| Hotline: 0983.970.780

VN có "ngành chế biến nông lâm hải sản và nghề muối" không?

Thứ Sáu 15/07/2011 , 10:27 (GMT+7)

Bất kỳ một người Việt Nam nào cũng đều biết rằng Việt Nam là một nước nông nghiệp và dù chúng ta đã có rất nhiều cố gắng thay đổi cái số phận đó nhưng cho đến nay, 80% dân số và cũng cỡ đó về tỷ trọng công nông nghiệp, ta vẫn là một quốc gia thuần nông.

Điều đó cũng không phải là buồn. Trên thế giới có không ít quốc gia thuần nông nhưng đã trở thành những nền kinh tế phát triển hùng mạnh đúng theo chuẩn nông nghiệp. Nhưng điều đáng buồn là nhiều người trong giới có trách nhiệm lập bảng “mã ngành kinh tế” của Việt Nam – mà trực tiếp là Tổng cục Thống kê, lại không chịu thừa nhận Việt Nam là một quốc gia thuần nông.

Bằng chứng là Quyết định số 10/2007/QĐ-TTg ngày 23/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ và kèm theo đó là Quyết định số 337/2007/QĐ – BKH ngày 10/4/2007 của Bộ Kế hoạch – Đầu tư quy định về mã số các ngành nghề kinh tế Việt Nam hiện nay.

1. Tại quyết định này, người ta tuyệt đối không đọc được một dòng nào, một chữ nào có tên là “ngành chế biến nông lâm sản”, “nghề muối”. Tất cả các loại “hạt ăn được” cũng được nhắc đến nhưng chỉ là “trồng trọt” và sau đó là “bán buôn nguyên liệu” – nghĩa là không có công nghiệp chế biến. Nếu như vậy thì ra, Việt Nam không phải là một nước có xu hướng “công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn” vì sản phẩm nông nghiệp làm ra chỉ là để “bán buôn thô” ngay sau khi thu hoạch.

Có lẽ vì vậy, trong bảng mã này nông nghiệp Việt Nam cũng không có ngành công nghiệp cơ khí chế tạo máy móc thiết bị riêng cho ngành chế biến nông sản – nếu vậy thì đó chỉ là một nền kinh tế nông nghiệp cấp thấp. Liệu kinh tế Việt Nam có tệ đến thế không?

2. Nếu chỉ xem bảng mã ngành này thì hóa ra, Việt Nam cũng không có ngành muối. Hình như đây là một quốc gia ở vùng sa mạc nào đó chứ không phải là một quốc gia có tỷ lệ bờ biển trên diện tích đất đai thuộc hàng lớn nhất thế giới. Đến đứa trẻ con Việt Nam cũng biết rằng đất nước này có những cánh đồng muối vô cùng rộng lớn, có vô số người làm muối gọi là “diêm dân”.

Việt Nam còn có cả một “ngành muối” – nay là Tổng Công ty Muối, doanh nghiệp “90 – 91”của Nhà nước. Luật Đất đai phải dành cho ngành này cả một khái niệm riêng, khu biệt là “đất làm muối”. Vậy mà cái ngành cực kỳ quan trọng này cũng không gây được chút chú ý nào cho những nhà soạn thảo vẫn ngày ngày ăn muối, ăn lương và ăn dự án, đến nỗi họ không biết được Việt Nam có cái ngành nghề đó. Trong tổng số 642 ngành nghề kinh tế Việt Nam, chỉ duy nhất có một chữ “muối” nhưng lại nằm ở ngành “khai thác” mỏ.

3. Có lẽ những nhà soạn thảo bảng mã ngành kinh tế Việt Nam đều là người ngoại quốc nên đã không hề biết rằng, ngay ở bên cạnh Văn phòng Thủ tướng – “cổng đỏ”, nơi sẽ ký ban hành quyết định cực kỳ quan trọng này là trụ sở của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn. Ở cái Bộ to nhất nước này có cả một Cục cũng thuộc hạng to nhất nước, có cái tên dài nhất là “Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối”.

Vậy mà cả cái Cục “to đùng ngã ngửa” ấy, quản lý hầu như toàn bộ khối ngành nghề công nghiệp chế biến các sản phẩm từ nông lâm ngư nghiệp của đất nước cũng không được dính “một tí tị gì” vào bảng phong thần ngành nghề Việt Nam? Cái cục ấy là cái Cục gì, nó mới ra đời chăng, nó chả có vai trò gì chăng nên chả ai biết đến nó?

4. Thực tế là, đã hàng chục năm nay, Việt Nam đã nhanh chóng phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông hải sản - thậm chí một số ngành đã thực sự trở thành những ngành công nghiệp chế biến hùng mạnh so với thế giới. Với sự ra đời và phát triển này, các ngành chế biến nông lâm sản như mủ cao su, chế biến hạt điều, hồ tiêu, cà phê, sắn, ngô, đậu tương, vừng, lạc… mới có thể thu về được hàng chục tỷ USD mỗi năm.

Vậy nhưng nếu chỉ nhìn vào bảng “mã ngành kinh tế” này thì Việt Nam tuyệt đối không có ngành công nghiệp chế biến nông sản, chế biến những loại “hạt ăn được”. Nếu so sánh những ngành kinh tế hùng mạnh có thật nhưng lại không có danh này với những nghề có tên tuổi chững chạc và được các nhà soạn thảo thừa nhận là “nghề” kinh tế” với mã hiệu đàng hoàng như mát xa, cắt tóc gội đầu – mới càng thấy sự khôi hài của bảng mã ngành kinh tế đất nước.

Nếu có đôi chút hiểu biết về kinh tế Việt Nam thì chắc chắn nhiều người đều biết “câu lạc bộ một tỷ đô la” - một cách gọi cho những ngành kinh tế có kim ngạch xuất khẩu trên một tỷ đôla một năm. Thành viên câu lạc bộ này có sự hiện diện của các ngành công nghiệp chế biến nông sản. Nhờ chế biến, thông qua chế biến - chứ không phải là xuất nguyên liệu thô, các loại hạt ăn được, các sản phẩm nông lâm sản này mới thu được giá trị gia tăng, trong đó ngành điều Việt Nam đã là thành viên của câu lạc bộ này từ 3 năm nay rồi.

5. Không ai trách được người ký quyết định này. Đáng trách là cấp dưới.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ quản về cấp phép kinh doanh trên cơ sở đăng ký theo bảng mã ngành nghề của Quyết định số 10 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 337 của Bộ KH-ĐT. Quốc gia nào cũng phải có Bảng mã này. Nhìn vào đó, người ta đánh giá được nội lực của nền kinh tế. Việc cung cấp một hình ảnh để phản ánh trung thực nền kinh tế đất nước là một điều cực kỳ quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đã là thành viên chính thức của WTO.

Nhìn vào đó, doanh nhân thế giới mới có thể biết được thị trường này có cái gì hấp dẫn họ không, sức mạnh của nó thế nào. Cũng vì vậy, những thiếu sót này đã gây ra rất nhiều hệ lụy, gây khó khăn cho không biết bao nhiêu doanh nhân, các nhà đầu tư nói chung và nói riêng thuộc khối ngành chế biến nông sản và nghề muối khi tiến hành thủ tục đăng kí kinh doanh, bởi họ không biết phải đưa ngành hoạt động của mình vào mã nào “cho đúng” để được cấp giấy phép hoạt động.

(*): Tác giả hiện là Chủ tịch Hiệp hội DNNVV tỉnh Bình Phước

Xem thêm
Kon Tum ưu tiên thu hút các dự án chăn nuôi công nghệ cao

Tỉnh Kon Tum chú trọng thu hút các dự án chăn nuôi công nghệ cao, quy trình khép kín từ khâu sản xuất, con giống đến chế biến, phân phối sản phẩm ra thị trường.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Điều ước của 'tỷ phú mía' xứ Thanh

THANH HÓA Theo ông Trần Ngọc Chế, để nông dân yên tâm gắn bó với cây mía, cần chính sách ưu đãi vay vốn của để mở rộng diện tích và cơ giới hóa đồng bộ.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.