Nửa đêm về sáng nông dân đã trở dậy thu hái rau quả, nhóm khác miệt mài sơ chế, các hợp tác xã rau an toàn ở Vĩnh Phúc đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19.
Bảo đảm đầu ra
3h sáng, những nông dân đã ra đồng thu hoạch dưa chuột tiêu chuẩn VietGAP tại xã Vân Hội, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc. Bà Nguyễn Thị Toan, thành viên HTX Vân Hội Xanh cho biết, với hơn 3 sào dưa chuột của gia đình, bà phải làm từ giờ đến 5h sáng để kịp xe thu mua hàng của Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Vân Hội Xanh tới thu mua.
“Trồng được bao nhiêu họ mua hết, miễn mình làm đúng tiêu chuẩn. Từ ngày vào hợp tác xã, được hỗ trợ cây giống, phân bón, kỹ thuật nên chúng tôi yên tâm hẳn, giá cũng luôn cao hơn bán lẻ ngoài chợ như kiểu truyền thống”, bà Toan nói.
Với diện tích canh tác trên 17ha trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP, mỗi năm, HTX Rau an toàn Vân Hội Xanh cung ứng ra thị trường hàng trăm tấn rau các loại.
Ông Nguyễn Khắc Hoàng, Phó giám đốc HTX Rau an toàn Vân Hội Xanh cho biết: “Chúng tôi đã thiết kế logo, bao bì, đăng ký mã vạch, mã số bảo hộ độc quyền nhãn hiệu với Cục Sở hữu trí tuệ. HTX đã được cấp Giấy chứng nhận VietGAP theo bộ tiêu chuẩn TCVN”.
Số liệu về công tác giám sát an toàn thực phẩm nông sản của Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc hồi tháng 5 cho thấy 100% mẫu rau đều đạt chỉ tiêu an toàn, không có dư lượng quá mức cho phép về thuốc bảo vệ thực vật.
HTX chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất chi tiết cho từng ô, thửa ruộng của từng thành viên HTX nhằm đa dạng hóa sản phẩm cung cấp cho người tiêu dùng, đồng thời truy xuất nguồn gốc của từng sản phẩm; hướng dẫn quy trình, tổ chức sản xuất các loại rau, củ, quả theo hợp đồng khách hàng; cung ứng vật tư nông nghiệp (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) với giá thấp hơn thị trường từ 5-10%.
Tháng 10/2018, HTX phối hợp với Viện An toàn thực phẩm và dinh dưỡng thử nghiệm ứng dụng VietGAP điện tử cho 13 thành viên HTX. Qua đó, Ban quản trị HTX không chỉ quản lý vật tư đầu vào dễ dàng hơn mà việc giám sát quy trình sản xuất của từng thành viên cũng khá thuận lợi.
Điều quan trọng, giúp thành viên nắm được quy trình trồng của các loại cây và kế hoạch sản xuất của HTX; chủ động hơn trong từng khâu sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. HTX Vân Hội Xanh đặt mục tiêu mở rộng diện tích rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP lên 20ha vào cuối năm nay.
Ông Hoàng cho biết các sản phẩm rau của HTX được bán nhiều tại các cửa hàng bán rau thành phố Vĩnh Yên. Rau của HTX cũng xuất hiện nhiều tại siêu thị CoopMart, bếp ăn ở các trường học, doanh nghiệp tại Vĩnh Phúc. Mỗi sản phẩm rau của HTX đều sử dụng 1 tem QR Code để nhận diện truy xuất nguồn gốc.
Ngoài trồng rau, ông Hoàng cho biết đang hoàn thiện thủ tục để sản xuất hàng loạt nông sản chế biến sau thu hoạch như: dấm dứa, dấm chuối, dưa muối, cà muối đóng hộp, v.v.
Lan tỏa nông nghiệp theo hướng hữu cơ
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc, tỉnh có 126 cơ sở sản xuất rau, củ, quả được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm với tổng diện tích canh tác gần 1.000 ha; 69 cơ sở sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích gần 700 ha.
Nhiều sản phẩm đặc trưng của các địa phương như: Dưa chuột An Hòa, su su Tam Đảo, thanh long ruột đỏ Lập Thạch, bí đỏ Vĩnh Tường, chuối Tiêu hồng, cà chua Yên Lạc... đã xuất hiện tại các hệ thống siêu thị lớn, chuỗi cửa hàng nông sản sạch, thậm chí còn xuất khẩu sang thị trường Malaysia và Trung Quốc.
Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Sản xuất Nông nghiệp VinEco - một thành viên của Tập Đoàn Vingroup, cho biết mỗi ngày đơn vị này tiêu thụ khoảng 4,6 tấn rau an toàn từ các hợp tác xã của Vĩnh Phúc.
Những điểm sáng của rau an toàn Vĩnh Phúc như HTX Vân Hội Xanh, HTX Visa góp phần thúc đẩy sản xuất rau an toàn, cung cấp đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, hạn chế tối đa tình trạng “được mùa mất giá” của nông dân.
Riêng tại HTX Visa, bình quân có khoảng 30 nhân công chuyên thu hoạch, sơ chế rau không chỉ trồng tại Vĩnh Phúc mà thu gom tại các vùng nguyên liệu ở Điện Biên, Lào Cai...
Nguyễn Thị Lan Anh, nữ nhân công mới 20 tuổi ở HTX Visa cho biết cô “từng bị gia đình cản trở nhiều” khi quyết định không thi đại học mà đi làm nhân công sơ chế rau.
“Trước khi nghĩ đến điều gì to tát, em muốn hiểu kỹ về nghề trồng rau an toàn, sơ chế rau rồi sau đó đi học thêm về nông nghiệp. Sau này, khi có cả kiến thức thực tế và lý thuyết, em sẽ quay về quê ở Ba Vì để có những hợp tác xã rau an toàn như ở Vĩnh Phúc”.
Lan Anh là người trẻ nhất tại Visa, đa phần nhân công còn lại là các phụ nữ đứng tuổi, vừa trồng rau nguyên liệu cho hợp tác xã, vừa sơ chế để tăng thu nhập.
“Từng bước tiến lên chính quy, hiện đại” là cách nói vui của chị Lê Thị Thu Hương, Giám đốc HTX Visa. Đơn vị này hiện có hơn 10 xe tải đông lạnh chuyên thu mua rau, quả tại Vĩnh Phúc và các tỉnh khác, sau đó sơ chế, chở đi phân phối tại hệ thống siêu thị, bếp ăn trường học, bếp ăn nhà máy...
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc cũng chia sẻ, từ năm 2012, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc đã phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ.
Đầu tiên là trên lúa, sau khi thành công đã mở rộng trên các cây trồng, vật nuôi khác như thanh long, rau ăn lá… Trong chăn nuôi, liên kết áp dụng các mô hình chăn nuôi lợn, gà không sử dụng kháng sinh, tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học.
Kết quả các mô hình triển khai có thể khẳng định cây trồng, vật nuôi phát triển rất tốt, đặc biệt là môi trường chăn nuôi được cải tạo rất rõ rệt, hệ thống vi sinh vật trong đất sinh sôi trở lại. Đặc biệt nữa là chất lượng nông sản đã tạo nên sự khác biệt hẳn so với cách làm trước đây.
Chính vì vậy Vĩnh Phúc xác định đây là hướng tất yếu giúp cho sản xuất nông nghiệp Vĩnh Phúc hướng đến nền nông nghiệp bền vững.
Thực hiện Nghị định 109/2018/NĐ-CP của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định 2573 ngày 21/10/2019 về việc phê duyệt kế hoạch sản xuất nông nghiệp hữu cơ và sản xuất theo hướng hữu cơ trên địa bàn cho cả giai đoạn 2020-2022, trong đó rất rõ nội dung hỗ trợ.
Hàng năm tỉnh Vĩnh Phúc hỗ trợ hàng chục lớp đào tạo tập huấn, xây dựng các mô hình đạt chuẩn hữu cơ trên cây rau, trà hoa vàng, ba kích, mô hình chăn nuôi an toàn sinh học trên lợn và gà. Ngoài ra hỗ trợ phân vi sinh cho nông dân đang trồng 1.164 ha rau ăn lá.