| Hotline: 0983.970.780

VSA kiến nghị nhất thể hóa thẩm quyền cơ quan chủ trì cấp phép nuôi biển

Thứ Hai 22/07/2024 , 21:34 (GMT+7)

Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) cho rằng, ách tắc lớn nhất là thủ tục để giao khu vực biển còn phức tạp, sự phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước chưa tốt...

VSA gần đây đã có Văn bản số 39/2024/CV-VSA gửi đến Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị tháo gỡ ách tắc và thúc đẩy việc thực hiện Quyết định 1664/QĐ-TTg.

Văn bản nêu, để thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đề ra định hướng chuyển nuôi trồng hải sản từ phương thức thủ công truyền thống sang công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong mấy năm gần đây, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định, quyết định, tạo hành lang pháp lý cho việc thực thi Luật Thủy sản (sửa đổi) năm 2017, có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.

Theo Hiệp hội nuôi biển Việt Nam, nhìn chung nghề nuôi biển nước ta vẫn chưa tạo được những chuyển biến căn bản như yêu cầu của Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ảnh: Duy Học.

Theo Hiệp hội nuôi biển Việt Nam, nhìn chung nghề nuôi biển nước ta vẫn chưa tạo được những chuyển biến căn bản như yêu cầu của Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ảnh: Duy Học.

Đặc biệt, Quyết định số 1664/QĐ-TTg ngày 4/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Đề án) đã tạo một xung lực mới cho quá trình chuyển đổi nuôi biển thủ công, truyền thống, manh mún, lạc hậu và rất thiếu liên kết trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái; tạo ra sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu; giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho cộng đồng cư dân ven biển; góp phần bảo vệ an ninh, quốc phòng vùng biển đảo của Tổ quốc.

Theo tinh thần Đề án, nhiều tỉnh, thành ven biển đã xây dựng các kế hoạch phát triển nuôi biển theo hướng bền vững cho địa phương đến năm 2030. Nhiều doanh nghiệp và hợp tác xã đã tiên phong xây dựng những mô hình nuôi biển mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến và phương thức quản lý hiện đại; điển hình như hệ thống trại nuôi cá chẽm công nghiệp quy mô lớn kết hợp trồng rong biển của Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam tại Khánh Hòa; mô hình nuôi mực, trồng rong sụn và ốc hương bán tự nhiên của Công ty Cổ phần Mực nhảy Biển Đông tại Ninh Thuận; mô hình trang trại bằng lồng HDPE nuôi hàu, nuôi cá, trồng rong kết hợp du lịch trải nghiệm của Công ty Cổ phần STP tại Quảng Ninh...

Tuy nhiên, sau hơn 32 tháng triển khai, vẫn còn quá ít mô hình nuôi biển công nghiệp thành công với quy mô áp dụng được mở rộng; nhìn chung nghề nuôi biển nước ta vẫn chưa tạo được những chuyển biến căn bản như yêu cầu của Đề án, gây lo ngại cho việc đạt được các mục tiêu mà Thủ tướng đã đặt ra cho năm 2030 và những năm tiếp theo.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên, nhưng ách tắc lớn nhất là thủ tục để giao khu vực biển còn phức tạp và sự phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước chưa tốt; khiến cho đến nay vẫn chưa có địa phương nào giao được một khu vực biển nhất định với thời gian đủ dài (theo Luật Thủy sản đến 30 năm) cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và ngư dân, để họ có cơ sở pháp lý vững chắc đầu tư các cơ sở nuôi biển hiện đại, lâu bền.

Ngay cả những mô hình thành công như của Công ty Australis cũng chưa được giao vùng biển mới để mở rộng sản xuất tại tỉnh Khánh Hòa và Kiên Giang, mặc dù đã trình đề án vài năm.

Bên cạnh đó là việc chậm phê duyệt quy hoạch nuôi biển; thiếu các quy chuẩn, tiêu chuẩn, cơ sở pháp chế kỹ thuật nuôi biển; thiếu hệ thống đăng kiểm cơ sở nuôi biển; chưa có chính sách quản lý nghiêm minh và chính sách hỗ trợ cho phát triển bền vững nuôi biển, cho bảo hiểm nuôi biển; thiếu hệ thống đào tạo nghề cho đội ngũ lao động nuôi biển; thiếu sự phối hợp hiệu quả và yêu cầu hỏi ý kiến quá nhiều cơ quan quản lý Nhà nước...

Chúng tôi hiểu rằng, việc triển khai thực hiện Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn 28 tỉnh, thành ven biển là một sự nghiệp to lớn, khó khăn, phức tạp, rất cần có sự chỉ đạo trực tiếp và quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ.

Vì vậy, thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã và ngư dân nuôi biển cả nước, Ban Chấp hành Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam xin đề nghị Thủ tướng chủ trì một hội nghị toàn quốc với đại diện của cộng đồng nuôi biển trên cả nước, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), UBND các tỉnh, thành phố ven biển và các cơ quan quản lý Nhà nước hữu quan ở Trung ương và địa phương, nhằm rà soát, đánh giá thực trạng thực hiện Đề án trong 32 tháng vừa qua, xác định rõ những điểm nghẽn, ách tắc và các giải pháp thực tế tháo gỡ để đẩy mạnh việc triển khai thực hiện có kết quả Đề án.

Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam đề xuất, cần xem xét các chính sách để phát triển các cụm công nghiệp nuôi biển và cơ chế phối hợp nuôi biển với các ngành kinh tế biển khác như du lịch, điện gió, dầu khí, vận tải biển... Ảnh: Duy Học.

Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam đề xuất, cần xem xét các chính sách để phát triển các cụm công nghiệp nuôi biển và cơ chế phối hợp nuôi biển với các ngành kinh tế biển khác như du lịch, điện gió, dầu khí, vận tải biển... Ảnh: Duy Học.

Sau hội nghị, trân trọng kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo Bộ trưởng các Bộ, UBND 28 tỉnh, thành có biển và các cơ quan hữu quan xây dựng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và ban hành theo thẩm quyền các văn bản cần thiết sau đây:

Nghị định thay thế Nghị định 11/2021/NĐ-CP nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm bớt việc xin ý kiến của quá nhiều cơ quan, tổ chức, nhất thể hóa thẩm quyền cơ quan chủ trì cấp phép nuôi trên biển và giao khu vực biển ở địa phương.

Nghị định thay thế Nghị định 67/2014/NĐ-CP, quy định rõ các chính sách hỗ trợ bảo hiểm, tín dụng, đào tạo nhân lực nuôi biển.

Các quy chuẩn kỹ thuật nuôi biển, thủ tục đăng kiểm các cơ sở, phương tiện nuôi và phục vụ nuôi biển, bảo hiểm hoạt động nuôi biển.

Các chính sách để phát triển các cụm công nghiệp nuôi biển và cơ chế phối hợp nuôi biển với các ngành kinh tế biển khác như du lịch, điện gió, dầu khí, vận tải biển...

Xem thêm
Nuôi cua biển lột trong hộp nhựa bằng hệ thống tuần hoàn nước ở đô thị

TP.HCM Nuôi cua biển lột trong hộp nhựa bằng hệ thống tuần hoàn đang là xu hướng phát triển, giúp chủ động về năng suất, tăng hiệu quả kinh tế 10-20% so với nuôi truyền thống.

Nghề lưới vây thua lỗ, tàu cá nằm bờ

Quảng Nam Sản lượng đánh bắt giảm, giá cả hải sản thấp, tổn phí tăng cao khiến nhiều tàu cá làm nghề lưới vây ở Quảng Nam lâm vào cảnh thua lỗ, đành phải nằm bờ.

Người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới tính minh bạch của sản phẩm thủy sản

84,6% người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Con số này vượt xa mức trung bình toàn cầu là 71%.

Cứu 3 thuyền viên sà lan bị chìm trôi dạt trên biển

Kiên Giang Sà lan KG-49470 bị sóng đánh chìm trên vùng biển gần đảo Hòn Tre, 3 thuyền viên trôi dạt trên biển may mắn đã được lực lượng tìm kiếm cứu hộ cứu vớt an toàn.