| Hotline: 0983.970.780

Vợ chồng lão nông nghèo hiến 300m2 đất chống dịch

Thứ Năm 16/04/2020 , 09:28 (GMT+7)

Tài sản chỉ 100 con vịt xiêm. Tiền không có, nhưng đất đai ông bà để lại thì nhiều, vậy là vợ chồng lão nông cắt ra 300m2 ủng hộ phòng chống dịch Covid-19.

Vợ chồng lão nông Bùi Đạo đồng lòng trích 1 phần trong diện tích đất mình đang sở hữu hiến cho Nhà nước nhằm góp phần chống dịch Covid. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Vợ chồng lão nông Bùi Đạo đồng lòng trích 1 phần trong diện tích đất mình đang sở hữu hiến cho Nhà nước nhằm góp phần chống dịch Covid. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Tâm nguyện của vợ chồng già

Thông tin vợ chồng lão nông nghèo hiến lô đất 300m2 có giá trị gần 400 triệu đồng nhằm ủng hộ cuộc chiến chống dịch Covid-19 đã khiến tôi chẳng màng cơn mưa bất chợt, lập tức dong xe máy lên đường.

Đến nơi, hình hài mặt mũi của tôi bị khuất lấp cả trong áo mưa, khẩu trang và mũ bảo hiểm, thế nhưng vừa thấy có người bước vào nhà, chẳng màng quen lạ, cặp vợ chồng lão nông đã đon đả mời tôi ngồi vào chiếc bàn đá đặt ở góc sân uống ly trà nóng cho đỡ lạnh.

“Chú thông cảm ngồi tạm ngoài này, bởi trong nhà không có đặt bàn ghế tiếp khách”, lão nông chủ nhà cất giọng trầm ấm nói.

Quả thật, căn nhà cấp 4 nằm sâu trong thôn Hòa Trung, xã Hoài Xuân (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) của vợ chồng ông Bùi Đạo (SN 1947) và bà Nguyễn Thị Năm (SN 1957) khá tuềnh toàng. Trong nhà đầy đủ các vật dụng cần thiết, nhưng tất cả đã cũ kỹ, không có cả bộ bàn ghế tiếp khách, chứng tỏ cuộc sống của đôi vợ chồng chủ nhà chẳng sung túc gì.

Nguyễn Thị Năm, vợ ông Đạo: “Hiện lô đất vợ chồng tôi hiến có giá gần 400 triệu đồng. Sắp tới huyện Hoài Nhơn lên thị xã thì đất này sẽ lên phường, biết là là đất đô thị sẽ có giá hơn, nhưng vợ chồng tôi không nghĩ ngợi gì về chuyện tiền bạc. Chúng tôi chỉ mong lô đất được bán đấu giá với giá cao để mua được nhiều thiết bị y tế cung cấp cho các y, bác sĩ đang vất vả ở tuyến đầu phòng chống dịch Covid. Cả con trai tôi cũng ủng hộ việc làm của cha mẹ”.

Điều này khiến tôi tò mò hơn vì sao vợ chồng lão nông không nghĩ đến chuyện bán lô đất kia để vun vén cho đời sống của mình, mà lại đi hiến đất cho Nhà nước để ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19.

Câu chuyện của chúng tôi được bắt đầu từ ý niệm khởi nguồn cho quyết định hiến 300m2 đất của vợ chồng lão nông Bùi Đạo.

Ông Đạo chậm rải kể: Vợ chồng ông có 4 người con, 2 trai 2 gái, nhưng tất cả đã có gia đình ở riêng nên hiện chỉ có 2 vợ chồng già nương tựa chăm sóc nhau.

Ban ngày, 2 vợ chồng ông chung tay chăm sóc 100 con vịt xiêm để tạo kế sinh nhai, đêm về 2 vợ chồng già chỉ biết “ôm” cái tivi để làm vui. Từ khi dịch Covid-19 nổ ra, chương trình thời sự trên ti vi tràn ngập thông tin về đại dịch diễn ra trên thế giới và trong nước.

Thông tin người dân các nước tiên tiến trên thế giới chết hàng nghìn người mỗi ngày do dịch đã khiến vợ chồng lão nông già khâm phục hơn sự chèo lái phòng chống dịch của đất nước mình.

Rồi những thông tin các nước giàu có trên thế giới đang thiếu trầm trọng trang thiết bị y tế trong công tác phòng chống dịch, đã khiến vợ chồng lão nông nghĩ đến các y, bác sỹ của đất nước mình đang vất vả trên tuyến đầu.

Hàng đêm xem ti vi, vợ chồng ông cứ thỏ thẻ với nhau mỗi câu chuyện: “Dịch giã kiểu này chắc đất nước mình đang cần lắm trang thiết bị y tế để chống dịch”.

Câu chuyện trên ám ảnh vợ chồng ông suốt thời gian dài. Sau khi xem chương trình thời sự phát tin Thủ tướng Chính phủ ra lời kêu gọi toàn dân ủng hộ phòng chống đại dịch Covid-19, hai vợ chồng ông Đạo liền bàn bạc với nhau việc tham gia ủng hộ phòng chống dịch.

Vợ chồng lão nông Bùi Đạo chỉ thửa đất vợ chồng ông hiến cho Nhà nước góp phần chống dịch Covid-19. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Vợ chồng lão nông Bùi Đạo chỉ thửa đất vợ chồng ông hiến cho Nhà nước góp phần chống dịch Covid-19. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Xem ti vi tôi thấy nhiều người già, người nghèo trên đất nước đang hồ hởi tham gia ủng hộ phòng chống dịch Covid-19, vợ chồng tôi bàn với nhau mình thì không có tiền, chỉ có khá nhiều đất đai ông bà để lại, mai này chết đi cũng không mang đất theo được, nên vợ chồng tôi quyết định cắt bớt 1 phần nhỏ hiến cho Nhà nước để góp phần với bà con.

Được vợ đồng ý, tôi xuống xã hỏi thủ tục. Được chính quyền xã hướng dẫn, vợ chồng tôi làm đơn hiến quyền sử dụng đất cho nhà nước lô đất ngang 5m, dài 60m, tổng cộng 300m2. Lô đất này sẽ được UBND huyện Hoài Nhơn bán đấu giá, lấy tiền xung vào quỹ phòng chống dịch”, lão nông Bùi Đạo cho hay.

Tấm thân còn hiến, kể gì lô đất

Nghĩa cử hiến 300m2 đất để góp phần phòng chống dịch Covid-19 của vợ chồng lão nông nghèo nhưng có tấm lòng cao cả đã khiến tôi hết lòng khâm phục, thế nhưng khi nghe thêm câu chuyện trước đó lão nông Bùi Đạo đã hiến tặng thân xác cho y học do vợ ông kể lại càng khiến tôi ngưỡng mộ ông hơn.

“300m2 đất kia thì kể làm gì, cả tấm thân của ổng mà ổng cũng đã tự nguyện hiến cho y học cách đây gần chục năm rồi”, bà Nguyễn Thị Năm, vợ ông Đạo nói mà không giấu được cảm xúc trân trọng người chồng của mình.

Lão nông Bùi Đạo chăm sóc đàn vịt xiêm, nguồn sống của 2 vợ chồng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Lão nông Bùi Đạo chăm sóc đàn vịt xiêm, nguồn sống của 2 vợ chồng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo lời kể của bà Năm, do chồng bà vốn làm nghề y học cổ truyền nên rất tâm đắc với y học. “Một hôm ổng bỗng tâm sự với tôi là con người chết đem đi chôn dưới đất mối mọt ăn hết phí quá, trong khi y học đang rất cần. Ông chồng tôi chỉ nói lấp lửng vậy thôi, nhưng tôi cũng đã ngầm hiểu ý định của ổng mà không nói ra.

Sau đó một thời gian, chồng tôi mới bày tỏ ý định muốn hiến tặng thân xác cho y học. Cũng với lập luận cũ là “con người chết đem đi chôn dưới đất phí quá”, ổng dẫn giải tôi nghe là y học đang rất cần cơ thể người chết để phục vụ công tác nghiên cứu hoặc cho sinh viên ngành y thực tập, nhất là nội tạng của mình hiến tặng là cơ hội sống cho rất nhiều người bệnh.

Nói quanh nói quẩn cuối cùng ổng thú thật là muốn hiến tặng thân xác cho y học”, bà Năm kể.

Nói đến đó, bà Năm không cầm được nước mắt, nghẹn ngào một chặp, bà nói tiếp: “Tôi không ngăn cản ý định của chồng, bởi việc làm của ổng là rất cao cả, được cả xã hội trân trọng. Thế nhưng tôi không thể không ngậm ngùi.

Bởi người xưa có nói, sống có cái nhà chết có cái mồ, đằng này ổng chết người ta mang xác đi mất, 6 tháng sau mới giao lại cho người nhà tro cốt, hỏi làm sao không buồn.

Nhưng nghĩ đi rồi nghĩ lại, nếu mình ngăn cản, chồng tôi không thỏa được tâm nguyện thì khi chết đi chắc gì ổng yên lòng nằm trong mồ yên mả đẹp. Thế nên tôi thuận theo ý nguyện của chồng”.

Bà Nguyễn Thị Năm tâm sự chuyện hiến tặng thân xác cho y học của chồng mình. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Bà Nguyễn Thị Năm tâm sự chuyện hiến tặng thân xác cho y học của chồng mình. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Vậy là vào cuối tháng 10/2012, bà cùng chồng ra Bệnh viện Trung ương Huế để làm thủ tục hiến tặng thân xác cho y học.

Cũng như chuyện hiến 300m2 đất góp phần vào cuộc chiến chống dịch Covid-19 của đất nước, chuyện lão hiến tặng thân xác cho y học vợ chồng ông Đạo rất kín tiếng vì không muốn để ai biết.

Ấy vậy nhưng “tai vách mạch rừng”, chuyện ông Đạo hiến xác cũng lọt đến tai dân làng. Khi ấy, vợ chồng ông nghe không biết bao nhiêu lời ong tiếng ve.

“Do con cái bỏ bê, nghèo khổ quá nên giờ ông Đạo phải bán thân xác để lấy tiền sinh sống”, đó là lời đàm tiếu cay nghiệt của dân làng nói về chuyện hiến thân xác cho y học của ông Đạo. “Khi ấy, chính quyền địa phương phải can thiệp mới dập tắt được lời bàn ra tán vào của dân làng về chuyện hiến xác cho y học của tôi”, lão nông Bùi Đạo bộc bạch.

“Vì gia cảnh, mới 13 tuổi tôi đã “lang bạt kỳ hồ” vào đến tận Sài Gòn làm ăn sinh sống. Thấy tôi còn nhỏ mà không nơi ăn chốn ở, chủ 1 hiệu thuốc Bắc ở Chợ Lớn nhận tôi làm con nuôi, sau đó dạy cho tôi nghề làm thuốc và tôi cưới vợ luôn trong đó. Năm 1976, em trai tôi là Bùi Văn Phê (SN 1957) hy sinh trong chiến dịch truy quét địch tại Quân khu 7, sau đó tôi mới dắt vợ con về quê nhà để thờ cúng cha mẹ và lập bàn thờ liệt sĩ cho em tôi”, lão nông Bùi Đạo chia sẻ.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm