theo ông đây có phải điều kiện quan trọng để phát huy hiệu quả của các giống vật nuôi bản địa trong thời gian tới?

Đúng là vậy, khoa học công nghệ đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo tồn, lưu giữ, phát triển các giống vật nuôi bản địa.

Viện Chăn nuôi đã nhân bản thành công lợn ỉ từ tế bào mô tai lợn được nhiều quốc gia khâm phục. Một quốc gia không quan tâm đến nghiên cứu khoa học nói chung và nghiên cứu khoa học cơ bản nói riêng thì quốc gia đó sẽ tụt hậu.

Bảo vệ mô tai, tinh trùng, phôi mới chỉ làm được trên gia súc, còn gia cầm vẫn chưa làm được. Gánh nặng bảo tồn trên gia súc đã đỡ đi phần nào, nhưng trên gia cầm và thủy cầm vẫn phải bảo tồn bằng con vật sống.

Gia cầm chỉ mới đột phá được về thụ tinh nhân tạo. Do đó, thời gian tới rất muốn nghiên cứu thêm ở gia cầm để làm sao có thể phân biệt được giới tính ngay từ phôi, từ trứng.

Ông đánh giá như thế nào về vai trò của địa phương và doanh nghiệp trong công tác bảo tồn, lưu giữ nguồn gen vật nuôi?

Nhà nước và địa phương đóng vai trò rất quan trọng trong công tác bảo tồn, lưu giữ nguồn gen vật nuôi. Nhà nước trợ lực ban đầu, giúp điều tra thu thập nguồn gen quý hiếm tiềm ẩn.

Còn với địa phương có nguồn gen vật nuôi bản địa quý, hiếm mà địa phương không quan tâm thì còn ai quan tâm nữa. Địa phương phải hiểu rõ việc bảo vệ lưu giữ nguồn gen chính là kinh tế cho người dân ở đó.

Thời gian qua, Viện Chăn nuôi cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vấn đề về kinh phí lưu giữ giống gốc. Hy vọng các vướng mắc sớm được tháo gỡ để Viện có thể tiếp tục tập trung đẩy mạnh các hoạt động phục hồi, lưu giữ nguồn gen gốc, nhân giống và phát triển các giống vật nuôi có nguồn gốc bản địa.

Và để phát triển vật nuôi bản địa thành hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao không thể thiếu vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp.

Sau những trợ lực ban đầu của Nhà nước, sự hỗ trợ của địa phương sở hữu giống vật nuôi bản địa toàn bộ khâu thương mại, bán hàng sau này nên giao doanh nghiệp và tin tưởng, kêu gọi để doanh nghiệp tham gia cũng như đứng ra chịu trách nhiệm chính mới có thể thành công bền vững được.

Quảng Ninh chính là một hình mẫu thành công của mối liên kết giữa giữa Nhà nước, địa phương, nhà khoa học và doanh nghiệp trong phát triển các giống vật nuôi bản địa. Ngoài lợn Móng Cái, gà Tiên Yên, gà bản Đầm Hà, Viện Chăn nuôi cũng đang hỗ trợ Quảng Ninh phục tráng tiếp một số giống vật nuôi khác trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.