| Hotline: 0983.970.780

VnSAT, dự án thành công toàn diện

Thứ Năm 02/06/2022 , 08:45 (GMT+7)

VnSAT là dự án sử dụng rất hiệu quả vốn vay, thành công toàn diện và giúp nông dân thay đổi, chuyển biến rõ nét nhận thức sản xuất, từ truyền thống sang tiên tiến.

Sử dụng hiệu quả nguồn vốn

“Sau hơn 6 năm thực hiện với tài trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) và sự ủng hộ của các địa phương cũng như chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, đến nay, các chỉ tiêu của Dự án đã hoàn thành và vượt thiết kế đề ra”, ông Lê Văn Hiến, Giám đốc Dự án VnSAT cho biết.

Theo ông Hiến, đến nay, Dự án VnSAT đã hoàn thành 11 nội dung hỗ trợ về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đối với ngành hàng lúa gạo và cà phê. Thông qua 11 nội dung này, tốc độ tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở các địa phương tham gia đã được đẩy nhanh hơn, đặc biệt là với ngành hàng lúa gạo và cà phê.

Năng suất, chất lượng, lợi nhuận của người trồng cà phê ở Tây Nguyên đã cải thiện rất lớn nhờ những tác động toàn diện của Dự án VnSAT. Ảnh: TĐ.

Năng suất, chất lượng, lợi nhuận của người trồng cà phê ở Tây Nguyên đã cải thiện rất lớn nhờ những tác động toàn diện của Dự án VnSAT. Ảnh: TĐ.

Ngoài ra, Dự án VnSAT cũng đã phối hợp với các cơ quan của Bộ NN-PTNT như Cục Trồng trọt, Cục Kinh tế hợp tác và Phát tiển nông thôn cũng như nhiều đơn vị liên quan xây dựng 21 hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, giúp các địa phương đào tạo, tập huấn nông dân, đặc biệt là công tác khuyến nông, quản lý giống và xây dựng các đề án lớn như Cà phê cảnh quan, Cà phê đặc sản, giám sát phí phát thải khí nhà kính đối với hợp phần lúa gạo. Qua các hỗ trợ này, đã giúp các vùng canh tác đạt được các chỉ tiêu trong Dự án VnSAT yêu cầu.

Về phía địa phương, cũng đã phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả cùng với Dự án VnSAT tổ chức công tác đào tạo, tập huấn cho các tổ chức nông dân, HTX. Đến nay, hợp phần lúa gạo và cà phê đã đào tạo xong, vượt 10% so với định mức về số hộ nông dân được đào tạo trong yêu cầu của Dự án.

Với những kết quả trên, WB cùng các địa phương và cơ quan liên quan của Bộ NN-PTNT đánh giá VnSAT là một trong những dự án sử dụng hiệu quả và thành công toàn diện nhất nguồn vốn tài trợ từ WB.

Bên cạnh đó, tại các vùng tham gia Dự án, nhờ được hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, bộ mặt của nhiều vùng nông thôn đã thay đổi diện diện mạo, góp phần xây dựng mục tiêu nông thôn mới, giúp đời sống người dân văn minh hơn. Ngoài ra, Dự án VnSAT cũng có sức lan tỏa lớn khi thành công của Dự án đã tác động đến các vùng lân cận, thu hút nhiều nông dân đến học tập, tiếp cận các phương pháp canh tác mới của lúa gạo và cà phê.

Các địa phương, Bộ NN-PTNT cũng như Ngân hàng Thế giới đều đánh giá rất cao việc sử dụng nguồn vốn hiệu quả, đem lại thành công toàn diện. Ảnh: PH.

Các địa phương, Bộ NN-PTNT cũng như Ngân hàng Thế giới đều đánh giá rất cao việc sử dụng nguồn vốn hiệu quả, đem lại thành công toàn diện. Ảnh: PH.

Đồng quan điểm với ông Lê Văn Hiến, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn khẳng định: “Dự án VnSAT là một trong những dự án sử dụng vốn vay hiệu quả, thành công về mọi mặt”. Theo ông Thịnh, Việt Nam là quốc gia nông nghiệp và 2 ngành hàng lúa gạo và cà phê không chỉ là câu chuyện an ninh lương thực mà còn phục vụ xuất khẩu rất lớn.

“Dự án VnSAT có tổng nguồn vốn đầu tư hơn 300 triệu USD, được triển khai trong 5 năm, nghe có vẻ lớn nhưng nếu so với giá trị xuất khẩu của 2 ngành hàng lúa gạo và cà phê trong những năm từ trước đến nay thì không phải là quá lớn. Sau khi Dự án VnSAT kết thúc, chúng ta đã thay đổi hoàn toàn được bộ mặt của 2 ngành hàng chiến lược của Việt Nam. Qua đó, không chỉ dừng lại ở hỗ trợ cho bao nhiêu nông dân, bao nhiêu diện tích canh tác, mà còn tạo ra một hình ảnh khác về nông sản của Việt Nam. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp lớn đã cùng tham gia vào chuỗi liên kết", ông Thịnh đánh giá.

“Dự án đã tác động đến nhận thức của toàn bộ các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là nông dân và các tổ chức nông dân. Họ đã thay đổi căn bản từ sản xuất truyền thống sang sản xuất, canh tác tiên tiến và tiếp cận được khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh liên kết trong tiêu thụ sản phẩm cũng như sản xuất giống”, ông Lê Văn Hiến, Giám đốc Dự án VnSAT khẳng định.

Xây dựng nông dân trí tuệ

Đánh giá thêm về những "tác động mềm" từ Dự án VnSAT, ông Lê Văn Hiến cho rằng, qua công tác đào tạo, tập huấn canh lúa và cà phê tác tiên tiến, nông dân đã có nhiều thay đổi, đặc biệt là thay đổi trong nhận thức sản xuất, từ truyền thống sang tiên tiến. Các nội dung khác của Dự án cũng đạt và vượt so với những mục tiêu đã đề ra. Nông dân trong vùng Dự án và cả những vùng lân cận đã có sự thay đổi về nhận thức trong sản xuất, từ truyền thống, theo kinh nghiệm chuyển sang canh tác bền vững với “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm”.

Dự án VnSAT đã tạo nên đội ngũ nông dân có tư duy hiện đại, năng động. Ảnh: TĐ.

Dự án VnSAT đã tạo nên đội ngũ nông dân có tư duy hiện đại, năng động. Ảnh: TĐ.

Theo đó, dự án đã góp phần xây dựng nên hình ảnh người nông dân trí tuệ trong giai đoạn tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiện nay. Qua đó, giúp họ tiếp cận được các dịch vụ trong sản xuất, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm... 

Với sự đầu tư, hỗ trợ đồng bộ theo chuỗi cả về hạ tầng sản xuất, năng lực quản lý các tổ chức nông dân và đào tạo, tập huấn về kỹ thuật canh tác, nâng cao công nghệ chế biến, tiếp cận thị trường..., Dự án VnSAT đã giúp gia tăng rõ rệt về năng suất, lợi nhuận. Cụ thể, đối với năng suất, đã tăng từ 8 - 18%, đối với lợi nhuận sau Dự án, mỗi ha tăng từ 25 - 28%, đặc biệt là trong hợp phần lúa gạo.

Ngoài ra, nhờ hoạt động sản xuất canh tác tiên tiến, tổ chức tưới tiết kiệm cho các vùng lúa và cà phê nên đã giảm được lượng nước tưới từ 20 - 40% so với trước Dự án.

“Trong quá trình thực hiện Dự án, Ban Quản lý Trung ương của Dự án và các tỉnh đã xây dựng, củng cố được khoảng 500 tổ chức HTX, trong đó hợp phần lúa gạo khoảng 300 HTX và hợp phần cà phê khoảng 200 HTX. Các HTX này chính là hạt nhân để góp phần giúp Dự án VnSAT thành công, lan tỏa”, ông Hiến cho biết thêm.

Liên quan đến cơ sở hạ tầng, các tổ chức HTX đã được Dự án hỗ trợ khoảng 2.500 tỷ đồng. Khi kết thúc Dự án, đã đầu tư được khoảng 9.000km đường giao thông nông thôn, khoảng 60km hệ thống kênh mương thủy lợi và hàng vạn m2 nhà kho, sân phơi.

Một trong những thành công lớn nhất của Dự án VnSAT là thay đổi được nhận thức của nông dân, cơ quan quản lý trong sản xuất. Ảnh: Tùng Đinh.

Một trong những thành công lớn nhất của Dự án VnSAT là thay đổi được nhận thức của nông dân, cơ quan quản lý trong sản xuất. Ảnh: Tùng Đinh.

Các cơ sở hạ tầng này đã giúp nông dân giảm được các chi phí trong sản xuất, đặc biệt là giảm tổn thất sau thu hoạch và góp phần nâng cao lợi nhuận trên từng ha cà phê và lúa gạo.

Trong lĩnh vực tín dụng, đã có 101 triệu USD được cung cấp, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng các cơ sở chế biến và hỗ trợ cho nông dân tái canh. Nhờ có hợp phần tín dụng này, đã tạo ra được sự ổn định, lâu dài cho quá trình tái canh cây cà phê cũng như sản xuất, chế biến lúa gạo.

Trong thời gian tới, Dự án VnSAT sẽ được gia hạn đến 30/6/2022, hiện nay các tỉnh đang rất khẩn trương, hoàn thành 111 tiểu dự án đầu tư công với số vốn khoảng 1.500 tỷ đồng.

Sau khi các tiểu dự án này đi vào hoạt động, sẽ giúp phát triển bền vững hoạt động canh tác lúa gạo cũng như cà phê, tạo ra các vùng sản xuất có chất lượng cao, năng suất lớn.

Về nhận thức trong sản xuất, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho rằng, Dự án VnSAT đã giúp thay đổi không chỉ đối với nông dân mà còn của hệ thống chính trị, hệ thống chuyên môn khi hỗ trợ người dân.

Theo ông, trước đây, mỗi ngành chạy theo một mục tiêu, bây giờ chúng ta tập trung cả đào tạo nông dân, hỗ trợ hạ tầng, hỗ trợ tín dụng và công nghệ, hỗ trợ cho các đối tượng đến được với nhau, tạo lập được thị trường để không chỉ tăng trưởng mà còn phát triển bền vững.

Trang thông tin có sự đồng hành của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam - VnSAT

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.