| Hotline: 0983.970.780

Vợ chồng già và 6 đứa con của người mắc AIDS

Thứ Năm 02/08/2012 , 10:36 (GMT+7)

Sự ra đi của các con không chỉ để lại nỗi đau thương, hụt hẫng, mà còn đè nặng lên đôi vai gầy yếu của ông bà Ngọc trách nhiệm nuôi dạy 6 đứa cháu nội, ngoại nên người.

Căn nhà của ông Hắc Công Lùn và bà Lê Thị Ngọc nằm cheo leo trên dốc khu I, phường Hòn Gai, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Nơi cheo leo ấy là tổ ấm của cặp vợ chồng già và 6 đứa con của người nhiễm HIV/AIDS.

1. Nhìn ngôi nhà ngói 3 gian chắp vá, nhiều người biết ngay gia cảnh của đôi vợ chồng già Hắc Công Lùn (71 tuổi) và Lê Thị Ngọc (66 tuổi), từng là công nhân Xí nghiệp tuyển than Cửa Ông.

Giá trị nhất trong gian phòng khoảng 20 mét vuông là bộ bàn ghế gỗ đã cũ sờn. Chưa xong màn chào khách, ngước mắt lên nhìn đồng hồ, thấy đã hơn 11 giờ, bà Ngọc lại đứng lên để chuẩn bị bữa cơm trưa cho ông. Bữa cơm đạm bạc, chỉ có một miếng trứng ốp màu vàng nhạt kèm vài ngọn hành xanh, đủ để cho ông ăn no cái bụng.


Đường lên nhà bà Ngọc rất vất vả

Thấy có nhiều người lạ đến nhà, ông Lùn miệng ú ớ và hai hàng nước mắt chảy ra một cách vô thức. Miệng ông cũng chảy ra hai hàng nước miếng mà không thể ngăn. Thấy chồng như vậy, bà Ngọc liền cầm chiếc khăn tay để lau miệng, xoa khắp khuôn mặt nhăn nheo của chồng. Hai hàng nước mắt của bà cũng từ từ lăn dài trên khuôn mặt khi thấy người chồng mà bà hết mực yêu thương lại tiếp tục co rúm, ú ớ không thành câu…

Tai nạn xảy đến với ông Lùn vào một đêm tối của năm 2005. Lúc đó, ông Lùn đang ngồi xem ti vi, tự nhiên thấy hoa mắt, chóng mặt và nôn thốc nôn tháo. Sáng hôm sau đưa vào bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán ông bị tai biến do gặp gió độc.

Nằm viện điều trị đúng 1 năm, khi tất cả tiền bạc mà ông bà tích lũy lúc còn khỏe mạnh vừa hết thì sức khỏe ông Lùn khá lên chút ít và được bác sĩ cho về nhà tự điều trị. Gia đình cho ông điều trị tại nhà để có thể đỡ đần bà chút ít công việc gia đình. Thỉnh thoảng ông xách thùng đi khắp nhà hàng xóm để xin chút nước gạo, đồ ăn thừa về để bà nuôi mấy con lợn, tăng thêm thu nhập hàng ngày.

Thế nhưng, 3 năm trở lại đây, bệnh tai biến của ông ngày càng nặng hơn, ông không thể tự làm bất kể việc gì cho bản thân mà chỉ có thể ngồi 1 chỗ và cái miệng ú ớ không thành tiếng. Bà Ngọc trở thành “chân- tay- miệng” của ông khi ông Lùn muốn ăn hay muốn mặc. Cái gì cũng phải làm cho chồng, từ xúc cơm, rửa mặt, thay quần áo và kể cả lúc khi đi vệ sinh cá nhân. Gánh nặng dường như quá sức đối với một phụ nữ 66 tuổi này.

2. Với bà Ngọc, căn bệnh đến với người đàn ông mình hết lòng yêu thương chỉ là chút đau nhẹ trong cuộc đời đầy những bất hạnh của mình.

Sinh hạ được 4 người con nhưng cùng năm 2005, bà hai lần cạn nước mắt khi tiễn đưa hai đứa con (1 trai, 1 gái) chết vì bệnh AIDS. “Mà chúng nhiễm bệnh từ chính những người do tôi lựa chọn khi đến xin đến làm thuê tại xưởng bánh mỳ của bà”, bà Ngọc chua xót.


Vợ chồng ông bà Lùn - Ngọc

Rồi xưởng sản xuất bánh mỳ của bà vì thế càng vắng khách bởi chẳng ai muốn mua đồ ăn từ một “ổ AIDS”. Tủi thân khi trong đám tang của con mình, mọi người đều xa lánh, không dám đến gần và chứng kiến những ánh mắt kỳ thị của nhiều người “ném” vào người nhiễm HIV, bà càng quyết tâm nuôi 6 đứa cháu ăn học để vượt qua hoàn cảnh trớ trêu.

Sự ra đi của các con không chỉ để lại nỗi đau thương, hụt hẫng, mà còn đè nặng lên đôi vai gầy yếu của ông bà Ngọc trách nhiệm nuôi dạy 6 đứa cháu nội, ngoại nên người.

Chỉ trông vào 2 sổ lương hưu gần 4 triệu đồng, nhiều lần ông bà phải nhịn ăn để cho các cháu được no bụng mà yên tâm học. Thế nhưng, từ ngày ông Lùn mắc bệnh, chỉ biết ngồi 1 chỗ thì dường như gánh nặng đó quá tải đối với bà. Vì vậy, mặc dù xót xa, đau lòng lắm nhưng bà vẫn phải “đi gửi” 4 đứa cháu đầu cho người quen. Hiện nay, chỉ còn hai đứa là Hắc Văn Việt (13 tuổi) và Hắc Thu Trang (12 tuổi) đang học tại trường tiểu học Hạ Long đang ở cùng ông bà.

Chỉ sang đứa cháu ngoại có khuôn mặt khá xinh xắn, bà Ngọc bảo: Ông trời phú cho tôi có được cháu nào cũng có mặt mũi xinh xắn. Như con bé Trang đây này. Nó là cháu ngoại tôi nhưng lại mang họ Hắc bởi khi mới được 6 tháng tuổi, cả bố và mẹ nó đã mất vì nghiện ma túy. Thiếu thốn tình cảm bố mẹ nhưng bù lại, cháu nó học khá nhất nhà đấy, hai năm đầu tiên đạt học sinh giỏi, 2 năm sau thì tiên tiến.


Bé Trang ngoài giờ học tranh thủ giúp bà ngoại công việc gia đình

Quảng Ninh là tỉnh duy nhất của cả nước có CLB đặc biệt dành cho ông bà nuôi cháu mồ côi có bố, mẹ chết vì AIDS, mang tên "CLB Hoa Hướng Dương 2" (CLB Hoa Hướng Dương 1 là của những người phụ nữ bị HIV/AIDS).

Ra đời năm 2008, với 37 thành viên, nhưng đến nay, CLB này đã có tới 137 thành viên. Số thành viên tham gia ngày càng đông, nên hiện nay, CLB không thể sinh hoạt chung, mà phải chia ra theo cụm để tiện sinh hoạt.

Bà Phạm Thị Hiền, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hạ Long, cho biết: Đặc điểm chung của CLB này là các thành viên đều đã 70-80 tuổi, nhiều người đã 90 tuổi, sức yếu, tức là lẽ ra đã được nghỉ ngơi, dưỡng già, lại vẫn phải gánh vác trọng trách nuôi dạy những đứa cháu côi cút, bơ vơ. Trong đó, có 70% các cụ bà phải một mình nuôi cháu vì chồng đã mất. Chỉ một số ít người có lương hưu, còn 90% các cụ không có việc làm và thu nhập ổn định, nên đời sống của các gia đình này đều hết sức khó khăn.

Ngoài thời gian đi học ra, Trang còn tranh thủ giúp bà công việc vặt trong gia đình. Song, với bà Ngọc, niềm vui hạnh phúc nhất đó là cả 6 đứa cháu nhiễm bệnh bố mẹ cả.

3. Là gia đình “dẫn đầu” trong danh sách những gia đình có hoàn cảnh đáng thương, khó khăn và cần được giúp đỡ, ông bà Lùn cũng được vài ba đoàn công tác từ thiện đến thăm và biếu ít tiền để mua thuốc chữa bệnh cho ông. Thế nhưng đó là câu chuyện của 3 năm trước. Đôi mắt lại rơm rớm nước, bà Ngọc bảo: Lâu lắm rồi tôi chẳng được tiếp khách rồi.

“Bây giờ tôi chỉ có niềm mong muốn lớn nhất là các cháu được đi học mà không phải đóng học phí. Bởi chỉ có học thì chúng mới có cơ hội thoát khỏi nghèo khổ như ông bà, bố mẹ chúng”, bà Ngọc lại rơm rớm nước mắt.

Những ngày trên đất mỏ Quảng Ninh, hình ảnh về những căn nhà nghèo nàn, những người phụ nữ lưng còng tóc bạc đầu tắt mặt tối kiếm miếng ăn nuôi bản thân và nuôi cả những đứa cháu côi cút, gầy gò, mà mâm cơm vẫn cứ đạm bạc, mãi ám ảnh chúng tôi suốt chặng đường về.

Kinh tế khó khăn nhưng đó chưa phải là gánh nặng mà những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt này phải đối mặt. Họ còn phải chịu nỗi đau lớn hơn là sự kỳ thị, xa lánh của người đời. Những đứa trẻ mồ côi vì bố mẹ chết do AIDS khó tránh khỏi thái độ không thiện chí của nhiều người xung quanh, khiến các cháu luôn bị mặc cảm.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Người dân ĐBSCL sáng tạo, thích ứng tốt với xâm nhập mặn

ĐBSCL Trải qua các đợt ảnh hưởng xâm nhập mặn, người dân ĐBSCL tích lũy nhiều kinh nghiệm, chủ động, sáng tạo các giải pháp ứng phó trong mùa khô 2023 - 2024.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

'Hạ nhiệt' những 'điểm nóng' thiếu nước sinh hoạt

Những xã khu Đông huyện Phù Mỹ (Bình Định) luôn là 'điểm nóng' về thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô hạn, nhưng năm nay khu vực này đã được hạ nhiệt căng thẳng.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm