| Hotline: 0983.970.780

Dự án VnSAT 'thổi làn gió mới' cho cà phê Tây Nguyên

Thứ Tư 18/05/2022 , 08:15 (GMT+7)

Từ khi thực hiện Dự án VnSAT, ngành cà phê các tỉnh Tây Nguyên có bước chuyển biến tích cực, khẳng định được vị thế là cây trồng số một trong khu vực.

Trình độ sản xuất, chất lượng cà phê lên nấc mới

Dự án VnSAT từ khi triển khai tại các tỉnh Tây Nguyên đã giúp thay đổi tư duy canh tác của nông dân từ truyền thống sang hướng bền vững. Dự án đã giúp hình thành nhiều HTX, tổ chức nông dân, loan tỏa ra những hộ bên ngoài Dự án.

Các HTX, tổ hợp tác sản xuất cà phê được Dự án VnSAT hỗ trợ cơ sở vật chất, giúp nâng cao năng lực sản xuất. Ảnh: Minh Quý.

Các HTX, tổ hợp tác sản xuất cà phê được Dự án VnSAT hỗ trợ cơ sở vật chất, giúp nâng cao năng lực sản xuất. Ảnh: Minh Quý.

Ông Phạm Hùng Vỹ, Phó Giám đốc Dự án VnSAT tỉnh Đắk Nông cho biết, từ khi Dự án VnSAT triển khai, đã hỗ trợ cho các tổ hợp tác, HTX về cơ sở vật chất, tập huấn khoa học kỹ thuật… Trong đó, 50 HTX, tổ chức nông dân được hỗ trợ củng cố cũng như thành lập mới để phát triển.

Trước đây, nhiều tổ chức nông dân đã thành lập nhưng hoạt động rất yếu, cơ sở vật chất không có. Sau đó, Dự án đã giúp các thành viên tập huấn, cơ sở vật chất được đầu tư, nâng cao được năng lực sản xuất và vị thế của các HTX, tổ chức nông dân. Từ đó, các tổ chức này tiếp tục phát triển thêm một nấc mới.

“Khi HTX, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, đã thu hút thêm nhiều thành viên. Điều này đã giúp hoạt động mua chung, bán chung được tăng cường, hiệu quả kinh tế trong hoạt động của HTX vì thế cũng được tăng lên”, ông Vỹ nói.

Lấy ví dụ về lợi ích khi tham gia HTX, ông Vỹ cho biết, trước đây nông dân mua phân bón một cách đơn lẻ với giá cao. Còn bây giờ, từ phân bón đến các chế phẩm sinh học, khi tham gia HTX, nhờ mua với số lượng lớn với giá hợp lý nên đã giúp các thành viên tiết kiệm được đáng kể về chi phí đầu tư. 

Đặc biệt, việc bán chung giúp các thành viên của các HTX ổn định hơn về giá cả, không bị các thương lái ép giá thu mua. Trước đây, thương lái thường "ra chiêu" ép giá bằng cách đo tạp chất, kích thước hạt cà phê… Phần thiệt hại này nông dân có thể không nhìn thấy.

Người dân tham gia Dự án VnSAT được đào tạo kỹ thuật canh tác cà phê bền vững. Ảnh: Minh Hậu.

Người dân tham gia Dự án VnSAT được đào tạo kỹ thuật canh tác cà phê bền vững. Ảnh: Minh Hậu.

“Khi tham gia HTX, việc tiêu thụ sản phẩm được liên kết hợp tác với các doanh nghiệp, đại lý lớn, vì thế tình trạng ép giá đã giảm, công bằng hơn cho nông dân. Việc mua bán chung nhờ đó mang lại hiệu quả rất lớn. Dự án VnSAT cũng giúp nông dân là dân tộc thiểu số tăng quyền trao đổi về mặt xã hội. Môi trường ngày càng trong lành hơn nhờ giảm thuốc BVTV và phân bón hóa học, tăng cường sử dụng phân vi sinh, chế phẩm sinh học. Thành công ở các hộ dân ban đầu do Dự án hỗ trợ đã được loan tỏa ra những hộ, vùng xung quanh”, ông Vỹ chia sẻ.

So sánh về ngành cà phê của tỉnh Đắk Nông trước và sau khi Dự án triển khai, ông Phạm Hùng Vỹ đánh giá đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trước đây, nông dân canh tác theo truyền thống, tập trung thu hoạch trong thời gian ngắn, dù cà phê chưa chín đều vẫn thu hoạch hết để tiết kiệm nhân công. Việc này khiến cà phê không đạt chất lượng, giá cả rất thấp.

Sau khi Dự án triển khai, bà con được tập huấn và tham quan thực tế sản xuất, họ nhận thấy cà phê chín chất lượng tăng lên, giá bán cũng cao. Do đó, Dự án VnSAT đã giúp ngành hàng cà phê của địa phương nâng cao được sản lượng cũng như chất lượng. Đặc biệt, Dự án đã giúp liên kết chặt chẽ trong sản xuất và tiêu thụ cà phê của địa phương.

Củng cố liên kết sản xuất

Tại Đắk Lắk, cơ quan chức năng khẳng định hiệu quả của Dự án VnSAT mang lại rất rõ ràng, góp phần đưa ngành cà phê của địa phương phát triển theo hướng bền vững. Dự án giúp gia tăng sản lượng và chất lượng cà phê, đáp ứng nhu cầu thị trường thế giới, đồng thời tạo công ăn việc làm ổn định, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và thu nhập cho người dân vùng Dự án và cả tỉnh Đắk Lắk.

Dự án VnSAT hình thành các vườn ươm chất lượng, phục vụ cho việc tái canh cà phê của các tỉnh Tây Nguyên. Ảnh: Minh Quý.

Dự án VnSAT hình thành các vườn ươm chất lượng, phục vụ cho việc tái canh cà phê của các tỉnh Tây Nguyên. Ảnh: Minh Quý.

Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, Dự án đã thành lập các vườn ươm cây giống cà phê đạt chuẩn Dự án VnSAT để phục vụ nhu cầu tái canh cà phê của địa phương. Để thực hiện việc tái canh hiệu quả, Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk đã thông tin tuyên truyền những tác động tích cực của Dự án VnSAT cho người dân trong toàn tỉnh.

Đặc biệt, Dự án đã bàn giao các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực, đào tạo cho các tổ chức nông dân, HTX và các hộ dân canh tác cà phê tiếp cận, hưởng lợi từ Dự án để địa phương có cơ sở tiếp tục duy trì và phát triển theo mục tiêu Dự án đề ra. Song song đó, thực hiện các hoạt động hội thảo đầu bờ cho nông dân, gồm đào tạo FFS về sản xuất, thực hành tái canh cà phê bền vững.

Kết thúc giai đoạn 2015 - 2020, Dự án VnSAT Đắk Nông đã hỗ trợ thành lập và phát triển được 59 tổ chức nông dân áp dụng sản xuất cà phê bền vững. Trong đó, Dự án hỗ trợ thành lập mới 43 tổ chức nông dân, kế thừa và phát triển 16 tổ chức.

Tuy nhiên, quy mô, mức độ áp dụng sản xuất cà phê bền vững của các tổ chức nông dân khác nhau. Căn cứ kết quả đánh giá dựa trên tiêu chí của WB về mức độ phát triển cà phê bền vững của các tổ chức nông dân, Dự án đã tiến hành hỗ trợ cơ sở hạ tầng và hàng hóa thiết bị.

“Thông qua các hoạt động của Dự án VnSAT, đã hỗ trợ các tổ chức nông dân sản xuất cà phê theo hướng bền vững. Dự án còn hỗ trợ một số tổ chức nông dân đầu tư cơ sở hạ tầng như nhà kho, sân phơi và máy móc thiết bị sơ chế cà phê, giúp sản phẩm cà phê nâng cao năng suất và chất lượng, đáp ứng nhu cầu kinh doanh và xuất khẩu của các doanh nghiệp. Từ đó hình thành chuỗi liên kết trong ngành cà phê từ sản xuất đến tiêu thụ theo hướng bền vững lâu dài”, ông Dương chia sẻ.

Chất lượng của ngành cà phê các tỉnh Tây Nguyên đã tăng cao khi Dự án VnSAT triển khai. Ảnh: Minh Hậu.

Chất lượng của ngành cà phê các tỉnh Tây Nguyên đã tăng cao khi Dự án VnSAT triển khai. Ảnh: Minh Hậu.

Ông Dương cho biết thêm đến nay, hầu hết các tổ chức, cá nhân sản xuất cà phê vùng Dự án đều có sự liên kết với các doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩunhư: HTX Ea Kmat - Hòa Đông (huyện Krông Păc) liên kết với Công ty TNHH DAKMAN Việt Nam; HTX Ea Tân (huyện Krông Năng) liên kết với Công ty Xuất nhập khẩu 2-9 (SIMEXCO); HTX Quyết Tiến (huyện Cư M’gar) liên kết với Công ty Cổ phần Đầu tư xuất nhập khẩu Đắk Lắk (INEXIM)…

"Có thể khẳng định, hiệu quả của Dự án đã đóng góp rất lớn cho ngành cà phê của tỉnh nói riêng và sự phát triển kinh tế nông nghiệp của Đắk Lắk nói chung. Nếu như giai đoạn 2006 - 2010, tốc độ tăng GDP của tỉnh bình quân đạt 11 - 12%/năm thì đến giai đoạn 2016 - 2020 đã tăng lên 12,5 - 13,5%/năm và quy mô nền kinh tế năm 2020 của tỉnh đã cao gấp 1,5 - 1,6 lần so với năm 2015", ông Dương đánh giá.

Mặc dù giai đoạn 2021 - 6/2022, Dự án VnSAT chỉ triển khai các hoạt động hỗ trợ cơ sở hạ tầng theo Luật Đầu tư công 2019 nhưng các tổ chức nông dân trong vùng Dự án vẫn duy trì phương thức sản xuất có kế hoạch, canh tác cà phê theo quy trình bền vững. Đặc biệt, nông dân đang dần chuyển sang hướng sản xuất cà phê chất lượng cao; cà phê được sơ chế theo công nghệ chế biến ướt, nhiều gấp 2,6 lần so với trước đây.

Bên cạnh đó, có 9 HTX đã nâng cao được công nghệ chế biến cà phê bột. Cụ thể, 7 tổ chức nông dân đã được dự án hỗ trợ cấp mã CODE. Ngoài ra, có 14 tổ chức nông dân đã áp dụng công nghệ trong sơ chế để cải thiện chất lượng nguyên liệu (cà phê thô), được hỗ trợ bao tiêu sản phẩm với diện tích được bao tiêu là 2.437 ha và tổng sản lượng được bao tiêu niên vụ 2021 - 2022 là 7.771 tấn.

Trang thông tin có sự đồng hành của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam - VnSAT

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.