| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam trước thách thức thiên tai cực đoan

Thứ Tư 12/05/2021 , 07:10 (GMT+7)

Trong 30 năm gần đây (từ 1990 đến 2020), trung bình mỗi năm có khoảng 500 người chết và mất tích do thiên tai. Đó là con số đáng phải suy ngẫm.

Bão, lũ lụt - kẻ thù thường trực!

Việt Nam là một trong 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ thảm họa thiên tai. Từ năm 1999 đến năm 2019, hơn 100 trận thiên tai quy mô lớn đã xảy ra tại Việt Nam, thiệt hại ghi nhận lên tới 19 tỷ USD, tương đương 441.000 tỷ đồng, ước tính tổn thất kinh tế do thiên tai gây ra hàng năm  từ 1 – 1,5% GDP. Trong 30 năm gần đây (từ 1990 – 2020), trung bình mỗi năm có khoảng 500 người chết và mất tích.

Khu vực quanh sông Hoài đoạn chảy qua Hội An bị ngập nặng trong trận mưa lũ gây ngập lụt lịch sử vào tháng 10/2020.

Khu vực quanh sông Hoài đoạn chảy qua Hội An bị ngập nặng trong trận mưa lũ gây ngập lụt lịch sử vào tháng 10/2020.

Ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ N-PTNT) cho biết: Trong các loại thiên tai, bão và lũ lụt là thường xuyên và nguy hiểm nhất. Điển hình như trận “đại hồng thủy” vùng Đồng bằng sông Hồng năm 1971 đã cướp đi sinh mạng của gần 100.000 người; bão Linda năm 1997 làm chết hơn 3.000 người tại miền Nam.

Mỗi cơn bão có thể trút hàng trăm, thậm chí vài trăm milimet nước chỉ trong một ngày. Nguy hiểm hơn khi bão kết hợp với triều cường sẽ gây ra lũ lụt nghiêm trọng.

Theo công bố 8 vùng nguy cơ bão, nước biển dâng và vùng gió ở đất liền của Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ năm 1961 đến 2014, Việt Nam đã hứng chịu 500 cơn bão. Tại vùng biển từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên - Huế đã ghi nhận một số trận bão với sức gió đạt cấp 15 - 16, giật trên cấp 17. Mưa một ngày lớn nhất trong bão có thể đạt từ 1000 - 1050mm.

Bão gây thiệt hại cho ngư dân đánh bắt cá trên biển, tàn phá các cơ sở nuôi trồng thủy sản, tàn phá hệ thống đê ngăn mặn đưa nước mặn xâm nhập vào đồng ruộng và các khu vực dân cư ven biển. Gió mạnh của bão gây thiệt hại về nhà cửa, công trình, cây trái và mùa màng, nhất là vùng đồng bằng sông Hồng và Miền Trung.

Theo tài liệu được Ban Chỉ đạo Chương trình hành động thích ứng với biến đổi khí hậu ngành NN-PTNT công bố, trên hệ thống đê sông Hồng ở Bắc bộ và sông Cửu Long ở Nam bộ, lũ đe dọa gây ngập lụt hàng triệu ha đất canh tác, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người dân.

Những trận lụt năm 1945, 1969, 1971, 1986, 1996 trên hệ thống sông Hồng; các năm 1961, 1996, 1978, 1984, 1995, 1996 ở đồng bằng sông Cửu Long thực sự là các thiên tai mang tính quốc gia.

Điển hình như tháng 8/1996, bão Niki tại miền Bắc gây ra một trận lụt kinh hoàng. Lũ lớn kéo dài nhiều ngày trên mức báo động 3 đã uy hiếp nghiêm trọng toàn bộ hệ thống đê đồng bằng Bắc Bộ. Hầu hết các đê bối, đê địa phương thuộc Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Ninh Bình đều bị tràn hoặc vỡ.

Hạn hán ngày càng khốc liệt

Cùng với bão gây ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn cũng đang đe dọa nhiều vùng sản xuất nông nghiệp. Năm 2020, các tỉnh Nam Trung bộ gồm Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận xảy ra hạn hán chưa từng có, trên 46.000ha cây trồng phải bỏ vụ để ưu tiên nước sinh hoạt và chăn nuôi.

Nắng nóng, mưa ít đã xảy ra đợt hạn hán nghiêm trọng, đặc biệt các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận đã phải công bố cấp độ rủi ro hạn hán cấp độ 2 - 3.

Trung tuần tháng 5/2020, 21 hồ chứa nước của tỉnh Ninh Thuận hầu hết xấp xỉ ở mực nước chết, có hồ cạn trơ đáy. 17 hồ của tỉnh Bình Thuận, dung tích chỉ còn 4,3%. 28 hồ thủy lợi của tỉnh Khánh Hòa với dung tích 210 triệu m3 cũng chỉ còn hơn 50% dung tích. Nước cho sinh hoạt thiếu hụt nghiêm trọng, nhiều nơi người dân phải mua với giá dao động từ 60.000 - 120.000 đồng/m3.

Hạn hán khốc liệt xảy ra tại nhiều tỉnh ĐBSCL thời điểm cuối năm 2019 đầu năm 2020.

Hạn hán khốc liệt xảy ra tại nhiều tỉnh ĐBSCL thời điểm cuối năm 2019 đầu năm 2020.

Đứng trước tình hình hạn hán nghiêm trọng, tỉnh Ninh Thuận phải dừng 16.831ha diện tích cây trồng, tỉnh Bình Thuận 15.000ha, tỉnh Khánh Hòa khoanh vùng, bỏ vụ 14.200ha để ưu tiên nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho 51.177 hộ, với 197.728 nhân khẩu và phục vụ chăn nuôi.

Còn tại khu vực Bắc Trung bộ, do hạn hán và thiếu nước, vụ hè thu 2020, chỉ tính riêng hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An đã có khoảng 8.200ha phải điều chỉnh giãn, dừng và chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ngoài ra, diện tích đang bị hạn hán, thiếu nước trong khu vực là 25.970ha. Từ đầu mùa khô 2019 - 2020, tổng cộng đã có 48 vụ cháy rừng, làm ảnh hưởng đến gần 194ha rừng.

Hạn hán luôn kéo theo mặn xâm nhập vào đất liền theo các tuyến sông. Ông Bùi Thái Nguyên, Giám đốc Trung tâm nước (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình) chia sẻ: “Theo số liệu để lại, giữa tháng 7/2020 là thời điểm xâm nhập mặn trên sông Gianh lập đỉnh trong vòng 30 năm qua”.

Ông Phan Thanh Hường, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Hóa (huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) cho hay: “Nắng hạn kéo dài, cùng với việc thiếu nước, hơn 100ha lúa hè thu năm 2020 của xã bị thiêu cháy. Mất mùa và thiếu đói có thể đã nhìn thấy”.

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, từ năm 2015 đến năm 2020 đã xảy ra 2 đợt hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử. Vụ đông xuân năm 2015 - 2016, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thiệt hại mất trắng và thiệt hại từ 30 - 70% là khoảng 400.000ha.

Còn trong vụ đông xuân 2019 - 2020, hình ảnh hồ nước ngọt Kênh Lấp (ở huyện Ba Tri, Bến Tre) với dung tích trữ thiết kế 1 triệu m3 lớn nhất miền Tây cạn trơ đáy; khoảng 96.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt do hạn mặn đã khái quát được sự khốc liệt của tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn.

Thủ tướng Chính phủ đã phải ký quyết định hỗ trợ 530 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2020 để 8 tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long phòng, chống thiên tai.

Thiên tai dị thường!

Trong những năm gần đây, các thiên tai mang tính cực đoan đã xảy ra nhiều hơn. Ngoài những dẫn chứng cụ thể kể trên, chúng ta có thể cảm nhận rất rõ thông qua một số thống kê dưới đây của chúng tôi trong năm 2020 – năm thiên tai cuồng nộ. 16 loại hình thiên tai diễn ra dồn dập và đặc biệt khốc liệt, vượt mức lịch sử trên khắp các vùng miền cả nước.

Cụ thể, chưa năm nào đêm giao thừa Thủ đô Hà Nội có mưa với lưu lượng 140mm. Ngày mùng 1 Tết Canh Tý, mưa đá xuất hiện ở 7 tỉnh miền núi phía Bắc khiến 12.000 ngôi nhà bị thủng mái; hàng chục ngàn ha rau màu của nông dân bị tàn phá. Chuyên gia thời tiết cho rằng, hiện tượng sấm sét, mưa giông, mưa đá những ngày đầu năm cho thấy sự biến đổi kỳ lạ của thời tiết. Bởi, tiết giao thừa ở miền Bắc thường gắn liền với mưa phùn, gió bấc. Đặc biệt, không khí lạnh mạnh xuất hiện vào cuối tháng 4 tại khu vực miền Bắc, nhiệt độ tại Hà Nội xuống 16,5oC, thấp nhất 50 năm gần đây.

Chỉ trong vòng 45 ngày từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 10/2020, đã có 8 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới xảy ra tại khu vực Trung bộ, trong đó bão số 9 là cơn bão lớn nhất trong 20 năm qua. Những số liệu đo mưa đã ghi nhận những con số kỷ lục, lượng mưa phổ biến từ 1.000 - 2.000mm, nhiều nơi trên 3.000mm.

Các đợt lũ lớn xuất hiện trên 16 tuyến sông chính tại khu vực, trong đó đã có 4 tuyến sông lớn đã vượt mức lũ lịch sử. Ngập lụt đã xảy ra trên diện rộng, thời điểm cao nhất vào ngày 12/10 và 19/10 có trên 317 nghìn hộ (1,2 triệu nhân khẩu) bị ngập lụt tại 7 tỉnh (từ Nghệ An - Quảng Nam), nhiều nơi ngập lụt trên nửa tháng. Mưa cường suất lớn, kéo dài, kèm theo địa hình dốc đã gây ra sạt lở đất, lũ quét ở nhiều nơi, nghiêm trọng nhất tại Thủy điện Rào Trăng 3; Trạm Kiểm lâm số 67 Phong Điền (Thừa Thiên - Huế); Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 Hướng Hóa (Quảng Trị); Trà Leng và Trà Vân, huyện Nam Trà My và Phước Lộc, huyện Phước Sơn (Quảng Nam) đã cướp đi sinh mạnh của hàng trăm người dân, hàng chục cán bộ, chiến sỹ và phá hủy nghiêm trọng cơ sở hạ tầng. Năm 2020, thiên tai đã làm 357 người chết và mất tích, 912 người khác bị thương, ước thiệt hại về kinh tế gần 40.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, khi nhắc đến những thiệt hại về người và kinh tế do thiên tai gây ra, chúng ta không thể nào quên mốc thời gian năm 2017 (được đánh giá là năm của mưa, bão, lũ diễn ra ở hầu hết các miền trên cả nước). Theo đó, tổng giá trị thiệt hại do thiên tai năm 2017 ước tính 60.000 tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với năm 2016. Thiên tai làm 389 người chết, mất tích và 668 người bị thương. Riêng diện tích lúa, hoa màu bị ngập, bị hư hỏng hơn 360.000ha.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ với đặc điểm có nhiều khu vực trũng thấp, khi xảy ra mưa với tổng lượng khoảng 200 – 250 mm/ngày trở lên, các khu vực này thường xuyên xảy ra ngập úng.

Tại khu vực Bắc Trung bộ, tình trạng ngập, úng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp chủ yếu xảy ra nặng ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An (khoảng hơn 65.000ha); các địa phương khác xảy ra cục bộ.

Đồng Thái

Xem thêm
Tổng cục Thuế chỉ đạo tinh gọn và siết chặt kỷ luật ngành

Tổng cục Thuế chỉ đạo toàn ngành tinh gọn bộ máy, siết chặt kỷ luật, đảm bảo hiệu quả công tác và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Quảng Ngãi kiến nghị hỗ trợ gần 1.300 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai

Nguồn kinh phí mà tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Trung ương hỗ trợ sẽ sử dụng để nâng cấp các hồ chứa, khắc phục sạt lở và xây dựng các khu tái định cư.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.