Theo BQL Dự án VnSAT tỉnh Tiền Giang, đến nay Dự án đã đầu tư nâng cấp 27 tuyến đường giao thông nông thôn với kết cấu hạ tầng láng nhựa trải bê tông, trải đá cấp phối có tổng chiều dài gần 74km; 36 cây cầu, trong đó kết hợp 28 cống; 7 nhà kho và 4 nhà bao che sấy.
Riêng giai đoạn gia hạn của dự án (2021-2022), tỉnh Tiền Giang được đầu tư 9 tiểu dự án với tổng nguồn vốn 128 tỷ đồng. Đến nay, đã có 4/9 tiểu dự án được nghiệm thu bàn giao và đưa vào sử dụng. Các tiểu dự án còn lại sẽ sớm được hoàn thành trong tháng 5 này.
Các công trình hạ tầng đầu tư đã đáp ứng được khoảng 80-90% nhu cầu vùng dự án. Các công trình nâng cấp mặt bờ bao kết hợp với giao thông nông thôn vừa đảm bảo ngăn lũ, triều cường vừa kết hợp giao thông nông, rút ngắn thời gian vận chuyển trang thiết bị trong canh tác lúa (máy cấy, phân bón, máy gặt đập…).
Ngày 16/5, Ban quản lý Dự án VnSAT tỉnh Tiền Giang phối hợp UBND huyện Cái Bè tổ chức nghiệm thu và bàn giao công trình tiểu dự án 4 “Nâng cấp mặt bờ bao tuyến bờ tây kênh 9 kết hợp giao thông nông thôn phục vụ sản xuất lúa các xã Hậu Mỹ Bắc A, Hậu Mỹ Trinh và Mỹ Hội, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang”.
Ông Cao Văn Hoá – Phó Giám đốc BQL Dự án VnSAT tỉnh Tiền Giang cho biết: Tiểu dự án 4 có tổng mức đầu tư trên 12,5 tỷ đồng, gồm 1 tuyến đường chính bờ tây kênh 9 dài trên 4,5km mặt đường rộng 3,5m trọng tải 3,5 tấn; 2 tuyến nhánh và 8 cây cầu do Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Minh Thái thi công. Sau hơn 200 ngày thi công, đến ngày 14/5 tiểu dự án đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Trước khi đầu tư, hiện trạng kênh 9 mặt nền hạ rộng 3-4m, mặt đan 1,5m. Qua nhiều năm sử dụng mặt đường hư hỏng nặng, sụp lún nên ảnh hưởng lớn đến việc đi lại và vận chuyển nông sản của người dân. Đây là trục giao thông vận chuyển nông sản chủ lực tập kết của nông hộ ở 3 xã ra vùng chợ gạo Bà Đắc, chợ Thiên Hộ…Tại vùng này, cơ sở hạ tầng của khu vực còn khó khăn, ngân sách lại hạn hẹp, thiếu vốn, rất cần sự hỗ trợ đầu tư khẩn cấp.
Theo UBND huyện Cái Bè công trình sau hoàn thành đã giúp việc đi lại và vận chuyển nông sản của nhân dân thuận lợi dễ dàng. Bên cạnh đó, góp phần tăng khả năng kết nối các khu vực trên địa bàn lân cận và đồng bộ quy mô trên toàn tuyến. Từ đó, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng của khu vực. Theo khảo sát đánh giá của UBND huyện Cái Bè, có gần 1.800 hộ hưởng lợi trực tiếp từ công trình với diện tích sản xuất lúa hơn 1.600ha. Công trình hoàn thành đã mang lại niềm phấn khởi cho nhân dân.
Ông Đoàn Văn Bé, 62 tuổi ở ấp Mỹ Trinh B, xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè có 3 công đất vườn trồng mít Thái phấn khởi: “Bà con nông dân ở đây rất mừng vì đường sá thông thoáng, vận chuyển nông sản rất thuận lợi. Thưng lái mua nông sản tận vườn. So với trước đây ngon lắm. Trước đường đan sụp bể, nhiều người đi té, khó khăn lắm”.
Nói về hiệu quả công trình mang lại cho nhân dân địa phương, ông Lê Văn Ý – Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè cho biết: Trước đây, điều kiện giao thông của huyện Cái Bè còn khó khăn. Huyện cũng phấn đấu đầu tư các công trình hạ tầng để cải thiện để giao thương, đi lại của nhân dân, xây dựng nông thôn mới ở các xã và tiến tới xây dựng huyện nông thôn mới. Dự án VnSAT đã đầu tư những công trình dự án mang lại hiệu quả hết sức thiết thực, đã giúp địa phương hoàn thành các xã nông thôn mới.
Tại tỉnh Tiền Giang, Dự án VnSAT được triển khai từ cuối năm 2015 đến nay trên địa bàn huyện Cái Bè, Cai Lậy và thị xã Cai Lậy. Đây là Dự án ODA đầu tiên triển khai trên ngành hàng lúa gạo. Ngay từ những năm đầu, công tác đào tạo, tập huấn quy trình canh tác lúa tiên tiến 3 giảm, 3 tăng (3G3T), 1 phải 5 giảm (1P5G) được tập trung triển khai. Qua đào tạo, đánh giá, sàng lọc và lựa chọn đề xuất đầu tư các công trình hạ tầng và hạ tầng kỹ thuật cho vùng dự án.
Trong công tác đào tạo, Dự án đã thực hiện 855 lớp đào tạo 3G3T và 476 lớp đào tạo 1P5G. Công tác đào tạo quy trình canh tác lúa tiên tiến đã từng bước thay đổi tập quán sản xuất lúa của các hộ nông dân trong vùng dự án.
Trang thông tin có sự đồng hành của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam - VnSAT